NHỮNG VŨ KHÍ LÀM THAY ĐỔI CHIẾN TRANH (P.1)
Nếu không tiện đọc bài viết, bạn có thể nghe bản audio tại đây: Bài viết dựa theo cuốn “50 vũ khí làm thay đổi cục diện chiến...
Nếu không tiện đọc bài viết, bạn có thể nghe bản audio tại đây:
Bài viết dựa theo cuốn “50 vũ khí làm thay đổi cục diện chiến tranh” của tác giả William Weir.
===
Nhắc đến chiến tranh là nhắc đến vũ khí. Con người gây chiến tranh với nhau bằng những vũ khí tương tự nhau. Trải qua các thời kỳ, văn minh ngày càng tiến bộ thì vũ khí cũng ngày càng chết chóc hơn. Vũ khí nguy hiểm hơn dẫn đến người lính và các tướng soái phải thức thời với chiến thuật mới. Đó là lý do vì sao cuộc nội chiến Mỹ là cuộc chiến tranh đẫm máu nhất lịch sử nước này, khi mà súng trường nạp đạn từ khóa nòng đã rất phổ biến mà người ta vẫn áp dụng chiến thuật thời súng hóa mai nạp đạn từ nòng súng.
Tất cả các vũ khí rồi cũng sẽ lỗi thời. Súng nạp đạn từ khóa nòng thay thế súng nạp đạn từ nòng súng. Súng bắn liên thanh lại thay thế súng bắn phát một. Súng bắn nhanh hơn đòi hỏi người lính phải linh hoạt hơn, phải biết phân tán ẩn núp. Thế rồi súng máy của Hiram Maxim xuất hiện trong Thế chiến I đã khiến cho người ta phải xem xét lại hoàn toàn chiến thuật. Nhưng rồi súng máy cũng không còn lộng hành được nữa khi xe tăng xuất hiện. Xe tăng và cộng sự trên không của nó – máy bay ném bom đã chiếm lĩnh quyền làm chủ trận địa tại Thế chiến II. Có những vũ khí được sử dụng trong thời gian dài. Nhưng có những vũ khí chỉ xuất hiện một hai lần nhưng cũng đủ để thay đổi cả tương lai chiến tranh. Như là vũ khí hạt nhân.
Bài viết sắp xếp vũ khí theo trình tự thời gian xuất hiện trong lịch sử.
I. GIÁO, THƯƠNG, KÍCH, LAO… (POLEARM) – đâm tới đích
Từ thời tiền sử, con người đã biết dùng cành cây để đánh đuổi thú hoang hay cũng là để ẩu đả với nhau. Tuy nhiên lúc đó, người ta vẫn dùng các cành cây theo kiểu bản năng là cầm mà phang vào đầu kẻ thù.
Thế rồi 1 chiến binh nào đó, vô tình để ý rằng cây gậy bị cháy mất 1 đầu có khuynh hướng tạo ra đầu nhọn. Rồi lại chợt nhận ra khi loại bỏ lớp than thì lại nhọn hơn nữa. Và anh ta đã có 1 vũ khí đáng sợ. Các di chỉ khảo cổ đã tìm thấy những cành cây nhọn đầu như vậy lẫn trong xương cốt của một số động vật.
Vào thời kỳ đồ đá, người ta đã biết dùng đá vỏ chai mài cho sắc nhọn để làm dụng cụ. Thế rồi có ai đó thử đặt 1 trong những vật nhọn đó lên 1 cây sào để tạo nên ngọn giáo. Tất nhiên, bước tiếp theo của ngọn giáo đó là nó được thay hòn đá bằng các mũi giáo bằng đồng, bằng sắt vào các thời kỳ sau. Ngọn lao với đầu bịt đồng đã xuất hiện ở vùng Cận Đông vào khoảng 3500 trước công nguyên. Từ đó cho đến tận nửa sau thế kỷ 17, những ngọn lao và giáo luôn là vũ khí quan trọng bậc nhất trong chiến tranh.
Vào thời tiền sử, những ngọn giáo ban đầu thường được sử dụng bằng cách ném. Người ta thường sử dụng chúng khi đi săn. Mà các loài thú lại chạy rất nhanh nên hiếm khi người ta có thẻ lại gần mà đâm, cho nên họ đã học được cách là ném chúng.
Khi con người sống tụ tập thành các thành thị. Nông nghiệp trở nên phát triển, cung cấp đầy đủ lương thực. Và việc săn bắn trở thành thứ yếu nên họ bỏ dần thói quen phóng lao. Con người bắt đầu phát triển hình thái chiến tranh phù hợp với lối sống của mình. Trên chiến trường, họ xếp thành các đội hình khối vuông, cầm giáo dài đâm hạ những địch thủ tản mác hơn. Đó chính là đội hình Phalanx.
Đội hình phalanx lại thúc đẩy cho sự ra đời của giáp trụ. Cả một khối Phalanx đã trở thành miếng mồi ngon cho những tay ném lao, hoặc đặc biệt là các cung thủ. Nhưng 1 đội hình phalanx mặc giáp trụ thì đủ sức đối địch với 1 số lượng cung thủ đông hơn. Vua Philip II của Macedonian đã du nhập các phalanx Hy Lạp vào guồng máy quân sự của mình. Và con trai ông, Alexander đã sử dụng guồng máy đó chinh phục khắp từ Hy Lạp đến Ấn Độ.
Thế rồi người La Mã lại cải tiến đội hình phalanx khi cho các chiến binh Legion của mình mang theo 1 ngọn lao bên cạnh cây giáo dài. Hai hàng đầu của đội hình sẽ dùng những ngọn lao Pilum này ném vào kẻ địch. Một cây lao như vậy dài khoảng 1.8m. Khoảng hơn nửa chiều dài là gỗ, phần còn lại là sắt có mũi nhọn. Nếu kẻ địch chặn ngọn lao của họ bằng khiên, thì khi xáp lại, họ sẽ đạp lên cán lao để khiến đối thủ mất khiên và hạ đối thủ bằng gươm.
Giáo đã phát triển thành đủ loại vũ khí được gọi chung là vũ khí sào (polearm). Một số loại giáo có ngạnh để gây tăng sát thương. Một số lại là kiểu như gắn kiếm ngắn vào đầu cây sào, dùng để chém như naginata của Nhật. Một số vừa có đầu nhọn vừa có lưỡi búa được gọi là kích. Hay có những loại giáo rất dài được gọi là cây thương. Các đạo quân phalanx Thụy Sỹ thời Phục Hưng hay dùng cây thương để hạ gục kỵ binh địch, tạo điều kiện cho lính cầm kích đến gần tiêu diệt.
Cây thương cũng được trang bị cho kỵ binh. Alexander đã tung ra các trọng kỵ binh cầm thương của mình tiêu diệt kẻ địch, sau khi các đội hình phalanx của ông đã kiềm giữ kẻ địch chôn chân 1 chỗ. Thương là vũ khí chính của kỵ binh tại châu Âu cho đến tận thế kỷ 16, khi súng bắt đầu phổ biến. Tuy nhiên người Ba Lan và người Nga vẫn sử dụng thương trong Thế chiến II.
Một số quốc gia lại có loại quân kỵ binh dùng lao ném như Hy Lạp trong chiến tranh Peloponnesia, kỵ binh Cathage của Hannibal, kỵ binh xứ Gaul, kỵ binh Tây Ban Nha.
Từ châu Âu, Trung Quốc đến châu Phi. Giáo là vũ khí hết sức phổ biến hết sức cơ bản của các đạo quân, từ thời cổ cho đến tận thời kỳ thuốc nổ được dùng phổ biến.
Đọc thêm:
II. CUNG TÊN – cái chết từ xa
Vua Edward III của Anh xâm lăng nước Pháp với 10 ngàn quân. Một phần ba là các kỵ sĩ giáp trụ, còn lại là các cung thủ. Kẻ địch của ông, Vua Philip VI của Pháp có 12 ngàn quân, trong đó có 8 ngàn kỵ binh giáp trụ, 4 ngàn quân nỏ người Genoese. Quân Pháp đã chặn quân Anh gần thị trấn Crecy.
Khi cả hai bên vào tầm vũ khí của nhau, quân nỏ Genoese bắn trước. Nhưng quân Anh đã phản công lại bằng thứ vũ khí làm đối phương sửng sốt. Cung dài của quân Anh dội cả 1 trận mưa tên lên đầu đội quân Genoese, những người vốn tưởng mình đang đứng ngoài tầm tên bắn. Hậu quả là quân Genoese chết rất nhiều. Quân Anh áp đảo quân Genoese vì cung thủ của họ đông hơn mà lại bắn nhanh gấp năm lần. Kinh hoảng, quân Genoese bỏ chạy.
Thấy thế, kỵ binh Pháp liền xông vào quân Anh. Nhưng thay vì đánh các cung thủ, họ lại tiến vào đội hình các kỵ sĩnh giáp trụ. Vì người Pháp nghĩ rằng đánh hạ được 1 kỵ sĩ thì sẽ vinh quang hơn là đánh đám cung thủ hầu hạ. Các cung thủ Anh thế là đã chuyển mục tiêu sang các kỵ binh Pháp. Vào cuối ngày hôm đó, một phần ba quân Pháp bị tiêu diệt, tổn thất quân Anh chỉ hơn 100 người. Trận Crecy đã biến nước Anh lần đầu tiên trở thành cường quốc quân sự.
Cung dài có tầm bắn không xa hơn của nỏ. Chỉ là do những người Genoese hiểu biết khá hạn chế về các loại cung khác. Họ đã không đứng bắn ở hết tầm nỏ mà lại tiến vào vùng dễ nhìn thấy để khai hỏa. Cung và nỏ đạt tầm bắn tối đa khi được nâng theo góc 43 độ. Một cây nỏ trung cổ có thể bắn xa 411m, trong khi cung dài của Anh chỉ bắn xa tối đa 228,5m. Sức mạnh của cung phụ thuộc vào 3 điều đó là: lực trương cung, độ nhanh khi bật lại của dây cung, và khoảng cách mà dây cung phải đẩy mũi tên đi. Mũi tên thời cổ của Anh dài 71cm. Để dương được nó, cung cũng phải dài. Cây cung dài 1,7m của anh được làm bằng cây thủy tùng. Để giương 1 mũi tên chuẩn mà không làm hỏng cung thì lực phải từ 32-36kg.
Cây cung dài đòi hỏi cung thủ phải dùng cả đời để học nó. Người ta đã tái tạo chính xác 1 cây cung dài dựa theo 1 mẫu cung khai quật được. Cây cung dài 1,84m, lực kéo chỉ 23kg và bắn được 1 mũi tên xa 170m. Rồi người ta lại cắt bớt chiều dài nó xuống còn 1,8m. Giờ đây nó tạo nên lực trương 28kg và bắn xa 206m. Người ta 1 lần nữa cắt bớt cây cung xuống còn 1,7m. Và giờ nó có lực trương cung 32kg và bắn mũi tên đi xa 224m.
Cây cung chẳng phải là vũ khí mới mẻ gì. Vào thời kỳ đồ đá mới ở châu Âu, cung đã là 1 vật dụng hay vũ khí quan trọng trong đời sống săn bắn của loài người. Vào thời đồ đồng, dân Beaker đã càn quét khắp châu Âu, và các phần mộ khai quật được của họ đều có những đồ vật liên quan đến cung được chôn cùng. Nhưng sau đó người châu Âu đã chứng kiến sự hiệu quả đặc biệt của các chiến binh Hy Lạp mặc giáp trụ và truyền thống chiến tranh gây sốc của họ nên dần dần thay cung bằng rìu, giáo và sau nữa là kiếm. Có lẽ chiến tranh gây sốc hiệu quả ở vùng rừng rậm châu Âu thời đó hơn là cung tên.
Cung vẫn tiếp tục là vũ khí quan trọng tại bán đảo Scandinavia. Nơi mà các trận thủy chiến thường hay diễn ra. Lúc đó những vũ khí tấn công từ xa luôn nằm ở vị trí quan trọng. Những người Anh đã rất thiếu thốn vũ khí tầm xa hiệu quả. Cho đến khi họ xâm lược được xứ Wales. Mũi tên của người xứ Wales có thể xuyên thủng áo giáp của người Norman (Bắc Âu). Sự thành công của các cung thủ xứ Wales đã dẫn đến sự phục sinh cung dài trong lực lượng bộ binh Anh.
Cung dài của Anh chẳng qua là loại cung đơn giản nhất. Một loại cung thân đơn. Nhưng có 1 loại cung phức tạp hơn nhiều được sử dụng rộng rãi khắp châu Á. Đó là cung tổng hợp.
Cung tổng hợp chính là lý do khiến người Hyksos chinh phục được Ai Cập, người La Mã thất bại trong cuộc chiến Parthia, các cuộc Thập Tự Chinh thất bại, và Thành Cát Tư Hãn đánh bại mọi đối thủ trên con đường chinh phạt.
Cung tổng hợp phải mất đến 1 năm hoặc hơn để chế tạo ra 1 cây. Lõi gỗ phải được uốn cong dưới sự giúp sức của hơi nước. Lưng cung được lót đầy gân cổ ngựa (hoặc bò) sau khi được ngâm với 1 loại keo đặc biệt. Bụng cung được gắn các lớp sừng. Sau khi bổ sung mọi thứ, một thời gian sau, cung được kết dây. Một công đoạn khó khăn khiến cho không ít cây cung đã bị hỏng. Cuối cùng, người ta có 1 cây cung ngắn nhưng mềm dẻo, đủ sức bắn những mũi tên dài.
Cung tổng hợp được phát minh đầu tiên tại Trung Á. Với nó trong tay, người Scythe, Huns, Mông Cổ đã đốn hạ kỵ binh và bộ binh kẻ địch suốt từ Trung Á đến tận xứ Gaul. Nó là loại vũ khí cầm tay dũng mãnh nhất trước khi có thuốc nổ. Loại cung dài của Anh làm thay đổi chiến tranh ở châu Âu trong khoảng 1 thế kỷ. Cung tổng hợp đã làm việc đó tại châu Á trong suốt ít nhất 4 ngàn năm.
Chúng ta sẽ nói thêm về loại cung này ở các phần sau.
Đọc thêm:
III. KIẾM – biểu tượng của chiến tranh.
Nhật Bản là 1 đất nước rất sùng bái kiếm cũng như nghệ thuật dùng kiếm. Thậm chí họ còn có triết lý sống dựa vào thanh kiếm của mình. Họ gọi đó là kiếm đạo. Ở ngoài Nhật Bản, kiếm cũng là vũ khí mang tính biểu tượng của các nền văn hóa khác nhau.
Một phần của lý do đó là cho đến tận thời kỳ công nghiệp, giá cả của 1 thanh kiếm rất đắt. Chỉ có những người giàu mới mua nổi. Người ta phải tốn rất nhiều kim loại mới tạo ra được 1 thanh kiếm, trong khi cũng từng ấy nguyên liệu người ta có thế làm ra kha khá giáo, rìu, dao găm hay mũi tên. Thêm nữa việc luyện 1 thanh kiếm rất công phu. Phải luyện làm sao để có 1 thanh sắt đủ rắn để có lưỡi sắc bén và đủ mềm dẻo để không bị gãy khi chém mạnh là 1 công việc tốn thời gian đến mức tốn kém. Các thanh kiếm được truyền lại từ đời cha sang con cũng vì lẽ này.
Tuy nhiên nếu có tiền, người ta lại sẵn sàng trả tiền cho những vũ khí này. Bởi nó dài hơn chủy thủ, nhưng đủ ngắn để sử dụng linh hoạt hơn nhiều so với 1 ngọn giáo. Kiếm có thể chém, đâm, đỡ, gạt.
Đối với người Hy Lạp cổ, kiếm chỉ là vũ khí tối hậu. Chúng sẽ được dùng nếu xung quanh không có vũ khí gì khác dùng được. Người La Mã thì coi kiếm là 1 phần quan trọng trong trang bị của họ. Các binh sĩ phalanx sẽ phóng lao vào kẻ địch, nhưng anh ta sẽ dựa vào kiếm gladius để hạ gục địch thủ. Gladius được đeo bên phải để cái khiên quá lớn của họ không gây trở ngại cho việc rút kiếm.
Sự thành công của Hy Lạp và La Mã đã tạo nên truyền thống chiến tranh giáp lá cà trên khắp châu Âu. Từ những chiến binh chân đất như dân tộc Frank cho đến các kỵ binh xứ Goth. Từ Celt đến Teutonic đều coi kiếm là loại vũ khí quan trọng nhất. Thương rất tuyệt kể kỵ binh mào đầu với kẻ địch. Nhưng sau đó kiếm mới đóng vai chúa tể.
Ở châu Á. Kiếm cũng rất quan trọng. Người Hung sẽ mở màn trận đánh bằng cung tên, nhưng sau khi kẻ thù bị suy yếu và mất tinh thần, họ sẽ xông vào bằng kiếm. Người Thổ rất quý trọng việc dùng kiếm, tuy nhiên đó lại là khó khăn khi họ đối đầu với các đạo quân Thập Tự mặc giáp trụ dày. Ở châu Phi, kiếm cũng là vũ khí chính của các bộ tộc nơi đây. Các binh lính Anh Pháp vào những năm 1980 khi sang đây xâm lược đều còn thấy người bản xứ sử dụng những thanh kiếm truyền thống của họ khi xông vào các tay súng châu Âu.
Thời Trung Cổ, kiếm trở thành vật cần thiết của các hiệp sĩ, cũng y như tầm quan trọng của chúng đối với các samurai Nhật. Bộ binh còn mang kiếm đến tận thế kỷ 18, tuy họ có dùng súng trường gắn lưỡi lê. Trong khi đó, kỵ binh thì dùng súng lục nhưng vẫn mang kiếm. Gustavus Adolphus, lãnh tụ vĩ đại người Thụy Điển tán thành việc hạn chế sử dụng súng lục cho kỵ binh mà thay vào đó là kiếm. Tướng quân Lee trong cuộc chiến tranh giành độc lập Bắc Mỹ cũng cho rằng hỏa lực từ kỵ binh quá “ngây thơ”, vũ khí mạnh nhất của kỵ binh chính là thanh kiếm và chiến thuật.
Ngày nay, kiếm chỉ còn là món đồ trang sức trong các đơn vị còn đeo kiếm. Nhưng trải qua hàng ngàn năm, từ thời La Mã đến tận nội chiến Mỹ, thanh kiếm đã là 1 thứ vũ khí rất quan trọng trong chiến tranh. Những người sau cùng dùng kiếm vẫn là người Nhật, những người rất sùng bái kiếm. Trong Thế Chiến II, có nhiều báo cáo cho biết các binh sĩ Nhật đã giao chiến bằng kiếm, và một vài người trong số họ còn dùng kiếm để chém vào hai bên xe tăng.
===
Còn tiếp…
Lịch sử
/lich-su
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất