Chiến tranh bắt đầu bước vào giai đoạn tiêu hao tổng lực, và có vẻ như nền công nghiệp Nhật Bản đã đuối sức. Nhân lực lẫn tài nguyên của Nhật Bản cho chiến tranh cũng đã hao mòn tới mức độ mà khó có thể bù đắp được.


Và họ còn dẫm chân vào chiến trường Guadalcanal, nơi tiêu hao rất nhiều sinh lực của quân Nhật.


Guadalcanal thất thủ

Sau thảm bại ở Midway, Nhật Bản không còn khả năng tiến xa hơn nữa về phía Bắc :  lực lượng tàu sân bay của họ đã gần như "bốc hơi" quá nửa phần sức mạnh. Quyền chủ động trên chiến trường đã rơi vào tay quân Đồng Minh, và tất nhiên, mục tiêu đầu tiên của Nhật bị nhắm tới, là quần đảo Solomon - khu vực mà Nhật đã chiếm được trong chiến thắng về mặt chiến thuật trên biển San Hô.


Nhật cũng chưa thể kịp hoàn thiện cơ sở hạ tầng của mình trên quần đảo : họ chỉ mới có một căn cứ ở Tulagi, và sân bay trên đảo Guadacanal vẫn chưa được hoàn thiện. Cuối cùng, Lục quân vẫn phải nhờ tới khả năng đánh chặn của các hải đội tàu sân bay cơ động  và lực lượng tàu tuần dương - thiết giáp hạm nhanh của Hải quân để phòng thủ Solomon.


Bản đồ quần đảo Solomon

Sân bay Henderson (theo cách gọi của Đồng Minh) tại căn cứ Runga Point đang được hoàn thiện (7-1942)


Ngày 7 tháng 8 năm 1942, quân Đồng Minh bất ngờ đổ bộ lên Tulagi cùng các đảo nhỏ lân cận. Thời tiết xấu nên quân Nhật trên đảo không kịp phòng thủ, khiến Tulagi thất thủ hoàn toàn dưới tay Thuỷ quân Lục chiến Hoa Kỳ. Guadacanal cũng chịu số phận tương tự, Lục quân và Hải quân đánh bộ Nhật bỏ chạy trong hoảng loạn dưới hoả lực cập tấp của hải pháo lẫn máy bay ném bom. Thuỷ quân lục chiến nhanh chóng lấy Guadacanal và thiết lập lực lượng phòng thủ. Do đã mất kha khá máy bay tiêm kích nên lúc này các tàu sân bay của Mỹ đã rút ra khỏi đây để tránh việc bị Nhật phản công, giống như Mỹ đã làm với Nhật trong trận Midway. Đồng thời, các tàu vận tải cũng đội tàu tuần dương hộ tống cũng phải rút ra theo do mất ô bảo hộ từ lực lượng không quân hải quân - họ phải tránh tổn thất không đáng có.

Các tàu tuần dương Nhật rình sẵn cơ hội này. Bảy tàu tuần dương Nhật Bản gồm tàu tuần dương hạng nặng Choukai, 4 tàu tuần dương hạng nặng trinh sát Furutaka, Kako, AobaKinugasa cùng 2 tàu tuần dương hạng nhẹ Tenryuu, Yuubari, tàu khu trục Yuunagi đã chớp thời cờ đánh úp 15 tàu tuần dương hạng nặng và 15 khu trục hạm phe Đồng Minh - điều đáng chú ý là lực lượng của Mỹ đã rất mất cảnh giác khi bị tấn công. Cho dù tàu tuần dương của họ mới hơn, hoả lực mạnh hơn, họ lại bị những tàu tuần dương Nhật hạng nặng thế hệ cũ bắn cho không còn manh giáp nào. Thiệt hại là 4 tàu tuần dương Đồng Minh đổi 1 tàu tuần dương Nhật, khuyến mãi thêm 1 tàu tuần dương và 2 khu trục hạm Đồng Minh bị hư hỏng nặng.

Nhưng Nhật lại không chớp thời cơ đánh đắm ngay lập tức đội tàu vận tải và hậu cần của Mỹ - một quyết đinh để lại hậu quả lâu dài.


Tuần dương hạm của Mỹ tháo chạy khỏi Guadalcanal, một ngày sau trận thua trước Nhật Bản


Các tàu hậu cần này, nghiễm nhiên, quay lại và tiếp tế cho Thuỷ quân Lục chiến. Họ có cơ hội để bồi đắp thêm hệ thống phòng thủ trên các đảo, và cuối cùng thì quân Nhật bị đánh bật ra khỏi Guadalcanal trong nỗ lực tái chiếm sân bay Henderson ở trận Tenaru. Lính Nhật đã chiến đấu tới hơi thở cuối cùng, từng quả lựu đạn được họ giật chốt và nắm chặt trong tay chứ nhất quyết không đầu hàng.


Những cánh đồng xác chết của người lính tử trận


Cuộc phản kích không thành của Nhật Bản

ShoukakuZuikaku lúc này đã hồi phục hoàn toàn, chứa đầy đủ trang thiết bị - vũ khí - nhiên liệu để tái gia nhập cuộc chiến ác liệt. Những phi công từ Không đội Hải quân 1, những chiến binh già dặn từ Kaga và Akagi, được bổ sung lên Không đội Hải quân 5 lúc này cũng đã khá khá kinh nghiệm trong không chiến.

Đáng ngạc nhiên hơn, chỉ trước trận Midway, những phi công và nhân viên hậu cần của Không đội 1 còn khinh thường Không đội 5 và cho rằng họ chỉ là những đứa trẻ con so với chính mình, thì nay, họ lại chiến đấu sát cánh bên cạnh nhau trong những phi vụ. Không đội Hải quân 5 được đôn lên trở thành Không đội Hải quân 1, trở thành lực lượng chủ lực thay thế hai con tàu sân bay huyền thoại.

Nhiệm vụ đầu tiên của họ là hộ tống hơn 1400 lính Nhật tới tái chiếm Guadalcanal, cùng với cặp đôi Kirishima - Haruna và tàu sân bay hạng nhẹ Ryuujou.


Tàu sân bay hạng nhẹ Ryuu.....

(chết, hình như nhầm ảnh thì phải)

(xin lỗi các thím *shame*) Hàng không mẫu hạm hạng nhẹ Ryuujou . Thiết kế của cô khá đặc biệt, với trung tâm kiểm soát không lưu nằm ngay dưới mũi sàn đáp. Rất phẳng :v


Nhật Bản đánh hơi ra vị trí của Mỹ rất nhanh khi họ bị mất 1 máy bay trinh sát vào ngày 22 tháng 8; trong khi đó, Mỹ hầu như không nhận ra dấu hiệu gì cả. Tới gần trưa ngày 23 tháng 8, một thuỷ phi cơ ném ngư lôi và trinh sát PBY Catalina mới phát hiện chút ít dấu hiệu về đoàn tàu vận tải Nhật Bản theo sau, nhưng đô đốc Tanaka, hạm đội trưởng, đã nhanh chóng thay đổi lộ trình và tránh được con mắt diều hâu của kẻ thù. Rạng sáng hôm sau, Ryuujou được đẩy lên phía trước đội hình làm *mồi nhử* kẻ địch, đẩy cô vào tình thế nguy hiểm nếu hệ thống phòng không không đủ mạnh để cô có thể tự phòng thủ.

Lúc 12 giờ 20 phút, các máy bay của Ryuujou xuất kích tấn công Guadalcanal, phối hợp cùng những chiếc G4M "Betty" xuất phát từ căn cứ Rabaul. Gần như cùng lúc, Saratoga được lệnh tấn công Ryuujou bằng 38 máy bay gồm F4F Wildcat và SBD Dauntless; đồng thời, radar của cô cũng bắt được hình ảnh máy bay của Ryuujou đang trên đường tấn công Henderson, càng làm tăng độ chính xác về thông tin vị trí của mục tiêu trên bản đồ tấn công. Ryuujou hoàn toàn mỏng manh và yếu đuối lúc này : 21 máy bay trên tổng số 38 máy bay sẵn sàng chiến đấu của cô đang trên đường tấn công, số còn lại chưa sẵn sàng cất cánh. Chim mồi của Hải quân Nhật trở thành mồi ngon giữa biển khơi.

Cô trúng vài quả bom cùng 1 trái ngư lôi, trong khi những khẩu 127mm của cô bất lực trước kẻ địch - chúng quá chậm, nặng nề khi phải vận hành và ngắm bắn hoàn toàn thủ công, còn hoả lực từ súng 25mm thì quá ngắn, quá yếu và không đủ. Thang nâng duy nhất của cô cũng bị vô hiệu hoá, loại bỏ khả năng xuất kích khẩn cấp những chiếc Zero để phản công.


Ryuujou bị bỏ rơi lúc 15 giờ 15 phút, ngày 24 tháng 8 năm 1942.


Ryuujou sau khi trúng bom và bị vô hiệu hoá, Hai tàu khu trục Amatsukaze và Tokitsukaze đang ra sức cứu vớt các thuỷ thủ xấu số.


Các máy bay tiêm kích và ném bom bổ nhào của hai chị em Shoukaku - Zuikaku, lúc này đã áp sát thành công các tàu sân bay Mỹ mà không gặp quá nhiều trở ngại. Y hệt như trận Midway, loại radar CXAM-1 của Mỹ tiếp tục không phát huy hiệu quả quá nhiều - tiêm kích Wildcat cất cánh từ Enterprise đã đánh mất cơ hội đánh chặn cho dù đã bắt được tin hiệu của phi đội Nhật.

Rút kinh nghiệm từ Midway, loại máy bay chính được chọn trong lần tấn công này là Aichi D3A2 - phiên bản nâng cấp của D3A1, vốn có khả năng tấn công chính xác hơn nhiều so với máy bay ném ngư lôi Nakajima B5N2 cũ kĩ. Tải trọng mang của máy bay tăng lên đáng kể, cho phép chúng mang được những quả bom xuyên thép vốn là đặc sản độc quyền của B5N2 - đánh đổi lấy việc tầm bay ngắn hơn. Nhưng sức mạnh tấn công thì đã tăng đáng kể, vì bản thân khả năng tự vệ của D3A2 đã rất tốt rồi - chúng có thể đấu tay đôi với những chiếc F4F Wildcat ngay cả trong không chiến quần vòng.

Một chiếc D3A2 kiểu 99 mẫu 22 của Hải quân Nhật.


Màn phối hợp xuất sắc giữa D3A2 "Val" và A6M2 "Zero" khiến người Mỹ thực sự bó chiếu, không cách nào hoá giải được nếu không áp đảo về số lượng. Toàn bộ những chiếc F4F Wildcat lẫn máy bay tấn công của cả hai tàu sân bay EnterpriseSaratoga đều được huy động một cách triệt để, không sót một chiếc nào - hoặc là họ sẽ giao chiến đến chết với địch ở trên không, hoặc là họ sẽ tìm chỗ nào đấy mà trút hết đạn dược lên đầu lục quân Nhật rồi tìm chỗ đáp trên đất liền. Bỏ của chạy lấy người đã, các vấn đề khác, tính sau.

Máy bay Nhật bắt đầu tấn công, và thật may, người Mỹ còn vũ khí phòng thủ cuối cùng của họ.

Cột nước trắng xoá từ quả bom "xí hụt" của quân Nhật, với mục tiêu là chiếc USS Enterprise


Enterprise nhanh chóng bị chọn làm nạn nhân chính. Những chiếc D3A2 được bọc lót hoàn hảo bởi Zero, bổ nhào xuống và táng những quả bom xuyên thép lẫn bom thông thường lên tàu sân bay lớp Yorktown này. Né tránh, xả hết hoả lực phòng không, và cơ động hết mức có thể, nhưng cuối cùng Enterprise vẫn trúng 1 bom xuyên thép - nó xuyên thẳng qua 3 lớp sàn tàu và phát nổ, gây thương vong cho hơn 100 thuỷ thủ. Quả bom tiếp theo phá huỷ và gây nổ hầm đạn của một khẩu đội pháo 127mm 38 cal. làm chết 38 thuỷ thủ vận hành, cộng thêm 1 quả bom thông thường nữa phá tan sàn đáp.


Quả bom cuối cùng rơi trên sàn đáp Enterprise


Ít ra thì những thiệt hại đó cũng đã được giảm thiểu đáng kể, bởi hoả lực phòng không cực kì hiệu quả của phía Mỹ. Những khẩu đội phòng không hạng nặng kiểu Mark 12 đặt trên bệ Mark 21 Mod 16 của người Mỹ có cùng cỡ nòng và chiều dài nòng với súng phòng không Nhật, nhưng nó chỉ có 1 khẩu pháo thay vì 2 khẩu cùng trên 1 bệ phòng không như Kiểu 89 của Nhật, giúp tăng tốc độ vận hành của súng lên đáng kể. Khẩu pháo cũng được hỗ trợ bằng radar điều khiển bắn Mark 37, cho hoả lực chính xác hơn so với bộ điều khiển bắn bằng quang học thông thường.


Pháo phòng không Mark 12 trên bệ Mark 20/21 của Mỹ.....

... và một khẩu Kiểu 89 trên đất liền của Nhật. Chúng nặng và khó vận hành hơn mẫu Mark 21 nhiều.

Hệ thống điều khiển bắn GFCS Mk 37



Ưu thế với hệ thống phòng không lúc này vô tình làm hại cả những phi công Mỹ. Do không có cách nào đánh chặn được những chiếc Aichi nhanh nhẹn, các phi công Wildcat đuổi theo và bám sát kẻ địch cho tới khi chúng bổ nhào, khiến cả 2 máy bay đều trở thành mục tiêu của súng phòng không hỗn loạn. Hiệu quả tới nỗi chết cả địch lẫn ta.


Một chiếc Aichi trúng đạn; những vệt đen là hoả lực phòng không của hải quân Mỹ rải trên bầu trời


Hoả lực dày đặc của Enterprise chống lại những chiến binh bầu trời thiện chiến của Nhật. Cô cũng đang bốc cháy với khói đen dày đặc trên sàn tàu.


Người Nhật đáng ra có thể rút lui êm thấm, nhưng họ tiếp tục dây dưa ở đây và mất thêm 4 máy bay ném bom bổ nhào. Tổng số thiệt hại là 25 máy bay (Mỹ đưa ra con số 75, nhiều hơn cả lượng máy bay Nhật xuất kích), hư hại 1 tàu tiếp liệu thuỷ phi cơ và một tàu sân bay hạng nhẹ quan trọng lúc này đã trở nên vô dụng. Trong khi họ tưởng rằng mình đã gây thiệt hại lớn lên hai tàu sân bay của Mỹ, thì chỉ có Enterprise phải chịu đòn - và đội kiểm soát thiệt hại của Enterprise đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình, họ không muốn con tàu này phải chịu số phận như chị em Yorktown xấu số. Một giờ sau khi kết thúc hoàn toàn đợt tấn công, các máy bay của Enterprise đã có thể quay về tàu.


Đội kiểm soát thiệt hại đang vá phần sàn tàu của Enterprise.


Trong khi đó, số phận của Ryuujou lúc này đã an bài. Sau khi hai tàu khu trục Amatsukaze và Tokitsukaze từ bỏ công việc tìm kiếm, cô bắt đầu chìm lúc 18 giờ cùng với 120 thành viên thuỷ thủ đoàn mắc kẹt.


Vũng lầy Henderson

Sân bay Henderson mà Nhật đang xây dựng dở, nghiễm nhiên trở thành bệ đỡ vững chắc nhất của Mỹ ở Guadalcanal. - Đến cuối tháng 8 - đầu tháng 9 năm 1942, Mỹ đã có khoảng 64 phi cơ các loại đặt ở khu vực này. 


Nhật Bản buộc phải chọn một trong hai cách : hoặc là để thả cho những máy bay ném bom ở Henderson làm chủ bầu trời Guadalcanal và đánh bật quân Nhật, hoặc là sử dụng căn cứ Rabaul cách đó rất xa để xuất phát và tấn công cứ điểm này. Cả hai chị em ShokakuZuikaku cũng tham gia vào chiến dịch này, nhưng hầu như chỉ đóng góp máy bay tấn công chứ không đóng góp máy bay tiêm kích.


Sân bay Henderson, vào khoảng cuối tháng 8 - đầu tháng 9 năm 1942 trong tay Thuỷ quân Lục chiến Mỹ


Tiêm kích F4F Wildcat cất cánh từ Henderson, tháng 9 năm 1942


Khoảng cách từ Rabaul tới Guadalcanal là 900km, và đó là một trở ngại lớn. Các phi công Zero nhanh chóng mệt mỏi trong buồng lái, sau đó lại phải tiếp chiến ngay lập tức với kẻ địch và màn hoả lực phòng không hoàn hảo của Mỹ bố trí - sự mệt mỏi này tiếp tục kéo dài và ngày càng dồn nén lên các phi công khi họ phải thực hiện những phi vụ hàng ngày, vài giờ lại có một phi vụ mới được triển khai. Điều này khiến hiệu suất chiến đấu của những phi công, ngay cả những phi công điêu luyện nhất của Nhật Bản.

Độ bền của những chiếc máy bay cũng là những điều đáng bàn. Như đã nói, để nhận lấy tầm bay xa trên một khung máy bay có động cơ yếu hơn so với các đối thủ, các máy bay tiêm kích và tấn công mặt đất của Nhật đã phải loại bỏ bớt những chi tiết an toàn dành cho phi công như vỏ giáp buồng lái, kính chống đạn, bình nhiên liệu tự hàn kín. Ưu thế về tầm bay nhưng không đi kèm một buồng lái thoải mái tạo ra trải nghiệm mệt mỏi cho những phi công, khiến cho họ nhanh chóng thất thế ngay trước những chiếc Wildcat có thông số kém hơn từ phía Mỹ, nhưng có lợi thế sân nhà và buồng lái rộng rãi hơn. Không lực Hải quân Nhật nhanh chóng đuối sức ở Guadalcanal, họ dần mất đi những phi công tốt nhất - trong khi đó, nhờ vỏ giáp rất dày và thiết kế an toàn, các phi công Mỹ bị bắn rơi vẫn có thể an toàn trở về và tái đào tạo cho những phi công trẻ hơn, tạo ra thế hệ phi công dày dạn kinh nghiệm rất có ích sau này.


Những chiếc A6M của Hải quân Nhật. Kết cấu bằng hợp kim nhôm và bình xăng không bảo vệ khiến chúng rất nhẹ, và cháy cũng rất.... đượm


Một vấn đề nữa là tiếp tế cho quân Nhật trên các đảo. Bất cứ pha lộ diện nào của tàu vận tải Nhật cũng sẽ bị không quân, tàu khu trục và tàu tuần dương của Mỹ hỏi thăm ngay, thế nên họ chọn một cách khá "may rủi" là sử dụng chính những con tàu khu trục và tàu ngầm của mình để tiếp tế trên biển qua những khu vực khuất tầm nhìn bao quát vào ban đêm, tạo thành tuyến vận chuyển "tốc hành Tokyo" trên biển. 


Tuyến đường vận chuyển của tàu khu trục Nhật Bản trong chiến dịch Guadalcanal

 

Những chuyến "tàu tốc hành" cũng có điểm yếu của riêng mình :  khả năng vận chuyển khí tài hạng nặng như pháo binh, súng phun lửa, xe tăng và số lượng lớn vũ khí cộng đồng hạng nặng như trọng liên, súng cối là bằng không; đánh đổi lấy khả năng tự bảo vệ của chuyến tàu lúc này sẽ là rất tốt. Những tàu khu trục của Nhật có hoả lực mặt đất vượt trội so với hầu hết các tàu khu trục khác lúc bấy giờ; bù lại, theo đúng truyền thống kiểu Nhật, hoả lực phòng không rất... tệ.


Tàu khu trục Akatsuki, lớp Fubuki kiểu 3 (còn gọi là lớp Akatsuki)....

... và tàu khu trục Shikinami, lớp Fubuki kiểu 2, đều đã tham gia chuyến "tốc hành Tokyo"

Lính Nhật lên tàu, chuẩn bị cho chuyến "tốc hành". Các hoạt động kiểu này của tàu khu trục sẽ khiến cho tàu buôn/tàu vận tải ở các tuyến đường khác không có được sự hộ tống, trở thành mồi ngon cho tàu ngầm địch.


Lục quân và Hải quân đánh bộ Nhật Bản vẫn tìm cách áp sát tiêu diệt sân bay Henderson trong nhiều ngày liền, và kết quả, là họ thua trắng ở trận đồi Edson. Họ thọc được những cánh quân của mình xuyên qua những dãy đồi bao quan Runga Point, nhưng cuối cùng phải tháo chạy trong tình trạng thiệt hại nặng nề, thiếu thực phẩm, đạn dược, phải vứt bỏ cá vũ khí hạng nặng để rút lui. Trận thua này khiến quân Nhật mất khả năng chấm dứt Henderson bằng bộ binh trong một thời gian, và phải nhờ tới việc pháo kích bằng các thiết giáp hạm lẫn tuần dương hạm hạng nặng từ ngoài bờ biển.


Trận đồi Edson


Lần nã pháo đầu tiên được thực hiện bởi các tàu tuần dương hạng nặng Aoba, KinugasaFurutaka; bên cạnh đó, họ còn có nhiệm vụ đánh lạc hướng và bảo vệ cho một đoàn tàu "tốc hành khác" cực kỳ quan trọng đang tiến tới Guadalcanal để tiếp tế 6 khẩu pháo mặt đất, 1 pháo phòng không và nhiều vũ khí cộng đồng khác. Đây là đoàn tàu tiếp tế quan trọng, giúp hồi phục lục quân Nhật Bản sau trận thua ác liệt trên.

Mỹ đã ngăn chặn thành công các tàu tuần dương này bằng lợi thế về radar và số lượng : hai tàu tuần dương hạng nặng San Francisco - Salt Lake City và hai tàu tuần dương hạng nhẹ chiến đấu Helena - Boise đã bắn chìm tàu tuần dương Furutaka của Nhật Bản, đồng thời gây hư hại nặng cho Aoba. Chiến thắng có phần may mắn này khiến người Mỹ tin rằng họ có ưu thế trong chiến đấu ban đêm - sự tự tin đó sẽ khiến họ trả giá sau này.


Tàu tuần dương hạng nặng Aoba hư hỏng nghiêm trọng sau trận đánh ở mũi Esperance


Lần nã pháo thứ hai được thực hiện bởi các thiết giáp hạm nhanh : hai chị em KongouHaruna đến Guadalcanal lúc 1 giờ 30 phút ngày 14 tháng 10, và khai hoả gần 1000 quả đạn pháo vào ngày hôm sau, nã cập tấp vào sân bay Henderson. Mỹ không kịp trở tay : toàn bộ sân bay Henderson bị phá huỷ nghiêm trọng, chỉ 1 đường băng được sửa chữa tạm thời có thể hoạt động; căn cứ không quân ở đó mất 48 trên tổng số 90 máy bay cùng rất nhiều kho xăng dầu và vũ khí, phụ tùng dự trữ bị phá huỷ. Nhiều ngày sau đó, các tàu tuần dương hạng nặng cũng tham gia vào cuộc bắn phá ở đây.

Quan trọng hơn, một đoàn tàu vận tải khác của Nhật đã cập bến Guadalcanal, tiếp tế được 3 đại đội tăng - pháo hạng nặng cùng 2 trung đoàn bộ binh mà không gặp nhiều trở ngại do lực lượng không quân Mỹ tại đây đã bị vô hiệu hoá. Quân Nhật lúc này đã hồi phục đầy đủ và sẵn sàng tấn công Henderson thêm một lần nữa.


Cơ sở liên lạc của Mỹ ở Henderson bị phá huỷ


Tuy vậy, cuối cùng thì cuộc tấn công này cũng bị Mỹ xé toạc với hơn 2500 lính Nhật thiệt mạng. Pháo binh Nhật ít hơn và thiếu chính xác hơn, xe tăng Nhật bị hoả lực pháo 37mm huỷ diệt, điều kiện địa hình phức tạp đã bảo vệ Henderson một cách hoàn hảo. Sân bay vẫn đứng vững, còn quân Nhật bị dồn vây, bị truy đuổi trong tình trạng cạn kiệt sức lực.


Xe tăng Nhật bị triệt hạ ở Guadalcanal 


Chiến thắng kiểu Pyrros ở Santa Cruz

Cùng lúc với trận đánh tiến công sân bay Henderson trên bộ, Hải quân Nhật còn tổ chức tấn công lực lượng tàu sân bay Mỹ trên biển nhằm giành lợi thế trên biển, bao vây Guadalcanal và hỗ trợ cho lục quân. Tuy nhiên, mặc dù lực lượng trên bộ của Nhật đã thua cuộc, họ vẫn quyết định tấn công hải quân Mỹ - sân bay Henderson có thể nguy hiểm tới hạm đội tàu sân bay, nhưng trước đó không lâu, tàu ngầm Nhật I-19 đã đánh chìm tàu sân bay Wasp, tàu khu trục O'Brien và gây hư hại nặng cho thiết giáp hạm North Carolina. Tất cả, chỉ bằng một tàu ngầm và một loạt phòng ngư lôi duy nhất.


Tàu sân bay Wasp bốc cháy sau khi dính ngư lôi


Enterprise được người Mỹ tu sửa nhanh chóng để thay thế cho Wasp, nó rời ụ cảng của Trân Châu Cảng ngày 16 tháng 10 và gặp Hornet ngày 24 sau đó, trở thành lực lượng chủ lực của Hải quân Mỹ trên biển Nam Thái Bình Dương. Ngưỡi Nhật có lực lượng áp đảo hơn, họ có hai chị em Shoukaku - Zuikaku cùng tàu sân bay hạm đội Junyou và tàu sân bay hạng nhẹ Zuihou, tỏng cộng là 4 tàu sân bay.


Bản vẽ tàu sân bay Junyou, được chuyển đổi từ tàu chở khách hạng sang Kashiwara Maru. Lần đầu tiên, tàu sân bay Nhật sử dụng ống khói hướng chéo lên trên - nó được chứng minh là rất hiệu quả


Đảo thượng tầng và ống khói của Junyou

Tàu sân bay Zuihou - chị em với chiếc Shouhou chìm ở Biển San Hô

Người Mỹ tìm thấy hạm đội tàu sân bay Nhật vào trưa ngày 25 tháng 10 và ngay lập tức cử hai lượt máy bay tấn công : lượt thứ nhất gồm 12 chiếc SDB Dauntless mang bom 227kg và thùng dầu phụ để trinh sát - tấn công sớm, lượt thứ hai gồm 6 chiếc SBD mang bom 454kg - 6 chiếc TBF Avenger cùng 11 tiêm kích F4F Wildcat. Việc tấn công ở tầm quá xa và quá lộ liễu khiến 7 chiếc máy bay của đợt 2 phải hạ cánh trên biển do hết nhiên liệu, trong khi không đem lại hiệu quả nào.

Lúc 2 giờ 50 phút sáng ngày hôm sau, hạm đội Nhật quyết định quay đầu lại tấn công các lực lượng của Hải quân Mỹ. Các tàu tuần dương do thám phòng ra 16 thuỷ phi cơ cùng 8 chiếc B5N2 từ tàu sân bay nhằm do thám các khu vực phía Nam - Đông Nam. Ngược lại, phía Mỹ cũng tung ra các thuỷ phi cơ để tiếp tục truy tìm hạm đội của Nhật; họ sớm bổ sung thêm 16 chiếc Dauntless mang bom 227kg như lần trước để trinh sát và tấn công cớm. Số máy bay ném bom bổ nhào này bị đánh chặn bởi các tiêm kích Zero từ Shoukaku và phải bỏ chạy.


SBD với cấu hình tuần tra - chiến đấu, mang bom 227kg


Khoảng 7 giờ sáng, thuỷ phi cơ Nhật tìm thấy hạm đội Mỹ. Mười phút sau, 4 chiếc A6M2 Zero và 20 chiếc B5N2 "Kate" được phóng lên từ Shoukaku, sau đó là 17 chiếc Zero cùng 22 chiếc D3A2 "Val" từ ZuihouZuikaku. Khi số máy bay này rời đi, những chiếc SBD Dauntless quay lại và tấn công vào Zuihou, khiến cô mất khả năng thu nhận máy bay hạ cánh (nhưng vẫn cho cất cánh được). Một tiếng đồng hồ sau đợt thứ nhất, người Nhật cho phóng đợt thứ hai gồm 19 chiếc D3A2, 18 chiếc B5N2 và 12 chiếc A6M2; tất cả đều nhắm hướng chỉ trực về phía hạm đội tàu sân bay Mỹ.


Những chiếc máy bay sẵn sàng xuất kích trên Shoukaku, ngày 26 tháng 10


Phía Mỹ xuất kích chậm hơn, và cũng ít máy bay hơn : họ tấn công với một lực lượng gồm 24 chiếc SBD Dauntless, 21 chiếc TBF Avenger và 23 chiếc F4F Wildcat nhằm hộ tống/đánh chặn. Người Mỹ cho máy bay xuất kích ở độ cao thấp hơn, nên ngay trong lượt đánh chặn đầu tiên 5 máy bay của Mỹ bị hạ gục, 3 chiếc khác trúng nhiều phát đạn 20mm và phải quay trở lại hạm đội; mặt khác, những phi công Wildcat cũng bỏ rơi các máy bay trong đội hình tấn công mà lao vào không chiến với những phi công Zero lão luyện, khiến Mỹ mất thêm vài máy bay nữa.

TBF Avenger của Enterprise, sẵn sàng xuất kích!


Dù cho có bị cản trở bới những chiếc Zero thiện chiến, các máy bay ném bom bổ nhào của Mỹ vẫn đạt được những thành quả nhất định : Shoukaku hứng trọn 4 trái bom 454kg, còn tuần dương hạm Chikuma cũng trúng 3 trái, đẩy các cô nàng này ra khỏi vùng chiến sự. Zuikaku, tiếp tục chứng minh rằng mình may mắn hơn hẳn cô chị, không hề trúng tí mảnh vỡ chai lọ nào.


Đội kiểm soát thiệt hại chữa cháy trên sàn của Shoukaku


Tuần dương hạm hạng nặng Chikuma - vị trí hư hại giữa thân tàu có thể thấy được từ trên không


Cùng lúc đó, phi đội đầu tiên của Nhật bắt đầu tiếp cận các tàu sân bay Mỹ. 37 chiếc Wildcat đã được phóng lên trong sự vội vã lẫn những mệnh lệnh kiểm soát không lưu hỗn loạn từ cả hai con tàu : máy bay của Enterprise lao sang phía Hornet, còn máy bay từ Hornet lại chạy xuống bảo vệ Enterprise. Kết quả là đội hình tiêm kích này phản ứng quá muộn, không có đủ độ cao cần thiết để có lợi thế về tốc độ, và thả cho máy bay Nhật cơ hội tấn công cả 2 tàu sân bay.


Hornet bắt đầu trở thành nạn nhân đầu tiên, và tất cả những gì cô có là hoả lực phòng không của chính mình.


Cặp máy bay Aichi D3A2 đang tấn công Hornet


Kẻ xui xẻo của hải quân Mỹ đã phải trúng 3 quả bom trong đợt tấn công đầu tiên, trong đó có 1 quả là bom xuyên thép đã xuyên thẳng qua 3 lớp sàn, gây thiệt mạng cho 60 thuỷ thủ. Cô mất kiểm soát, và giữa lúc đang chạy vòng quanh để lạng lách giữa biển, một máy bay bổ nhào D3A2 bị hư hỏng nặng đã đâm thẳng vào thượng tầng của cô, đánh dấu cuộc tấn công tự sát kiểu Kamikaze đầu tiên của Nhật Bản; và cuối cùng. Hornet bị nghiêng 10 độ, đông thời bất động trên biển vào lúc 9 giờ 20 phút.

Hornet bị tấn công bơi ngư lôi từ máy bay Nhật


Các máy bay Nhật rút đi và tiến về phía chiếc Enterprise. Enterprise lúc này phải tiếp nhận nhiều máy bay của Hornet trong tình trạng hết nhiên liệu và phải hạ cánh bằng bụng xuống biển; một máy bay TBF Avenger như thế đã mất kiểm soát trong khi đang mang ngư lôi và đâm vào tàu khu trục Porter, phá huỷ luôn con tàu. Nhiều chiếc máy bay khác bị bỏ dở giữa biển khơi, phi công trèo ra ngoài để được cứu thoát.

Đúng lúc này, cả phi đội Nhật vừa tấn công Hornet trở về lẫn phi đội số 2 của Nhật đều nhìn thấy chiếc Enterprise và tấn công nó vào lúc 10 giờ 8 phút. Tiêm kích Wildcat tiếp tục chứng tỏ sự vô dụng của mình khi chỉ bắn hạ được 3 máy bay Nhật trước khi Enterprise bắt đầu chịu đòn; kết quả là Enterprise chịu 3 quả bom 250kg thông thường của Nhật. Phòng không Mỹ đã làm việc rất hiệu quả, cộng thêm khả năng lấy lại độ cao kém của những máy bay ném bom bổ nhào Nhật Bản, khiến rất nhiều máy bay của Nhật bị đốn ngã bởi hoả lực phòng không.


Hoả lực phòng không dày đặc của Enterprise và các tàu hộ tống Bức ảnh này rất nổi tiếng - một trong những biểu tượng về khả năng chiến đấu của "Big E" , tức Enterprise.

Góc chụp khác về hướng "Big E", từ một trong những tàu khu trục hộ tống cô


Đợt tấn công thứ hai bằng máy bay ném ngư lôi từ Zuikaku tiếp cận Enterprise, bắt cô nàng Mỹ này tiếp tục chịu đòn. Ba chiếc B5N2 bị tiêm kích Wildcat bắn hạ, chiếc thứ tư trúng nhiều vết đạn .50 BMG đã đâm thẳng vào tàu khu trục Smith, tiễn 57 thuỷ thủ về với hà bá. Cô nàng tàu khu trục này vẫn tiếp tục chiến đấu anh dũng, khai hoả hết toàn bộ những gì còn bắn được vào các máy bay Nhật trong khi tàu đã mất kiểm soát bánh lái hoàn toàn - họ hạ được 6 máy bay Nhật. Enterprise lúc này bị hư hỏng sàn đáp do bị bắn phá bằng súng máy, nhưng may mắn là không chịu thêm quả ngư lôi nào. Chỉ 7 trong số 16 máy bay ném ngư lôi từ Zuikaku sống sót.

Sau đó, Junyou bồi thêm một đợt tấn công nữa lên Enterprise cùng thiết giáp hạm South Dakota và tàu tuần dương San Juan, khiến cả ba con tàu chịu thêm thiệt hại với cái giá phải trả là 11 trên tổng số 17 máy bay ném bom của Junyou bị bắn hạ. Cuối cùng, chỉ huy quyết định rút Enterprise ra khỏi cuộc chiến sau khi con tàu bị thương nặng, và hầu hết phi công đã được cứu. Một số phi công Hornet buộc phải đáp trên tàu của Enterprise, sau đó ném máy bay xuống biển; số khác hạ cánh bằng bụng và được xuồng cứu sinh tới vớt lên.


Máy bay ném bom bổ nhào D3A2 "Val" của Nhật bị bắn hạ. Phía trước là Enterprise, còn xa đằng sau là thiết giáp hạm South Dakota

Một chiếc Wildcat của Hornet hạ cánh trên Enterprise


Hạm đội Nhật lúc này bắt đầu đón các máy bay quay trở về - tất cả các phi công đều trong tình trạng cực kì mệt mỏi và kiệt sức. Rất nhiều phi công đã bị mất trong không chiến lẫn trong lúc tấn công bởi hoả lực mạnh mẽ của địch, chỉ có khoảng 20% số máy bay đã xuất kích có thể quay trở về, cùng với 148 phi công mất tích trong trận đánh. Đó hầu hết là những phi công lão luyện, những người chỉ huy phi đội, tạo ra sự ưu thế trong việc phối hợp tấn công của máy bay Nhật Bản so với máy bay Mỹ - và họ hoàn toàn không thể thay thế được chỉ trong vòng 1 tới 2 năm.

Đô đốc Nagumo thúc hạm đội của mình tiến lên phía trước để truy đuổi kẻ địch bằng pháo và những phi công sung sức ít ỏi từ Junyou. Hornet, lúc này đã bị thương nặng và tỏ ra vô dụng, được tàu tuần dương hạng nặng Northampton cứu kéo ra khỏi vùng hoạt động của người Nhật.

"Cây muốn lặng", nhưng gió từ những phi đội Nhật Bản thì lại không muốn dừng :  15 máy bay tấn công và 20 chiếc Zero xuất kích, với lực lượng chủ yếu là từ Junyou, nhanh chóng tìm ra Hornet lẫn Northampton. Con tàu tuần dương hạng nặng phải tháo cáp bỏ chạy để tự bảo vệ chính mình, khiến Hornet cầm chắc trong tay cái chết định trước.


Northampton đang cứu kéo Hornet


Khi thấy Hornet đã chịu thiệt hại quá nặng, người Mỹ ra quyết định tự đánh đắm Hornet để tránh nó rơi vào tay Nhật Bản. Các tàu khu trục MustinAnderson đã bắn tổng cộng 16 quả ngư lôi cùng hơn 400 quả đạn pháo 127mm lên con tàu sân bay lúc này đã bị bỏ trống, nhưng Hornet vẫn tiếp tục nổi. Khi hạm đội Nhật tiếp cận cô nàng, cô nhận thêm 4 quả ngư lôi nữa để rồi cuối cùng chìm hẳn, mang theo 111 thuỷ thủ.


Hornet đang chìm dần


Lê bước trên gót chân rỉ máu

Sau trận chiến, Đô đốc Yamamoto và các đồng sự ở Lục quân Nhật Bản dường như đã nhận ra họ đã bị bắn vào gót chân Achilles như thế nào. Tính từ Trân Châu Cảng, họ đã mất 409 trong tổng số 765 phi công Hải quân cùng rất nhiều phi công Lục quân. Năm tàu sân bay chủ lực đã bị đánh chìm, và sẽ không có chiếc tàu sân bay nào mới cho tới hết năm 1943. Nhiên liệu, vật liệu chiến lược bắt đầu thiếu hụt trầm trọng.

Về mặt tác chiến trên bộ, Lục quân đã hai lần bị đánh bật ra khỏi sân bay Henderson. Hải quân vừa chịu thiệt hại nặng nề nên không thể cung cấp cho lực lượng ở đây những chuyến tàu vận tải mang vũ khí hạng nặng nào nữa - tất cả trông chờ vào đoàn tàu tốc hành khu trục mang binh lính tới vào ban đêm. Liên tiếp bị bao vây và phải rút chạy, đồng thời mất mát nhiều vũ khí hạng nặng mà không được bù đắp một cách hợp lí, quân Nhật trên Guadalcanal ngày càng suy yếu thêm.

Tất cả chỉ còn chờ đợi vào việc pháo kích của Hải quân, và cuối cùng, như chúng ta đã biết, Hải quân Nhật Bản đã mất thêm hai thiết giáp hạm nhanh HieiKirishima trong chiến dịch bắn phá này.

Tuần dương hạm hạng nặng Atago - Takao và thiết giáp hạm Kirishima (sau cùng) đang tiến quân tới Guadalcanal


Lực lượng tàu khu trục của Nhật cũng bắt đầu bị đe doạ. Hải quân Mỹ coi thường lực lượng này và chịu thiệt hại nặng nề bởi ngư lôi Nhật - nhưng họ kiềm chế thành công các con tàu khu trục tốc độ cao lẫn tàu ngầm tiếp tế của Nhật Bản. Lục quân Nhật thiếu thốn về trang bị, nay lại càng thiếu thốn hơn về lương thực, đạn dược và thuốc men.

Tới cuối năm 1942, Nhật quyết định rút chân ra khỏi Guadalcanal - và tới ngày 9 tháng 2 năm 1943 thì cuộc rút lui này hoàn tất, đánh dấu sự thua cuộc trên toàn cục đầu tiên của Nhật trên mặt trận Thái Bình Dương.


Các bài trước trong series :

#1 Đứa con của thần mặt trời trên biển

#2 Mikasa và câu chuyện "người Á Châu quật đổ con gấu trắng"

#3 Chia tay với Anh Quốc, và tứ đại chị em lớp Kongou

#4 Từ Trân Châu Cảng tới Midway : Không đội Hải quân 1 

#5 Từ Trân Châu Cảng tới Midway : Không đội Hải quân 5 

#6 Thảm hoạ Midway và hồi kết : Bước ngoặt chiến tranh