Sau trận chiến đẫm máu. Musashi bỏ chạy một quãng xa khỏi tử địa và gục ngã giữa trời đông lạnh giá, bởi vì vết thương ở bắp chân phải bị tổn thương quá nặng. 
Phúc lớn mạng lớn, Musashi được cậu bạn thân Matahachi cõng về Kim Phúc Tự để cho sư Takuan và nàng Otsu (thanh mai trúc mã của Musashi) chăm sóc. 
Trong ba đêm nằm an dưỡng vết thương tại Kim Phúc Tự. Musashi liên tục gặp thấy ác mộng. Trong cơn mơ, anh nhìn thấy bọn trẻ đang đi tìm cha của chúng, những người vợ tìm chồng của họ tại cánh đồng xác chết, nơi mà Musashi đã hạ gục 70 người. Không thể chịu nổi cơn ác mộng kéo dài. Anh choàng tỉnh và hét lớn vì đau khổ và sợ hãi.
Độc ảnh cảnh - ác mộng của Musashi.
Độc ảnh cảnh - ác mộng của Musashi.
Nỗi đau về tinh thần chưa kịp kết thúc thì cơn đau thể xác lại hạ gục tinh thần của anh, đó là cái chân phải đã tàn phế. Cái chân là dấu hiệu cho thấy 22 năm bỏ bao nhiêu công sức vào kiếm đạo. Giờ là hư vô. Dấu hiệu này còn đau gấp trăm lần nỗi đau của sự hối hận nữa. 
Rõ ràng từ trước đến nay, bao nhiêu lần anh khai ngộ nhiều bài học phật pháp từ chuyển hóa nỗi đau và trải nghiệm Không của lão sư Hozoin, công án thiền Vô Đao ý niệm thiên hạ vô song của Yagyu Sekishusai, và cả Bất động trí thần diệu lục của Takuan, để rồi đạt tới đỉnh cao của Kiếm Đạo. Nhưng tại sao Musashi đau khổ đến vậy? Hà cớ gì anh ta không thể thoát khỏi khổ đau của xứ Phù Thế?

Trong Tam Pháp Ấn có ba thứ: Mọi sự là Đau Khổ, mọi sự là Vô Thường, mọi sự là Vô Ngã.

Thực ra, dù có thành đạo tới đâu, con người vẫn đau khổ. Thích Nhất Hạnh nói: “Bụt có khổ, nhưng vì Bụt biết cách khổ cho nên Ngài khổ rất ít”[1]. Tất nhiên, một số học giả còn cho rằng chén canh nấm độc không giết chết đức Phật, mà chính nỗi đau về cái chết của Mục Kiền Liên khiến đức Phật đau khổ và sớm “nhập Niết Bàn”.
Vậy, lời giải thích chính xác cho đau khổ của kẻ thành đạo là đến từ đâu? 

Bản chất của “ruộng tâm”

Theo Duy Thức Tông, mỗi người đều có Tàng Thức chứa đựng các hạt giống Phật tánh. Tàng Thức được ví như thửa ruộng của tâm, trong đó cất chứa các hạt giống tích cực và tiêu cực, giống như đất ruộng có hạt cỏ và hạt lúa. 
Mảnh đất tiếp nhận tất cả các tác nhân bên ngoài một cách trực tiếp với thái độ không đặt vấn đề, không nghi vấn, không so đo, không kỳ thị, không suy đoán. Đất chỉ làm đúng vai trò của nó, đó là tiếp nhận tất cả các điều kiện từ bên vào, cho đến khi đủ điều kiện thì hạt giống sẽ lập tức trồi lên phát triển và đậu quả dù chủ thể có thích hay không thích hạt giống nào đó[2].
Như trường hợp của Musashi là 22 năm đi trên con đường Kiếm Đạo chân chính. Mỗi lần anh hạ thủ người khác với thái độ vô niệm, là một lần anh gieo vào Tàng Thức những điều kiện giúp cho các hạt giống tiêu cực có cơ hội nảy sinh. Vì thế Musashi trở nên hối hận, khi trong mơ anh thấy gia quyến của kẻ thù đau khổ vì mất người thân.
Người trong thiên hạ cũng vậy, họ nghe tin Musashi chiến thắng liên tục như chẻ tre thì thông tin đó đã tưới tẩm vào Tàng Thức của thiên hạ. Tất nhiên, ban đầu họ không có ý niệm săn đuổi gì Musashi cả. Cho đến lúc Musashi đánh bại 70 người của phái Yoshioka, thông tin về trận đại chiến chấn động tới mức nó đã lan truyền trên khắp Nhật Bản chỉ trong 3 ngày. Tất nhiên, sự kiện này chính là chìa khóa kích hoạt các hạt giống tiêu cực bên trong Tàng Thức của người trong thiên hạ. Ác duyên đã hội tụ đủ đầy. Các hạt giống lòng tham về danh hiệu THIÊN HẠ VÔ SONG bắt đầu trồi lên và sai khiến những kẻ háo danh săn đuổi Musashi. 

Vọng Thức: Phôi thai cấu thành Mạt Na Thức ngã chấp.

Việc trị liệu tâm của Musashi là một vấn đề nan giải, vì Tàng Thức của Musashi đang sinh ra một lớp màng che phủ là Vọng Thức - phôi thai cấu thành Mạt Na Thức (thức thứ 7), nó khiến cho chủ thể Musashi hiểu lầm Mạt Na Thức là Tàng Thức. Từ đó, người ta sinh ra ngã chấp bởi thức thứ 7 này.
Đây là con quỷ Mạt Na Thức trong anh ta, nó được cấu thành từ 3 loại hạt giống:
Con quỷ Mạt Na Thức - thứ đang che mắt Musashi.
Con quỷ Mạt Na Thức - thứ đang che mắt Musashi.
- Vô minh: Tâm trí không sáng suốt, mờ ám. - Triền sử: Triềntrói buộc, Musashi bị trói buộc vào vòng xoáy chém giết. Sửsai khiến, thói quen nghiện ngập đấu kiếm sinh tử để bảo tồn thiên hạ vô song, bản thân anh ta không thể dừng cơn thèm khát này. - Ái nhiễm: Tâm thức bị dính bẩn bởi sự yêu thích kiếm đạo[3]
Về mặt nhận thức. Mạt Na Thức tạo ra cái thấy sai lầm về thế giới, về đối tượng mà chủ thể đang thấy. Trong mắt nó, cái thấy về thế giới khách quan là đới chất cảnh[4]. Đới chất cảnh là cái thấy luôn suy diễn về mọi đối tượng xung quanh chủ thể, Musashi nhìn vào bức tường thì nhìn thấy nạn nhân của anh ta đang đau khổ. Khi Musashi nghe người khác nói về cháu trai của lão Yagyu đang làm Chỉ Nam Tướng Quân cho Mạc Phủ thì anh ta liền so sánh: “Ta mạnh hơn hay hắn mạnh hơn?”.
Về mặt bản chất. Mạt Na Thức luôn bị 4 tâm sở phiền não tham, si, mạn, kiến khuấy động sinh ra ngã chấp, vì Mạt Na ngã chấp nên nó tham luyến vào Ngã Ái, Ngã Si và vướng vào Ngã Kiến và Ngã Mạn.
Thứ nhất, đối với Ngã ÁiNgã Si: Hai cái này khiến cho Musashi có tình yêu với kiếm đạo tới mức si mê. Tất nhiên, vì sự si mê với kiếm đạo nên anh luyến tiếc đau khổ sau 22 năm công cốc do chân bị tàn phế. 
Thứ hai, Mạt Na Thức còn vướng vào Ngã Kiến. Ngã Kiến là một cái thấy về ngã, bao gồm thường kiến và đoạn kiến:
- Người thấy Thường Kiến cho rằng sau khi chết, bản ngã của họ trường tồn vĩnh cửu ở thế giới bên kia. Họ tin rằng có cõi Tịnh Độ của Phật A di đà - nơi linh hồn họ trở về. 
Thường kiến của đệ tử kiếm phái Yoshioka
Thường kiến của đệ tử kiếm phái Yoshioka
- Người thấy Đoạn Kiến là Musashi, anh ta nghĩ rằng thân xác hủy hoại thì bản ngã cũng hủy hoại theo. Cho nên cuộc đời anh ta cứ mãi dấn thân vào cõi chết, coi thường mạng sống của chính mình. Mặc kệ niềm khao khát muốn sống của 70 người mà anh đã từng hạ sát.
Cuối cùng là Ngã Mạn. Mạn là những suy nghĩ so sánh hơn thua với người khác, luôn tìm mọi thủ đoạn đánh bại người khác. Cho nên mỗi khi nghe tin một ai đó mạnh hơn Musashi, thì Musashi khởi tâm A tu la mong muốn chiến đấu với người hơn mình [5].
Mạt Na có tính cách Ngã Mạn.
Mạt Na có tính cách Ngã Mạn.

Tháo gỡ vướng mắc.

Takuan hiểu rõ Duy Thức Tông, ông nhận ra Musashi bị vướng kẹt vào con quỷ Mạt Na kia. Takuan nói một câu giúp anh nhìn vấn đề theo góc nhìn tích cực hơn: “Đây chẳng phải là ý trời đã không còn muốn ngươi chém giết nữa sao!” 
Câu gợi ý không hề hấn gì đến một kẻ ngã chấp nặng nề.
Sau đó, Takuan liên tục nói những câu khích bác để kiểm tra tình trạng tâm thức của Musashi:
“Ngươi chém 70 người, bây giờ thấy được điều gì? Hay chỉ là càng chìm đắm vào sợ hãi trong bóng tối mênh mông?”
Musashi ngoái lại sau lưng, nhìn vào bức tường và thấy độc ảnh cảnh đến từ giấc mơ. Anh thấy những đứa trẻ đang khóc than bên xác chết của những người cha. Anh thấy mình không phải là người, anh chỉ là con quái thú.
Musashi quán tưởng ra hậu quả của trận đại chiến 70 người: Đau khổ dành cho những đứa trẻ mất cha.
Musashi quán tưởng ra hậu quả của trận đại chiến 70 người: Đau khổ dành cho những đứa trẻ mất cha.
Một hồi sau, anh ta nói được một câu với thái độ hối hận, nhưng còn luyến tiếc với Kiếm Đạo: “Con đường mà tôi đã đi đến giờ…”
Takuan cắt ngang và tạt nước vào mặt anh ta: “Ngươi vẫn chưa thoát khỏi ngã chấp hay sao?” “Này... Ngươi vẫn chưa rõ “đạo” đó đang bế tắc như nào ư? Tay ngươi đang đẫm máu, và cái “tự ngã” cố chấp, cứ như vậy thì sẽ chẳng tiến được thêm chút nào đâu.”
Vì tham luyến vào Ngã Ái, Ngã Si, cho nên Musashi nhìn lên trời oán than: “Bảo tôi vứt bỏ kiếm? Từ bỏ? Đã khó nhọc gây dựng bằng cả sinh mạng. Cố sống cố chết đến được đây…” Anh hét lớn: “ÔNG TRỜI!!! ÔNG TRỜI TƯỚC ĐOẠT KIẾM KHỎI TAY TA!? LÀM GÌ CÓ CHUYỆN ĐÓ!!!”
Takuan khuyên học trò nếu muốn trưởng thành hơn nữa thì phải tạm gác kiếm đạo, cưới nàng Otsu và xuất thế làm quan - phục vụ cho cháu trai của lão Yagyu Sekishusai là Yagyu Munenori đang làm CHỈ NAM TƯỚNG QUÂN. Con quỷ Mạt Na Ngã Mạn trong anh nghe vậy liền so sánh năng lực của nó với với Munenori.
Ông tiếp tục hỏi dồn anh ta: “Sinh mạng của con người là gì?”
Musashi đáp: “Đó là chiến đấu, những kẻ sinh ra vì kiếm, sống vì kiếm. Thì dẫu có bị chém chết cũng chẳng oán hận”. Câu trả lời này chính là dấu hiệu cho thấy Musashi chỉ nhìn thấy đoạn kiến. Vì vậy, Takuan mới phản bác lại: “Từ trong thâm tâm ngươi cũng đã hiểu không thể đoạt mạng sống của người khác, đâu phải ai cũng muốn một chí nguyện giống ngươi?”
Takuan nhắc lại lời nói của lão thánh kiếm Yagyu Sekishusai: 
“Thanh kiếm rồi phải đút vào bao, thanh kiếm trơ trọi thì tâm nhìn ai cũng ra kẻ thù và nó sẽ gây hại cho ngươi”
Phật đạo của Takuan cũng vậy, lời nói của Phật tử cũng có sát thương như vũ khí. Vì vậy, một Phật tử phải có chánh ngữ hay ái ngữ. Nếu một lời ái ngữ đã nói ra, thì lời nói đó sẽ không gây ra bất kỳ tổn thương nào cho bản thân và người khác.
Tương tự tiền bối Takuan Soho (Takuan và Nhất Hạnh là đồng môn Lâm Tế Tông), hậu bối Thích Nhất Hạnh đã nói: 
“Bụt biết võ thuật, có thể ngài ấy trên thực tế đã nhờ vào những kỹ năng này để bảo vệ bản thân khỏi Devadatta và Angulimāla. Nhưng trong các bộ kinh, Bụt lại dùng lời nói và lòng từ bi của mình để cảm hóa người khác[…] Có nhiều cách để bảo vệ mình. Và giết chóc chỉ là giải pháp cuối cùng. Bạn phải tự bảo vệ mình, bạn phải tự bảo vệ đất nước của mình. Nhưng có nhiều cách bất bạo động mà bạn phải sử dụng trước khi bạn nghĩ đến phương tiện cuối cùng là bạo lực”[6] 
Tóm lại, Phật tử nếu đã thành đạo thì cũng giống như một võ sĩ. Người đó phải sống làm sao để tránh các cuộc xung đột bắt nguồn từ căn nguyên xấu ác là Mạt Na Thức. Và tất nhiên, nếu người nào bất đắc dĩ dùng tới bạo lực, thì bạo lực chỉ là phương án cuối cùng, giống như cái cách mà Musashi đã tự bảo vệ mình trước 70 người đã cố gắng giăng bẫy sát hại anh ta.

Takuan có câu trả lời cho Trung Đạo của Đức Phật.

Takuan chỉ tay lên trời. Cho rằng số phận con người đã hoàn bích với tự nhiên, sao còn phải đi tìm? 
“Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”
“Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”
Musashi không tin: “Thật là điên khùng khi phải chấp nhận số phận do ông trời an bài”
“Nếu ngươi là kiếm đạo, thì ta là Phật đạo. Con đường của Đức Phật và con đường của người trần đều giống nhau. Không muốn thấy hình tướng “con người” nhưng trong chuyến chu du ta đã thấy “thực tướng của người””. Takuan giải thích.
Musashi gặng hỏi: “Không muốn thấy hình tướng “con người”, là nói về tôi đấy à?”
Muốn chỉ thấy "Không" - Nhưng thấy cả "Không" và "Có"
Muốn chỉ thấy "Không" - Nhưng thấy cả "Không" và "Có"
Takuan giải thích về Trung Đạo: “Ta nói về tất cả, bao gồm cả ta. Ta tuyệt vọng với hình tướng của chính con người của chúng ta. Câu giải đáp “con người” tìm thấy được rồi thì sao? Ta từng nhổ nước bọt, cho rằng việc chỉ đạo con người đến với chánh đạo là không thể. Nhưng nước bọt nhổ ra lại văng ngược lại mặt mình. Để trút bỏ hết những thứ đó, ta lại tiếp tục du hành để tìm ra lời giải đáp cho “con người”. Và được trời đất cho hay, nếu sống mà không có liên hệ với trời đất thì toàn là khổ não. Biết bao cánh cửa đóng kín trong thời gian dài, nay đã bổng nhất tề mở ra. Tự do tự tại chính là đây, nó khác hẳn với cái tự do ta biết được từ trước đến nay. CON NGƯỜI LÀ VÔ HẠN. TẤT CẢ ĐỀU ĐƯỢC ÔNG TRỜI QUYẾT ĐỊNH MỘT CÁCH HOÀN BÍCH. TỪNG NGƯỜI TỪNG CÁCH SỐNG. NHƯNG VẬY LÀ ĐƯỢC HOÀN TOÀN TỰ DO”
Lời ông ta phân giải hơi tối tăm và đầy tính biểu tượng, nhưng tôi có thể giải thích rõ ràng đôi chút.
Khi Takuan xuất gia và sống trong tăng đoàn, ông ta ôm trong mình những câu hỏi: “Con người là gì? Hiện sinh là gì? Tại sao ta phải tồn tại?”. Mỗi lần Takuan tìm ra đáp án về “con người”. Takuan lại ôm khư khư vào câu trả lời về “con người” đó rồi sinh ra ngã chấp. 
Ông ta chỉ biết có chân đế của Phật đạo rồi phủ nhận cả đạo đời. Tin vào con người là không có hình tướng, là vô ngã như giáo lý Trung Quán Tông đã khẳng định. 
Nhưng sống chỉ biết có Phật đạo thì con người không thể phát triển được. Nguyên nhân là vì trong tăng đoàn, người ta có xu hướng mặc kệ thế gian, trốn tránh những đau khổ của trần thế bằng cách ngồi một chỗ thiền định, tụng kinh. Nếu sống như vậy, đến khi nào ông ta có thể tự giải thoát chính mình khỏi những đau khổ trần gian?
Đó là chưa giác ngộ, giai đoạn này chỉ là giai đoạn của triết học, người ta chỉ thấy núi không còn là núi, sông không còn là sông.
Các chú tiểu coi thường Kiếm Đạo của con nuôi Musashi (Miyamoto Mikinosuke), chúng coi Kiếm Đạo là đạo của quỷ dữ. Chúng chỉ tin vào Chân Đế và vứt bỏ Tục Đế. Như vậy, những đứa trẻ ngây thơ vẫn chưa dấn thân vào Trung Đạo. Đó là chưa giác ngộ.
Các chú tiểu coi thường Kiếm Đạo của con nuôi Musashi (Miyamoto Mikinosuke), chúng coi Kiếm Đạo là đạo của quỷ dữ. Chúng chỉ tin vào Chân Đế và vứt bỏ Tục Đế. Như vậy, những đứa trẻ ngây thơ vẫn chưa dấn thân vào Trung Đạo. Đó là chưa giác ngộ.
Để quyết tìm cho ra kết quả, Takuan du hành truyền đạo như một hành giả Yamabushi. Cố gắng không muốn thấy “hình tướng của con người” theo niềm tin của Trung Quán Luận: chấp nhận mọi thứ hoàn toàn là không, thế giới này chỉ là ảo ảnh trôi nổi của xứ Phù Thế.
Về sau, khi đã giác ngộ, sư Takuan Soho nhận ra sự thật: cứu cánh của Phật đạo là mọi thứ đều không có bản thể, không có một nền tảng nào thực sự. Nhưng trong thế giới giả tạm này thì vẫn có một sự hữu mà ta tạm phải chấp nhận.
Cho nên ông ta nói rằng không muốn thấy con người nhưng lại thấy thực tướng của người. Nói rằng chấp nhận số phận con người phải hoàn bích giữa Trời (Chân Đế) và Đất (Tục Đế).

Chân Đế và Tục Đế là gì?

Trong truyện thơ quan Âm Thị Kính (dị bản từ Phật Giáo Cao Ly), có câu:
Thoát ly Tứ Cú, Sá gì Nhị Biên[7]
Tứ Cú là 4 mệnh đề:
1- Mệnh đề thứ nhất là có (being).
2- Mệnh đề thứ hai là không (non-being)
3- Mệnh đề thứ ba là cũng có cũng không, hay vừa có vừa không (both being and non-being).
4- Mệnh đề thứ tư là không có cũng không không (neither being nor non-being)[8].
Nhị biên là Hữu Thể (có) và Hư Vô (không).
Tứ cú và nhị biên là nỗi trăng trở, là nền tảng lý luận của triết học Ấn - Âu. Triết học đại thừa cố gắng thoát ly truyền thống Ấn - Âu, cho rằng đúc kết cuối cùng của Phật giáo là Chân Không và Diệu Hữu.
Chân Không theo xác nhận của Trung Quán Tông là “mọi sự là không”. Có nghĩa là mọi bản thể được cấu thành từ những cái không phải bản thể. Ví như thân xác của Musashi được cấu tạo từ gen của cha Munisai và mẹ Omasa, từ các hạt phân tử, từ nước, từ tế bào,... thì “Musashi là không”. Nhưng Musashi rõ ràng có bản thể, tại sao lại nói Musashi là không?. Nếu chỉ tin vào Chân Không thì bạn đã rơi vào tà đạo.
Diệu Hữu“chấp nhận mọi sự như nó là”. Tức là người chỉ có niềm tin vào Diệu Hữu chỉ chấp nhận mọi thứ đều có bản thể thật sự của nó. Như vậy cũng là tà đạo nốt. Nếu nói bản thể của Musashi là như vậy, tại sao Musashi lại già đi từng ngày? Tại sao tư tưởng của anh ta lại thay đổi mỗi ngày?
Vậy chánh đạo là gì? Chúng ta phải đi theo con đường Trung Đạo, thừa nhận Chân Không và Diệu Hữu cùng tồn tại song song.
Cho nên Phật giáo Đại Thừa đặt ra hai quy ước: Tục Đế và Chân Đế
Tục Đế là những quy ước chân lý bình thường của cuộc sống mà chúng ta phải chấp nhận.
Chân Đế là quy ước chân lý của Phật giáo.
Con đường của đức Phật và người trần tuy hai là một: Chấp nhận tục đế lẫn chân đế. Lấy một lý tưởng cao hơn A-la-hán là Bồ Tát để đi vào thế giới trần gian giả tạm cứu độ chúng sinh. Sống một cuộc đời chìm trong bể khổ như chúng sinh. Hiểu được cái đau khổ của chúng sinh. Thì lúc này, Bồ Tát mới có phương hướng tìm ra giải pháp để đưa tất cả chúng sinh về với sự An Lạc của Niết Bàn.
Còn Musashi lúc này, chí ít, anh phải tạm gác lại Kiếm Đạo (đối với Musashi là Chân Đế), trải nghiệm cuộc sống khó khăn như người ngoại đạo. Kinh qua cuộc sống vợ chồng với nàng Otsu để hiểu tình yêu của đôi tri kỷ thật sự là gì, đau khổ của tình yêu là như thế nào. Xuất thế làm quan để hiểu qua việc làm chính trị cũng lắm vui, khổ, vinh, nhục để giúp thiên hạ thái bình. Nếu có trải nghiệm đủ đầy như thái tử Tất Đạt Đa đã từng, thì anh ta mới giác ngộ đủ đầy hơn.

Chấp nhận Tục Đế

Musashi làm theo lời Takuan và chấp nhận gặp mặt lão Itakura Katsushige, ông ta là Daimyo của Kyoto - một người thân cận với Tokugawa Ieyasu - người đã từng lãnh đạo Đông Quân đánh bại Tây Quân.
Lão daimyo cũng đưa ra quan điểm tương tự Takuan. Ông cho rằng Musashi phải “đứng ở giữa”. Tất nhiên, lời khuyên của Itakura Katsushige có vẻ bám sát vào cá nhân Musashi trong việc chăm sóc tâm thức của anh ta, hơn là lời khuyên mang tính vĩ mô siêu hình khó hiểu của Takuan.
Itakura Katsushige ví Tàng Thức như một đại dương Phật Tánh. Còn Mạt Na Thức là một cơn sóng lớn trồi lên. Musashi không nên đồng hóa bản thân với hai bản thể, mà nên đứng “ở giữa” quan sát nó bằng chánh niệm. Ngoài ra, ông ta cũng cho rằng Mạt Na Thức cũng chỉ là một đứa trẻ giống như cháu trai của ông ta: nó có bản tính vô thiện và vô ác. Cho nên anh không thể thù ghét bản ngã đó, mà anh phải dạy dỗ và uốn nắn nó từ từ.
Nhân chi sơ, tính vô thiện vô ác.
Nhân chi sơ, tính vô thiện vô ác.
Ngoài ra, lão Itakura Katsushige đưa ra hai phương án nhưng không ép buộc Musashi, một là thành gia lập thất với Otsu, hai là tham gia chính trị.
Nhưng Musashi lại ấp úng lưỡng lự nói: “Không”. Hai con đường đều có hậu quả của nó. Đầu tiên, nếu Musashi cưới tình yêu thuở bé của mình, thì cô ấy cũng sẽ bị giết chết bởi những tên săn đuổi thiên hạ vô song. Trái lại, nếu Musashi ra làm quan, anh sẽ còn nhúng tay vào vô số trận chiến tranh giành quyền lực, mà ở đây là chiến tranh tôn giáo giữa Phật giáo của Mạc Phủ với Thiên Chúa giáo của thành Osaka.
Đến khi Musashi chấp nhận làm Chỉ Nam Võ Thuật cho phủ Kyoto. Anh nhận thấy những học trò của anh cũng giống như anh trước kia. Chỉ là một đám tôn thờ kiếm và muốn biết kiếm pháp của Thiên Hạ Vô Song là thế nào. Một lũ tham ái vào kiếm và nghĩ kiếm đạo là chân lý rốt ráo của cuộc đời. Riêng Musashi thấy kiếm đạo mà anh đang đi chỉ là con đường bế tắc vì cản trở của Mạt Na Thức, vì khi Musashi thành đạo với Kiếm, anh không thấy vui sướng gì cả, nó không có giá trị gì hết. 

Vứt bỏ Tu La Đạo để trở thành Bồ Tát.

Cuối cùng, Musashi bỏ đi. Bắt đầu một cuộc hành trình mới trở về xứ Yamato để tìm cách phá giải ngã chấp và xin ấn chứng của Kiếm Thánh Yagyu Sekishusai - một người đã giác ngộ hoàn toàn đang đi trên con đường bất bạo động.
Chuyến hành trình trở về nơi đó cũng lắm chông gai. Khi cái chân thương tật của Musashi còn chưa lành, thì anh còn phải đối diện với lũ "thợ săn Musashi". Để rồi sau đó, anh vô tình đi vào ngã rẽ mới - con đường của một vị Bồ Tát thực thụ. Giống như Bồ Tát Quan Âm Thị Kính âm thầm nuôi con của Thị Mầu. Musashi bất đắc dĩ nhận nuôi một đứa trẻ mồ côi tên là Iori ở một vùng quê hẻo lánh chất chứa đầy đau khổ: Thiên tai, nạn đói và cướp bóc. 
Musashi xin gạo, nấu cơm cho con trai Iori vượt qua nạn đói.
Musashi xin gạo, nấu cơm cho con trai Iori vượt qua nạn đói.
Tuy anh không biết đạo làm cha, đạo làm thầy, nhưng anh vẫn chấp nhận tạm gác lại Kiếm Đạo, hi sinh cuộc đời của mình để nuôi dạy đứa trẻ hướng theo hạnh nguyện của nó. Đó là thoát khỏi thân phận bần nông (giai cấp bị Mạc Phủ Tokugawa đang làm cho ngu dốt hóa, bần cùng hóa) để trở thành giai cấp võ sĩ.
Nujabes - Aruarian Dance

Nguồn tham khảo.

[2] Sự vận hành của tâm - Các tâm sở của Mạt Na - Chân Đoan Nghiêm - tr.164.
[3] Sự vận hành của tâm - Sự hình thành của Vọng Thức - Chân Đoan Nghiêm - tr.145.
[4] Sự vận hành của tâm - Đối tượng nhận thức của Mạt Na - Chân Đoan Nghiêm - tr.154.
[5] Sự vận hành của tâm - Các tâm sở của Mạt Na - Chân Đoan Nghiêm - tr.165 - 167.
[6] What should we do when a person attacks us physically? - Làng Mai [https://www.youtube.com/watch?v=o-pv9-suY50&ab_channel=PlumVillage]
[7] Đối thoại: Biên cương mới trong triết học Hoa Kỳ - Tiến sĩ Nguyễn Hữu Liêm [https://youtu.be/8DNXI3JDEHk?si=ThDDs8GFtRxdX682&t=8205]
[8]Người vô sự – Lâm Tế Lục – bình giảng: Bốn phép độ người. - Thích Nhất Hạnh [https://langmai.org/tang-kinh-cac/vien-sach/giang-kinh/nguoi-vo-su/binh-giang/nguoi-vo-su-lam-te-luc-binh-giang-bon-phep-do-nguoi/]