Vài dòng về phỏng vấn và việc làm
Hôm nay đọc được bài viết "[Chuyện đi phỏng vấn] Nói như nào - diễn đạt ra sao?" của bạn Chuyện Đi Làm, mình định bình luận vào bài...
Hôm nay đọc được bài viết "[Chuyện đi phỏng vấn] Nói như nào - diễn đạt ra sao?" của bạn Chuyện Đi Làm, mình định bình luận vào bài viết đó nhưng thấy hơi dài nên viết ra một bài riêng vậy.
Hồi mới ra trường, mình làm CTV thực tập tuyển dụng, gặp một bạn ứng viên khá thú vị. Trong khi chờ phỏng vấn và sau khi phỏng vấn, bạn đó thường đứng nói chuyện nhiều với các ứng viên khác. Tuy phỏng vấn xong từ 9h sáng nhưng bạn đó ở lại đến tận 12h - khi kết thúc buổi phỏng vấn. Sau khi nói chuyện một lúc, bạn đó chia sẻ rằng thường xuyên đến sớm và ở lại đến cuối buổi phỏng vấn để quan sát và nói chuyện với các ứng viên khác, vừa tìm hiểu thêm thông tin ở các công ty khác, vừa đánh giá được các ứng viên khác đang ở tầm nào, cơ hội của bản thân là bao nhiêu. Lúc đó mình có cảm giác như bạn này là nhà tuyển dụng chứ không phải mình !
Sau này, khi đi làm vài năm rồi, mình có thói quen thỉnh thoảng đi phỏng vấn và gửi hồ sơ đi ứng tuyển - tự gửi hồ sơ khi biết có vị trí hay hoặc gửi hồ sơ khi được headhunt gọi. Mình thấy việc này có 2 ưu điểm, một là để biết năng lực và mức lương của mình đang ở đâu trên thị trường lao động; các doanh nghiệp khác đang trả cho vị trí và công việc mình đang đảm nhiệm ở mức nào. Hai là các doanh nghiệp khác đang triển khai những gì, có các xu hướng, cập nhật mới nào trong ngành. Nếu lâu lâu không có công ty nào tự gọi điện để mời bạn đi phỏng vấn hoặc hồ sơ bạn gửi đi mà bặt vô âm tín thì tự hiểu tình trạng của mình như thế nào đấy :))
Với kinh nghiệm của mình, mình hoàn toàn đồng ý với bạn Chuyện Đi Làm. Thị trường lao động ngày nay rất mở, ranh giới giữa các ngành mờ đi rất nhiều so với trước đây. Việc ứng viên đi phỏng vấn là để tìm công việc và môi trường phù hợp với bản thân, là việc đàm phán bình đẳng giữa hai bên chứ không phải "xin việc". Và mình thấy rằng, sếp nào hay công ty nào phỏng vấn mà hay hỏi những câu hỏi kiểu như "quy định này ở điều thứ mấy của Luật lao động", "quy trình xyz có mấy bước",... tóm lại là những câu hỏi theo kiểu học thuộc lòng, thì thường những sếp hoặc công ty đó "không thú vị", không có tư duy mở. Mình đánh giá những câu hỏi như vậy mang tính đánh đố, học thuộc lòng và hoàn toàn không cần thiết, bởi lẽ:
1. Không thể đánh giá tất cả kiến thức, kỹ năng của một ứng viên chỉ qua 30 phút hay vài tiếng phỏng vấn.
2. Những câu hỏi như trên không đánh giá được nhiều về ứng viên, quan trọng là cách họ tư duy và xử lý vấn đề như thế nào. Kiến thức của những câu hỏi như trên nếu cần sử dụng thì mang văn bản ra xem chi tiết, chỉ cần biết nó ở văn bản nào để tra cứu là được.
Ngược lại, những sếp hay công ty hỏi những câu hỏi mở, thiên về kinh nghiệm, trải nghiệm của ứng viên thì thường sẽ mang đến những cơ hội mở và trải nghiệm tốt hơn khi bạn làm việc cùng.
Nhân đây cũng nói luôn về việc ứng viên "chém gió" trong buổi phỏng vấn. Mình không ủng hộ việc chém gió quá đà hoặc hư cấu quá, nhưng việc làm đẹp hồ sơ cũng như lung linh hơn cho kinh nghiệm, trải nghiệm của bản thân là cần thiết. Bởi lẽ dù bạn có năng lực hay không, thì phải qua vòng phỏng vấn đã thì mới có cơ hội để thể hiện năng lực hay nhiệt tình đó trong công việc, đừng trông chờ nhà tuyển dụng phải đãi cát tìm vàng.
Còn trong buổi phỏng vấn, có quá nhiều bài viết và hướng dẫn rồi. Mình thấy rằng thể hiện sự tự tin, nhiệt tình và ham học hỏi của bản thân thì bạn sẽ luôn có cơ hội cao trong những buổi phỏng vấn. Công ty nào thì cũng cần những người làm được việc và nhiệt tình trong công việc, dù năng lực ứng viên còn có điểm hạn chế.
Tạm dừng ở đây đã, hôm nào nghĩ ra thêm mình sẽ viết tiếp :D
Cảm ơn các bạn đã theo dõi.
Chuyện trò - Tâm sự
/chuyen-tro-tam-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất