Nhắc đến Samurai, không ai là không biết đến Miyamoto Musashi, ông được người Nhật ca ngợi là Kensei, bởi thành tích bất bại trong 60 trận sinh tử.
Di sản mà ông để lại cho văn hóa Nhật Bản là rất lớn, từ Kiếm Pháp của môn phái Nhị Thiên Nhất Lưu, tới các tác phẩm binh pháp – triết học để đời, cho đến những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc, hội họa đầy tinh tế, sống động.
Đối với Phật giáo Nhật Bản, Musashi được ghi nhận là một Phật tử theo học Thiền kết hợp Kiếm đạo – một phong trào đang chết dần chết mòn trong giới Samurai vào thời kỳ Edo. Tuy là con của Phật, nhưng ông không bao giờ nhận mình là người theo đạo cứu độ chúng sinh, mà tự nhận bản thân theo Đạo nhà binh. Dù cho Musashi đi theo con đường Atula chém giết của giới võ sĩ, nhưng tư tưởng về KHÔNG của ông vẫn được thiền sư nổi tiếng Suzuki Daisetsu Teitaro công nhận.
Với bản tính hạn chế cư trú một chỗ và du ngoạn đây đó trong cả cuộc đời. Vì vậy, các bộ sử viết về Musashi thường xung đột lẫn nhau, làm giới nghiên cứu sử tốn không ít giấy mực tranh cãi về ông.
Sự nổi tiếng của nhân vật này những năm trước thế chiến thứ II, trong đại chúng là rất ít. Chúng ta biết đến Musashi ngày nay, là nhờ bộ tiểu thuyết Musashi – Giang hồ kiếm khách của văn hào Eiji Yoshikawa, một bộ tiểu thuyết có khả năng vực dậy tinh thần người dân Nhật Bản thoát khỏi tâm lý ảm đạm, trong hồi cuối và sau cuộc chiến tranh thế giới thứ II. Về sau, từ năm 1998, Inoue Takehiko, một mangaka có niềm đam mê kendo và bóng rổ, đã chuyển thể tiểu thuyết của văn hào Eiji sang bộ manga được đăng dài kỳ trên tạp chí Manga Morning, với tên gọi Vagabond.
Hình tượng Musashi trong Vagabond
Hình tượng Musashi trong Vagabond
Có thể nói, sự bí ẩn về cuộc đời Musashi, cốt truyện lôi cuốn của tiểu thuyết gốc, đã tạo thành mảnh đất màu mỡ cho Inoue tự do phóng tác. Cho đến nay, Vagabond đã lọt top 10 manga bán chạy nhất mọi thời đại, với tổng số 82 triệu bản đã bán ra.
Ngay từ đầu, mình đã đặt định kiến cho manga Vagabond, vì nó đã dựa trên tác phẩm gốc: đánh đổi sự thật lịch sử để đổi lấy sự kịch tính. Nhưng mình là một người yêu thích triết lý Thiền tông. Nội dung cốt lõi của Thiền là chú trọng thực hành và mang đôi chút hơi hướng của chủ nghĩa thực chứng. Cho nên, mình đã kiên nhẫn đọc Vagabond từ những chương đầu tiên. Trong giai đoạn đầu, bộ truyện không có gì đặc sắc, nhưng càng về sau, mình càng cảm thấy bộ truyện lôi cuốn vì nó đậm chất triết lý nhà Thiền trong đó.
Người ta hay nói, Inoue là một trong những Mangaka lười biếng nhất. Nhưng Vagabond là một tác phẩm không thể nào ép cho ra trái ngọt ngày một ngày hai. Ngay khi bắt tay vào review bộ manga, mình đã mất rất nhiều thời gian để nghĩ xem, việc lồng ghép triết học Thiền vào manga là như thế nào. Từ điểm này, mình đã hiểu Inoue cảm thấy khổ sở ra sao với đứa con tinh thần của mình.
Trước đây, vào năm 2012, Inoue đã bỏ ra 18 tháng nghiên cứu lịch sử Nhật Bản, nhằm tìm kiếm ý tưởng cho bộ truyện. Trong một buổi phỏng vấn cũ được reup lên Youtube vào năm 2022, Inoue Takehiko cũng thể hiện sự chật vật khi sáng tác Vagabond. Mặc cho deadline dí sát nút, ông vẫn tìm một quán cà phê yên tĩnh, ngồi vắt cho ra kịch bản, và cứ thế tiếp tục bí bách trong vòng nửa tuần liền.
Vậy, tư tưởng cốt lõi của Thiền tông và Kiếm đạo, được Inoue lồng ghép vào Vagabond là gì? Không còn gì khác ngoài con đường giác ngộ của Miyamoto Musashi. Với lẽ đó, mình sẽ phân tích cốt truyện dưới góc nhìn của Thiền tông, nhằm giúp các bạn có thêm một chút góc nhìn, gia vị mới, để các bạn thưởng thức lại bộ manga Seinen kinh điển này.

[Vol 1 – 6] Giáo dục sai lầm khiến đứa trẻ đánh mất thế giới “Không Tính”.

Phàm Phu Thủ Cảnh
Đạo Nhân Thủ Tâm
Ngay từ khi còn bé, tại làng Miyamoto, Musashi (Shinmen Takezo) đã là đứa trẻ tài năng về kiếm đạo. Năm 13 tuổi, cậu bé đã đánh chết một võ sĩ kiếm phái thần đạo trong một trận thách đấu. Cậu tài năng như thế, một phần là nhờ vào sự giáo dục nghiêm khắc của cha Shinmen Munisai.
Nguyên nhân cho cách giáo dục bạo lực, nghiêm khắc là đến từ sự kiện: Munisai từng đánh bại tay kiếm cự phách Yoshioka Kempo, rồi trở thành thiên hạ vô song. Người đời đâu ai hay, thiên hạ vô song lại là án tử cho bất cứ ai đoạt được. Họ không oai phong lẫm liệt, mà chỉ trở thành con mồi cho bọn “thợ săn thiên hạ vô song” truy đuổi. Cuộc sống như thế không có chút yên ổn, sinh tử là chuyện trong nay mai. Với lẽ đó, ông Muni lo lắng cho con trai không thể sống sót trên con đường kiếm đạo, nếu vắng đi sự bảo vệ của ông. Vậy thì, cái tàn bạo dựa vào kỹ năng và sức lực, phương châm giết người không từ thủ đoạn, sẽ là cách đào tạo Musashi.
Musashi đã thấy được Không từ thở bé
Musashi đã thấy được Không từ thở bé
Áp lực không tạo kim cương, cậu con trai nhà Shinmen đã bỏ nhà và đến sống chung với cậu Dorin -một nhà sư từ bỏ binh nghiệp. Trong quãng thời gian sống với cậu, ngoài việc học chữ, học kinh văn Phật giáo. Musashi đã luyện tập kiếm một mình, rồi vô tình chạm tới “dòng chảy”.
Nhưng càng lớn, Musashi càng tìm kiếm nhiều trận đấu sinh tử để mạnh hơn cha, cậu xông pha vào trận chiến Sekigahara đẫm máu, thách đấu gia tộc Yoshioka, tiếp cận cái chết hòng tìm thấy sức mạnh ở đó.
Musashi càng mạnh, ngã chấp và sát khí trong cậu càng lớn. Nhưng nhờ đối đầu với cái chết, Musashi lại cảm nghiệm có một thứ gì đó khác biệt nhưng quen thuộc, đó là cảnh giới quên đi tự ngã và tha nhân trong phút giây sinh tử.

[Vol 7 - 13] Nhất kiếm - Không – Dòng Chảy.

Tâm Cảnh Song Vong
Nãi Thị Chân Pháp
Cảm nghiệm của Musashi khi còn bé và tại trận chiến Sekigahara không gì khác ngoài tâm lý “Dòng Chảy”, do Mihaly Csikszentmihalyi khởi xướng. Bao dung thể của Karl Jaspers. Kinh nghiệm thuần túy của triết học Kyoto, và “Tâm Cảnh Song Vong” trong tác phẩm Zenbattles của Thiền Sư Nhất Hạnh.
Trong triết học tây phương thời hậu Socrates đến thời hiện đại, đa số triết gia thường phân biệt nhị nguyên giữa bản ngã với vũ trụ, và giữa 2 thứ đó là "biểu tượng" (định kiến). Schopenhauer đã từng nói: “Không một khách thể nào lại không có chủ thể, cũng như không có một chủ thể nào là không có khách thể”
Trong khi đó, các triết gia hiện đại như Karl Jaspers, Nishida Kitaro và Thích Nhất Hạnh lại bác bỏ khái niệm trên. Theo đó, họ đưa ra quan điểm như sau:
Trong quá trình con người kinh nghiệm trực tiếp về thế giới khách quan, khi còn chưa xảy ra quá trình phân ly chủ thể và khách thể. Thì tri thức con người sẽ đồng nhất với đối tượng của nó. Có nghĩa, chúng ta sẽ gạt bỏ biểu tượng để nhìn thấy được tự ngã và vũ trụ là một.
Duy Thức Tông cũng miêu tả rất rõ khái niệm trên. Theo quan điểm của phân nhánh Đại Thừa này, con người có 8 thức, gồm: Nhãn, Nhĩ, Tỷ, Thiệt, Thân (5 giác quan); Ý (thức thứ 6 - trung gian suy luận), Mạt Na Thức và A lại da thức (thức thứ 8 - Tàng Thức).
Tại sao không có thức thứ 7 (Mạt Na Thức)? Thực ra nó là thức truyền tin đến thức thứ 8. Ngược lại, nó cũng đưa những hạt giống trong thức thứ 8 lên thức thứ 6. Nói chung, thức này khiến người ta Ngã Chấp - một căn bệnh phổ biến của người học Phật.
Tại sao không có thức thứ 7 (Mạt Na Thức)? Thực ra nó là thức truyền tin đến thức thứ 8. Ngược lại, nó cũng đưa những hạt giống trong thức thứ 8 lên thức thứ 6. Nói chung, thức này khiến người ta Ngã Chấp - một căn bệnh phổ biến của người học Phật.
- Đối với người bình thường như chúng ta, chúng ta sẽ dùng cái biết bằng tư duy: Khi chủ thể cảm nghiệm về đối tượng. Chủ thể thường dùng thức thứ 6 (Tư duy) để nhận thức về đối tượng.
- Còn người đã tỉnh thức, họ lại trọng dụng cái biết từ trực giác: chủ thể sẽ dùng thức thứ 8 (A lại gia thức), vượt qua bức tường của thức thứ 6 rồi tiếp cận tới đối tượng.
Musashi đứng trong vòng tròn Enso, một biểu tượng của Thiền Tông, và câu nói kinh điển của các thiền sư.
Musashi đứng trong vòng tròn Enso, một biểu tượng của Thiền Tông, và câu nói kinh điển của các thiền sư.
Trong kiếm đạo, hình ảnh của thanh kiếm trên tay Samurai đại diện cho thanh kiếm của Bất Động Minh Vương, đó là “Nhất Kiếm” chặt đứt các biểu tượng, chấm dứt cái biết bằng suy luận để có cái biết trực tiếp. Đương nhiên, trong binh pháp Ngũ Luân Thư, Musashi đã nói: Bản thân không thích tranh luận về đạo dùng kiếm với các lưu phái khác. Vì lời nói và sự suy luận dựa trên lý thuyết là sai lầm. Chỉ có dốc hết mình trui rèn kiếm thuật, nghiền ngẫm binh pháp hàng ngày, cố gắng mô phỏng nhiều trận chiến thực tế, từ bỏ mọi định kiến về vũ khí khác nhau bằng việc tinh thông bách nghệ, sống một đời đạo hạnh như một hành giả. Thì mới thấu hiểu chân ý nghĩa của “Không”:
 “Với tâm thật tĩnh, ngươi hãy chuyên cần rèn luyện võ đạo mỗi ngày, mỗi giờ. Hãy trui rèn cả “tâm” lẫn “trí”, và giũa mài cả “quan” lẫn “kiến”. Khi “tâm” không còn bị mây mờ u ám và trở nên thanh khiết, khi những đám mây hư ảo che phủ “trí” đã tan đi để trí lộ rõ, ngươi sẽ đạt cảnh giới “đại thanh minh”. Đó mới là “Không” đích thực.” - Trích: Không chi quyển – Miyamoto Musashi.
Tóm lại, khi chúng ta ở trạng thái Không, ta nhìn thấy hoa là biết hoa, nhìn thấy chén trà là biết chén trà, nhìn thấy kiếm là biết kiếm, mà không cần đến tư duy, suy luận.
Trong đời sống hàng ngày, chúng ta cũng trải nghiệm nó trong dòng chảy của Deepwork. Sự chú ý vào từng chi tiết nhỏ nhặt của vạn vật và vẻ đẹp vô thường của chúng trong thực tại. Bạn nào đã từng học tiếng Anh giao tiếp, thì đã từng nghe đến khái niệm “học tiếng Anh như một đứa trẻ tập nói”, đây cũng là cách học tập kiếm đạo nhờ vào trực giác của Samurai.
Sự thật về Musashi là Musashi, Musashi là tổng thể nhiều thứ tạo nên cậu ta. Không ai thể được nhìn vào một góc độ nào đó của Musashi và đưa ra định kiến rằng "Ngươi là người tốt, ngươi là người xấu, ngươi là kẻ lang thang, ngươi là A tu la"
Sự thật về Musashi là Musashi, Musashi là tổng thể nhiều thứ tạo nên cậu ta. Không ai thể được nhìn vào một góc độ nào đó của Musashi và đưa ra định kiến rằng "Ngươi là người tốt, ngươi là người xấu, ngươi là kẻ lang thang, ngươi là A tu la"
Quay lại tác phẩm Vagabond, tác giả Inoue Takehiko đã cho Musashi biết được cảm nghiệm đó từ khi còn bé, được thầy Takuan nhắc khéo nhiều lần trong những ngày đầu gặp mặt. Nhưng Musashi là kẻ cứng đầu, nhìn đăm đăm vào tham vọng làm sao có được sức mạnh, nên cậu không thể khai mở gì thêm.
Vong Cảnh Do Dị
Vong Tâm Chí Nan
Nhân Bất Cảm Vong Tâm
Khủng Lạc Không Vô Lao Mô Xứ
Để hiểu chân Kiếm đạo như lời Takuan nói, Musashi quyết tâm du hành đến Cổ Phúc Đại Tự, mong muốn được tham thiền với trụ trì In'ei Hozoin.
Đến nơi, Musashi gặp được sư In'ei tại vườn rau trong chùa, rồi Musashi sợ hãi, khi thấy lão sư đang cầm cuốc, như đang chuẩn bị tư thế chực bổ vào mình. Lão thấy vậy liền hét lớn: “Katsu”, giọng thét ấy bất ngờ làm Musashi điếng tai, hăm dọa cậu chết khiếp. Musashi thấy vậy liền nể phục, rồi nói lời khen ngợi về sát khí đầy uy lực của lão sư.
Lão sư In'ei không vội mừng mà còn bác bỏ lời khen, có lẽ là vì ông đã tu hành đắc đạo, nên biết cách làm cho tâm của ông an yên, không sinh ra bất kỳ sát khí nào. In'ei cho rằng: 'Sát khí thô lậu mà Musashi thấy từ ông, chỉ là tấm gương phản chiếu ác tâm của cậu ta mà thôi'
Ngôn ngữ đạo đoạn với Tàng Thức, không thể nói đúng về Tàng Thức được
Ngôn ngữ đạo đoạn với Tàng Thức, không thể nói đúng về Tàng Thức được
Sư In'ei biết Musashi hiểu về cảm nghiệm dòng chảy của thiền nên mới tìm tới đây. Cơ mà giả thích về thiền lòng vòng cho người sát khí thô lậu như thế này thì cũng vô ích. Dù có nói thì cũng chẳng thể giải quyết, dù có nghe và tư duy thế nào cũng chẳng hiểu. Chỉ có cái biết trực tiếp thông qua thực hành, mới có thể giúp Musashi khai ngộ.
Để Musashi được toại nguyện, Inshun - một vị sư trẻ có thiên bẩm về thương thuật, trò cưng của trụ trì In'ei đã chấp nhận lời mời thách đấu từ Musashi. Sau một hồi căng thẳng chiến đấu với sư Inshun, Musashi bị đánh đến trọng thương. Cậu hoảng loạn chạy trốn khỏi trận đấu, được một quãng thì ngất lịm.

Đối diện khổ đau, nhìn thấy sự thật

Trụ trì In'ei đã đưa Musashi về chùa rồi trị thương cho cậu ta. Càng ngày Musashi càng nhụt chí, vì đã đánh mất danh dự trước Inshun. Thấy vậy, lão sư In'ei đưa ra yếu chỉ quan trọng: “Dù là kẻ mạnh nào đi nữa cũng đều sợ hãi khi đấu bằng kiếm thật. Hãy đón nhận nỗi sợ đó, đừng gạt nó sang bên”
Trong tác phẩm Giận của thiền sư Nhất Hạnh. Ông miêu tả cách vận hành của khổ và cách hóa giải khổ như sau: Năm giác quan và thức thứ 6phòng khách, còn tàng thứccăn hầm chứa hạt giống.
Khi vị khách là các tác nhân tiêu cực từ bên ngoài đi vào phòng khách. Các hạt giống đau khổ từ căn hầm bắt đầu hưởng ứng với vị khách, rồi chúng trồi lên và khiến ta khổ não. Thay vì đối diện với vị khách, ta trốn tránh, đèn nén, đuổi khách đi bằng việc nhồi nhét nhiều phương tiện giải trí khác nhau vào phòng khách. Nhưng càng làm như thế, thì phòng khách càng chật hẹp. Phương án tốt nhất là đối diện, trò chuyện với vị khách. Rồi ta ôm ấp những cái cây đau khổ, cho đến khi cái cây trở về dưới dạng hạt giống trong căn hầm tàng thức.
Như vậy, Musashi phải đối diện với nỗi sợ, thì mới thôi nhụt chí mà tiến bước.
Để chữa lành cho Musashi, In'ei Hozoin dẫn cậu vào rừng, dạy thiền tập và phương pháp đối phó với thương thuật. Sau nhiều ngày khổ luyện, Musashi đã tịnh được tâm. Vậy nên, lão sư In'ei đã cho phép Musashi và Inshun mở cuộc tái đấu. Mục đích duy nhất cho trận đấu lần 2 này là giúp học trò, cùng với vị khách phương xa vượt thoát chấp trước: Musashi thì chấp vào danh hiệu thiên hạ vô song, ý niệm giết người theo bản năng và nỗi sợ chết. Inshun thì bị kẹt vào nỗi đau trong quá khứ vì cha mẹ chết oan, kẹt vào sự ỷ lại thiên bẩm thương thuật đến nỗi không biết sợ chết là gì.
Trong đêm diễn ra trận tái đấu, dưới sự chứng kiến của trụ trì In'ei, hai bên đã có một trận đấu ngang tài ngang sức. Ngay khoảnh khắc tiệm cận sinh tử, Musashi để thức thứ 6 trống rỗng, ngũ quan thư giãn, nhờ đó thấu đạt chân ý của lão Trụ Trì, và rồi, cậu ta đã chiếm thế thượng phong. Còn Inshun lúc này bắt đầu vọng tâm, đánh mất tự ngã. Mang theo tâm lý hoảng loạn, sư trẻ vội vã cầm thương lao đến đâm thẳng vào cổ họng Musashi. Musashi nhanh chóng né đòn, đáp trả bằng một gậy vào đầu khiến sư trẻ bất tỉnh, riêng Musashi thì ngã quỵ vì cạn kiệt sức lực ngay sau đó.
Trận đấu kết thúc với kết quả hòa và không ai mất mạng. Inshun tháo gỡ được tổn thương trong quá khứ, Musashi được trải nghiệm lại chân lý của dòng chảy Không Tính. Nhưng ngay sau khi thắng được Inshun, cảm giác thỏa mãn chiến thắng đã làm lu mờ sự sáng suốt của Musashi. Nhân vật chính lúc tỉnh dậy đã hỏi lão tăng rằng, anh đã thành tựu chưa. In'ei thấy rõ được tà niệm đó và trả lời: “Trong khoảnh khắc thí chủ đánh trúng Inshun, thí chủ đã trở thành một con thú, nồng nặc sát khí thô lậu… Trước lúc đánh được Inshun, thí chủ làm tốt lắm”
Từ biệt Cổ Phúc Đại Tự, Musashi du hành đến xứ Yamato, tìm gặp đồng môn của trụ trì In'ei, đó là thánh kiếm Yagyu Sekishusai.

Thấu hiểu công án Vô Đao và hư danh Thiên Hạ Vô Song

Bất tri không bổn vô không
Duy nhất chân pháp giới nhỉ.
Sekishusai là một samurai nổi tiếng thuộc phái kiếm Shinkage Ryu, là con trai của thành chủ xứ Yamato. Thời còn trẻ ông đã là một thiên tài về kiếm, nhưng ông vẫn không hiểu gì về KHÔNG của sư phụ Kami Izumi. Trong nhiều đêm nghiền ngẫm công án Thiền “Vô Đao” từ sư phụ Kami Izumi, bỗng một ngày nọ, Sekishusai đã khai ngộ được “Vô Đao”. Từ đây về sau, ông chán ngán, từ bỏ trò chơi chém giết của giới Samurai, và rồi đi theo con đường bất bạo động, sáng lập ra chiêu thức “vô đao” – đoạt kiếm của kẻ địch bằng tay không.
Trước khi Musashi đặt chân vào xứ này, Denshichiro đã đến thăm võ đường tộc Yagyu xin thỉnh giáo kiếm thuật từ Sekishusai, rồi trở về phòng trọ nơi Musashi đang tá túc. Nhưng lão Sekishusai đã từ chối khéo Denshichiro, ông nhờ nàng Otsu gửi hoa kèm theo lá thư mời thưởng trà đến hắn. Lúc nhận được thư mời, hắn nổi giận, vứt đóa hoa đi, rồi vội vàng từ chối lời mời thưởng trà. Thực ra, lời mời thưởng trà là ẩn ý sâu sắc của thánh kiếm.
Làm tí trà thư giãn thân tâm để có trí tuệ nào.
Làm tí trà thư giãn thân tâm để có trí tuệ nào.
Trong văn hóa Nhật Bản, Trà Đạo cũng bị ảnh hưởng sâu sắc từ Thiền tông. Đặc trưng của Trà Đạo bao hàm hai nghĩa như sau:
Thứ nhất, trà sư và trà hữu cùng thực hành chánh niệm thông qua nghi lễ đơn giản với ba bước: đun nước, chế trà và thưởng thức. Mắt thấy trục treo nồi nước, thấy hoa được cắm, mũi nghe hương trà trong không khí, tai nghe tiếng nước sôi, lưỡi nếm các vị thơm ngon của trà, hành động tay chân phải đúng nghi thức. Năm giác quan được thanh tịnh, thì tâm ý cũng thanh tịnh theo. Nhờ đó đoạn trừ phiền não như “nhất kiếm” của Kiếm Đạo.
Thứ hai, trà sư và trà hữu cùng ngồi trong trà thất theo phong cách kiến trúc Wabi Sabi. Giữa họ không còn ràng buộc vào địa vị xã hội, cả hai đều bình đẳng như nhau. Nhờ đó, giữa họ mới có thể buông xả hết tất cả, để cùng nhau đàm luận trong cõi tĩnh mịch của trà thất.
Từ hai điều trên, ta có thể thấy, Sekishusai đã đưa ra ẩn ý sâu sắc qua thư mời. Nếu Denshichiro chấp nhận thì hắn sẽ được lão thánh kiếm truyền thụ bí quyết Không của ông ấy. Còn danh hiệu “thiên hạ vô song” chỉ là cái nhãn tai họa, vô nghĩa, dính chặt vào bản ngã của những kiếm sĩ tham vọng như hắn.
Ngay từ khi Denshichiro còn bé, cha của hắn là Kempo đã từng nhắc nhở đồ chúng Yoshioka tập trung vào thực tại: “Ngay bây giờ, ngay lúc này, không có lần sau”. Nhưng tâm lý so sánh thiệt hơn giữa hắn với Musashi và Yoshioka Seijuro đã chiếm trọn lấy tâm trí của hắn. Cả cuộc đời Denshichiro là một biển vô minh, mải mê sống trong vọng tưởng, luyện tập kiếm pháp điên cuồng mù quáng chỉ để mong được mạnh hơn. Thực ra, hắn đã mạnh mẽ ngay từ đầu, kiếm pháp đã điêu luyện, thân thể cường tráng vượt trội hơn người. Nhờ đó, Denshichiro đã chém trọng thương Musashi trong trận tỉ thí đâu tiên. Điều hắn còn thiếu là sự bình tâm trong mọi hoàn cảnh, chứ không phải một kiếm kỹ nào đó xuất chúng hơn từ Sekishusai.
Là cái nhãn dán vô nghĩa lên nhà ngươi.
Là cái nhãn dán vô nghĩa lên nhà ngươi.
Khi đóa hoa của ông lão tộc Yagyu đã bị Denshichiro vứt đi. Cô hầu gái của nhà trọ đã nhặt lại đóa hoa rồi gửi tặng nó cho Musashi. Nhân vật chính nhìn thấy vết cắt gọn gàng trên thân cây hoa, biết được lão già kia là một người vĩ đại thực sự.
Biết vậy, Musashi liền gửi thư xin hẹn gặp đến dinh thự của họ Yagyu, nhưng không nhận được hồi âm. Vậy là cậu lẻn vào dinh thự trong đêm, đánh bại lũ gia nô tại khuôn viên với hy vọng gặp được “thánh kiếm”.
Trong lúc trốn khỏi đám gia nô, Musashi vô tình lẻn vào phòng ngủ của Sekishusai. Cậu tuốt kiếm thách thức, hỏi bí quyết của thánh kiếm là gì. Nhưng sự tự tại thiên thu trong ánh mắt của Sekishusai đã làm Musashi tỉnh giấc. Cậu nhận ra bao nhiêu năm hành đạo, cũng chỉ vì vô thức làm theo tham vọng “thiên hạ vô song” của người cha hà khắc Munisai.
Cậu quán tưởng thấy Munisai là kẻ vĩ cuồng, đang đứng giữa không gian hạn hẹp trên một gốc cây, ảo tưởng rằng bản thân đã có được thiên hạ rộng lớn. Ngược lại, lúc Musashi nhìn vào lão thánh kiếm Sekishusai, cậu chỉ thấy sự rộng lớn của tự do bao trùm vũ trụ.
Ngay lúc ấy, lão già tỉnh táo sau cơn ngái ngủ, trả lời Musashi: “Kiếm của ta hợp nhất với thiên địa làm một. Thiên hạ vô song chỉ là cái tiếng thôi”
Kami Izumi đưa ra công án Vô Đao đến học trò In'ei và Sekishusai
Kami Izumi đưa ra công án Vô Đao đến học trò In'ei và Sekishusai
Khi đọc 2 câu trên, chúng ta có thể tạm hiểu:“Kiếm, ta, trời, đất, tất cả hòa hợp làm một”. Triết gia Nishida Kitaro đã nói rằng:
“Thần” là Thực Tại, “Thần” là sự hợp nhất giữa tinh thần và tự nhiên, không có sự chia ra khách quan và chủ quan”
Điều Nishida muốn nói là những biểu tượng về chúa trời toàn năng, phép màu huyền bí mê tín. Ngay cả danh hiệu “thiên hạ vô song” trong thế giới Vagabond. Tất cả cũng chỉ là nhãn dán mà con người tạo ra để tôn thờ chúng. Khi chúng ta sống trong thực tại, bản thân sẽ cảm thấy bình tâm, biết chú trọng vào từng chi tiết nhỏ nhặt xung quanh, thấy cái đẹp của vô thường của vạn vật. Thì đó là trải nghiệm “Thần”, đó là “Không”. Đó là “kiếm của ta hợp nhất với trời đất là một”
Nghe được câu nói của lão, Musashi lập tức khai ngộ về ý nghĩa giả danh của “thiên hạ vô song”. Hiểu được việc trở thành bậc thầy về kiếm, không chỉ nhờ vào sức lực và kỹ năng, mà còn phải có cái nhìn thấu suốt không tham sân si của một thiền sư.
Khi tâm trí đã sáng tỏ về Không, Musashi dập đầu đa tạ ông lão. Cậu lẻn ra ngoài trong đêm tối, khởi hành trở về Kyoto. 

#Kết

Vậy là kết thúc phần đầu tiên cho bài Review. Con đường ngộ đạo của Musashi cho đến lúc này có thể tóm gọn trong bài kệ của Hoàng Bích gửi đến Lâm Tế.
Phàm phu thủ cảnh
Đạo nhân thủ tâm
Tâm cảnh song vong
Nãi thị chân pháp
Vong cảnh do dị
Vong tâm chí nan
Nhân bất cảm vong tâm
Khủng lạc không vô lao mô xứ
Bất tri không bổn vô không
Duy nhất chân pháp giới nhỉ.
Thích Nhất Hạnh giải:
Phàm phu thì kẹt vào cảnh.
Đạo nhân thì kẹt vào tâm.
Khi tâm và cảnh đều không còn, thì mới đúng là pháp chân thật.
Quên cảnh thì rất dễ, nhưng quên tâm thì rất khó;
Con người không dám buông tâm. Tại vì sao vậy?
Tại vì con người sợ rơi vào chỗ không có gì để nương tựa.
Con người không biết rằng cái Không đó vốn không phải là không (ngược với cái có), cái Không đó chính là Nhất Chân Pháp Giới (pháp giới chân thật). Con người không dám buông tâm, vì buông tâm rồi thì không còn gì nữa, thành ra họ sợ ý niệm không còn gì cả. 
Kiếp nạn với đại gia tộc Yoshioka.
Kiếp nạn với đại gia tộc Yoshioka.
Trong những chương tiếp theo của bộ truyện, mặc dù nhân vật chính của chúng ta đã hiểu ra Không Tính là gì, nhưng Musashi vẫn sẽ tiếp cận với những thử thách sinh tử mới, nhằm thấu đạt đến đỉnh điểm Kiếm Đạo.
Kiếm cũng giống như Thiền, người hành đạo phải chú trọng hành động hơn việc lao khổ suy tư như một triết gia. Cho đến khi Musashi gặp đại kiếp nạn với 70 đồ chúng Yoshioka-ryu, Musashi đã khai mở bộ kinh quan trọng của nhà Phật. Sẽ có triết lý gì hay từ bộ kinh được khai mở tại trận thư hùng mất cân xứng đó? Hẹn gặp lại các bạn trong bài review kết tiếp.