Hôm trước đọc bài "viết về chuyện viết trên Spiderum" của tác giả Trà Kha mình đã muốn comment 1 điều gì đó, thế nhưng hôm nay mình mới nhận thấy một thứ rất có liên quan đến bài viết ấy. Vậy nên mình quyết định viết riêng 1 bài về sự liên quan giữa việc Viết bài trên Spiderum với bệnh thành tích.

Có thể các bạn thấy bệnh thành tích là một cái gì đó đặc trưng trong ngành giáo dục (đúng hơn là trong tất cả các ngành nghề, nhưng chúng ta hay nói tới bệnh thành tích trong ngành giáo dục). Chúng ta đều mong muốn xoá bỏ bệnh thành tích, muốn được học thật, làm thật, đánh giá thật. Chúng ta muốn được nói lên ý kiến của mình, muốn môn văn học được viết theo cách của mình, không phải theo văn mẫu. Qua rất nhiều bài viết, quan điểm đã đọc được trên Spiderum, mình thấy các bạn trẻ nhắc đến điều đó nên mình nghĩ nó là đúng, là cái có thực.
Vậy nhưng ở một khía cạnh khác, khi chúng ta được viết, được bày tỏ quan điểm một cách thoải mái thì chúng ta lại...không biết nói gì, không biết viết thế nào. 
Các bạn có thể thấy việc viết 1 bài trên Spiderum khó khăn thế nào chứ? Ở đây không ai cấm bạn viết. Bài viết của bạn cũng không bị chấm điểm, đánh giá học lực hay báo cáo cho phụ huynh, mà chỉ là những bình luận, những upvote, downvote mà thôi. Thế nhưng bạn có thể cảm nhận được những áp lực từ lời bình, từ những lần downvote chứ (hay áp lực khi 1 bài viết không có ai upvote)? Nó khiến bạn chùn bước, đắn đo khi viết ra một điều gì đó. Bạn luôn băn khoăn: mình viết thế có hay không, mình viết thế có đúng không, rồi sợ viết ra không ai đọc, không ai nghe, không ai quan tâm, hoặc tệ hơn là viết ra bị người ta chê, người ta bình luận thiếu thiện chí... Bạn có tự hỏi tại sao bạn lại bị áp lực, tại sao bạn lại sợ những thứ đó không?
Đó chính là bệnh thành tích đấy. Khi làm bất kỳ điều gì, chúng ta có xu hướng muốn được đánh giá tốt điều ta làm, được người khác chú ý, quan tâm, được cổ vũ động viên, được ủng hộ... Về bản chất đó chính là những thành tích. Số upvote, số lời khen, top bài viết... đều là các mức điểm đánh giá cả thôi. Bạn không thích điểm thấp, muốn bài viết được điểm cao. Hầu hết ai đã bỏ công viết đều muốn điều đó (tôi không ngoại lệ, và tôi đọc thấy Trà Kha cũng từng quan tâm điều đó). Vậy nên bạn đừng nghĩ bệnh thành tích chỉ có trong trường học, trong môn học bắt buộc, mà nó có ở mọi nơi, mọi người, mọi hoạt động trong xã hội. Vấn đề là ít khi chúng ta nghĩ về điều đó. Chúng ta thường nghĩ bệnh thành tích là của chung, của người khác, của 1 bộ phận nào đó, chứ chúng ta ít khi nghĩ bản thân mình cũng vậy.
Việc mong muốn có thành tích tốt là chính đáng, là tự nhiên và là động lực để bạn trở nên tốt hơn, hoàn thiện bản thân hơn. Có đánh giá, nhận xét, phản hồi bạn mới biết mình tốt ở đâu, yếu ở đâu, cần cố gắng gì, thứ bạn làm ra có ích không... những điều đó giúp bạn điều chỉnh, đi đúng hướng, tạo ra những điều có ích cho xã hội.
Khi đối chiếu với những người viết tốt, bạn nhận thấy mình kém cỏi. Ý kiến mình đưa ra không được đánh giá cao, ít quan tâm, ít bình luận... khiến bạn chán nản. Điều đó cũng hoàn toàn tự nhiên và bình thường. Bởi vì bạn ít khi nêu quan điểm riêng, ít khi viết, ít khi tạo ra một thứ hữu hình nên sản phẩm của bạn đâu tốt ngay được. Bạn cũng không nổi tiếng, chưa đóng góp nhiều cho cộng đồng... thì đâu có ai để ý. Vậy lý do gì để bạn kỳ vọng bài viết của mình được nhiều upvote, được nhiều người đọc, bình luận? Phải chăng là bệnh thành tích?
Nếu bạn quên đi bệnh thành tích, bạn sẽ thấy việc:
+ viết bài -> trôi vào quên lãng, 
+ bình luận -> bị phản bác 
là rất bình thường (đôi khi là tất yếu). Vấn đề là thứ bạn viết, lời bạn nói thực sự chưa đủ ấn tượng, chưa được đánh giá cao, chưa có giá trị. Bạn thử tự đánh giá điểm cho chính mình xem? Bạn thử tự tìm ra những điểm hổng trong lập luận để phản bác ý kiến của chính mình xem? Không gì tốt hơn là tự mình khắt khe với chính mình. Bởi như thế bạn sẽ sống thật, thành tích thật, không bị ảnh hưởng bởi người khác, bởi những lời nhận xét không thật (chỉ bạn mới biết điều gì là phù hợp cho bạn, còn đâu phải mọi lời nhận xét đều đúng, kể cả đó là lời khen).
Và nếu bạn không viết thì lấy gì để nhận xét? Được viết nhưng không viết, được nói nhưng không nói, được nắm quyền nhưng không hành động, vậy thì có đúng là bạn đang là người bị ảnh hưởng bởi bệnh thành tích không? Nếu nhìn rộng ra bạn sẽ thấy: giáo viên cũng muốn cho bạn viết theo ý bạn lắm chứ, nhưng những gì bạn viết ra không được đánh giá cao, không được điểm cao, sẽ ảnh hưởng tới tâm lý của chính bạn, tới thành tích khác của chính họ. Vậy nên họ chọn giải pháp an toàn là yêu cầu bạn viết theo dàn ý cho sẵn. Đó là 1 sự an toàn, nhưng đồng thời nó khiến bạn không phát triển được. Bạn cũng vậy và họ cũng vậy. 
Muốn thay đổi thế giới, trước hết bạn phải thay đổi chính mình, bạn nhé!