GIAO TIẾP BẤT HÒA : CHỐI TỪ BẢN THÂN & TỔN THƯƠNG MỐI QUAN HỆ
Ta không thể kiểm soát người khác mà chỉ có thể điều chỉnh bản thân mình
“Con người làm ô nhiễm thực tại bằng quá khứ, tạo ra một tương lai chẳng khác gì quá khứ, một nơi không có lối thoát, một vũng lầy của sự vô vọng.”
Đây là nhận định của Virginia Satir, một trong những người có đóng góp lớn trong lĩnh vực trị liệu gia đình, đưa ra trong cuốn “Tái kiến thiết gia đình: Hành trình dài ngày đi về ánh sáng".
PHẦN I. GIA ĐÌNH & NHỮNG NHU CẦU BỊ ĐÀN ÁP
Trong cuốn “The new peoplemaking", bà cho rằng, chính những vai trò không phù hợp, luật lệ hà khắc và mong đợi không thực tế với mức độ phát triển của mỗi cá nhân là cốt lõi của một GIA ĐÌNH KHÔNG TRỌN VẸN. Một gia đình không trọn vẹn cùng các vấn đề từ môi trường xung quanh góp phần nuôi dạy của những con người có LÒNG TỰ TÔN THẤP, không coi trọng cảm xúc, nhu cầu của bản thân và có những hành vi phòng thủ để bảo vệ mình trước một thế giới chúng cho là bất ổn và đầy hiểm nguy (y như môi trường chúng từng lớn lên).
Theo Satir và các cộng sự, lòng tự tôn thấp còn thể hiện ở việc ta cảm thấy sợ hãi và cố gắng che đậy cảm nhận rằng mình không đủ tốt hay không xứng đáng. Khi ấy, ta vô thức tìm cách giấu giếm đi cảm nhận tiêu cực về bản thân và cho rằng, người khác và những sự kiện bên ngoài khiến ta ức chế trong khi trên thực tế, quyền lựa chọn phản ứng và hành xử như thế nào thuộc về chúng ta. Chính chúng ta mới là người có quyền tạo nghĩa cho cuộc đời mình và làm chủ cách chúng ta cảm nhận về chính những cảm xúc mình đang có.
PHẦN II. SỰ TỰ TÔN THẤP & CÁCH GIAO TIẾP
Để phân tích cách sự tự tôn được thể hiện trong các tương tác gia đình (và sau đó được ứng dụng cho cả các mối quan hệ xã hội), Satir đã phát triển mô hình 5 VỊ THẾ TRONG GIAO TIẾP, còn gọi là hình mẫu hay lập trường giao tiếp.
4 vị thế đầu tiên được Satir gọi chung là các vị thế “BẤT HÒA", nơi người nói không thể hiện đúng cảm nhận và trải nghiệm bên trong, hoặc nội dung lời nói không tương xứng với ngôn ngữ hình thể. Khi ấy, thông điệp cần đưa ra bị bóp méo, các thành viên trong mối quan hệ thường cảm thấy bối rối, mâu thuẫn và bị tổn thương, không biết phải phản hồi với lớp nghĩa nào của thông điệp: lời mình nghe được, hay điều mình cảm nhận thấy.
1. VỊ THẾ CHIỀU LÒNG [placater]
Khi ở vị thế này, ta có xu hướng chiều lòng người khác, khó từ chối, không kiên định, luôn luôn tìm kiếm sự ghi nhận và né tránh sự khước từ. Ta có thể nhận lỗi về mình, dĩ hòa vi quý thay vì trao đổi để phân tích vấn đề một cách rõ ràng hơn.
Việc luôn cố gắng giảng hòa và làm vừa lòng người khác nhiều khi được coi như những hành động tích cực (đặc biệt là trong những nền văn hóa nơi “một điều nhịn, chín điều lành"). Tuy đem lại sự bình ổn tạm thời, chúng lại ngăn chặn những cuộc trao đổi cần thiết để mỗi người trong một mối quan hệ hay trong một tập thể có thể hiểu nhau hơn.
2. VỊ THẾ ĐỔ LỖI [blamer]
Người từ vị thế đổ lỗi thường không nhận sai. Họ sẽ tìm kiếm một đối tượng khác để đổ lỗi. Họ chỉ cáo buộc mà bỏ qua nguyên nhân vì sao người đó lại làm như vậy, cũng như chối bỏ trách nhiệm của bản thân mình trong vấn đề hiện tại:
- Tại anh mà tôi mới thành ra như thế!
- Tại em lên giọng nên anh mới mắng.
- Nếu em thay đổi thì anh đã không như thế.
…
Họ cũng hay sử dụng những cụm từ như “lúc nào cũng" hoặc “chẳng bao giờ". Ví dụ, “con lúc nào cũng lười chảy thây ra" hay “em chẳng bao giờ hiểu cho anh!”.
Những câu nói này đưa người nghe vào thế phòng thủ, lo lắng và khó chịu thay vì mở lòng trao đổi, nói chuyện và giải quyết vấn đề. Theo nhà trị liệu tâm lý Steph Anya, khi từ chối nhận sai, người đổ lỗi có thể đang tìm cách TỰ BẢO VỆ BẢN THÂN họ khỏi cảm giác bất an mà chính họ đang có và tìm cách KIỂM SOÁT TÌNH HUỐNG bằng cách hạ thấp người khác, bảo vệ sự chính trực và “luôn đúng" của bản thân.
Một người có lòng tự tôn cao và niềm tin vào cảm xúc cũng như sức mạnh nội tại sẽ sẵn sàng nhận trách nhiệm và coi vấn đề đang có như một cơ hội để cải thiện chính mình.
3. VỊ THẾ ĐÁNH TRỐNG LẢNG [distractor]
Pha trò cười “cho bớt căng thẳng", bỗng nhiên đổi chủ đề qua “Hôm nay trời có vẻ nóng nhỉ?”, cố nhìn sang hướng khác và không trả lời cho đến khi người kia thôi không nói nữa… Tất cả đều là cách để né tránh khỏi những cảm xúc khó chịu mà vấn đề được nói tới đang gây ra.
Hồi tôi cấp ba, có lần thầy dạy Lý nước mắt lưng tròng, nghẹn ngào chia sẻ với cả lớp rằng bọn tôi hư quá, thầy không dạy nổi. Bên dưới vang lên những tiếng cười khúc khích. Bây giờ đi dạy, tôi mới thấy cái giây phút đó nó bẽ bàng và tủi hờn đến như nào.
Có thể ai đó đã làm như vậy vì thực sự không biết phản hồi như thế nào với bầu không khí nghiêm trọng nhưng hãy thử đặt mình vào vị trí người đang chia sẻ và nghĩ mà xem. Khi ta đang rất bực mình, muốn chia sẻ và tìm cách giải quyết nhưng khi nói ra lại nhận được những tràng cười ha hả hoặc một câu chuyện hoàn toàn không liên quan hay sự im lặng tuyệt đối thì sao?
Trong nhiều tình huống, việc pha trò để phá tan bầu không khí nặng nề vẫn được đám đông tung hô hưởng ứng, ta không trả lời một lúc thì người nói cũng im. Những trải nghiệm này khiến ta nghĩ rằng đây là cách làm hiệu quả cho mọi vấn đề khó nói. Trên thực tế, khi bị đánh trống lảng, tất cả những gì ta đang tạo ra trong mối quan hệ đó là khoảng cách.
4. VỊ THẾ MÁY MÓC [computer]
Có câu hỏi thường được nhắc đi nhắc lại “bạn chọn lý trí hay là con tim", như thể vùng não quản lý cảm xúc và vùng não tư duy lý trí không nằm ngay sát gần nhau vậy...
Việc gạt bỏ hoàn toàn cảm xúc của bản thân và người đối diện để nói những câu máy móc, theo công thức hoặc các bước giải quyết vấn đề cụ thể cho thấy ta đang không cảm thấy thoải mái với chính cảm xúc của bản thân và cảm xúc của người đối diện. Ta chỉ đang tìm cách loại bỏ chúng để đưa ra những câu nói “lý trí" và giải quyết vấn đề cho thật nhanh .
Bạn tôi có quãng thời gian bất an vì người yêu chị bận quá, hai người gần như không có thời gian tâm sự, chia sẻ. Khi người yêu chị hỏi “Em làm sao thế?”, chị kể lại nguyên văn “Chị rơm rớm nước mắt, nói: Dạo này hình như anh mệt mỏi khó chịu gì em à? Anh không yêu em nữa à? Anh không nhớ em, không nhắn tin cho em, không chia sẻ với em, không thèm rủ em đi chơi huhu".
Người yêu chị khoanh tay trả lời ráo hoảnh “Không, anh bận mà, em làm sao thế? Cuối tuần mình đi chơi một hôm nhé!”. Anh đồng thời mở Google Calendar ra, rất bình tĩnh và thành thật giải thích từng công việc một “Anh bận thật mà, thấy chưa!”... Đương nhiên chị tôi biết là anh bận, đâu cần phải chứng minh… Chính những cảm xúc cô đơn, thất vọng, tủi hờn kia mới là thứ cần được hỏi han và quan tâm tới.
Con người là những sinh vật vô cùng nhạy bén với cảm xúc và thực chất, KẾT NỐI BẰNG CẢM XÚC. Việc bạn che giấu cảm xúc của bản thân qua lời nói “Tôi không buồn / Tôi không bực!” hay cố gắng “mạnh mẽ" không có nghĩa là người kia không thể cảm nhận được cảm xúc thực của bạn qua ngữ điệu, ánh nhìn hay cử chỉ. Trong trường hợp người kia không nhận ra thì chính bạn đang là người tự lừa dối chính mình và xa cách dần khỏi nhu cầu thực sự của bản thân.
Nhà tham vấn trị liệu tâm lý Steph Anya khẳng định: kể cả khi bạn có cố gắng đến mấy để giải quyết vấn đề nhưng người kia không cảm thấy được lắng nghe và đồng cảm, các cảm xúc nội tại của họ sẽ vẫn TIẾP TỤC LÀM NẢY SINH các vấn đề tương tự trong tương lai. Đồng thời, việc che giấu cảm xúc của bản thân cũng gián tiếp khuyến khích người kia làm điều tương tự, che giấu cảm xúc và cả những điều họ thực sự suy nghĩ.
5. VỊ THẾ HÒA HỢP [congruent communicator]
Vị thế “HÒA HỢP” được Virginia định nghĩa là sự cân bằng giữa Tôi, Tha nhân, và Hoàn cảnh. Một gia đình (hay một mối quan hệ) hòa hợp lý tưởng cho phép mỗi thành viên cảm thấy thoải mái để chia sẻ và bình luận về bất kể chủ đề gì mà không cảm thấy cần phải giấu diếm hay cả nể ai.
-----
(5 vị thế khi giao tiếp, biểu đồ tròn cho thấy sự tồn tại của ba yếu tố "Tôi, Tha nhân, Hoàn cảnh" trong từng vị thế. Phần gạch chéo biểu thị cho những yếu tố không được quan tâm hoặc bị bỏ mặc)
Nhìn chung, Virginia Satir cho rằng thay vì tìm cách phù hợp để giải quyết vấn đề, kết nối và quan tâm mà trong đó cả NHU CẦU CỦA TA VÀ NGƯỜI KHÁC ĐỀU ĐƯỢC TÔN TRỌNG, lòng tự trọng thấp khiến vô thức chọn cho mình một trong những vị thế trên để gián tiếp “tìm kiếm” những điều trên:
- Vị thế chiều lòng: “Tôi sẵn sàng làm hy sinh bản thân để giải quyết vấn đề”
- Vị thế đổ lỗi: “Tôi sẽ khiến bạn cảm thấy có lỗi để tôi không cảm thấy có lỗi.”
- Vị thế đánh trống lảng: “Tôi từ chối nhìn vào sự thật để không phải giải quyết vấn đề."
- Vị thế máy móc: “Tôi chỉ quan tâm đến bản chất vấn đề mà không quan tâm đến nhu cầu của tôi hay người khác.”
PHẦN III. NHẬN DIỆN VẤN ĐỀ, BƯỚC ĐẦU CỦA SỰ THAY ĐỔI
Là một nhà trị liệu tâm lý theo trường phái Nhân bản [humanism], Satir tin vào sự phát triển vô hạn của con người với những nguồn lực vốn có, bao gồm: năng lực nhận thức và bao dung, năng lực học tập và thay đổi, năng lực chấp nhận bản thân và tha nhân, năng lực nhận lỗi và sửa lỗi, năng lực đưa ra thứ mình cần, sự tự tôn và sự dũng cảm cần thiết để hành động.
Bất kỳ ai, ở bất kỳ độ tuổi hay hoàn cảnh nào cũng có thể thay đổi một khi họ kết nối được với những nguồn lực nội tại này. Không một ai trong chúng ta là mãi mãi mắc kẹt trong vô trọng. Satir cũng nhấn mạnh rằng, mục tiêu của bà KHÔNG PHẢI LÀ HƯỚNG DẪN MỌI NGƯỜI CÁCH THAY ĐỔI MÔI TRƯỜNG VÀ NHỮNG NGƯỜI XUNG QUANH MÀ LÀ ĐỂ MỖI NGƯỜI CÓ THỂ LÀM CHỦ PHẢN ỨNG CỦA HỌ TRƯỚC TIÊN, nhằm củng cố niềm tin của họ vào cảm xúc và nhu cầu của bản thân, cũng như tạo không gian cho người khác làm điều tương tự.
(Các phương pháp trị liệu gia đình theo trường phái Satir còn bao gồm các hoạt động trải nghiệm khác nhau để mỗi người có thể thực sự cảm nhận được sự biến chuyển trong chính bản thân mình chứ không chỉ là hiểu về mặt lý thuyết)
Theo tiến sĩ, nhà Tâm lý Trị liệu Erica Carpenter, bạn có thể bắt đầu với việc thử quan sát bản thân trong các giao tiếp xã hội sắp tới và trả lời các câu hỏi sau:
1. Bản thân bạn thường xuyên giao tiếp từ vị thế nào nhiều nhất & ít nhất? Ở mỗi vị thế, hãy thử quan sát phản ứng của bản thân bạn và người khác. Cách giao tiếp của mỗi người được tạo nên bởi vô vàn các tình huống khác nhau. Ta không thể cố gắng thay đổi tất cả các tình huống CÙNG MỘT LÚC. Hãy bắt đầu với những tình huống đơn giản trước.
2. Có những trường hợp cụ thể nào khiến bạn giao tiếp từ một vị thế nhiều hơn các vị thế khác? Bạn nghĩ vì sao lại như vậy? Do bạn sợ, ngại, khó chịu một người, một vấn đề cụ thể hay một cảm xúc đặc biệt nào đó? Đây chính là chìa khoá của sự thay đổi.
3. Bạn có thể chú tâm hơn tới yếu tố nào trong ba yếu tố “Tôi, Tha nhân, Hoàn cảnh" để giao tiếp từ vị thế hòa hợp nhiều hơn? - Vị thế chiều lòng: Bạn có biết mình muốn gì và cảm thấy gì? Nếu đã biết, có thể đây là cơ hội để bạn học cách chia sẻ nhu cầu của bản thân, đặt ra giới hạn. Việc nhận diện nhu cầu của bản thân không phải đơn giản nhưng nó có thể bắt đầu từ những thứ nhỏ như cho phép mình được cảm nhận những cảm xúc khó chịu dù bạn chưa nhất thiết phải thể hiện chúng. Sau đó, bạn có thể học cách thể hiện chúng một cách phù hợp hơn. - Vị thế đổ lỗi: It's okay to make mistake. Hãy thử nhận lỗi trước những người bạn cảm thấy an toàn trước. Đây là những người sẽ không đay nghiến và dùng lỗi lầm của bạn để chê bai hay dè bỉu mà sẽ cùng bạn tìm cách phát triển. Nếu ai đó nhập vai đổ lỗi khi bạn bộc lộ ra điểm yếu của bản thân, bạn hoàn toàn có quyền được dừng trao đổi để bảo vệ bản thân. - Vị thế đánh trống lảng & vị thế máy móc: Trước khi học các kỹ thuật giao tiếp, bạn có thể thử học cách làm quen với những cảm xúc khó chịu của bản thân và của người khác. Bạn không nhất thiết phải trả lời hay đưa ra giải pháp cho mọi vấn đề. Đôi khi cùng nhau cảm nhận một cảm xúc, dùng các câu hỏi “vì sao” và “như thế nào" để cùng khám phá cảm xúc mỗi người đang có và cuối cùng là cùng hít thở, chờ cho cảm xúc đó đi qua đã là giao tiếp hiệu quả rồi. Kể cả bạn có không thể thay đổi ngay trong lần thử đầu tiên, it's okay, ít nhất là bạn biết mình đang giao tiếp chưa hiệu quả ở đâu và có phương án thay đổi trong các lần tiếp theo.
KẾT
Các mối quan hệ xã hội là tấm gương phản chiếu rõ nét nhất về bản thân chúng ta. Hy vọng bài viết này trao bạn thêm một góc nhìn mới để chiêm nghiệm về những tương tác xã hội bạn có hàng ngày.
Bài viết này không có giá trị thay thế tham vấn trị liệu tâm lý. Nếu bạn gặp khó khăn khi trả lời một trong những câu hỏi trên, bạn có thể tìm tới chuyên gia tham vấn trị liệu tâm lý được đào tạo về các liệu pháp trị liệu hệ thống gia đình để khám phá rõ hơn câu trả lời nhé.
Hiểu và thương,
Keira Ngo
Ảnh: Katelyn Greer
Nguồn:
Erica Carpenter, Ph. D. (2019, April 16). The 5 communication stances: Which one are you and how is it affecting your relationships?. ccfcounseling.
Rasheed, J. M., Marley, J. A., & Rasheed, M. N. (2011). Family therapy: Models and techniques. SAGE.
Satir, V. (1988). The new peoplemaking. Science and Behavior Books.
Tâm lý học
/tam-ly-hoc
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất