Ba năm học cấp 3 cứ thế trôi đi mất. Thú thật, bản thân tôi cũng còn khá nhiều điều hối tiếc. Nhưng nếu được chọn lại con đường mình đã đi, tôi cũng vẫn sẽ chọn đi con đường này. Lý do thì cũng đơn giản thôi. Những kinh nghiệm mà tôi đã trải qua cũng có thể coi như là trọn vẹn. Thứ mà tôi hối tiếc đó chính là thời gian. Tôi đã lãng phí quá nhiều thời gian vào những việc không đâu. Để rồi khi nhìn lại chỉ có lại cái cảm giác khó chịu này.
Mọi chuyện phải kể đến rất lâu rồi, từ khi tôi còn nhỏ. Giai đoạn ấy kinh tế còn khó khăn, dẫu vậy việc học hành của tôi vẫn được ba mẹ ưu tiên trước hết. Quan niệm của mọi người hết sức đơn giản và thiết thực: chỉ có học hành thật giỏi mới có thể thay đổi được vận mệnh. Câu nói ấy mang một trọng lượng không tưởng.
Bắt đầu từ mẫu giáo, cuộc sống của tôi chỉ đơn thuần là tìm tòi những kiến thức hay và thú vị mà thôi. Ở nhà có vài cuốn sách toán cũ nên thi thoảng rảnh rỗi tôi vẫn hay lấy ra đọc. Mẹ tôi thấy thế thì cũng dành thời gian ra bày tôi học toán và cũng dự định sẽ cho tôi học năng khiếu toán sau này. Quyết định ấy cũng khá dễ hiểu vì một lần nữa, đối với đa số mọi người thì môn toán là môn học khó nhất, đòi hỏi tư duy và suy luận sắc bén. Nói tóm lại là một môn học có thể coi là “đỉnh cao” trong tất cả các môn học. Vì vậy nên tôi cũng không thắc mắc lắm khi mẹ tôi lại quyết định đầu tư cho tôi học toán. Nhưng quãng thời gian ấy không thực sự vui vẻ lắm. Cuộc chạy đua với kiến thức biến thành cuộc chạy đua thành tích.
Người thầy đầu tiên của tôi, tất nhiên là mẹ. Mỗi buổi chiều sau khi đi làm về thì mẹ tôi lại lấy sách toán nâng cao ra bắt tôi ngồi lên bàn học. Sau khi dành thời gian đọc và làm các bài tập toán ấy thì tôi nhận ra tôi cũng không được nhanh nhạy cho lắm. Tôi còn nhớ mãi chương đầu tiên mà mình được học là về số chẵn và số lẻ. Hai khái niệm đơn giản nhưng tôi đọc mãi cũng chả hiểu được. Rốt cuộc như thế nào là chẵn và như thế nào là lẻ. Sách cũng chả giải thích rõ ràng nữa. Thế nào là số chẵn cơ chứ. Giờ nghĩ lại tôi thấy cũng buồn cười thật. Và tất nhiên là tôi bị mẹ mắng cho một trận vì tưởng rằng tôi học không nghiêm túc. Vấn đề làm tôi đau đầu tiếp theo là số liền trước và số liền sau. Có lẽ tôi không có duyên với mấy khái niệm viết theo dạng nhị nguyên cho lắm. Bài kiểm tra số học đầu tiên về số liền trước và số liền sau tôi làm sai gần hết. Những câu hỏi dạng như: số liền trước của 49 là số nào. Lúc ấy tôi chỉ nghĩ ngây thơ rằng số liền trước thì số ấy đứng ở phía trước thôi nên đáp số là 50. Cuối cùng sau ngày đi học hôm đó ba mẹ tôi bị cô giáo điện mắng vốn. Thật là tôi cũng chịu, chỉ vì một bài kiểm tra mà điện luôn phụ huynh hay sao. Lúc ấy tôi nghĩ thế thật, nhưng sau này nhìn lại thì mới thấy thật là nghiêm trọng khi có một bài kiểm tra điểm thấp trầm trọng như thế. Sau đợt ấy thì ba mẹ bắt tôi ngồi lại trên bàn và làm hết một đống bài tập về số liền trước và số liền sau. Thú thật, có làm mãi thì tôi vẫn sai thôi vì có ai giải thích cho tôi rốt cuộc hai cái khái niệm đó là gì đâu cơ chứ. Sau cùng tôi cũng chịu nghiêm túc hơn và chấp nhận cái khái niệm ấy như một công thức. Dần dần nó thành phản xạ, mỗi khi thấy cụm “số liền trước” thì tôi liền nghĩ ngay đến việc trừ 1, việc làm tương tự với “số liền sau”. Nói chung là chán, thực sự rất chán. Ban đầu khi học toán, tôi nghĩ mình sẽ được dành thời gian ra nghiên cứu và học thứ gì đó thú vị chút. Sau cùng là lại đi ngồi giải mấy cái phương trình rồi cộng trừ nhân chia khiến tôi thấy chán nản vô cùng. Mục đích học như vậy cuối cùng cũng là để thi các cuộc thi toán năng khiếu. Thời ấy của bọn tôi thì có cuộc thi toán Olympic Online. Thi trên một trang web của bộ giáo dục. Kì thi ấy cũng khá nổi, tổ chức nhiều vòng thi từ cấp trường, quận, thành phố cho tới quốc gia là cấp cao nhất. Rồi lại thi tiếng anh, thi toán tiếng anh. Đủ thứ thể loại kì thi. Ba mẹ tôi cũng bỏ tiền ra cho tôi đi học thêm chỗ này chỗ kia. Và cứ thế lặp đi lặp lại cho tới hết 5 năm học tiểu học.
Nhưng khoảng thời gian học hành thi cử ấy cũng có cái giá của nó. Tuy chán thật nhưng những thành tích thi cử ấy cũng giúp tôi có vé vào một trường cấp 2 khá có tiếng ở thành phố. Tôi bước vào cấp 2 với một tâm thế vô cùng thoải mái. Thật sự là vậy. Tôi cũng chả quan tâm gì đến việc thi cử hay học hành nữa. Ba mẹ tôi cũng không lo quá nhiều về việc học hành của tôi nữa. Tôi vừa lên cấp 2 thì nhà tôi cũng chuyển đi nơi khác. Mọi chuyện đến quá đúng lúc, như báo hiệu cho sự khởi đầu của một hành trình mới.
Khi lên cấp 2 tôi gần như bị choáng ngợp bởi môi trường mới này.
Đầu tiên là về văn hóa học đường. Ngày đầu nhập học, tôi đội một chiếc mũ lưỡi trai và lấy một chiếc áo sơ mi cũ làm áo khoác. Tôi rất tự hào về sự kết hợp này, vì ở xóm cũ của tôi, bất cứ thằng con trai nào cũng có cho mình một set đồ như vậy. Nó như là đồng phục nhóm của tụi tôi vậy. Thực ra tôi cũng chỉ học lỏm tụi nó mà tôi. Giờ ra chơi nào tụi tôi cũng chia đội để đi đá banh. Và tôi thấy thằng nào cũng mặt cái áo khoác như vậy, mục đích chính tất nhiên là để che nắng rồi. Lúc ấy tôi chưa có khái niệm gì về việc mặc áo khoác đấu. Mỗi ngày đi học chỉ đơn thuần là quần xanh áo trắng mà thôi. Nhưng sau ngày hôm đó, tôi mới về nhà lục lọi trong tủ đồ của mình để kiếm mấy cái áo sơ mi như vậy. Phải loại đúng mốt nữa, phải là loại có caro hoặc kẻ sọc. Khá thú vị các bạn ạ, đó có thể coi là quá trình tiếp thu văn hóa đầu tiên của tôi. Nhưng sau khi lên cấp 2 thì ở trường tôi chả ai chơi kiểu như vậy cả. Lúc đầu tôi cũng còn khá bỡ ngỡ, vẫn giữ nguyên suy nghĩ rằng: có lẽ mình chưa gặp được mấy thằng như vậy thôi. Nhưng rất nhanh vài tuần sau đó thì suy nghĩ đó của tôi bị dập tắt hoàn toàn. Lớp tôi gần như không ai thích ra ngoài chơi đá banh vào giờ ra chơi cả. Cả trường cũng vậy, mọi người ai cũng ở trong lớp và bắt đầu lấy sách vở ra học. Vài người thì ngồi thảo luận về game với bạn bè. Còn tôi thì chỉ ngồi im một chỗ vì không biết phải nói gì cả. Tôi quyết định sẽ làm gì đó để thay đổi một chút. Tôi bắt đầu chơi game, con game mà tôi chọn là Liên minh huyền thoại, con game nổi nhất lúc bấy giờ. Không thằng con trai nào mà không biết cả, tới mức một thằng hiếm khi chơi game như tôi cũng từng nghe về nó. Tôi chơi bằng con laptop mà mẹ mua cho mình. Tất nhiên là giấu mẹ mà chơi rồi vì nếu để biết thì coi như xong. Phải thú nhận một điều là chơi game đem lại cảm giác kích thích hơn học toán nhiều. Và thế là hành trình nghiện game của tôi bắt đầu. Vài buổi sáng hôm sau trong lúc tan học ra về tôi có bắt gặp 2 đứa bạn chung lớp. Tụi nó đang thảo luận với nhau về cái trò Liên minh huyền thoại ấy. Tôi phấn khích và tới bắt chuyện với hai người đồng đội kia. Tụi tôi trò chuyện khá vui vẻ và cuối cùng quyết định lập thành một team để cày game. Mỗi buồi chiều, cứ đều đặn 3h ngủ dậy bọn tôi không hẹn mà online trong game, rồi cứ thế cày game cho đến khi trời tối. Nghiện game như vậy nên tôi học hành cũng chả khá khẩm lắm. Và điều gì đến rồi cũng sẽ đến. Đó là lần đầu tiên tôi nếm trải được sự đáng sợ của ba chữ “dò bài cũ”. Tiết học đầu tiên của tuần, người đầu tiên bị gọi lên dò bài cũ trong 4 năm cấp 2 chính là tôi. Phải nói là tôi khá xui xẻo khi bị gọi lên ngay lần đầu tiên như vậy. Tất nhiên điểm số mà tôi nhận được là con số 0 tròn trĩnh rồi vì tôi có học cái quái gì đâu. Thậm chí tôi còn chưa hiểu được cái văn hóa dò bài cũ này của cấp 2, khi đa phần học sinh tiểu học gần như chả cần kiểm tra bài cũ mà chỉ làm các bài kiểm tra đánh giá mà thôi. Tôi bắt đầu lo sốt vó và bắt đầu lấy sách vở ra học hành lại. Ba mẹ tôi cũng ngỏ lời bảo tôi đăng ký vào lớp luyện thi gần nhà để bắt đầu học dần. Tôi chọn 3 môn toán và tiếng anh, thực ra có thêm môn lí nữa nhưng tôi chưa chọn vội vì cũng không biết môn học đó ra sao. Hai môn toán và tiếng anh thì đều phải thi đầu vào, đậu thì mới được học. Tôi đành phải gác lại con game đang chơi dở để ôn thi vào lớp học thêm. Mọi thứ bắt đầu vào guồng quay của nó khi tôi bắt đầu thích nghi được với môi trường học đường mới này
Cuộc sống học đường cấp 2 của tôi cứ thế trôi đi. Dần dần tôi cũng trở nên thân thiết hơn với các bạn trong lớp. Bọn tôi bắt đầu hẹn nhau đi chơi, rồi cùng nhau cúp học đi net. Đối với tôi, mỗi khi nhớ lại những năm tháng học trung học thì những ký ức trên hiện ra đầu tiên. Những ký ức thật đơn giản và cũng thật đẹp. Có vài ba người bạn thân rồi cùng nhau sống hết mình những ngày tháng cấp 2 quả thật rất tuyệt vời. Dường như tôi đã rất tận hưởng quãng thời gian vô lo vô nghĩ, tận hưởng hết mình khoảng thời gian vui vẻ trên. Nhưng chuyện gì đến thì cũng sẽ đến. Bước ngoặt xảy đến khi tôi lên lớp 8. Thành tich học tập của tôi bắt đầu tụt dốc không phanh và có dấu hiệu không theo kịp bạn bè cùng trang lứa. Đỉnh điểm là tôi từ một