VOLTAIRE “TRÚNG” XỔ SỐ VÀ VÀI CHUYỆN ĐẦU TƯ BÊN LỀ: Cách Voltaire sống và sáng tác chẳng bận tâm tiền nong.
Francois-Marie Arouet, bút danh là Voltaire (nhân tiện, bút danh này không có nghĩa gì, chỉ là thay đổi vị trí các từ trong tên họ...
Francois-Marie Arouet, bút danh là Voltaire (nhân tiện, bút danh này không có nghĩa gì, chỉ là thay đổi vị trí các từ trong tên họ Latin của ông, Arovet Li), có lẽ là một trong những gương mặt tiêu biểu nhất thời kì Khai Sáng. Suốt sự nghiệp của mình, Voltaire đã viết hơn 2000 quyển sách xuyên suốt các thể loại: Lịch sử, triết học, lịch sử triết học, chính trị, thần học, thơ, kịch, truyện ngắn, tiểu thuyết…. Đấy là còn chưa kể đến hơn 20000 bức thư gửi cho nhiều đối tượng với muôn vàn chủ đề khác nhau, từ hỏi thăm thân tình, tán tỉnh (như thư gửi Émilie du Châtelet hay Marie Louise Mignot) cho tới công kích (như gửi Jean Jacques Rousseaus sau khi đọc xong Khế Ước Xã Hội) thậm chí là cho Catherine Đại Đế của Nga.
Câu hỏi đặt ra là, với ngần ấy thời gian sáng tác, chưa kể còn việc trốn chạy chính quyền (như năm 1733 phải chạy khỏi Paris sau khi “khen” Anh mà hạ thấp Pháp), lại còn muôn vàn những câu chuyện tình ái đầy tréo ngoe hậu trường, thì Voltaire lấy đâu ra… tiền mà sống?
Câu trả lời rất đơn giản: Voltaire chơi xổ số. Trong cơn nghèo khó và khi vừa trở về Paris năm 1729, Voltaire gặp nhà toán học trẻ tuổi Charles Marie de La Condamine. Charles, nhân lúc trà dư tửu hậu, có nói với Voltaire về một “lỗ hổng” trong hệ thống xổ số của Pháp bây giờ. Nói cho rõ thì, lúc đó Chính phủ Pháp ngoài việc thu thuế còn có nguồn thu lớn từ việc phát hành công trái. Nhưng vì lạm chi nên Chính phủ Pháp liên tục phải giảm lợi tức công trái, lại khiến người dân hết muốn mua công trái luôn. Vì vậy, Pháp đã nghĩ ra một chiêu trò tưởng chừng rất thông minh, là phát hành xổ số. Người nào mua công trái sẽ có quyền mua xổ số (nhằm tăng sức mua công trái của nhân dân), lại hứa ai sẽ trúng sẽ được thưởng thêm một khoản 600.000 Bảng Anh mỗi tháng (*). Điều buồn cười ở đây là… Chính phủ Pháp lại không nhận ra rằng số tiền này lớn hơn toàn bộ số vé xổ số có thể mua được!
Tức là, Voltaire và những người bạn chỉ cần đơn giản là… mua toàn bộ số vé xổ số trên thị trường, rồi hưởng thành quả. Đúng như vậy, với 600.000 Bảng mỗi tháng trong hơn một năm, Voltaire đã trở nên vô cùng giàu có. Biết chuyện, Chủ quản Tài chính bây giờ là Desfort cố gắng thay đổi “luật” của trò xổ số, nhưng đã quá muộn vì điều đấy là… trái luật! Vậy là Chính phủ Pháp tự chơi mình một vố thật đau.
Đương nhiên, mỗi tiền đó chẳng chóng thì chầy cũng hết. Thế là, Voltaire bắt đầu đi “đầu tư”! Ở, Lorraine, một thành bang khác, một công ty được mở ra và Voltaire quyết định sẽ đầu tư vốn vào đó. Tuy nhiên, công ty đó lại chỉ nhận vốn từ những người có gốc ở Lorraine. Vậy Voltaire đã làm gì? Ông chỉ đơn giản là… lấy họ của mình, Arouet, nhận đó là họ của một quý tộc vùng này, rồi thuyết phục người ta bán cổ phiếu cho. Thành công, số tiền Voltaire đầu tư vào công ty này nhanh chóng nhân ba.
Chưa dừng lại ở đó, Voltaire còn đi... đòi quyền thừa kế của mình. Chẳng là, bảy năm trước đó, sau mối quan hệ tồi tệ với Voltaire thì cha ông cũng khuất núi. Tuy chẳng để lại chút gì trong di chúc, nhưng lại có một phần thừa ra như cố tình, rằng, nếu sau 37 tuổi, Voltaire có thể thuyết phục được toà án mình đã trở thành người lương thiện, thì lúc đó ông sẽ được nhận một phần tiền. 1729 chính là năm đó, và Voltaire, bằng một cách thần kì, đã thuyết phục được Jean-Aymard de Nicolaï, vị chủ tịch khó tính của Toà án Kiểm toán (Chambre des Comptes), người mà chỉ bốn năm trước đó đã từ chối một khoản vay 20.000 Bảng cho Voltaire. Voltaire từ đó mà được thừa kế thêm 153000 Bảng từ cha mình.
Voltaire, khác với những gì người ta hay nghĩ về giới nghệ sĩ, chi tiêu vô cùng có tính toán: Ông sử dụng những ngân hàng tốt nhất, thuê những luật sư tốt nhất, luôn luôn có một người trợ tá chuyện phụ trách chuyện tiền nong, và liên tục đầu tư những khoản khác nhau. Ông còn cho vay “nặng lãi”, có lúc những người quyền quý như Công tước xứ Richelieu cũng nợ ông 4000 Bảng một năm!
Viết vậy vì khi nói, hay tệ hơn làm fact về Voltaire, người ta thường chỉ chú tâm vào việc ông trúng xổ số bằng cách khá… ăn may, mà “tiện đường” “quên” rằng ông cũng là một nhà đầu tư thiên bẩm và có khả năng kinh tế rất tốt. Đương nhiên, nói chuyện kinh tế dông dài như thế cũng là để chỉ sự khôn ngoan của Voltaire khi chu toàn chuyện tài chính để tập trung sáng tác, vì vốn dĩ, “chuyện áo cơm chẳng phải bạn thơ”.
______________________
*: Hầu hết tư liệu của mình đều lấy trong cuốn Voltaire: A life của Ian Davidson, một tác giả Anh nên mệnh giá trong bài là mệnh giá Anh.
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất