[Vol 24 - Vol 27] Chấm dứt ân oán, vượt lên vòng xoáy chém giết.

Bất động trí diệu lục.

Bất động trí diệu lục là gì? Là một bài giảng trụ tâm dành cho kiếm sĩ của nhà sư Takuan Soho. Bất động trí diệu lục đã được thiền sư Suzuki luận giải trong tác phẩm Thiền và Văn hóa Nhật Bản, nội dung của tác phẩm có nhiều điểm đáng lưu tâm, nhưng mình xin phép lược bỏ vì sự trùng lặp. Ngoài ra, một số câu trong bài giảng này đã được giải thích ở hai chương trước. Ví dụ:
Vô minh trụ địa phiền não: Bị khống chế khi trụ vào đâu đó - Musashi tự khống chế chính mình vì bám vào khả năng tư duy sâu khi đấu với Seijuro. Cùng với đó là sự sợ hãi của Seijuro khi bị Musashi nắm bắt tốc độ chớp nhoáng của Ichi no tachi. Denshichiro là một kẻ tội nghiệp nhất vì vô minh đã bám lấy dai dẳng.
Chư pháp bất động trí: Luyện tập kiếm pháp trong thời gian dài sẽ đạt tới cảnh giới Bất Động Trí - tức là trực quan trí tuệ - trạng thái làm việc cho đến khi lý thuyết (tri thức) và thực hành (ý chí) hòa làm một. Đây là trải nghiệm khi Musashi có được trong khi tung đường kiếm giết chết Seijuro.
Trong chương này, chúng ta sẽ lưu tâm đến ba câu quan trọng thuộc Bất Động Trí Diệu Lục:
Gian Bất Dung Phát và Thạch Hỏa Chi Cơ: Khoảng cách giữa ta và đối thủ chỉ trong sát na; Không suy nghĩ phân tích về "lửa", vì khái niệm “lửa” không sưởi ấm thân thể của bạn trong đêm đông. Nếu không quyết ý đốt lửa nhanh chóng như tốc độ khai hỏa của máy đánh lửa, bạn sẽ chết cóng”
Còn câu cuối cùng của Takuan Soho đến từ bài kệ của kinh Kim Cương:
Ưng vô sở trụ, Nhi sanh kỳ tâm
Nên sinh cái tâm, vào nơi không có chỗ để trụ.
Dựa theo ba câu nói ấy, tác giả Inoue Takehiko sẽ khai triển chúng ở một trong hai trận đấu quyết định số phận của gia tộc Yoshioka. Rốt cuộc, Musashi sẽ khai mở những câu này trong hoàn cảnh nào?

Họ Yoshioka tuyệt tự - Denshichiro được “giải thoát”.

Sau 9 ngày, như đã hứa với Denshichiro. Musashi quay lại trận đấu chính thức tại điểm hẹn Liên Hoa Vương Viện. Tuyết bắt đầu rơi, quần chúng đã vây kín sàn đấu, bọn họ hồi hộp hướng ánh nhìn đến hai tay kiếm nổi như cồn tại Kyoto - một kẻ bảo vệ danh dự gia tộc đã mất, kẻ còn lại là kiếm sĩ có được tiếng tăm sau khi đánh bại cựu đường chủ Yoshioka Seijuro.
Trước khi trận đấu bắt đầu, Musashi lại chứng nào tật nấy khi cậy vào tư duy sâu, và anh đã nghĩ ra 8 cách giết chết Denshichiro. 
Bị tư duy khống chế, Musashi lao tới chém địch thủ bằng tay không trong vô thức. Sau đó, Musashi bừng tỉnh, giật mình nhận ra bản thân chìm vào mê cảnh lúc nào không hay. Vậy là anh vội rút lui để tránh đòn tấn công đến từ Denshichiro.
Trong khi đó, Denshichiro không thể gây thương tổn đến Musashi, vì kiếm thế của hắn quá chậm chạp. Rõ ràng, tâm lý của Denshichiro chưa sẵn sàng cho trận đấu này, vì hắn ta gánh vác quá nhiều thứ trong tâm: Từ cái chết của người anh, từ trọng trách khi làm đường chủ kế nhiệm, và từ áp lực mong muốn vượt qua giới hạn của người khổng lồ là Musashi. 
Nắm bắt được tình hình, Musashi yêu cầu Denshi dừng ngay trận đấu. Anh vạch áo, để lộ ra vết sẹo dài trên ngực được tạo ra từ nhát kiếm của Denshi trong quá khứ. Vết sẹo ám chỉ đương chủ thứ hai của Yoshioka đã từng đánh bại Musashi, rồi anh cho rằng: Sai lầm của nhân vật chính trong trận chiến lần trước là do “cơ thể cứng nhắc và suy nghĩ nông cạn”. Hiện tại, Denshi lại trở thành Musashi kém cỏi của một năm trước. 
Vừa dứt lời giải thích, Musashi nói: “Vậy thì không thể chém được đâu. Thôi bỏ đi.”
Triệt góc
Triệt góc
Nhưng Denshichiro không thể kết thúc được, mọi thứ đã đi quá xa. Dù cho Musashi có khuyên nhủ kẻ vô minh bị một đám môn đồ ô hợp ở phía sau thúc đẩy, thì tất nhiên, lời khuyên của Musashi là vô dụng. Để Denshichiro được toại nguyện - Musashi tiếp tục chiến đấu theo lời đề nghị của hắn. Kết quả đã rõ, Musashi vô hiệu tay phải của Denshi dựa theo phương thức "triệt góc" của Hỏa Chi Quyển, rồi cướp lấy thanh tachi và rạch bụng Denshichiro. 

Đối diện với cạm bẫy

Một ngày sau cái chết của đường chủ thứ hai, Ryohei Ueda được bầu làm người kế nhiệm võ đường. Cảm thấy xấu hổ vì đã đánh mất danh dự, Ueda và Thập Kiếm Yoshioka bắt đầu lên kế hoạch trả thù Musashi. 
Ueda ra lệnh phong tỏa Kyoto, yêu cầu một đệ tử gửi thư hẹn gặp Musashi tái đấu lần ba tại cây cổ tùng Nhất Thừa Tự. Nhưng đó không phải là một trận đấu công bằng nữa, mà là một cái bẫy của 70 người giăng ra để tóm gọn Musashi mà thôi.
Musashi nhận thư. Biết mình không còn lối thoát, anh đồng ý gặp mặt trong trận đấu thứ 3.
Rút kinh nghiệm từ việc chìm sâu vào mê cảnh như hai lần trước. Đi tắt đón đầu, Musashi đến điểm hẹn sớm hơn đối thủ để nghiên cứu địa thế của cánh đồng Nhất Thừa Tự. Ngồi trên điểm cao của cây tùng với tầm nhìn bao quát, Musashi sẽ thấy được địa hình tổng thể và chuẩn bị cho kế hoạch tác chiến. Tại sao Musashi lại làm như vậy?
Như Takuan đã nói:
Gian Bất Dung Phát, Thạch Hỏa Chi Cơ
Một trận đấu với vô số địch thủ sẽ không có thì giờ cho quá trình tư duy xảy ra nữa.
May mắn cho Musashi, Ueda và Thập Kiếm lại chọn nơi họp bàn kế hoạch giăng bẫy dưới gốc cây tùng già.
Musashi muốn giết sạch Thập Kiếm, họ là nguyên nhân kéo theo đám đệ tử vào một cuộc chiến vô ích.
Musashi muốn giết sạch Thập Kiếm, họ là nguyên nhân kéo theo đám đệ tử vào một cuộc chiến vô ích.
Musashi từ trên nhánh cây tùng nhảy xuống, khiêu khích Thập Kiếm hòng giết chết và chấm dứt mọi thủ đoạn dơ bẩn đang kéo theo vô số sinh mạng không liên quan. Musashi nói rằng: “Thà thế này còn hơn chém nhau với 70 người. Hơn nữa, có vẻ những tay lão luyện chủ chốt đã có mặt đầy đủ rồi nhỉ”.
Musashi hét lớn: “BÂY GIỜ ĐẤU NGAY Ở ĐÂY, CÓ DÁM HAY KHÔNG?!!!”
Ueda chấp nhận và lao vào trao đổi chiêu thức với Musashi.
Ngay lúc này, sư Takuan đang băng qua cánh đồng đến Kim Phúc Tự. Ông tình cờ thấy học trò cũ đang rút kiếm toan giết người. Takuan lên tiếng ngăn cản đôi bên không được động thủ. Sau đó, ông gọi Musashi theo ông về Kim Phúc Tự để dạy dỗ anh ta một lần nữa.
Takuan nhắc nhở Musashi
Takuan nhắc nhở Musashi
Trong đêm ở Kim Phúc Tự, Takuan tâm sự về chuyện hành đạo với Musashi. Ông nói: “Một khi người nào đã mạnh, thì người đó phải là người từ bi”. Musashi nghe vậy liền hứa với Takuan sẽ vượt núi trong đêm tuyết lạnh giá, để trốn chạy khỏi tử địa chết chóc, mặc kệ thiên hạ chê trách anh là đồ hèn nhát. 
Khi leo núi được nửa đường, Musashi đã đổi ý và quay lại điểm hẹn thách đấu. Thế thì sự thay đổi tâm ý này có được tính là dục vọng hay không? Vì anh ta mong muốn nâng cao kiếm pháp thông qua trận thách đấu khó nhằn 1 chọi 70 cơ mà?
Theo quan điểm của Nishida Kitaro:
Trong trường hợp chúng ta thực hành mục đích tối cao xa rời khỏi hiện thực, thì cần suy xét đến rất nhiều phương pháp, và việc áp dụng những phương pháp này phải tuân theo tuần tự từng bước. Việc suy xét đến những phương pháp này chính là kiếm tìm sự điều hòa với khách quan. Nếu sau rốt vẫn không nghĩ ra được phương pháp thì ta chỉ còn thay đổi bản thân mục đích. Trái lại, khi mục đích đã gần hiện thực, dục vọng sẽ lập tức trỗi dậy khuấy động [1].
Có nghĩa, Takuan đã nhắc nhở Musashi phải thay đổi động cơ để tránh khỏi nghiệp sát sinh. Nhưng nếu suy xét cho kỹ thì rõ ràng đây không phải là dục vọng. 
Chúng ta có thể hiểu, nếu Musashi bỏ chạy, các học trò của Yoshioka trên khắp Nhật Bản sẽ săn đuổi anh ta để rửa hận cho 2 đường chủ đã mất. Tất nhiên, sự kiện này sẽ còn lôi kéo thêm nhiều cái chết không liên quan đến mối thù giữa họ. 
Nếu Musashi sẵn sàng đối diện, kết quả của trận đấu chỉ xảy ra ở hai chiều hướng: 
- Thứ nhất, Musashi thành đạo với chiến tích hạ gục 70 người.
- Thứ hai, anh sẽ chết dưới tay bọn họ và kết thúc ân oán giữa hai gia tộc.
Cả hai kết quả đều chính đáng cả. Vì đầu tiên, một trận tỷ thí được công nhận là không phạm pháp ở thời Edo, là một trận chiến có được sự đồng thuận giữa đôi bên. Kế tiếp, các kiếm sĩ chấp nhận trận đấu vì họ cho đây là một trận “thiền chiến” thử thách khả năng trực giác nhạy bén. Tóm lại, giữa Musashi và đối thủ đã tìm ra sự điều hòa với nhau nên không cần thiết phải thay đổi động cơ. 
Trái lại, nếu Musashi giết 70 người trong khi bọn họ không có bất kỳ mong muốn nào liên quan tới việc tỉ thí sinh tử - đồng nghĩa với chủ quan và khách quan không phù hợp về mặt động cơ. Tất nhiên, Musashi sẽ trở thành một tên sát nhân khát máu, còn 70 người kia là nạn nhân của anh ta.

Khai ngộ kinh Kim Cương

Trận địa dưới chân đồi - cánh đồng Nhất Thừa Tự
Trận địa dưới chân đồi - cánh đồng Nhất Thừa Tự
Lúc trời còn chưa sáng hẳn, Musashi đứng trên đồi cao, quan sát cách dàn trận của đối phương. Nhờ đó, anh thấy 70 cừu địch không tụ thành bầy, mà phân chia thành từng nhóm nhỏ.
Thời cơ tốt đã đến, Musashi khởi động và nhắc nhở bản thân:
“Đây không phải là trận chiến một chọi 70,
Mà là một chọi một đến 70 lần”.
[…]
 “Không trụ tâm ở bất kỳ đâu,
Không được trụ tâm ở bất kỳ ai,
Cứ như dòng chảy liên tu bất tận”
Dứt lời, nhân vật chính chắp tay nguyện cầu sự bình tâm.
Lợi dụng màn đêm, Musashi từ trên đồi lao xuống. Tả xung hữu đột, đoạt mạng tân đường chủ Ueda hòng hăm dọa sĩ khí của đám đệ tử. May thay, Ueda vẫn sống sót ngay sau khi tiếp nhận đường kiếm ngọt lịm, chảy dọc từ vành tai xuống ngực phải. 
Bị bao vây giữa một nhóm nhỏ, Musashi rút thanh tachi tạo nên thế song kiếm Nhị Thiên Nhất Lưu. Musashi nhẹ nhàng đốn hạ từng người một. Nội tâm anh ta bắt đầu say máu với việc giết người. Sợ rơi vào mê cảnh một lần nữa, Musashi đã dùng chánh niệm để triệt tiêu dục vọng.
Chánh niệm
Chánh niệm
Trong lúc Musashi nhắc nhở bản thân không được vọng tâm, Thập Kiếm Azuma Koshiro nhảy bổ tới, chém rách cằm Musashi, đổi lại là sinh mạng của ông ta.
Càng đánh, Musashi càng thấm mệt. Để duy trì sức bền, anh ấy đã tập thở đều như một thầy tu và vô tình nhập vào dòng chảy.
Musashi quán niệm hơi thở.
Musashi quán niệm hơi thở.
Nhưng Musashi đã không ngờ tới, việc gia tộc Yoshioka đứng rải rác ở khắp cánh đồng là có ý đồ rõ ràng: Họ muốn đánh từ từ chậm rãi để thiêu đốt sức bền của Musashi.
Trời đã sáng, đám đệ tử của Yoshioka nắm được vị trí của Musashi, vậy là họ xông lên bao vây nhân vật chính.
Musashi trượt chân ngã quỵ. Một tên trong đám đệ tử Yoshioka lao tới. Anh ném bùn vào mắt của hắn ta. Anh đứng dậy, dốc sức thoái lui về cây cổ tùng theo nguyên tắc đối phó đám đông của Thủy Chi Quyển:
“Dồn đối thủ về một phía như cách người ta buộc xâu cá, khi chúng chồng chất lên nhau thì hãy chém mạnh đừng để chúng có chỗ di chuyển”. [2]
Phép chống lại đám đông - Thủy Chi Quyển.
Phép chống lại đám đông - Thủy Chi Quyển.
Thân thể Musashi trở nên kiệt sức, còn tâm trí bắt đầu nổi loạn. Musashi cố gắng vừa đánh, vừa trụ tâm vào từng nhịp thở. Cứ như vậy, Musashi càng để lộ thêm nhiều sơ hở cho đối phương.
Chiến thuật thiêu đốt sức bền của phái Yoshioka đã phát huy tác dụng. Yoichibe Nampo - người thuộc nhóm Thập Kiếm đã hô hoán mọi người bao vây lấy Musashi. Họ ném bùn vô hiệu hóa tầm nhìn của anh ta.
Thân thể Musashi lúc này trở nên cứng đờ, mắt thậm chí không còn nhìn thấy rõ đối phương.
"Nếu tôi buông xuôi theo nó, một kiểu sức mạnh nào đó sẽ tự nhiên đẩy tôi tới trước" - Haruki Murakami
"Nếu tôi buông xuôi theo nó, một kiểu sức mạnh nào đó sẽ tự nhiên đẩy tôi tới trước" - Haruki Murakami
Nhờ vào cơn nguy khốn ấy, Musashi buông thả mọi nguyên tắc thiền, và để bản thân đạt đến cực điểm của trải nghiệm tôn giáo.
Trải nghiệm này là có thật, nhà văn Murakami đã xác nhận đó là trải nghiệm “tôn giáo - triết học” khi ông chạy bộ đến kiệt sức tại dặm thứ 47 trong cuộc thi Marathon ở Hokkaido. Lúc này ông không còn nhắc nhở bản thân phải gắng sức gì nữa: 
“Vượt qua là cách duy nhất tôi có thể diễn đạt. Giống như cơ thể tôi vừa xuyên qua một bức tường đá. Chính xác là vào thời điểm nào tôi cảm thấy như mình đã vượt qua, tôi không nhớ được, nhưng tôi chợt nhận ra mình đã sang đến bờ bên kia. Tôi tin chắc mình đã vượt qua
[...]
Sau đó, tôi không phải nghĩ ngợi gì nữa. Hay, nói đúng hơn, không còn cần cố nghĩ một cách có ý thức về chuyện không nghĩ ngợi nữa. Tôi chỉ phải làm mỗi một việc là theo dòng chảy và tự động tôi sẽ đến được đó. Nếu tôi buông xuôi theo nó, một kiểu sức mạnh nào đó sẽ tự nhiên đẩy tôi tới trước.”[3]
Tóm lại, Musashi đã tận dụng triệt để ý nghĩa của bài kệ thuộc kinh Kim Cương:
“Ưng vô sở trụ, Nhi sanh kỳ tâm” 
nên sinh cái tâm, vào nơi không có chỗ để trụ
Bài kệ này trong kiếm đạo có nghĩa: 
“Trụ tâm trong tay phải thì tay phải khống chế, trụ tâm vào chân phải thì chân phải khống chế… Tất cả những nơi đó đều khiến công dụng của thân bị đánh mất, nên tâm trụ vào một chỗ, thì các chỗ khác trên thân không thể đạt được công dụng của nó. 
Nhưng… vậy thì trụ tâm ở đâu mới phải ? Không nên trụ tâm vào chỗ nào hết, mà hãy để tâm khắp toàn thân, vì như thế lúc bạn dùng đến tay, thì tay bạn có thể dùng trọn vẹn công dụng của tay, lúc dùng chân, thì có thể đạt được công năng của chân, lúc dùng mắt thì có thể dùng toàn vẹn công năng của mắt…” 
“Nếu ngộ được “người không”, “ngã không”, “tay cũng không”, “kiếm cũng không”. Thì tâm không bị “không” không chế”[4] 
Khi đã giác ngộ kinh Kim Cương, Musashi phó thác mình cho trực giác của ngũ uẩn và tàng thức rồi kết liễu từng kẻ thù.
Cứ như thế cho đến cuối trận chiến, 68 đồ chúng của võ đường Yoshioka đã ngã xuống vô ích. Người trọng thương sắp chết thì cầu vãng sanh từ Phật A Di Đà, kẻ không chịu nổi đau đớn thì cầu xin Musashi xuống tay kết liễu mạng sống.
Thân thể Musashi chằng chịt vết thương, anh lê cái thân mệt mỏi đi tìm thanh kiếm của mình. Nhưng Musashi không biết bản thân đã sập bẫy. Lúc này, Ueda và người đệ tử hộ tống hắn ta đang nằm giả chết chờ Musashi.
"Không có lần sau"
"Không có lần sau"
Khi Musashi tiến đến gần, Ueda đứng dậy, dốc hết nguồn sinh khí cuối cùng, dùng chiêu “Hitotsu no tachi” chém vào chân phải của Musashi. Sau đó, Ueda ngã xuống.
Thật đáng tiếc, người hộ tống Ueda không thể nắm lấy cơ hội do 69 người tạo ra. Musashi và người hộ tống đồng loạt tung đòn kết liễu. Nhưng Musashi lại nhanh hơn một sát na.
Trước khi ngã xuống, anh ta trăng trối:
"Đồ chúng nhà Yoshioka là lũ người yếu đuối, vì kết bè đảng mà quyên chí nguyện thành Đạo như lúc ban đầu. Còn Musashi thì đã thành tựu đỉnh cao Kiếm Đạo. Trận đấu này cũng chỉ để thử thách giới hạn của phái Yoshioka, nếu không vượt qua thì coi như thất bại".
Người cuối cùng của kiếm phái Yoshioka đang trăng trối trước Musashi
Người cuối cùng của kiếm phái Yoshioka đang trăng trối trước Musashi
Khi đọc đến cuối đoạn này, tôi thấy đáng tiếc cho kiếm phái Yoshioka. Tiếc vì họ chấp vào mối thù với cha con nhà Shinmen. Tiếc vì họ chấp vào danh hiệu đệ nhất kiếm phái ở kinh đô. Họ không có tự do tư tưởng khi bị đè nén bở triết lý “trung thành vào tập thể, vì danh dự” của Mạc Phủ Tokugawa. Để rồi, họ quên đi lời nhắc nhở chú trọng vào thực tại: “Ngay bây giờ, ngay lúc này, không có lần sau” tổ phái Yoshioka Kempo.

#KẾT - Ác duyên trùng khởi.

Giờ đây, Musashi đã thành tựu kiếm đạo và trở thành thiên hạ vô song.
Ba ngày sau, tin mừng từ sự kiện trên đã loan báo trên khắp Nhật Bản. Nói là tin mừng, nhưng điều đó chỉ dành cho những kẻ mến mộ kiếm đạo khi họ phát hiện ra một Musashi xuất chúng. Trái lại, Musashi coi đây là tiếng chim loan báo điềm dữ đến anh ta.
Con đường Atula mà Musashi đã gieo từ năm 13 tuổi, cho đến nay đã bắt đầu trổ quả. Ác duyên trùng khởi. Musashi có biết cũng không tránh được. Tất nhiên, cả giới kiếm đạo trong thiên hạ đang rốt ráo truy cùng diệt tận Thiên Hạ Vô Song. Rốt cuộc, Musashi sẽ làm gì để thoát khỏi những kẻ điên cuồng khao khát hư danh? 
Nguồn trích dẫn
[1] Cái Thiện: Hành trình kiếm tìm tự ngã chân chính - Chương 3: Ý Chí - Nishida Kitarō - tr48.
[2] Ngũ Luân Thư - Thủy chi quyển - Phép chống lại đám đông - Miyamoto Musashi.
[3] Tôi nói gì khi nói về chạy bộ - Ngày 23 tháng 6 năm 1996 *Hồ Saroma, Hokkaido - Haruki Murakami.
[4] Thiền và Văn hóa Nhật Bản - Chương 4: Thiền và Kiếm Đạo - Suzuki Daisetsu Teitarō - tr100, tr105