Art by Alena Aenami.
Tôi có một ông bạn thích chơi xe, chiều nào cũng thấy dắt xe ra dựng trước sân lau lau chùi chùi, ngắm nghía xem chừng tâm đắc lắm. Nghe kể chiếc xe này không hiếm nhưng lâu đời, hội chơi xe có dăm bảy chiếc nhưng độ đẹp mã tùy vào khả năng chăm sóc cũng như tài "độ" của mỗi người.
Nói về khả năng này ông bạn tôi nếu đứng nhì thì chẳng ai dám đứng nhất. Đến nỗi vợ con anh còn phàn nàn rằng "chăm xe hơn chăm con", nhà bẩn không sao chứ xe bẩn là không được. Thế rồi đùng một ngày, trộm vào rinh mất "đứa con tinh thần" quý giá ấy. Anh bạn tôi từ bận đấy như bị trộm mất luôn tâm hồn, lúc nào cũng thơ thẩn tiếc rẻ. Thậm chí có hôm anh còn chẳng buồn ăn cơm, chiều bắc ghế ngồi ngoài sân thơ thẩn tặc lưỡi tiếc rẻ.
Kể từ đó anh cũng không còn chơi xe nữa.
Câu chuyện này xem chừng xa lạ với nhiều người, vì hiếm người có bạn bè chơi xe, lại hiếm có người chơi xe tâm huyết như thế. Nhưng những biến thể của nó lại phổ biến, nhất là trong những ngày vừa kết thúc kì thi THPT Quốc gia như mấy hôm nay. Hình ảnh những người em, người bạn, người con, người cháu… những ngày qua có thể cũng thẩn thờ y như thế, y như bị tên trộm nào rinh mất "phần hồn".
Trong tâm lý học và kinh tế học có một thuật ngữ nói về tình trạng này, gọi là "ảo tưởng chi phí chìm". Chi phí chìm là những thứ mà chúng ta đã bỏ ra trong quá khứ mà không có cách nào lấy lại được ở hiện tại và tương lai.
Ví dụ chiếc xe của anh bạn tôi có thể được gọi là "vô giá", dù cho bán đi có lẽ chỉ được mấy chục triệu. Nhưng giá trị của chiếc xe lớn đến mức anh không muốn bán là do những buổi chiều anh bỏ công lau chùi, những tâm huyết anh bỏ ra để sơn sửa, những tình cảm suốt mấy năm trời anh dồn vào đó.
Cũng như ở kì thi THPT Quốc gia, đó là quá trình 12 năm đèn sách, là quyết tâm những ngày gần thi, là những đêm thức khuya, là những buổi học thêm đến tối, là những ngôi trường ước mơ của cả thời học sinh…
Tất cả những thứ trên đều là chi phí chìm, là những công sức chúng ta đã bỏ ra và khiến cho chiếc xe hay kì thi trở nên "có sức nặng". Thế nên khi xe bị mất, hoặc khi kì thi diễn ra không suôn sẻ, thế giới dường như sụp đổ.
Chúng ta cảm giác như đã mất hết. Khi người ta dồn quá nhiều tâm tư tình cảm và công sức vào một điều gì đó, thứ đó càng trở nên quan trọng. Anh bạn tôi không còn biết làm gì mỗi khi chiều xuống, những bạn thi không tốt cũng rơi vào cảm giác hoang mang vô định tương tự.
Nhưng cảm giác đau khổ mà mọi người cảm nhận được, dường như chỉ là ngộ nhận vì cho rằng thứ mất đi là tất cả những gì họ có. Một kì thi, dù quan trọng đến cách mấy, suy cho cùng cũng chỉ là một sự kiện. Đời chúng ta dài, các sự kiện sẽ còn diễn ra rất nhiều, tưởng như không có hồi kết.
Chúng ta sinh ra, lớn lên, thi đại học, tìm việc làm, thăng chức, cưới vợ, sinh con, mua nhà… Cuộc đời mỗi người có rất nhiều sự kiện như thế, có cái bé, có cái to. Nhưng điểm chung là không phải lúc nào chúng cũng diễn ra dễ dàng và suôn sẻ.
Cuộc sống về cơ bản là khó khăn và kế hoạch được tạo ra (phần lớn) là để thất bại. Mọi thứ cơ bản là khó lường như thế này: một ngày đẹp trời nào đó, bỗng dưng có tên trộm ghé vào và rinh đi chiếc xe mà bạn yêu quý. Một ngày nào đó, bạn làm bài không tốt, dù đã bỏ ra rất nhiều công sức.
Tựu trung lại, chúng ta luôn phải cố gắng. Bản chất của việc sống là cố gắng. Sẽ không có chuyện bạn thi rớt một kì thi, rồi cuộc đời bạn xem như chấm hết, không bao giờ có chuyện đó. Mọi thứ sẽ diễn ra như thế này: bạn thi rớt hoặc đậu (thật ra chuyện này cũng chẳng quan trọng lắm), rồi bạn bước tiếp và đến với thử thách tiếp theo. Bí mật của các thử thách là? Bạn luôn phải vượt qua nó, dù bằng bất cứ cách nào.
Như Đen Vâu đã nói, "nhưng cũng có lúc mọi thứ không như là những gì ta muốn. Thế giới này vận hành theo cái cách luôn ghì ta xuống".
Đại học suy cho cùng chỉ là một con đường, thi đậu không khiến cuộc sống chúng ta dễ dàng hơn, cũng không khiến nó khó khăn hơn. Vì chuyện này là tuỳ vào mỗi người. Điểm chung là kể cả khi bạn thi đậu, bạn vẫn phải bước tiếp và cố gắng. Thi rớt cũng vậy.
Anh bạn tôi rốt cuộc sau nhiều tháng cũng đã nguôi ngoai về chiếc xe và nhận ra cuộc sống còn rất nhiều điều quan trọng. Phần khó khăn nhất có lẽ phải chấp nhận bỏ đi những thứ vốn đã không còn nữa. Vì để bước tiếp, hãy để những gì trong quá khứ ở lại quá khứ.
Rớt đại học, hay thậm chí vấp phải nhiều thất bại đau đớn khác, vốn chưa bao giờ là "xong đời" như mọi người thường nghĩ. Rớt đại học chưa bao giờ là một kết thúc. Kết thúc chỉ đến khi chúng ta dừng lại.
Anh bạn tôi hôm trước vừa mua một chiếc xe mới, ngoài lau chùi và ngắm nghía mỗi chiều, anh còn dùng nó để đi tiếp.

Nguồn: Bài của mình viết. (1 lượt click = 1 lượt cảm ơn = 1 phiếu giúp cuối tuần này mình thắng kèo cafe)
(đăng chơi thôi ạ)
(mình không hay viết thế này lắm)
(nhưng sợ các bạn quên nên nhắc cho là mình vẫn còn sống)