học sinh đạt điểm top đầu trong lớp toán lúc mới nhập học, nhưng sau một thời gian học thì tôi lại tụt xuống vị trí gần chót bảng xếp hạng. Bạn học bắt đầu bán tán về điểm số và bố mẹ tôi cũng biết điều đó. Họ bắt đầu thúc giục tôi học hành cho đàng hoàng. Lúc đầu thì tôi không quan tâm lắm, nhưng những tác động của xã hội bắt đầu ảnh hưởng tới tôi từng chút một. Tôi bắt đầu nhận thức ra được tình hình hiện tại nghiêm trọng như thế nào. Thú thật, tôi chưa từng suy nghĩ thật kĩ về ước mơ của mình suốt những năm tháng học cấp 2. Tôi thích nhiều thứ nhưng không thực sự quá xuất sắc ở mảng nào. Tôi thích toán, nhưng tôi lại không thích việc phải thi cử những cuộc thi méo mó như vậy. Nên vì vậy tôi cũng bỏ bê việc học toán tiếp vì đối với tôi lúc bấy giờ, học chỉ là để thi chứ không còn vì mục đích gì cả. Và thế là tôi chọn cứ tiếp tục vui chơi vô lo vô nghĩ. Nhưng nỗi sợ ấy ngày một lớn dần. Nỗi sợ về một tương lai không rõ ràng cụ thể. Tôi đã trở nên quá tham lam, cuộc sống khi đó đã buộc tôi phải đưa ra quyết định ngay tại ngã rẽ đó. Tôi không thể muốn đồng thời cả hai thứ được. Tôi vừa muốn học giỏi hơn, nhưng cũng không muốn vì việc học mà đánh đổi đi những niềm vui này. Thế thì tôi phải lựa chọn như thê nào mới hợp lí. Nếu như tôi lựa chọn từ bỏ, chấp nhận một điểm số tạm ổn và thi vào một trường cấp 3 công lập ở thành phố. Hay lựa chọn vào lớp luyện thi để thi vào trường chuyên lớp chọn. Xa hơn một chút, cái ý định thi vào trường chuyên này đã được manh nha kể từ khi tôi còn học lớp 6. Ba mẹ tôi đã hướng cho tôi thi vào trường chuyên nên ngày từ những ngày đầu đã cho tôi đi học các lớp luyện thi. Nhưng tâm trí tôi lúc đó thì không quan tâm cho lắm vì ý niệm của tôi về trường chuyên khá là mơ hồ. Tôi không thực sự muốn thi và vào học một môi trường mà bản thân còn chưa biết rõ, cho nên tôi cũng không chú ý để ôn thi vào đó cho lắm. Nhưng giờ khắc này tới buộc tôi phải đưa ra một quyết định cho cuộc đời mình. Cuộc đời mình sẽ rẽ hướng theo cách nào sẽ do bản thân mình quyết định. Chắc các bạn cũng đã từng như vậy nhỉ, khi phải đứng ở giữa lằn ranh như vậy và buộc bản thân đưa ra một lựa chọn mà chính mình còn không chắc chắn. Lựa chọn học trường chuyên có vẽ sẽ đảm bảo cho bản thân một tương lai xán lạn hơn. Mọi người đều bảo rằng trường chuyên là nơi tập hợp những học sinh tài năng nhất của cả thành phố, là nơi tri thức hội tụ. Những học sinh được học trường chuyên sẽ được phát triển tối đa điểm mạnh của bản thân, đảm bảo trở thành những người tài giỏi trong xã hội sau này. Bây giờ nghĩ kĩ lại, quyết định của tôi khi học và thi trường chuyên lúc ấy chỉ đơn giản là vì những định kiến như trên. Về việc tương lai của bản thân sẽ được đảm bảo khi thi đậu trường chuyên. Cảm giác chắc chắn ấy giúp tôi cảm thấy an toàn hơn phần nào và vì vậy tôi quyết định thi vào trường chuyên theo ý định của ba mẹ, và một phần cũng vì tương lai của bản thân.
Nhưng tất nhiên, mọi chuyện không hề đơn giản như vậy. Câu chuyện lúc này mới bước sang một chương khác. Khoảng thời gian từ giữa năm lớp 8, bọn tôi phải nghỉ học ở nhà vì dịch Covid. Đối với tôi, một kẻ sống buông thả, thì quãng thời gian ấy thực sự khá khủng khiếp. Tôi hoàn toàn không biết bản thân nên làm gì cả. Ý định thi vào trường chuyên thì vẫn còn đó nhưng tôi phải làm gì bây giờ. Trong lúc những đứa bạn của tôi ngồi học thì tôi lại đi chơi game. Cuối cùng vào lúc mọi người đã nắm được phần lớn thông tin thì tôi lại ngồi đây không biết làm gì. Không có một định hướng từ đầu tới cuối, và nếu có bắt đầu lại thì cũng quá khó. Và thế là lại tuyệt vọng, tôi quyết định buông xuôi và không làm gì cả. Vài tháng sau khi nghỉ dịch ở nhà, cuộc sống của tôi chỉ đơn giản là ăn, chơi game rồi lại ngủ. Ba mẹ tôi đã ngừng can thiệp quá nhiều vào việc học hành của tôi khi lên cấp 2 nên cũng chả nhắc nhở gì nhiều.
Nếu cứ tiếp tục như vậy thì cuộc đời của tôi sẽ chẳng đi về đâu. Tôi cũng dần nhận ra vấn đề sau khi để tâm trí mình trôi đi trong sự buồn chán quá lâu. Cuối cùng tôi lựa chọn thỏa hiệp với chính bản thân mình và bắt đầu ngồi vào bàn học.
Thực ra lúc này tôi vẫn chưa hiểu rõ điều gì thôi thúc bản thân mình ngồi xuống học mà chỉ nghĩ đơn thuần rằng bản thân mình chỉ muốn tìm kiếm điều gì đó thú vị để làm mà thôi. Tôi bắt đầu học toán trở lại. Lục lại bộ sách cũ trên kệ và đọc lại từ đầu. Sau đó tôi đã tìm và đăng ký một thầy luyện thi chuyên toán có tiếng ở trên thành phố và bắt đầu con đường ôn thi từ đây. Giai đoạn đầu thực sự khó khăn vì tôi không thể theo kịp mọi người sau một quãng thời gian dài bị bỏ lại phía sau. Nhưng rất nhanh sau đó, tôi nhận ra mình vẫn còn yêu thích môn toán lắm. Sau khoảng vài năm thử nghiệm đủ thể loại các môn chuyên khác nhau, từ lí, hóa, sinh cho tới tiếng anh, cuối cùng tôi cũng quay về đây và chọn trung thành với môn toán. Tôi thích toán và dường như có một động lực vô hạn thúc đẩy tôi tiếp học học vậy. Lần đầu tiên thực sự cảm nhận được niềm vui, niềm đam mê khi cống hiến hết mình cho một môn học. Tôi bắt đầu học một cách điên cuồng hơn, như để bù đắp lại cho quãng thời gian sống buông thả kia. Tôi bắt đầu đi ngủ muộn và dậy sớm hơn, đồng thời cũng học toán mọi lúc, như thể đổi với tôi, toán không còn là một môn học nữa, mà nó là một thứ gì đó tôi sẵn sàng đánh đổi để cống hiến hết mình. Trong lúc học, tôi cũng đã kết bạn được với nhiều người cũng như tích lũy được những kinh nghiệm học tập rất quý báu.
Và nỗ lực nào cũng được đền đáp. Tôi thi đậu trường chuyên của thành phố. Kết quả không phải quá xuất sắc nhưng cũng thuộc dạng tạm chấp nhận được cho nên tôi cũng khá hài lòng.
Khoảnh khắc cầm trên tay bộ đồng phục của trường chuyên, trong tôi lẫn lộn những cảm xúc khó tả. Nói đúng hơn thì đó chính là cái cảm giác ước mơ của mình được trở thành hiện thực. Đối với tôi lúc đó trường chuyên vẫn là thứ gì đó rất xa vời. Được học tại trường chuyên có thể coi như là niềm vinh dự không chỉ với tôi mà còn là của cả gia đình mình. Nhưng…tôi của hiện tại, vào thời điểm viết những dòng này đã không còn thực sự nghĩ như vậy nữa. Không phải vì tôi xem nhẹ hay bác bỏ những công sức của bản thân. Cụ thể thì tôi có thể nói như sau đây:
Vào trường chuyên thì đại đa số các học sinh sẽ có 2 lựa chọn, nếu nói đầy đủ hơn thì sẽ là 3. Lựa chọn đầu tiên, những học sinh nào có đam mê và muốn tiếp tục theo đuổi để đạt đến đỉnh cao trong môn chuyên thì hãy tham gia kì thi học sinh giỏi quốc gia. Lựa chọn thứ hai đó chính là đi du học. Lựa chọn thứ ba là học bình thường rồi thi đại học thôi.
Mỗi lựa chọn đều có những vấn đề riêng của nó. Đầu tiên, với những học sinh lựa chọn theo đuổi kì thi học sinh giỏi quốc gia thì phải bắt đầu học ngay từ khi bước chân vào trường. Tôi chọn theo con đường này vì lúc đó bản thân tôi vẫn còn khác đam mê với môn toán và quyết định theo đuổi nó tời cùng. Tôi bắt đầu những ngày tháng ôn luyện miệt mài từ những ngày đầu tiên của năm học. Gần như thời gian của cả một ngày tôi chỉ tập trung vào việc học toán. Nhà trường cũng tạo điều kiện tối đa cho những học sinh ôn thi HSGQG nên tôi cũng không quá lo lắng về điểm số trên trường. Việc ôn thi như vậy, tất nhiên phải có cái giá của nó. 3 năm học tôi gần như không có quá nhiều bạn vì gần như phần lớn thời gian trên trường tôi dùng để ôn thi cho nên không mấy khi tiếp xúc với các bạn trên lớp. Đặc biệt những học sinh được vào đội tuyển quốc gia sẽ có chương trình học riêng tách biệt nên sẽ được học ở các phòng bộ môn hoặc thư viện. Tôi đã dành đúng 2 năm để lui tới những nơi như vậy, cộng thêm 1 năm đầu tiên do ảnh hưởng của dịch Covid nên tôi cũng không lên trường. Tóm lại 3 năm học của tôi chỉ quanh quẩn trên lớp được có mấy tháng còn lại là ở nhà để ôn thi. Đánh đổi như vậy thì đãi ngộ cũng rất tốt nên tôi cũng không phàn nàn gì, bản thân tôi cũng đã lựa chọn đi theo con đường này nên những điều như vậy tôi hiểu rất rõ. Nếu bản thân không chấp nhận hi sinh cho thứ mà mình muốn, thì một ngày nào đó tôi phải hi sinh thứ còn lớn hơn nữa. Quá trình học thực sự rất thú vị, nếu như không tính đến những méo mó trong việc thi cử, thì việc dành thời gian nghiên cứu như vậy đã rèn luyện con người tôi rất nhiều. Tôi bắt đầu kiên nhẫn hơn, vì toán vốn dĩ rất khó, đặc biệt là toán chuyên thì lại càng khó, nếu như bản thân người học không kiên nhẫn, chỉ muốn học vội, học qua loa thì sẽ không đem lại kết quả gì. Tôi cũng bắt đầu học cách xem xét mọi thứ xảy ra xung quanh mình một cách logic hơn, đó cũng là lối tư duy thường thấy của dân học toán. Sẽ thật tuyệt nếu như những giá trị cốt lõi như vậy đều được mọi người nhìn thấy và phát huy. Nhưng có lẽ điều đó rất khó xảy ra được. Nguyên do theo tôi nghĩ có lẽ là như sau. Trước hết, như tôi đã nói ở trên, trường chuyên ban đầu được mọi người kì vọng là nơi đào tạo tinh hoa cho xã hội. Nhưng cái kì vọng đó đã bị bóp méo một cách tệ hại.
“Những giá trị của trường chuyên ban đầu như đào tạo nhân tài, chăm chỉ vượt khó và xây dựng đội ngũ lao động mới mạnh mẽ với tinh thần cống hiến cho đất nước, thì nay đã bị “lợi dụng” để trở thành một nơi cạnh tranh cho những cơ hội cao hơn trong học tập, để có chỗ đứng tốt hơn trong xã hội hay được đi du học, hoặc đó là nơi để những gia đình khá giả có thể thể hiện bản thân mình cũng như giữ vững vị thế và hình ảnh “tinh hoa” trong mắt xã hội. Chính sự biến tướng và lạm dụng một cách hình thức những giá trị này đã khiến cho những định kiến và rập khuôn của xã hội về trường chuyên có cơ sở thực tế để tồn tại”
Trích sách “Học trường chuyên – những góc nhìn đa chiều”
Bản thân tôi ít nhiều cũng bị ảnh hưởng bởi cái tư tưởng đó, nhưng dù sao thì tôi cũng đã nhận thức ra được và thoát được khỏi những xiềng xích đó. Mọi người mù quáng chạy theo hai chữ thành tích đó bởi lẽ cũng có lí do. Thành tích nó là một thứ hữu hình, cầm được, thấy được cho nên mọi người dễ dàng chấp nhận nó hơn. Còn vốn dĩ những giá trị hình thành nên nhân cách cũng như giá trị của một con người thì lại dễ dàng bị bỏ qua. Những thứ như vậy rất khó để thấy được. Mọi người quá nóng vội để đạt được những thứ như vậy, phải chăng cũng vì cảm giác căng thẳng khi phải cạnh tranh trong một xã hội khốc liệt như vậy, thì việc có sẵn vài thành tích trong tay sẽ giúp bản thân trở nên sáng giá hơn. Điều đó vô tình tạo nên một làn sóng tiêu cực khi cả xã hội chỉ chạy theo những giá trị thành tích nhất thời. Những suy nghĩ ấy đã tác động lên tư tưởng của rất nhiều học sinh, làm cho mọi người có cái nhìn lệch lạc về những lựa chọn của bản thân. Đối với mình, học QG, đi du học hay thi đại học chung quy lại là lựa chọn riêng của mỗi người. Vì cuộc sống được quyết định bởi những lựa chọn nên yếu tố đầu tiên mà ta cần có đó chính là phải đủ tỉnh táo để theo đuổi nó. Đừng để những yếu tố phát triển ấy bị ảnh hưởng bởi 2 chữ thành tích quá, như vậy vốn dĩ đâu còn là giáo dục, mà nó là như là một cuộc chạy đua vũ trang khốc liệt, chuẩn bị cho sự ganh đua và dần dần biến tướng thứ vốn dĩ cao đẹp như nghề giáo thành thị trường mua chữ. Còn đối với mình hiện tại, trường chuyên hay trường thường nó chỉ là yếu tố bên ngoài mà thôi. Mình không hề phủ nhận tầm quan trọng của trường chuyên mà chỉ đơn giản muốn nói rằng, hãy luôn tỉnh táo đừng để bị cuốn theo những định kiến ấy. Điều quan trọng nhất vẫn chính là nằm ở bản thân mình mà thôi. Các bạn có thể thi rớt, các bạn có thể thất bại trong cuộc chạy đua thành tích nhưng hãy luôn nhớ rằng, đừng bao giờ thất bại trong việc định hình bản thân mình. Điều đó là quan trọng nhất và cũng là điều mình thấm thía nhất trong suốt 3 năm cấp 3 đầy thăng trầm này. Mình cũng trải qua rất nhiều kì thi, rút ra được rất nhiều bài học xương máu. Có những bài học phải trả giá bằng sức khỏe, thời gian, tiền bạc, rất nhiều thứ. Nhưng quan trọng nhất vẫn là quá trình mà mọi người đạt được những điều đó. Vì trong quá trình đó, mọi người có thể nhìn nhận lại bản thân, xem xét lại những giá trị của xã hội và từ đó rút ra được nhận xét của bản thân mình về cuộc sống xung quanh. Chúng ta thường hay xem nhẹ những điều đơn giản như vậy mà chỉ chăm chăm tập trung vào việc đi đến đích, chứ không thực sự đặt ra câu hỏi, cần phải đi như thế nào. Vì vậy, hãy luôn tỉnh táo, chỉ đơn giản như vậy thôi.
img_0