Ghi chú:  đây là một luận hết môn Lịch sử Việt Nam của một thành viên HopeLabAcademicTeam. Các bạn nghĩ xem anh ta có "qua" được môn này không ?

Tóm tắt: thông qua việc nêu các quan điểm và chứng minh nó một cách định tính bằng các lập luận. Bài viết trả lời câu hỏi: Tại sao Việt Nam không bị đồng hóa trong thời kỳ Ngàn năm Bắc thuộc ?  ở nhiều góc độ khác nhau

Từ khóa: bắc thuộc, đồng hóa, độc lập, ngàn năm, Việt Nam...

Kết quả hình ảnh cho cờ việt nam

A. Mở đầu: Thời kỳ Ngàn năm Bắc thuộc là một giai đoạn trong lịch sử Việt Nam, thường được lấy mốc bắt đầu từ lúc Triệu Đà đánh bại An Dương Vương và sáp nhập Âu Lạc vào lãnh thổ của Nam Việt, và kết thúc ở giai đoạn Việt Nam thiết lập nền độc lập tự chủ, lấy chiến thắng trên sông Bạch Đằng của Ngô Quyền làm mốc.

Việc tộc người Việt không bị đồng hóa và giành lại quyền tự chủ, xây dựng lại quốc gia cho riêng mình là khá hy hữu. Nhất là, áp lực đồng hóa từ phương Bắc là vô cùng lớn; tại thời điểm đó, áp lực này thể hiện qua hai yếu tố: sự phát triển của nền văn minh phương Bắc và sự chênh lệch về dân số. Năng lực đồng hóa của văn minh phương Bắc đã được cụ thể hóa trong lịch sử bằng việc mở rộng lãnh thổ về phía Nam, nuốt trọng gần như toàn bộ không gian Bách Việt vào thời kỳ đó; đồng thời, nó cũng thể hiện qua việc các dân tộc (phần đông là du mục) có thể đánh bại người Hoa – Hạ và thiết lập sự thống trị về mặt hành chính, nhưng bị đồng hóa ngược, rồi rốt cuộc trở thành một bộ phận của văn minh Trung hoa. Xét ở khía cạnh này, trong lịch sử loài người, chỉ có người Do Thái là có thành tựu tương tự, khi đã tái lập quốc gia được quốc gia cho riêng mình sau hàng nghìn năm lưu vong.

Không gian Bách Việt, hình từ internet

Bài làm này không có tham vọng đi sâu vào từng chi tiết và chứng minh bằng phương pháp thực chứng, mà chỉ nêu các luận điểm và bảo vệ nó qua các lập luận định tính, để trả lời câu hỏi: Tại Sao Việt Nam không bị đồng hóa trong suốt thời kỳ ngàn năm Bắc thuộc? 

B.Nội dung: Có thể lý giải sự thực này qua nhiều khía cạnh, nhưng tiêu biểu nhất là các lý do sau đây

- Người Việt đã có ý thức về một nền văn hóa của riêng mình và có “ý thức dân tộc” trước khi bị đô hộ. 

Đây là yếu tố đầu tiên phải nói đến. Ở đây, tạm bỏ qua những tranh luận về việc có hay không thời kỳ Hùng Vương, hay về việc thời kỳ này thực sự kéo dài bao lâu. Nhưng thông qua những di tích khảo cổ (thời kỳ đồ đá, đồ đồng, đồ sắt ..) và những thông tin được lưu lại thông qua các thần thoại, truyền thuyết hay truyện kể (Truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu Cơ, Sơn tinh – Thủy tinh, Chử Đồng Tử, Bánh trưng bành dày…) thỉ rõ ràng là người Việt đã có ý thức về một nền văn hóa của riêng mình. Nền văn hóa này nằm trong tổng thể không gian Bách Việt nhưng quan trọng nhất, nó có sự phân biệt với nền văn hóa của không gian Trung Nguyên. Đây là điểm mấu chốt, khiến người Việt có ý thức rằng: tộc người Việt khác biệt với tộc Hoa – Hạ từ phương Bắc.


Bài liên quan:

“Ý thức về một nền văn hóa của riêng mình” của người Việt ở đây có thể so sánh với cái ý thức về “một dân tộc được Chúa lựa chon” và các giáo lý cơ bản (xét về mặt triết học là cực kỳ sâu sắc về mặt bản thể luận và nhận thức luận) của Đạo Do Thái đã giúp cho người Do Thái “trụ vững”, “tự phân biệt mình với người khác” trong thời kỳ lưu vong.

(Mặt trống đồng, hình từ internet) 

Về “ý thức dân tộc”, chú ý là nó gần giống nhưng không hoàn toàn trùng khớp với các quan điểm về “tinh thần dân tộc” hay “chủ nghĩa dân tộc” theo kiểu Stalin. “ý thức dân tộc” ở đây có thể tạm hiểu “mộc mạc” theo nghĩa “ý thức về việc người Việt liên kết nội bộ để tự tổ chức để quản lý lấy nhau”. “Ý thức dân tộc” này được “nâng đỡ” bởi “ý thức về một nền văn hóa của riêng mình” và được cụ thể hóa qua một bộ máy quan lý đơn sơ theo kiểu nhà nước sơ khai – liên minh bộ lạc (Các Lạc Hầu, Lạc Tướng thời kỳ Hùng Vương) và Vua là thủ lĩnh quân sự được quần chúng suy tôn (như thời kỳ An Dương Vương). Ý thức này mang nhấn mạnh về sự “tự quản lý nội bộ” hơn là về lãnh thổ, bằng chứng là việc Ngô Quyền cắt Lưỡng Quảng trả về phương Bắc (để có một không gian đóng kín tiện cho việc phòng thủ) ngay sau khi giành được quyền độc lập hầu như không các sử gia phong kiến phê phán vào thời kỳ đó

“Ý thức dân tôc” sau này đã được cụ thể hóa thành tinh thần dân tộc hay chủ nghĩa dân tộc tiệm cận với các quan điểm của Stalin rất rõ nét qua các “Bản Tuyên ngôn Độc lập” – Bài thơ thần do Lý Thường Kiệt Đọc hay “Bình Ngô đại cáo” do Nguyễn Trãi soạn.

- Sự xuất sắc của tầng lớp thủ lĩnh Bách Việt và sự nổi dậy liên tục của họ : 

Nên nhớ rằng quá trình Nam tiến của người Hoa – Hạ là một quá trình rất lâu dài và nuốt gần như trọn vẹn không gian của người Bách Việt (tính từ phía nam sông Dương Tử). Khi đó, có thể coi khu vực đồng bằng Sông Hồng gần như là mảnh đất cuối cùng cho những người Bách Việt “tự ý thức rằng mình khác với người Hoa – Hạ” , không chấp nhận sự đồng hóa và quyết định “thiên di” đi tìm một vùng đất mới. Những người này, trong đó có không ít người suất sắc và chí khí, kết hợp với những những người thuộc cộng đồng Bách Việt đang ở sẵn đó tạo thành một cộng đồng mới có sức sống tự thân mạnh mẽ.

Tình huống trên dẫn tới việc người Việt sẽ liên tục nổi dậy chống lại bất kỳ ai cai trị bằng “một thứ văn hóa” khác với “văn hóa của người Bách Việt”. Cái nhận thức về “mảnh đất cuối cùng” khiến sự chống cự trở nên quyết liệt, liên tục và mang tính sống còn. Luận điểm này có vẻ rất cảm tính và khó chứng minh. Nhưng sự chống cự của những thủ lĩnh Bách Việt rõ ràng là rất quyết liệt và mang tính sống còn, tiêu biểu qua các cuộc nổi dậy trong thời kỳ này của Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Phùng Hưng, Mai Hắc Đế … hầu hết các thủ lĩnh đều từ chối thỏa hiệp và chiến đấu cho đến chết dù rõ ràng tương quan lực lượng thường là vô cùng chênh lệch.

