"Ngày xưa chị đi du học ở Nga làm gì có điện thoại, email. Có lần chị chán lắm rồi, muốn bỏ về, gửi thư cho bố thì hơn nửa năm sau mới nhận được thư trả lời. Lúc đấy đã hết "trầm cảm" xừ nó rồi..."
Chị là người khiến tôi phải ngỡ ngàng kính nể chỉ qua một buổi sáng gặp mặt và một bữa trưa chóng vánh. Vừa cứng rắn, vừa mềm mỏng, quả quyết nhưng lại rất từ tốn, đó là tất cả những gì tôi có thể mô tả về chị. Những chuyện chị kể mang tính cá nhân cao, tôi nghĩ có dịp phù hợp, để chị từ từ chia sẻ sẽ thú vị hơn rất nhiều.
Nghe chị kể chuyện "ngày xưa", tôi hiểu thêm vì sao thế hệ trẻ lại bị gán cho cái tên là "Thế hệ vượt sướng" trong khi tôi thấy, người được cho là "sướng nhất" tôi quen cũng có vô số cái khổ riêng.
-----
Theo tôi thì, "vượt sướng" bây giờ có thể được hiểu là:
1. Vượt qua sự háo hức của việc cầm điện thoại lên chơi tí cho vui, hóng tí drama, "học" thêm chút kiến thức và cuối cùng là ngồi cả 2-3 tiếng liền với rất ít thứ thực sự còn đọng lại trong mình
2. Vượt qua cảm giác "Ôi nghỉ ** việc đi cho rồi, thằng sếp t nó bị làm sao í" "Client của t bị *$&%* à?" để lấy đấy làm cơ hội để cải thiện kỹ năng chuyên môn, kỹ năng làm việc nhóm hay giao tiếp với khách hàng trước khi thực sự nghỉ vì không thể cứu vớt nổi
3. Vượt qua cái ảo tưởng rằng "thế nào chả có chỗ khác ok hơn" để kiên trì vượt qua những khó khăn tất yếu của những dự án mới bắt tay vào làm
4. Vượt qua sự thoả mãn của cái tôi khi cho rằng một ai đó không đủ thông minh, tinh tế hay hiểu biết bằng mình để thật sự "nhún nhường" và lắng nghe ý kiến của họ
5. Vượt qua cảm giác "tôi là người có học và có hiểu biết" sau khi đọc thật nhiều để đối mặt với sự thất bại khi thực sự đem những cái mình đã học/đọc ra ứng dụng trong cuộc sống thực tế
6. Vượt qua sự thoải mái của việc "lười" nằm chơi một tí, đi xe máy cho tiện để hoạt động cơ thể cho khoẻ mạnh và linh động hơn
7. Vượt qua sự thích thú khi được làm đúng "đam mê" để tỉnh táo phân biệt "đam mê" và "năng lực"
8. Vượt qua sự nhạn hạ khi sống theo các thói quen cũ để tỉnh táo lựa chọn "làm mới" bản thân mỗi ngày. Nói chuyện theo cách hiệu quả hơn, hành động theo cách ít bộc phát hơn, yêu theo cách lành mạnh hơn,...
...và nhiều những cái "sướng" khác nữa...
Chuyện "vượt sướng" này thì AI CŨNG PHẢI HỌC chứ không riêng gì thế hệ nào. Chẳng qua các thế hệ trước đã từng BẮT BUỘC phải vượt qua một số cái "sướng" vì không có quá nhiều sự lựa chọn khác. Qua những lần đó, họ có cơ hội trở nên cứng cáp hơn và "chịu khổ" giỏi hơn.
Bây giờ, chúng ta có nhiều sự lựa chọn để "sướng" hơn, nhận thật nhiều dopamine trong thời gian nhanh và ngắn hơn, lại ít kỹ năng sống và cơ hội thực hành sống chậm, chịu đau, chịu khổ hơn. Cùng đối diện với một sự thất bại, chắc chắn nỗi sợ của tôi và chị sẽ khác nhau.
Tuy nhiên, có những cái "sướng" tôi nghĩ người trẻ sẽ vượt qua dễ dàng hơn, bởi đâu đó, chúng tôi có nhiều kiến thức khoa học về cách tâm trí và xã hội vận hành hơn, sẵn sàng thay đổi các định kiến về việc phải như này, như kia mới là đàn ông/phụ nữ/thành công/thất bại hơn những thế hệ đi trước.
Tôi nghĩ cũng khó để bố mẹ tôi không chửi mắng ép buộc hoặc ngược lại hoàn toàn là mặc kệ để tôi tự do lựa chọn con đường nào cũng được, bởi đó là hai cách nuôi con duy nhất ngay xưa bố mẹ tôi biết. Hay để thay đổi suy nghĩ "bê đê không phải là bệnh" cả xã hội đã củng cố qua mấy chục năm, tôi cũng thấy không phải chuyện đơn giản.
Đương nhiên thế hệ nào chẳng có người này người kia nhưng nhìn chung, sự thay đổi trên diện rộng này là kết quả của một nền kinh tế đang chuyển mình mạnh mẽ cùng sự thay đổi của công nghệ có thể quan sát được hàng ngày.
------
Mục tiêu của tôi cũng không phải để "mạnh mẽ" hơn y như cách bố mẹ anh chị tôi đã làm, nghiến răng chịu đựng và chờ mọi việc qua đi, hay cắn răng lao tới mặc cho mình mẩy chân tay đã máu chảy đầm đìa.
Qua các bước chân nhỡ nhàng của thế hệ trước, tôi cũng có thêm cơ hội nghĩ lại về bản thân, xem tôi đang bước đi như thế nào và muốn đi tới đâu.
Qua những câu chuyện cá nhân của chị, tôi cũng có dịp nhìn lại những thiên kiến cá nhân về sự phân cực của thất bại và thành công trong quãng đời hiện tại. Nếu chúng ta bước ra xa một chút và nhìn lại toàn hộ quãng đường, tất cả đều trở thành những cột mốc đáng quý của hành trình hiểu mình, hiểu đời và tìm được vị trí của mình trong bể đời rộng lớn mênh mông.
Có những thất bại sinh ra để mở đường cho những có hội mới còn có những thành công hoá ra chỉ là vỏ bọc của những ảo tưởng nhất thời. Thay vì cái tên "thành công" hay "thất bại", tôi vẫn đang học cách có một cái nhìn trung dung hơn và gọi chung chúng là những "trải nghiệm".
Mời các bạn theo dõi trao đổi của mình và chị Mai Hiền, đồng sáng lập một trong các tập đoàn truyền thông lớn nhất Việt Nam:👉🏼