Muốn có sự tôn trọng của người khác, bạn phải học cách tôn trọng bản thân mình. 
- Một cô Mèo
Bài viết hôm nay là về chủ đề “thiết lập ranh giới cá nhân” – để nhận được sự tôn trọng mà bạn xứng đáng có được trong bất kỳ mối quan hệ nào. Việc thiết lập được giới hạn là một điều không hề dễ dàng – đặc biệt là đối với những người nhạy cảm, hay đặt người khác lên trước bản thân mình. Tuy nhiên, việc không có giới hạn rõ ràng cho bản thân lại là điều khiến cho vô vàn mối quan hệ đổ vỡ, đặc biệt những mối quan hệ thân thiết như bạn bè gần gũi, hay mối quan hệ tình cảm lãng mạn. Thông thường, những người nhạy cảm, thương người hay có thói quen “thôi thì bỏ qua cho người ta lần này” mỗi khi bị một người xúc phạm, hay làm gì quá đáng với họ. Nhưng họ không biết rằng, việc họ bỏ qua cho người khác 1 lần là họ đã cho người ta cơ hội để xúc phạm họ thêm hàng trăm, hàng ngàn lần như thế nữa. Chỉ đến khi “con giun xéo lắm cũng quằn”, giới hạn bị dẫm lên quá nhiều lần, những người hay “nhịn”, hay “bỏ qua” kia mới tức nước vỡ bờ, cắt đứt hẳn mối quan hệ, và thậm chí đổ lỗi cho người kia vì quá “tồi tệ”, còn bản thân là nạn nhân khi mối quan hệ đã đổ vỡ. Nếu họ không kịp nhận ra vấn đề có phần lỗi của họ – do họ không biết thiết lập ranh giới cá nhân một cách lành mạnh, thì cái vòng lặp của những mối quan hệ đổ vỡ, thu hút những người “không ra gì” sẽ luôn tiếp diễn mãi.
KHI NHỮNG NGƯỜI NHẠY CẢM THIẾT LẬP RANH GIỚI CÁ NHÂN =))) SOURCE: FACEBOOK
“Ranh giới cá nhân” là gì? Theo Wikipedia, ranh giới cá nhân là những quy tắc, giới hạn mà một người đặt ra, để chỉ dẫn cho người khác cách hành xử phù hợp, đúng đắn khi giao tiếp với họ, cũng như cách họ sẽ phản ứng lại khi người khác vượt qua giới hạn đó. Theo định nghĩa này, “ranh giới cá nhân” bao gồm hai vế: 1. Quy tắc, hướng dẫn cho người khác cách hành xử với bạn ra sao; và 2. Cách bạn phản ứng khi bị người khác dẫm lên giới hạn.
Xây dựng rõ ranh giới cho bản thân nghe thì đơn giản, nhưng thực chất khá phức tạp. Làm sao để bạn biết được “quy tắc” của bản thân là gì, và làm sao để bạn có thể diễn đạt cho người ta hiểu được các “quy tắc” này? Làm sao để “phản ứng” lại cho khôn ngoan, khéo léo khi người khác vô tình (hoặc cố ý) dẫm lên ranh giới của bạn – để không bị “phản ứng thái quá”, gây đổ vỡ những mối quan hệ đáng giá? Thế mới nói, việc giao tiếp giữa người với người sao cho tốt, để giữ được những mối quan hệ lâu dài là cả một vấn đề lằng nhằng, phức tạp, bởi con người vốn cảm tính, có cái tôi cao.
Cá nhân mình, mình từng là người có ranh giới cá nhân rất yếu. Hồi còn đi học, bởi bản thân mình vừa là người nhạy cảm, lại không biết đứng lên bảo vệ bản thân, nên khi bị người khác hành xử thiếu tôn trọng, mình luôn chỉ giữ mọi chuyện trong lòng, bực mình một cách “thụ động” – tức là cứ giữ sự bực tức, căm giận trong lòng, không bao giờ mở miệng ra để nói lên những gì mình cần nói. Vì luôn ngại đối đầu với người khác, nên mình chẳng bao giờ thành thật với những cảm xúc của bản thân, chỉ cho đến khi “tức nước vỡ bờ”, mình mới lạnh lùng đẩy tất cả mọi người ra xa, cô độc một mình – như một cách thể hiện sự giận dữ – trong vô thức. Ngày đấy, mình luôn mang tâm lý nạn nhân, rằng người khác là kẻ “xấu tính”, luôn hành xử quá đáng, nhưng mình không nhận ra cái sự nhỏ mọn, thiếu hiểu biết về chính bản thân và những người xung quanh của mình – nên sự giận dữ của mình cũng luôn bị chìm trong tiềm thức, chỉ đến lúc quá mức chịu đựng rồi thì mình mới “toang” ra, hoảng loạn, căm hờn. Sống cùng những người hay “giận dữ thụ động” (passive aggressive) như này khá mệt mỏi, bởi những người này không bao giờ nói ra mọi chuyện cho thẳng thắn, mà cứ luôn giữ trong lòng, nên bạn khó mà biết được người ta đã ghi hận về bạn từ khi nào :))
Việc có ranh giới cá nhân yếu luôn khiến mình cảm thấy mình chẳng là ai, rằng thế giới này thật đáng sợ, và bản thân mình càng chui vào cái vỏ bọc của sự đơn độc thật sâu hơn. Các mối quan hệ của mình trở nên rất khó chịu, bởi mỗi khi bị người ta chọc vào, hành xử thiếu tôn trọng, mình không bao giờ thẳng thắn đối mặt để giải quyết vấn đề tận gốc được, mà cứ ghim chặt mọi chuyện trong lòng, và điều đấy khiến mình không thể kết nối với bất kỳ ai một cách sâu sắc, thân mật được. Bởi khi mình không thể thành thực đối mặt với sự giận dữ, những cảm xúc trong lòng mình, làm sao mình có thể xây dựng một mối quan hệ có nền tảng của sự trung thực, tôn trọng với người khác được? Và sau khi một mối quan hệ rất thân thiết của mình đổ vỡ, mình mới nhận ra được sự thực đấy, lỗi lầm đấy ở bản thân, để mình quyết tâm học cách xây dựng ranh giới cá nhân lành mạnh hơn.
Câu chuyện vừa kể trên là vấn đề liên quan đến “ranh giới cá nhân” mà một người bị “tức giận thụ động” thường gặp phải. Tuy nhiên, mình biết những người khác, tuy họ không bị giận dữ thụ động như mình, nhưng khi bị người khác chọc vào, thay vì thẳng thắn vạch rõ giới hạn cho bản thân, họ sẽ để sự giận dữ dẫn dắt, loạn lên như mèo cào, gào thét, khóc lóc om sòm, chửi rủa đầy bực bội, căm hận. Tuy cách thức này thì đỡ hơn so với mấy người hay bị “tức giận thụ động”, nhưng việc không biết cách điều tiết, xử lý cơn giận sao cho hiệu quả sẽ dễ dàng khiến các mối quan hệ đổ vỡ, hoặc các mối quan hệ trở nên vô cùng mong manh, vì người đối phương sẽ sinh “sợ hãi”, chẳng biết lúc nào lại chọc vào cái núi lửa đấy. Nên nhìn chung, việc học cách thiết lập ranh giới sao cho hợp lý là cả một bài học về trí tuệ cảm xúc, về sự hiểu biết bản thân và người khác. Nếu bạn nắm được cách thiết lập giới hạn trong các mối quan hệ xã hội của mình, bạn sẽ ngày càng “biết người biết ta” hơn, và các mối quan hệ của bạn sẽ được cải thiện, lành mạnh hơn. Quan trọng nhất, bạn sẽ không để bản thân đóng vai “cừu non gặp nạn” nữa, mà sẽ là người nắm chủ lấy sức mạnh của bản thân thật vững trong tay mình.
Vậy chốt lại, tại sao xây dựng ranh giới cá nhân lại quan trọng đến thế?
Đấy là bởi, việc có một ranh giới cá nhân lành mạnh không chỉ giúp bạn xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp, bền vững hơn, mà nó còn là một cách để bạn chứng minh với bản thân, với những người xung quanh rằng: “Tôi tôn trọng chính tôi – và tôi yêu cầu sự tôn trọng ấy ở bạn”. Có một ranh giới cá nhân vững vàng khiến bạn thêm yêu, thêm tin tưởng, thêm tự tin vào bản thân. Còn những người khác, dù người ta có không ưa bạn đi chăng nữa, thì họ sẽ luôn ngầm tôn trọng bạn, hoặc chí ít, sẽ không dám dẫm lên bạn mà đi. Không có ranh giới cá nhân cho vững chắc, thì làm gì, đi đâu, bạn sẽ luôn là “kẻ yếu” – “yếu” chỉ bởi bạn chưa biết mình mạnh mẽ đến đâu, thế thôi ;)
Làm sao để thiết lập ranh giới cá nhân lành mạnh?
Trước khi học cách thiết lập ranh giới cá nhân, bạn cần cam kết với chính bạn rằng: Bạn tin tưởng vào bản thân và những tín hiệu từ cảm xúc của mình, bạn tôn trọng và yêu thương bản thân. Phải thực sự có tình yêu thương, tôn trọng với bản thân, thì bạn mới có thể thiết lập ranh giới cá nhân cho lành mạnh được. Còn nếu bạn là người đang gặp trắc trở với việc yêu thương chính mình, thì bạn nên hiểu rằng: Việc bạn không xây dựng rõ ranh giới trong mối quan hệ, không biết đặt bản thân lên đầu tiên – sẽ khiến mối quan hệ đổ vỡ trong tương lai. Việc đặt bản thân lên đầu tiên là vì bạn tôn trọng bản thân, người kia và mối quan hệ với họ. Cùng với đó, mong bạn nhớ rằng, việc xây dựng ranh giới một cách rõ ràng KHÔNG BAO GIỜ đồng nghĩa với sự ích kỷ, nhỏ nhen – mà đấy là cách bạn xây dựng tình yêu thương cho bản thân. Phải biết yêu bản thân, thì bạn mới biết yêu thương người khác sao cho đúng được – “Tình yêu đích thực bắt đầu với tình yêu cho chính mình” (“True love begins with self-love”).
Việc thiết lập ranh giới cá nhân một cách rõ ràng KHÔNG BAO GIỜ đồng nghĩa với sự ích kỷ, nhỏ nhen - mà đấy là cách bạn xây dựng tình yêu thương cho bản thân.
Khi hiểu được vai trò của việc tôn trọng, yêu thương bản thân rồi, thì làm sao để bạn có thể nhận ra được ranh giới của mình là gì, và làm sao để diễn đạt được ranh giới cá nhân tới người khác? Để nhìn nhận ra được ranh giới của bản thân, thì cảm xúc của bạn là một dấu hiệu cực bự cho bạn. Ví dụ, khi một người nói một câu khiến bạn cảm thấy khó chịu, không thoải mái – thì đấy là dấu hiệu ranh giới của bạn đang bị xâm phạm. Dù rằng người kia có đùa cợt một cách vô ý, nhưng điều quan trọng ở đây chính là cảm xúc của bạn, ranh giới của bạn đã bị chạm vào. Nếu chỉ vì người ta đang đùa mà bạn bỏ qua cho họ, thì những câu đùa về sau của họ sẽ càng lúc càng động chạm, khó chịu hơn, chỉ vì bạn không thiết lập giới hạn từ phút đầu tiên. Bởi vậy, việc nhận thức được sự khó chịu từ cảm xúc của chính bạn là chỉ dẫn đầu tiên cho ranh giới cá nhân – và ngay khi ranh giới cá nhân có dấu hiệu bị xâm phạm, bạn cần ngay lập tức “hành động” để chỉnh đốn lại hành động của người kia, bảo vệ ranh giới của mình.
Vậy hành động thế nào cho khéo léo – nếu người kia thực sự chỉ vô ý dẫm phải ranh giới của bạn?
Với mình, một cách hay ho để vạch ra giới hạn của bản thân là nêu ra cảm xúc, suy nghĩ của mình một cách thành thực nhất, cũng như đưa ra cho người ta thêm phương hướng hành động để họ không dẫm phải ranh giới của mình một lần nữa – trên cơ sở thẳng thắn, tôn trọng lẫn nhau. Ví dụ, khi một đứa bạn mình trêu chọc một câu khiến mình khó chịu, mình sẽ thẳng thắn luôn: “Mình thấy rất khó chịu với câu nói này của bạn, và mình không mong phải nghe câu đấy thêm lần nữa”. Việc cho người ta biết cảm xúc, suy nghĩ thực của mình ra sao, cũng như việc chỉ trích vào hành động, thay vì chính con người họ, sẽ khiến người ta có ý thức hơn về hành vi của họ để mà sửa đổi, và không cảm thấy cái tôi của họ bị chọc vào.
Việc xây dựng ranh giới cá nhân cần sự cương quyết  bạn có thể nói năng mềm mỏng, nhưng phải kiên định, thẳng thắn, rõ ràng với thông điệp bạn đưa ra. Đừng lòng va lòng vòng, đừng than thở, trách móc, ẩn ý đưa ra dấu hiệu cho người ta – ít ai đủ tinh tế để nắm lấy những dấu hiệu đấy đâu. Bạn rõ ràng, kiên định bao nhiêu, thì ranh giới của bạn càng vững bấy nhiêu, và sự tôn trọng của người ta dành cho bạn, cũng như sự tự tôn của chính bạn cũng tăng thêm. Sự thẳng thắn của bạn dành cho ranh giới cá nhân cũng giúp bạn thấu hiểu rõ hơn nhiều về bản thân, để sau này nếu những tình huống tương tự có lặp lại, thì bạn sẽ luôn luôn có thể kiên định bảo vệ ý kiến, quan điểm của mình được. Bởi vậy, khi thiết lập ranh giới, bạn chỉ cần nói ngắn gọn, rõ ràng, súc tích, với 2 ý:
1. Cảm nhận, suy nghĩ của bạn: Nếu cảm xúc đấy là sự khó chịu, bực bội, thì đừng thêm vài chữ haha đằng sau để làm giảm nhẹ vấn đề – phải để cho người ta thấy được sự nghiêm túc của bạn với ranh giới cá nhân, thì họ mới tôn trọng ranh giới của bạn được. Ví dụ, nếu bạn nói: “Tớ thấy không thoải mái với câu đùa này haha (*cười nhạt nhẽo)” – thì người ta không biết là bạn đang nói thật hay đùa, nên đi thẳng vào vấn đề đi nhé :)))
2. Nêu rõ những mong muốn của bạn: “Mình không muốn cho bạn mượn bài mình”, “Mình không thể giúp bạn được”; hoặc đưa ra chỉ dẫn cho người ta hành động, ví dụ: “Mình mong bạn không lặp lời những câu đùa như này lần nữa”; “Mong rằng lần hẹn sau, anh có thể báo trước cho em trước 24h, để em đỡ phải trông chờ tin anh”; “Lần sau cậu mượn xe mình thì nhớ đổ xăng luôn nhé”. Call to action – lời chỉ dẫn hành động cần ngắn gọn, rõ ràng, súc tích, thì người khác mới biết phải làm gì cho phải.
Cách thiết lập ranh giới cá nhân như trên, với mình, khá hiệu quả – vì nó vừa giúp mình hiểu thêm về cảm xúc của bản thân, vừa giúp người ta hiểu được hệ quả của hành vi của họ, để họ không lặp lại những hành vi đấy lần nữa. Tất nhiên, bạn có thể thẳng thắn nêu rõ luôn bước 2 – là nêu ra những mong muốn của bạn, khỏi cần giải thích gì nhiều, nếu bạn thấy không cần thiết :))
Còn nếu bạn nhắc đi nhắc lại giới hạn của bản thân, mà người ta vẫn cứ dẫm lên giới hạn thì sao?
Lúc này, thì bạn đủ hiểu rõ được đây là loại người “độc hại”, không biết tôn trọng người khác, hoặc trí tuệ cảm xúc của họ quá kém để biết hành xử như nào cho đúng. Với những người thích khiêu khích giới hạn của bạn, bạn có quyền cho phép bản thân “xoá sổ” họ ra khỏi cuộc đời – bởi bạn không phải chịu trách nhiệm cho bất kỳ sự thiếu tôn trọng nào từ người khác. Nếu bạn không thể đuổi họ đi được, thì cách tốt nhất để hành xử với những người như này là không giao tiếp, không phản ứng với bất kỳ hành vi nào của họ – “bơ” sạch người ta, thì rồi dần dần, những năng lượng tiêu cực này sẽ tìm những con mồi khác, bỏ qua cho bạn :)) Tuy nhiên, bạn sẽ cần phải học cách tôn trọng, yêu thương bản thân, đặt sự bình yên cho chính mình lên đầu trước, thì khi đó bạn mới nhận ra, có một số người không đáng để bạn tốn thời gian vào.
Ngoài những người “độc hại” cố tình dẫm lên ranh giới của bạn, sẽ có những loại người “thích thao túng” khác tìm đủ mọi cách để chế giễu bạn và ranh giới của bạn, cho rằng bạn quá nghiêm túc rồi, bạn quá đáng rồi khi “dám” nêu ra giới hạn của bản thân, rằng trước giờ họ làm như này thì không sao, chỉ mỗi bạn hành xử “thái quá” đến vậy. Những đối tượng này thì “khó ưa”, thậm chí nguy hiểm hơn những loại người “độc hại” ở trên, bởi những đối tượng như này khiến bạn tự nghi ngờ bản thân, họ “gaslight” – thao túng tinh thần bạn, bóp méo thông tin, sự thực về cảm xúc, suy nghĩ, óc phán đoán của bạn, cho rằng bạn đang “dựng chuyện”. Với trường hợp như này, điều quan trọng nhất là bạn phải tin tưởng vào bản thân, vào dấu hiệu cảm xúc chính mình đã trải qua, và sớm nhận thức được một điều rằng: Đây là hành vi thao túng, thiếu tôn trọng, và chính xác là mình đã thấy rất khó chịu – nên phản ứng của mình hoàn toàn đúng đắn, phù hợp. Chỉ có sự tin tưởng vào bản thân, thì mới giúp bạn nhận ra những loại người thao túng này, và sớm biết mà “loại bỏ” họ sớm ra khỏi cuộc sống của bạn.
Trên đây là phương pháp để thiết lập giới hạn của bạn khi bị người khác hành xử thiếu tôn trọng (dù vô tình hay cố ý). Khi bạn biết cách thiết lập giới hạn cho lành mạnh, bạn không những giúp cho mối quan hệ của bạn với người kia trở nên lành mạnh, trong sạch hơn, mà còn tạo ra nền tảng vững chắc của sự tin tưởng trong mối quan hệ, để người kia khi có sự khó chịu gì, hoặc mong muốn gì đối với bạn, họ có thể tin tưởng bạn để nói thẳng ra những gì bên trong họ, thay vì phải giữ trong lòng. Điều quan trọng hơn cả, biết cách thiết lập giới hạn cho bản thân còn giúp bạn thấu hiểu hơn về bản thân – những nhu cầu, cảm xúc của chính bạn, và học được cách chấp nhận, tôn trọng chính mình. Chính sự tự tôn (self-respect) của bạn – là tiền đề để người khác tôn trọng bạn, bởi bạn luôn là người đưa ra ví dụ cho người khác về cách nên đối xử với bạn ra sao. Học cách yêu thương bản thân, và nhận ra rằng, bạn xứng đáng với mọi sự yêu thương, trân trọng trong cuộc sống này, bạn nhé!
Chúc bạn bình yên trong giây phút này!
Mystic Cat Lady
Ghé thăm Blog nhỏ của mình nếu bạn quan tâm đến vấn đề Phát triển bản thân, Tâm linh, Tâm lý học nhé: fb.me/mysticcatlady 
---
Nguồn tài liệu cho bài viết: