Vài dòng về cuốn "Tâm từ" của thiền sư Ajahn Brahm
Tâm từ là một tập sách mỏng, viết về chủ đề quyen thuộc trong đạo Phật - tâm từ bi. Không biện giải, ít lập luận, đánh giá, cuốn sách...
Tâm từ là một tập sách mỏng, viết về chủ đề quyen thuộc trong đạo Phật - tâm từ bi.
Không biện giải, ít lập luận, cuốn sách chỉ gồm một tập các bài viết và chỉ dẫn ngắn gọn, về chút ít kinh nghiệm của một nhà tu hành. Vì vậy nên, nếu một người đọc sách với tốc độ trung bình, thì có thể đọc xong chỉ trong một buổi sáng.
Tuy nhiên, mình lại thích đọc nó một cách thật nhẩn nha và thưởng thức. Lật một vài trang trong mỗi buổi sáng mùa xuân, nghe tiếng chim hót ngoài cửa vào dịp nghỉ Tết Nguyên Đán. Và lại tiếp một vài trang vào mỗi buổi tối đi làm về, lúc yên tĩnh bên ngọn đèn, để hong lại tâm hồn có chút ít ủ dột nơi cuộc sống phố thị.
Thế mà cũng đã dòng dã 1 tháng mình mới đọc xong, nhân lúc này cũng viết lấy 1 vài cảm nhận, nhớ nghĩ đến đâu thì mình viết đến đấy, cũng không có dàn ý gì.
Mình rất thích lối viết ngắn gọn và trong sáng của tác giả. Mỗi một chủ đề chỉ gồm 2, 3 đoạn ngắn, xen kẽ với 1 vài câu ngắt có tính gợi mở. Và thỉnh thoảng, có những chủ đề chỉ có một đoạn thôi ^_^. Nên trong sách có rất nhiều khoảng trống. Viết ít mà không bị đơn điệu, đó là 1 điều cực kỳ khó. Lối hành văn tự nhiên và có phần hóm hỉnh, khiến người đọc có cảm giác ngồi trước một thiền sư kiệm lời, thư thái với khuân mặt hàm tiếu, luôn dễ mỉm cười. Có lẽ cuốn sách được viết từ một tâm hồn trong trẻo với rất nhiều khoảng không như thế.
Cảm giác của mình, mỗi khi lật qua từng trang sách, giống như một người kia, khi đang trong đêm đông giá rét, được đến gần đống lửa ấm áp, đang bập bùng cháy. Người ấy trước tiên hơ bàn tay đã cứng đơ đến trước, rồi khuôn mặt, và đôi chân. Thấy hơi ấm lan vào trong quần áo, các cơ bắp dần dần duỗi ra, cơ thể trở nên mềm mại và dễ chịu. Nếu có 1 tấm gương lúc ấy, mình nghĩ là mình có thể nhìn thấy đôi lông mày đang dãn ra, sau 1 ngày có nhiều bộn bề và căng thẳng.
Tâm từ qua mỗi trang sách, tỏa ra hơi ấm như thế, nó làm cho tâm hồn con người như được sưởi ấm, hồi sinh và tươi tỉnh lại, trở nên mềm mại và dịu dàng, giống như một ngọn lửa ấm áp. Bởi như chính tác giả đã viết “Hầu hết người tập thiền đều thấy, người khó yêu thương nhất, khó trao lòng trắc ẩn nhất chính là bản thân họ”.
I. Từ bi và Trí tuệ
Nhiều người vẫn thường nghĩ lòng từ bi trong đạo Phật giống như lòng thương sót vô bờ bến tới tất cả chúng sinh. Cho nên tình thương ấy có chút gì tiêu cực, thụ động và mông muội, tựa như một người mẹ quá thương yêu con, nên dung túng cho cả sự ngỗ nghịch của con, dẫn đến nuông chiều con. Vì vậy mà ở nước ta, cứ mỗi dịp đầu xuân, lại có biết bao người đến chùa cầu khấn, để được Phật gia hộ, được Bồ tát cứu độ khỏi bể khổ. Mọi người thường nghĩ, tâm từ giống như một vị Bồ tát, chỉ cần nhấc máy, là Bồ tát sẽ chạy đến cứu mình. Nếu chỉ thấy như vậy thôi, thì e rằng ngay cả Bồ tát cũng không cứu được Bồ tát nữa.
Vì sao hiểu biết ấy chưa thật trọn vẹn. Tâm từ trong đạo Phật, một khía cạnh khác, ấy chính là hoa trái của trí tuệ. Từ bi cũng là trí tuệ, giống như 2 mặt của một chiếc lá. Khi một chồi xanh vươn ra thành chiếc lá, chiếc lá ấy cùng có cả mặt trên và mặt dưới. Khi một người đạt đến hiểu biết trọn vẹn, thì lòng từ bi sẽ tự nhiên khởi sinh, như bông hoa bưởi nở ra trong đêm xuân, hương thơm tự nhiên tràn đầy khu vườn. Và ngược lại, tâm từ cũng giúp tăng trưởng trí tuệ, và đó mới là trí tuệ chân thật, tâm từ cũng một pháp môn tu tập trong đạo Phật, giúp đưa đến giải thoát, thành tựu giác ngộ. Giống như hạt bưởi, khi khéo reo trồng, cũng mọc ra cây bưởi. Cuốn sách Tâm từ viết về pháp môn ấy.
Như trong cuốn ‘Đường xưa mấy trắng’ có một câu mà mình vẫn nhớ mãi: “Không hiểu biết thì không thể thương yêu. Hiểu biết chính là thương yêu.”
Khi một người đặt tiền, và chắp tay thành tâm trước tượng Bồ Tát, Bồ Tát mới chỉ quanh quất đâu đấy thôi. Nhưng khi người ấy thấy xót xa cho ai trong hoàn cảnh khó khăn, muốn giúp đỡ một hoàn cảnh éo le mà không cầu được biết đến, chính lúc ấy, Bồ Tát thật sự xuất hiện, không chỉ cứu giúp cho người ngoài kia, mà còn cho cả người khởi lên tâm ấy. Một tình thương rộng lớn, nồng nàn, vô điều kiện, chính là hạt giống của trí tuệ vô phân biệt, chiếu sáng cho con người vượt qua những khúc mắc, trướng ngại trong đời.
Chỗ còn thiếu - chính là mình cho rằng sự cứu giúp sẽ đến từ bên ngoài, lòng từ bi đến từ bên ngoài, Bồ tát là ai đó ở bên ngoài. Thật ra lòng từ bi ngay trong tâm mình, Bồ tát cũng chính ngay trong ấy.
Thầy Thích Thanh Từ từng kể, về một thiền sinh hay than thở rằng, mình tu mà người nhà không cho, hay nói “Tôi phát tâm tu mà người nhà không cho tôi tu”, có khi lại nói “Tôi tu mà cứ hay bị quỷ nó phá”. Rồi thầy nhắc nhở “mình tu mà thấy người thân thành quỷ hết, thế thì là tâm ác chứ đâu là tâm thiện nữa”. Đôi khi mình đến với đạo Phật, mong tìm cầu Bồ tát ở đâu đâu, mà quên mất Bồ tát ở trong mình.
Khi ngọn gió mang theo áng mây bay qua dãy núi, ngọn gió không thấy mình mệt nhọc, buồn tủi, mà sao con người cũng đi qua cuộc đời lại có quá nhiều khổ đau, nhọc nhằn như thế. Có phải đều do mình mà ra hay không?
Giống như thầy Ajahn Brahm nói ở trên: “Hầu hết người tập thiền đều thấy, người khó yêu thương nhất, khó trao lòng trắc ẩn nhất chính là bản thân họ”
Khi một ngọn lửa được thắp lên, tức thì ngọn nến trở nên ấm áp, tất cả mọi vật xung quanh cũng được ấm áp theo. Mọi giá lạnh, mệt mỏi sẽ được xoa dịu. Đối với cây nến, ánh sáng và hơi ấm là một, ngay khi cây nến có ánh sáng, nó đem lại hơi ấm, và ngược lại, ngay khi cây nến được đốt cháy, nó sẽ tỏa ra ánh sáng. Từ bi và trí tuệ cũng như thế. Nhưng tâm từ cũng cần được vun trồng để nảy nở và tươi xanh. Trong đạo Phật quán tâm từ cũng là một pháp môn.
II. Tâm từ cũng cần được vun trồng
Con người rất dễ nhầm tâm từ với tình cảm yêu thương thông thường khác, có liên hệ trực tiếp hay vi tế với bản ngã và vị kỷ. Người ta thường thiên về phía ấy, khiến cho tâm từ bị chìm khuất dần trong một kiếp nhân sinh. Với truyền thống Bắc tông, tâm từ gắn liền với phép tu đầu tiên trong lục độ pháp môn là Bố thí Ba La Mật. Tuy nhiên, cuốn sách viết theo truyền thống Nam tông, nên gắn liền vời thiền định và các phép quán.
Cuốn sách được viết dựa trên kinh nghiệm của thiền sư Ajahn Brahm, nó không nhằm giải thích các khái niệm, mà là những lời chỉ dẫn ngắn, đôi khi là những đoạn chia sẻ để người tu vượt qua những khúc mắc. Ví dụ như làm sao để an định trong thiền tập, nên xử lý thế nào khi gặp cảm xúc khó chịu, nên quán như thế nào để làm khởi phát và nuôi dưỡng tâm từ, làm sao để thực hành có hiệu quả, … Vì vậy, có lẽ đối tượng chính của cuốn sách có lẽ là dành cho các tu sỹ. Tuy nhiên, đối với những người sơ cơ, - ví như mình, mình thấy cũng có thể đọc hiểu được phần nào, nương theo đó để tự quan sát lại mình, sửa đổi mình, hướng mình theo con đường chính đáng và gieo những nhân tốt đẹp.
Mình rất muốn viết gì thêm nữa, gần gũi hơn với nội dung của sách, nhưng kinh nghiệm thực hành ít ỏi, kiến thức còn nông cạn, nên không giám lạm bàn. Bạn đọc xin tự đọc và cảm nhận. Sau này, có thời gian đọc lại và trải nghiệm, có lẽ mình sẽ bổ xung thêm, để có nhiều thông tin hơn.
III. Một chút ít về tác giả
Ajahn Brahm là thiền sư Phật giáo Nguyên Thủy người Anh gốc Úc, tu theo truyền thống Rừng Thiền (Forest Meditation). Là môn đệ của thiên sư Thái Lan Ajahn Chah.
Khán Vân Hiên, Mùa xuân - 17/02/2025
Thanh Phong

Tham khảo
[1] Đường xưa mây trắng, Thiền sư Thích Nhất Hạnh
[2] Bài giảng: Tu là dừng, chuyển và sạch nghiệp, Thiền sư Thích Thanh Từ
[3] Bài giảng: Tu trong bận rộn, Thiền sư Thích Thanh Từ
[4] Thiền tông Việt Nam cuối thế kỷ 20, Thiền sư Thích Thanh Từ

Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất