Ernest Hemingway từng nói: 

“Không có người bạn nào trung thành bằng một cuốn sách.”
(There is no friend as loyal as a book.). 

Có nhiều độc giả của Spiderum là những người ham đọc sách, nhưng không phải ai trong chúng ta cũng thật sự “nghiện” đến mức coi sách như những người bạn và biến việc đọc sách trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Có một tác giả hiện cũng đang làm việc tại Spiderum là một người “nghiện” sách như vậy.. 
Trong bài viết này, hãy cùng tìm hiểu về Vũ Khuê – hay còn được biết đến với cái tên thân thuộc hơn là Truê.
Đó là sở thích của Truê sau khi tình cờ phát hiện ra mình… biết đọc trong một chuyến đi chơi xa hồi 5 tuổi. Ở thời điểm đó, khi nhìn vào tờ báo trên tay một người lớn trong đoàn, anh bỗng nhiên nhận ra mình hiểu được nội dung dù không hề có ký ức gì về việc được người lớn dạy cách đọc trước đó. Kể từ sau chuyến đi này, cậu bé Truê “nghiện” đọc từ lúc nào không hay. Những cuốn sách có trong nhà đều được Truê tận dụng, kể cả… sách giáo khoa Giải tích của anh chị. Hiểu được những gì ghi trong những cuốn sách ấy là một điều không tưởng đối với Truê thời điểm đó, nhưng anh vẫn cứ đọc hết vì... “vui”.
Khác với trẻ con ở thành phố, cuộc sống của những đứa trẻ ở thị trấn nhỏ nơi Truê lớn lên không có sự hiện diện của máy tính, Internet hay các trò chơi điện tử. Thay vì chơi các trò chơi như bắn bi, thả diều cùng các bạn đồng trang lứa, Truê lựa chọn làm bạn với những cuốn sách trong thư viện nhỏ của thị trấn:
“Thẻ thư viện thị trấn mình hồi đó chỉ có giá 5000đ/năm, nhưng mỗi thẻ chỉ mượn được 5 quyển sách mang về. Mình “nghiện” đọc đến mức “gom” thẻ từ người thân, bạn bè để có thể mượn thêm nhiều sách về đọc.”
Theo trí nhớ của Truê, số sách có trong thư viện thị trấn ngày đó còn ít hơn số sách trong tủ sách của anh hiện nay. Truê đã dành ra 2 năm để đọc toàn bộ chúng, những cuốn sách này thuộc đủ các thể loại: từ sách thiếu nhi, truyện, tạp chí cho đến… sách nông nghiệp hay sách đông y. Tuy vậy, thể loại sách anh thích đọc nhất khi đó là những cuốn sách khoa học kể về các sáng chế hoặc hướng dẫn làm các thí nghiệm đơn giản.
“Nhờ đọc những cuốn sách này mà mình biết phân biệt các loại cây và tự làm những thứ nho nhỏ thú vị như mực tàng hình hay bong bóng tự thổi. Tới giờ mình vẫn nhớ các hiện tượng khoa học gắn liền với những thí nghiệm thực hiện hồi còn nhỏ này.”
Lên đến THPT, Truê bắt đầu đọc một thể loại mới: sách Triết học. Anh say sưa với chúng đến nỗi “gặm nhấm” những cuốn sách thay vì tập đề thi thử như các bạn cùng lớp trong thời gian ôn thi Đại học. Những cuốn sách Triết học đầu tiên đến với anh theo một cách rất tình cờ, để rồi cũng dẫn lối cho anh đến với nhiều thể loại sách và nguồn thông tin khác:
“Ngày đó nhà cô ruột mình sưu tầm khá nhiều sách, nhưng do có một biến cố gia đình nên cô phải chuyển đi nơi khác và gửi số sách đó ở nhà mình. Trong số sách đó có những cuốn sách Triết học về Nho giáo, Đạo giáo của Trần Trọng Kim. Sau này tình cờ biết được tác giả Trần Trọng Kim chính là thủ tướng của một chính quyền Việt Nam cũ, từ đó mình cũng hứng thú tìm hiểu thêm về lịch sử.”
Ngay trên chính Spiderum, Truê cũng từng viết nguyên một playlist Lịch sử ở subdomain của mình. Playlist này gồm các bài viết, bài dịch đa dạng về lịch sử Việt Nam, thế giới… với những bài có chủ đề hết sức thú vị như “Cô Bé Tý Hàng Bạc - ''me Tây'' có số nhân tình kỉ lục Việt Nam”, Babylon - chiến tranh đã hủy diệt di tích vĩ đại nhất của loài người như thế nào” hay thậm chí là… “Những Trang Sử Hào Hùng Của Thủ Dâm”.
Ham mê đọc sách và luôn tò mò với những kiến thức khoa học, lịch sử, địa lý… đọc được nhưng ít ai biết rằng thuở bé Truê thường cảm thấy lạc lõng so với mọi người, đặc biệt là bạn bè đồng trang lứa do xung quanh có ít người có cùng mối quan tâm. Đã có những thời điểm cậu bé Truê cảm thấy không hạnh phúc vì tin rằng “có gì đó sai sai” với mình. Nhưng rồi cũng chính sách lại là cầu nối đem đến cho cậu lời giải đáp và sự đồng cảm: trong một lần đọc cuốn “Bí ẩn về con chó lúc nửa đêm” của Mark Haddon, cậu chợt nhận ra bản thân có nhiều nét tương đồng với nhân vật Christopher trong sách - cũng thích đọc sách khoa học, địa lý, lịch sử, cũng cảm thấy lạc lõng vì không thể chia sẻ hay trao đổi với ai. Sự đồng cảm với nhân vật trong sách này khiến Truê nhận ra mình không đơn độc, từ đó có thêm niềm tin theo đuổi và duy trì đam mê của chính mình.
Nếu như nhiều người thường có xu hướng tìm kiếm những cuốn sách củng cố các niềm tin hay nhận định riêng của bản thân, thì Truê lại nằm trong số ít những người còn lại. Thứ anh tìm kiếm không phải là những cuốn sách khiến bản thân “gật gù” tán thưởng vì “đúng quá” với những niềm tin sẵn có. Thay vào đó, một cuốn sách hay với Truê phải khiến anh nhận ra một điều gì đó mới mẻ, từ đó quay lại đặt câu hỏi về tính đúng đắn của những niềm tin trước kia của bản thân.
“Quan điểm này của mình hình thành sau khi đọc được bộ truyện “Sống sót vỉa hè” của tác giả Võ Phi Hùng. Những nhân vật trong sách có độ tuổi tương đương mình hồi đọc bộ sách đó – khoảng lớp 4, lớp 5. Trong khi hồi đó mình vẫn coi việc được bố mẹ nuôi dưỡng và chu cấp là một việc đương nhiên thì đám trẻ trong bộ sách bị cha mẹ chúng bỏ rơi và hắt hủi, phải ra vỉa hè kiếm sống thông qua những công việc như bán vé số, đánh giày, bốc vác…”
Truê chia sẻ thêm rằng sau khi đọc bộ sách, anh nhận ra trên đời còn tồn tại quá nhiều những con người có số phận bấp bênh. Từ giây phút đó, anh bắt đầu cảm thấy cuộc sống không ổn định và đầy màu hồng như bản thân từng nghĩ. Bộ sách này khiến Truê không thể sống hồn nhiên như trước đó, đồng thời cũng thôi thúc anh bắt đầu tìm hiểu về cách thế giới vận hành, và về thực tế tại sao trong xã hội lại có những hoàn cảnh đối nghịch nhau tới như vậy.
Giữ cho mình một tâm thế mở nên Truê đọc rất đa dạng các thể loại sách khác nhau và luôn sẵn sàng đón nhận những điều mới mẻ. Nếu như khởi đầu với đam mê sách khoa học, để rồi đi sâu vào triết học, thì hiện nay anh đang dành rất nhiều thời gian và sự chú tâm của mình cho sách Văn học. Ít ai biết rằng đam mê với dòng sách này của Truê chỉ thực sự nảy nở trong những năm Đại học khi anh không còn bị… mất hứng do cách thức môn Văn được dạy hồi phổ thông như một môn học bắt buộc. Bước chân vào thế giới Văn học, càng lúc Truê càng nhận ra giá trị sâu sắc của dòng sách này. Với anh, sách văn học cũng truyền tải những tư tưởng hay triết lý độc đáo và đáng học hỏi của các tác giả, nhưng thông qua những câu chuyện, hình ảnh sinh động và mang tính gợi mở chứ không hề khô khan như các lý thuyết trong sách Triết học. Truê cũng đặc biệt thích Văn học ở cái cách dòng sách này mở ra cho người đọc những khả thể khác, nơi mọi thứ đều có thể xảy ra và mang đến những bài học hay chiêm nghiệm thú vị.

Thế nhưng, không phải thể loại sách nào cũng có thể mang đến cho Truê những trải nghiệm ý nghĩa:
“Mình từng đọc một vài quyển ngôn tình “đời đầu” như “Sẽ có thiên thần thay anh yêu em” hay “Xin lỗi em chỉ là một con đĩ” nhưng không thấy ấn tượng lắm. Lợi ích duy nhất bản thân mình nhận được khi đọc dòng sách này là học được thêm khá nhiều từ Hán Việt lạ lạ.”
Ngoài ra, Truê cũng chia sẻ rằng bản thân từng đọc self-help khi dòng sách này mới nổi lên với những quyển như Đắc nhân tâm hay Đừng bao giờ đi ăn một mình. Thế nhưng sau một thời gian, anh cũng dừng không đọc nữa vì nhận thấy các cuốn sách này có phần sáo rỗng và thường đi theo một motif lặp đi lặp lại. Ngoài ra, anh cũng cho rằng sách self help trên thị trường hiện nay thường được dịch từ tiếng nước ngoài nên nhiều khi rất khó để áp dụng ở môi trường Việt Nam vì có thể có những điểm không sát với thực tế. 
“Những quyển sách self-help còn lại trong nhà mình cũng đem bỏ đi hết, vì mình nghĩ nếu đem cho người khác đọc không biết chừng sẽ làm hại họ.”
Truê cũng giữ cho mình một góc nhìn rất mở khi đánh giá chất lượng sách. Theo anh, một cuốn sách hay hay dở phụ thuộc rất nhiều vào người đọc nó. Vì vậy, khi được đề nghị giới thiệu một số cuốn sách các độc giả Spiderum nên đọc, anh từ chối đưa ra câu trả lời vì:
“Trừ khi thật sự hiểu về người đang xin lời khuyên thì mình mới giới thiệu cho họ những cuốn sách phù hợp được. Một cuốn sách có thể hay và chất lượng với mình nhưng có thể lại không tốt với một người đọc khác”. 

Có lẽ chính Truê, một cựu sinh viên sư phạm tiếng Pháp đã từng có thời gian thực tập giảng dạy ở Quảng Ninh, cũng không ngờ được rằng đam mê đọc sách đã dẫn lối cho anh đến với con đường sự nghiệp hiện tại, theo một cái cách mà người ta hay gọi là “nghề chọn người”.
Từng là admin group Science2Vn, Truê bắt đầu bén duyên và bị Admin Please please “lừa” vào Spiderum trên cương vị đối tác từ những ngày đầu. Đã từng có những thời điểm anh là “độc cô cầu bại” ở Động Nhện với ⅘ bài viết nằm trong bảng xếp hạng Bài viết của tháng. Dần dần, anh lại tiếp tục bị “lừa” vào làm cộng tác viên hỗ trợ Spiderum chạy sự kiện hay viết/dịch bài v.v. 
Truê cũng từng làm admin Trạm Đọc một thời gian dài trước khi một lần nữa bị lừa quay trở lại Spiderum để… làm đủ thứ và… ăn đủ mắng từ Nhện Thánh nữ Nga Levi. Ở thời điểm hiện tại, công việc của Truê vẫn tiếp tục liên quan đến sách khi anh thuộc biên chế team sách của Spiderum với nhiệm vụ đa dạng, từ tham gia đóng góp ý tưởng, chỉnh sửa nội dung cho đến… trực fanpage, chạy quảng cáo, gọi điện chăm sóc khách hàng hay… giao sách vào kho.
Dù vất vả là vậy nhưng Truê vẫn muốn gắn bó lâu dài với Spiderum vì tin tưởng vào giá trị xã hội của Động Nhện, giá trị anh tình cờ nhận ra sau khi đọc được bài viết “Những phận người dưới chân cầu Long Biên” trên nền tảng này. Truê cho rằng Spiderum cho phép người dùng cất tiếng nói cho những người yếu thế trong xã hội, mặc dù chưa thể giúp họ giải quyết nỗi lo cơm áo gạo tiền. Tuy nhiên với anh, như vậy “cũng là một khởi đầu tốt rồi”.
Đảm đương công việc cần viết tốt và viết nhiều, lại phải làm việc dưới trướng một “bà chằn” có tiêu chuẩn cao và cực kỳ khắt khe như Nga Levi nên Truê luôn chịu áp lực phải học hỏi và tiến bộ không ngừng. Và một lần nữa, chính những cuốn sách lại xuất hiện và trở thành cứu tinh của anh. Trong số những cuốn sách đã đọc, “Six Memos for the Next Millennium” của Italo Calvino chính là cuốn sách có ảnh hưởng lớn nhất đến cách Truê tư duy về việc viết. Là tập hợp những bài giảng của tác giả trước khi lên đường sang Mỹ giảng bài (ông qua đời trước khi kịp làm điều này), nội dung cuốn sách xoay quanh những chủ đề như cách để viết, hay ảnh hưởng của trí tưởng tượng thời thơ ấu đến việc viết… 
“Sau khi đọc cuốn sách này, mình không thể viết một cách “bản năng” như trước kia. Thay vào đó, mình bắt đầu suy nghĩ nhiều hơn: Mình đang viết cho ai? Liệu mình sử dụng từ ngữ hay các diễn đạt thế này có phù hợp không…”
Không chỉ dừng lại ở công việc, thói quen đọc còn trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của Truê, giúp anh giải trí, nâng cao kiến thức và kết nối với những người bạn cùng sở thích:
“Cho đến bây giờ, mình vẫn duy trì thói quen dành ra khoảng 1-2 tiếng mỗi tối để đọc sách. Với tốc độ đọc khoảng 100 trang/tiếng, mình cần khoảng 3-4 ngày đến 1 tuần để đọc xong một cuốn.”
Tuy nhiên, cũng có những cuốn sách khó mà song song với việc đọc Truê cũng cần trao đổi, thảo luận nội dung và tư tưởng trong sách với nhóm các bạn đọc cùng. 
“Những cuốn sách như vậy - ví dụ gần đây nhất là quyển Đông Phương luận, mình phải đọc trong vòng nửa năm mới xong.” 
Nhưng, với một “con nghiện sách” như Truê, nửa năm “get high” cùng sách có lẽ cũng chẳng phải vấn đề gì to tát.
Kết thúc buổi phỏng vấn, Truê vẫn đang bị ám ảnh với công việc nên không biết nói gì khác ngoài nhắn nhủ tới các độc giả Spiderum: 
“Bên cạnh các mục được nhiều sự quan tâm của độc giả như Quan điểm – Tranh luận hay Truyền cảm hứng, mục Thể thao của Spiderum cũng có nhiều bài viết được đầu tư ở cả nội dung và hình thức. Mình hy vọng các độc giả của Spiderum sẽ ủng hộ các tác giả đang đầu tư tâm huyết cho các bài viết ở mục Thể thao bằng cách ghé thăm danh mục này thường xuyên hơn.”
Lời nhắn nhủ "thầm kín":

"Cảm ơn Spiderum đã tài trợ cho em chiếc máy mới.
Có máy mới phát, quẹt tinder gái xinh hơn hẳn."

Người thực hiện: Hữu Cường
Thiết kế: Isa Quan