Bạn có biết dân Việt Nam mê tiền đến mức nào không? Nhiều hơn mức bạn nghĩ đấy.
Mình có thể khẳng định là dân tộc Việt Nam là một trong những dân tộc mê tiền nhất thế giới. Và bài viết này giải thích tại sao mình lại đưa ra kết luận như vậy, cũng như tác động của việc này đến tương lai của đất nước. 
Vào giờ này năm ngoái, giữa tháng 6, mình vẫn còn đang chuẩn bị gói đồ để về Việt Nam. Khi đó mình tin rằng mình sẽ trở về trong một thời gian ngắn, có thể là 6 tháng hoặc nhiều nhất là 1 năm, rồi mình sẽ quay lại đất nước mình du học để tiếp tục làm. Mình về vì mình muốn phát triển sự nghiệp trong ngành công nghệ thông tin và mình tin rằng Việt Nam với một thị trường hơn 90 triệu dân sẽ có nhiều cơ hội cho mình lăn lộn, thu thập kinh nghiệm phát triển sản phẩm hơn là ở một quốc gia phát triển yên bình với chưa đến 5 triệu dân.
Khi trở về, mình trở nên tự do hơn trước đây vì không còn bị ràng buộc bởi các môn học ở trường đại học và cũng đã tích cóp được một khoản tiền để sống tự lập và tự mua được xe đi làm. Việc thoải mái như vậy giúp mình có thời gian tham gia các sự kiện kinh doanh, start-up, gặp gỡ những người mới, thăm mọi người trong Spiderum. Mình đi chỉ mong tìm kiếm cơ hội quen với những người giỏi, nhưng không ngờ những chuyến đi đấy đã đưa mình đến một thế giới khác và khiến mình nhận ra rằng mình nên đặt cược tương lai mình ở đây.
Điều mình nhận ra và thuyết phục mình ở lại Việt Nam đó là người dân ở đây cực kì có máu làm ăn. Có lẽ máu làm ăn buôn bán của dân Việt Nam chỉ thua người Hoa. Khi mình gặp những người trẻ, mọi người đều nói về các cơ hội, họ sẽ làm gì và kiếm ra bao nhiêu tiền. Trong những cộng đồng sinh viên quốc tế mình tiếp xúc, mình chưa thấy ở đâu mà có nhiều sinh viên đi kiếm tiền online như người Việt. Trong khi sinh viên ở các quốc gia khác làm những việc khá là "lành mạnh" như bồi bàn, tạp vụ, phục vụ ở siêu thị, dạy kèm ngoài giờ, thì sinh viên Việt Nam ngoài những công việc đó thì còn làm: bán quần áo online, bán mỹ phẩm, chạy quảng cáo, quay phim, đóng phim, live stream quảng cáo sản phẩm, đào Bitcoin, làm hacker, viết luận văn thuê. Khi mình đi làm ở một công ty gia công, mình nhận thấy những anh làm lập trình trong công ty rất tháo vát, đụng gì cũng biết dù nó nằm ngoài chuyên môn của họ. Hỏi ra thì là do mức lương thấp nên các anh phải làm dự án bên ngoài, mà khi làm dự án bên ngoài các anh phải học thêm đủ thứ. Cho nên một lập trình viên mặc dù chỉ ghi chuyên môn là lập trình web nhưng thực chất anh ta còn kiêm làm "chat bot", mấy công cụ nhập liệu tự động (automated tool) và blockchain. Còn sinh viên thì tự học về SEO để viết bài, đăng báo, học cách quản lý fanpage Facebook tăng tương tác. Lương quản lý 1 fanpage là khoảng 6 triệu đến 8 triệu/trang, quản lý 3 trang cùng lúc là coi như êm ấm lúc ra trường. Chúng ta hay phàn nàn rằng giới trẻ Việt Nam giờ toàn cắm đầu vào mạng xã hội mà không ngờ rằng chính điều đó đã vô tình giúp tạo ra một thế hệ trẻ cực kì rành về thế giới số.

Có thể nói giá nhân công thấp và trình độ công nghệ cao hơn so với mặt bằng thế giới đã vô tình khuyến khích mọi người trở nên cực kì năng nổ trong việc kiếm tiền. Điều này càng dễ dàng hơn khi xã hội Việt Nam là một xã hội lộn xộn và lỏng lẻo trong việc quản lý kinh doanh. 
Tuy nhiên liệu đây có phải là điều tốt cho đất nước? Mình chia sẻ những câu chuyện sau cho các bạn tự ngẫm nghĩ.
Bạn mình vô tình phải lòng một anh chàng lắm tài nhiều tật. Anh chàng này rất hiền lành tử tế và khiến bạn cảm thấy khâm phục vì tự dành dụm được tiền để mở được cửa hàng điện thoại riêng ở ngay giữa trung tâm thành phố (quê mình, nằm sát Sài Gòn). Anh trước đây học Bách Khoa, là một trong những sinh viên thông minh nhất khoa, tốt nghiệp loại giỏi, nhưng cách anh gây dựng vốn nó chẳng liên quan gì đến ngành anh học cả. Do lúc đi học thấy chán nên anh đi hack tài khoản ngân hàng, anh ta nhắm chọn những tài khoản ngân hàng có nhiều tiền, mỗi ngày đều đặn các tài khoản đó sẽ tăng lên một chút vì tiền lãi, anh ta hack và lấy mỗi tài khoản khoảng vài trăm đến vài nghìn đồng. Số tiền lấy được từ hàng chục tài khoản ấy sẽ bị chuyển vào hàng chục tài khoản ảo, đi vòng vèo khác nhau rồi anh ấy rút ra. Tất nhiên đó là việc làm phạm pháp và anh ta đã kịp dừng trước khi bị công an sờ gáy, nhưng số tiền đó đủ để anh ta có số vốn làm ăn. Từ vốn đó anh ấy đi đầu tư những thứ khác trong khi vẫn làm bồi bàn hoặc các việc khác để có tiền tiêu vặt. Anh ta cũng tự học hỏi tìm tòi và đầu tư xây một dàn máy đào Bitcoin khi mà đồng tiền này giá chỉ mới ở mức 3 chữ số. Để có dàn máy giá rẻ, anh đã phải tự liên lạc trên mạng tìm người bên Mỹ để tạo ra mạng lưới mua linh kiện xách tay Dell, HP chính hãng từ Mỹ về Việt Nam với giá bằng nửa giá mua ở trong nước. Mọi thứ đều làm trên mạng. Sau này anh mở cửa hàng điện thoại để có việc kinh doanh ổn định, kèm với cho vay nặng lãi. Lần cuối gặp bạn mình, có vẻ bạn mình quá sợ (vì bạn xuất thân nhà rất gia giáo) mà đã chọn không tiếp tục quen anh nữa. 
Một tháng trước, mình có gọi hai thợ sửa máy lạnh đến sửa máy trong nhà. Trong lúc sửa máy lạnh mình có nói chuyện hỏi han hai ảnh và hỏi các anh trước có làm gì nghề gì không. Thì hai anh chia sẻ rằng lúc trước và hiện tại, các anh vẫn có nghề tay trái là chạy quảng cáo trên Google bằng thẻ tín dụng bị đánh cắp dữ liệu bên Mỹ. Bạn hay nghe tin dữ liệu khách hàng bên Mỹ đôi lúc bị tin tặc tấn công và lấy cắp chứ? Giờ bạn biết dữ liệu đó đi đâu rồi đấy. Chúng được đưa vào một chợ đen online. Hai anh này giống như là "tà đạo" trong giáo phái marketing số (digital marketing) vậy, hai ảnh tự học thế nào là marketing và làm cũng rất bài bản, duy sự khác biệt giữa hai ảnh với tập đoàn lớn là nguồn tiền. Các anh kể mấy ảnh toàn khai thác lỗ hổng của Google để chạy "chay", tức quịt tiền của Google. Khi Google phát hiện và khóa thẻ, khóa tài khoản thì chiến dịch quảng cáo cũng gần xong rồi. Số tiền mấy ảnh "bùng" của Google mỗi ngày khoảng vài tỷ, có lúc lên hàng chục tỷ. Do đó, theo mình sau này tìm hiểu thì Việt Nam đang rơi vào danh sách đen của Google trong việc xử lý vấn nạn lừa đảo. 

Tình hình Facebook cũng không khá hơn. Một người bạn của mình làm cho một công ty bên Mỹ là đối tác cực kì thân cận với Facebook chuyên hỗ trợ về phân tích thị trường cho gã khổng lồ mạng xã hội này. Bạn này chia sẻ rằng Việt Nam là một trong những quốc gia nghiện mạng xã hội nhất trên thế giới, kiểu như mạng xã hội, hay là Facebook, là một phần không thể tách rời khỏi cuộc sống hằng ngày của người dân. Tất cả số liệu đều cho thấy điều đó: 
Dựa theo số liệu từ tính năng Facebook Watch thì số giờ xem video trung bình hằng ngày ở Việt Nam là cao nhất, cao hơn cả khối nước nói tiếng Anh và Tây Ban Nha. Cũng theo Facebook Watch, Việt Nam là quốc gia hàng đầu trong việc đăng video lên Facebook, đi kèm theo đó là mật độ quảng cáo dày đặc thuộc hàng top thế giới. Việt Nam là một trong những nơi Facebook đang bị dùng sai mục đích nhiều nhất. Facebook đang được sử dụng như là một mặt bằng để mở cửa hàng online như Shopee, Lazada, trong khi đáng lẽ nó chỉ là một nơi để tương tác giống như một công cụ hỗ trợ chăm sóc khách hàng. Việc mở các cửa hàng online đã tạo ra các hệ lụy như ở dưới là: Các sự kiện được xếp vào nhóm bất thường ít xảy ra ở các thị trường khác lại xảy ra vô cùng thường xuyên ở Việt Nam, bao gồm: số lượng tài khoản bị lấy cắp, số lượng tài khoản ảo, số lượng tài khoản bị báo cáo vi phạm, số lượng like và comment ảo, số lượng tương tác ảo. Việt Nam cũng là quốc gia đi đầu trong việc khai thác lỗ hổng tính năng của Facebook để kiếm tiền. Ví dụ nhiều năm trước đây, admin của một group có thể add bạn vào group đó mà không cần bạn phải đồng ý. Ở Việt Nam đã xảy ra tình trạng lợi dụng tính năng này cho mục đích riêng như kiếm tiền. Chẳng hạn A được thuê để làm "bay màu" nick nào đó. A lập tức tạo ra 1 group với tên bình thường, như là: "Hội những người mê Pokemon", với A làm admin. Sau đó A add người trong tầm ngắm vào group đó. Sau khi add xong và cho group chạy 1 thời gian, A bất ngờ đổi tên group thành "Tổ chức khủng bố ISIS", ngay lập tức group này bị report lên Facebook và toàn bộ thành viên trong đó bị khóa tài khoản. 

Điều này trùng khớp với trải nghiệm của mình vì mình biết có những công ty bị đối thủ tạo tài khoản ảo vô chửi bới, làm mất uy tín trên Facebook. Công ty đó đã phản công bằng cách mua cả nghìn tài khoản giả để tấn công lại, đồng thời liên tục tạo tương tác và bình luận tích cực trên fanpage của riêng mình. Thị trường chợ đen cho tài khoản ảo Facebook ở Việt Nam là cực kì sôi động, có lẽ không thua kém thị trường chứng khoán hay nhà đất. Có lẽ chỉ duy ở Việt Nam là có đại lý bán sỉ tải khoản ảo và like, kiểu như 1 triệu đồng cho 10 nghìn likes. Sau này, để chăm sóc khách hàng tốt hơn thì người ta đẻ ra dịch vụ bán lẻ nữa. Có đại lý thì có kênh phân phối, khi bạn muốn mua like bạn sẽ liên hệ với đại lý, rồi đại lý thông qua một phần mềm quản lý nội bộ siêu đẳng nào đó sẽ giao nhiệm vụ cho kênh phân phối like cho fanpage của bạn. 
Với việc sử dụng Facebook như cửa hàng online với tần suất dày đặc như thế, không ngạc nhiên khi Việt Nam là thị trường lớn thứ 7 của Facebook trên toàn cầu. 

Các nhân viên Facebook khi đọc các số liệu này đã phải thốt lên kiểu như rằng: "Cái đám này nghiện Facebook cmnr" (These guys are f***ing addicted). Tình hình trở nên nghiêm trọng đến độ Facebook đã phải cử một nhóm "điều tra đặc biệt" (special investigation team) từ London bay thẳng qua Việt Nam để tìm hiểu xem chuyện quái quỷ gì đang xảy ra ở đất nước này. Facebook trong thời gian vừa rồi đang rất nghiêm ngặt trong việc đảm bảo sản phẩm của mình không bị lạm dụng cho các mục đích sai rời mục tiêu ban đầu và thị trường Việt Nam là một trong những mục tiêu lớn cần phải dẹp loạn của tập đoàn. 
Có thể nói mình chưa thấy người dân nào mê tiền đến độ sáng tạo như vậy. Dường như mọi người sẵn sàng làm mọi thứ chỉ để kiếm chút tiền lời, bất chấp đạo đức và liêm sỉ.
NVIDIA là một tập đoàn chuyên sản xuất card màn hình. Các card màn hình này có thể phục vụ cho việc xuất ảnh đồ họa nặng (như các trò chơi điện tử) cũng như phân tích dữ liệu. Những ai chơi game đều không thể không biết hãng này. Hồi đầu năm nay, nhằm mục đích thu hút người dùng chuyển qua mua dòng card màn hình RTX 20 mới ra mắt của hãng, NVIDIA đã ra mắt chương trình mua card màn hình được tặng game. Theo đó thì khi người dùng mua card màn hình từ một cửa hàng đối tác như Phong Vũ chẳng hạn, người dùng sẽ gửi hình hóa đơn lên trang chủ NVIDIA và sau đó tập đoàn sẽ tặng cho họ 1 mã kích hoạt của 1 game đang hot khi đó là Monster Hunter: World. Mọi thứ nghe thật trong sáng cho đến khi về Việt Nam. Ngay lập tức một thị trường làm hóa đơn giả đã ra đời và các nhân viên NVIDIA đã sửng sốt khi thấy số lượng hóa đơn ở Việt Nam tăng vọt. Rất nhiều người Việt Nam đã bỏ ra 200, 300 nghìn làm hóa đơn giả để có được mã kích hoạt game, sau đó đem bán mã đó ra thị trường với giá khoảng 800 nghìn. Chỉ vì lợi nhuận 500 nghìn cho mỗi sản phẩm trong thời gian chưa đến 3 tháng mà nguyên một mạng lưới làm hóa đơn giả đã ra đời. Theo báo Zing:

Hồi Tết ví điện tử Momo cũng lao đao bị chửi trong sự kiện lì xì 12 con giáp. Theo đó thì Momo ra chính sách rằng ai sưu tập đủ 12 con giáp thì sẽ được hưởng 1 phần trong tổng giải thưởng 5 tỷ đổng. Theo quy định thì người chơi phải tham gia lắc xì để ra con giáp, người chơi có thể chuyển con giáp cho nhau. Và đến đây hẳn bạn đã đoán được, người Việt Nam làm sao chấp nhận chuyển con giáp miễn phí. Ngay lập tức một mạng lưới mua bán con giáp đã được tạo ra với giá cả từ vài chục đến cả trăm nghìn. 

Người mua kì vọng rằng họ ít nhất cũng phải được hưởng vài triệu trong tổng số tiền 5 tỷ đồng nên chịu chi vậy. Thị trường này phá vỡ các thuật toán dự báo của Momo, vốn không giới hạn số người trúng được 12 con giáp, nên số người trúng thưởng tăng vọt và số tiền mỗi người nhận được chỉ vỏn vẹn 45.782 đồng. Ngay lập tức ví điện tử này đã hứng chịu một cơn thịnh nộ khủng khiếp của các dân chơi.

Tuy nhiên mình không phải viết ra bài này để chỉ trích về đạo đức kinh doanh, bởi vì nếu Việt Nam trong mắt mình chỉ là quốc gia của những kẻ kinh doanh chụp giựt đầu cơ, mình đã không chọn ở lại.
Điều khiến mình quyết định ở lại là vì người dân ở đây có quyết tâm tự vươn lên cao. Mình tin rằng những người này nếu được sự dẫn dắt đúng đắn và một sự giáo dục bài bản về việc kinh doanh thì nền kinh tế quốc gia sẽ bùng nổ mạnh mẽ hơn nữa nhờ tài kinh doanh của những doanh nhân "ngầm" này. 
Khi mình viết bài và nói rằng Việt Nam là một quốc gia có nền kinh tế tư bản, nhiều người nghĩ rằng mình đang có ý nói xấu, mỉa mai, làm loạn. Nhưng họ không thấy rằng đó là một việc tốt, thực sự cuộc sống của mình và những người mình quen biết đã trở nên tốt đẹp hơn rất nhiều khi hàng loạt doanh nghiệp tư nhân Việt Nam ra đời và kinh doanh thành công. Hàng hóa dồi dào và rẻ hơn, dịch vụ tốt hơn hẳn. Với số tiền 200 nghìn mỗi tháng, mình có Internet cáp quang tốc độ nhanh gấp 3 lần gói cước 200 nghìn của 10 năm trước. Mình có thể mua hàng từ nước ngoài nhiều hơn, được hưởng các ưu đãi khi trả tiền qua ví Momo. Mình cũng thấy những sinh viên, người lao động nghèo có thêm cơ hội kiếm tiền khi chạy Grab, Go-Viet hay Bee. Có ít thời gian rảnh và có thêm cơ hội kiếm tiền, con người bớt nhậu, bớt làm chuyện tào lao để tập trung đi kiếm tiền. 
Thêm vào đó các doanh nghiệp tư bản nội địa và nước ngoài đã tạo áp lực lên chính phủ khiến họ phải làm việc tốt hơn hẳn, ví dụ tiêu biểu như tập đoàn nhà nước VNPT. Có thể nói 7, 8 năm trước VNPT là một trong những nhà cung cấp dịch vụ viễn thông tệ nhất cả nước, mạng yếu, chế độ chăm sóc khách hàng kém, làm việc quan liêu. Viettel cũng tương tự. Nhưng bây giờ nhìn lại, tất cả dịch vụ của hai tập đoàn này đều thuộc hàng khá so với thế giới và đều dẫn đầu trong nước. 
Cuộc sống tốt hơn con người cũng tử tế với nhau hơn, cách dịch vụ trở nên chu đáo hơn. Mình thấy rõ điều đó qua sự thay đổi trong dịch vụ đón tiếp và chăm sóc khách hàng ở các cửa hàng lớn. Sự thay đổi bắt đầu từ Thế Giới Di Động, sau đó nó nhanh chóng lan ra các cửa hàng bán lẻ lớn như FPTShop, Bách Hóa Xanh, Siêu Thị Coop Mart, Vinmart. Mọi nhân viên đều cực kì lịch sự trong việc chăm sóc khách hàng, hệ thống tiếp nhận cuộc gọi rất nhanh và thông tin món hàng được xuyên suốt. Ví dụ, có lần mình đi với bạn vô FPTShop ở quận 3 để mua một mẫu laptop, nhân viên ở đó sau khi kiểm tra sản phẩm đã thấy hết hàng và lập tức cho mình địa chỉ một shop khác có sản phẩm. Nhân viên đó còn gọi điện qua bên shop đó để nói họ đem sẵn hàng ra trưng bày cũng như chuyển các câu hỏi thắc mắc của mình qua bên shop kia. Mình chỉ cần chạy qua shop kia là mọi thắc mắc đã có câu trả lời.
Ở Thế Giới Di Động (hay các cửa hàng chung chủ như Bách Hóa Xanh, Điện Máy Xanh) mọi thứ cũng diễn ra tương tự. Thế Giới Di Động còn cho phép giao hàng tại nhà thanh toán bằng thẻ, một điều mình không nghĩ Việt Nam làm được. 
Có thể nói chất lượng dịch vụ và chăm sóc khách hàng ở Việt Nam đã thay đổi cực kì mạnh trong 5 năm qua, nó cho thấy sự phát triển rất mạnh của hệ thống thông tin cũng như trình độ quản lý trong nước. Hàng hóa ngày càng đa dạng và dịch vụ bảo hành cũng rất uy tín. Thậm chí có cả dịch vụ mua hàng từ nước ngoài trên Tiki hay FPTShop để bạn mua hàng từ Amazon. Có thể nói chất lượng dịch vụ bán lẻ ở Việt Nam đang tốt hơn một vài nước phát triển như Úc, Đông Âu, ngang với nhiều nước Tây Âu hay Bắc Mỹ. 
Nhìn rộng ra, các start-up lứa sau của Việt Nam cũng có chất lượng tốt hơn hẳn các start-up thời mới bùng nổ 2012 - 2013. Các start-up sau này làm việc có quy củ hơn và thu hút được nhiều người tài giỏi hơn. Mình biết ở Sài Gòn có những start-up của người Việt thuê rất nhiều người nước ngoài làm. Họ đủ khả năng tài chính để chi trả lương 3000, 4000 USD cho những người nước ngoài. Điều đó là một tín hiệu vô cùng tốt cho thấy người Việt Nam đã đủ giỏi để làm ra sản phẩm chất lượng cao, mang lại doanh số lớn đến mức họ đủ trả mức lương hấp dẫn người giỏi ở nước ngoài đến. Những người nước ngoài này họ đến Việt Nam không phải để làm việc dạy tiếng Anh nhàn hạ hay vì công ty mẹ cử đến, họ tự chọn ở lại Việt Nam vì họ thấy ở đây có cơ hội cho họ phát triển. Họ không phải là mấy người trình độ kém, họ là dân tốt nghiệp đại học, đến từ Tây Âu, có người có 2 bằng đại học, họ là kỹ sư, là chuyên gia tài chính. Và những người thông minh đó đã chọn ở lại Việt Nam.

Đóng góp cho sự bùng nổ này chính là sự thay đổi lớn trong thái độ kinh doanh của mọi người. 
Các hoạt động kinh doanh của Việt Nam cũng ngày càng quan tâm đến cộng đồng hơn. Mình rất ấn tượng khi ở Việt Nam có rất rất nhiều doanh nghiệp mới mọc lên và kinh doanh các sản phẩm thân thiện với môi trường. Người Việt Nam cũng rất chủ động trong việc đẩy mạnh việc truyền thông, giáo dục ý thức người dân trong việc bảo vệ môi trường như ít xài bao nylon hay thay ống hút nhựa bằng ống hút kim loại và tre. Điều đó cho thấy giới trẻ ngày càng biết nghĩ hơn cho người khác và muốn đóng góp xây dựng vào nơi họ sống.
Khi bạn đi du học và băn khoăn việc bạn nên ở hay về, bạn cần biết rằng Việt Nam là một quốc gia có khát vọng vươn lên mạnh mẽ và liên tục thay đổi. Sự hỗn loạn nó tạo ra là cơ hội cho người này vươn lên, hoặc cũng là lốc xoáy nhấn người khác xuống sình lầy. Ở quốc gia trẻ này, người dân rất đam mê xài đồ công nghệ và rất thích so sánh với người nước ngoài. Người ta có thể nói là họ thích "đú trend", "sính ngoại" nhưng nhờ "đú trend", "sính ngoại" như vậy nên họ rành về thế giới số, và họ luôn tạo áp lực cho doanh nghiệp trong nước để đạt được trình độ như nước ngoài. 
Nếu bạn muốn thử thách bản thân xem bạn liệu có thực sự giỏi như bạn nghĩ và liệu bạn có là một người có ích, bạn có thể về nước và tìm cách khai thác tối đa máu kinh doanh mê tiền của người Việt, thay đổi nguồn năng lượng ấy, không cho nó dồn vào những mục tiêu nông cạn ích kỷ mà dồn nó vào những mục đích tốt đẹp hơn, có giá trị hơn cho cộng đồng. 
Mình đã thấy những sự thay đổi tốt đẹp và đã đánh cược tương lai của mình ở Việt Nam. Có thể sau vài năm nữa mình sẽ đổi ý, có thể mình sẽ hối hận. Nhưng hiện giờ là không.
Husky
Nếu bạn là du học sinh và còn băn khoăn việc nên ở hay về, bạn có thể tìm mua sách "Du học ký". Trong quyển đấy có một phần tâm sự của những người đã đi và đã ra quyết định nên ở hay về :) Chúc bạn tìm thấy những gì bạn cần tìm trong đó.

Các bài viết tương tự