Bà Triệu, hình từ internet

Nhưng ở đây có một sự phân biệt rất tế nhị, đó là, nguyên nhân sâu xa của sự chống cự là ở “văn hóa” và “phương pháp cai trị” nên nó thấm sâu vào đại bộ phận dân cư, nó có tính bền vững rất cao dù quyền lực cai trị “chính thức” thuộc về ai. “Ông nào tài giỏi thì làm thủ lĩnh” nhưng “tài giỏi mấy thì phương pháp cai trị phải phù hợp với văn hóa của chúng tôi”. Các quan lại cai trị từ phương Bắc hoặc các thủ lĩnh địa phương nhưng cai trị theo kiểu phương Bắc thì đều bị chống lại. Còn các quan lại hay thủ lĩnh dù là người phương Bắc, nếu cai trị theo văn hóa Việt, chấp nhận ít nhiều “Việt hóa” như Triệu Đà và triều đại họ Triệu thì tạm được chấp nhận và không bị chống lại. Quá trình đồng hóa, dù là tự nhiên hay cưỡng bức, thất bại là do nó không “thấm” được vào từng con người Việt, vốn đã được tự vệ bởi một nền tàng “ý thức dân tộc” thời kỳ trước đó và được bao bọc về mặt văn hóa bởi các tập quán làng xã và gia đình (điều sẽ được nói chi tiết hơn vào luận điểm cuối cùng).

- Sự bất ổn trong chính sách cai trị và đồng hóa từ phương Bắc 

Thời kỳ Ngàn năm Bắc thuộc cũng là thời kỳ lịch sử Trung Nguyên biến động liên tục. Bao gồm một chuỗi các thời kỳ như: Nhà Tần – Nhà Hán – Tam Quốc – Nhà Tấn – Ngũ Hồ & Nam Bắc triều – Nhà Tùy – Nhà Đường – Ngũ Đại Thập Quốc … như vậy, sự biến động ở Phương Bắc là liên tục, điều đó khiến quá trình cai trị và đồng hóa trở nên khó khăn bởi nhiều nguyên nhân như:

Áp lực đồng hóa là liên tục, nhưng bản “nội dung” của áp lực đó lại liên tục thay đổi. Bởi mỗi triều đại Phương Bắc lại có những điểm khác biệt trong văn hóa, chính sách cai trị cũng không liên tục. Chính tính chất bất ổn này là một phần nguyên nhân khiến văn hóa phương Bắc bị dừng lại ở tầng lớp trên, còn đối với đại bộ phân dân cư, nó bị “tiếp biến” và trở thành một bộ phận của văn hóa Việt, không thể nắm lấy vai trò chủ đạo thống trị.

Sỹ Nhiếp, vị "hiền quan" hiếm hoi từ phương Bắc, hình từ internet

Ngoài ra, khoảng cách địa lý xa kết hợp với việc “chính quyền trung ương” bất ổn cũng khiến các quan lại địa phương không bị kiểm soát. Từ đó, hoặc là trở nên tha hóa, hoặc là nảy sinh tham vọng lập vương quốc riêng. Điều này, hoặc là khiến sự cai trị trở nên hà khắc buộc nhân dân phải chống lại, hoặc là các thủ lĩnh sau khi có được quốc gia riêng lại có phần bị Việt Hóa (tiêu biểu là Triệu Đà và nhà Triệu).

- Sự khác biệt về môi trường sản xuất, khí hậu và thời tiết dẫn tới sự đặc thù của cơ sở hạ tầng

Nên nhớ rằng đó là thời kỳ ban đầu, các yếu tố tự nhiên ảnh hưởng rất nhiều tới quá trình lao động và sản xuất; con người thích nghi với tự nhiên chứ chưa có đủ năng lực để cải tạo tự nhiên theo ý mình. Từ đó, sự khác biệt về điều kiện tự nhiên dẫn tới sự khác biệt cơ bản về phương pháp sản xuất và chi phối lên tính cách của mỗi cá nhân và văn hóa của toàn bộ cộng đồng nói chung.

So sánh giữa đồng bằng sông Hồng và các vùng đồng bằng của phương Bắc như Trường Giang, Hoàng Hà và Dương Tử thì có thể kết luận một cách ngắn gọn: dù đều là sản xuất nông nghiệp nhưng quy mô là vô cùng khác biệt, đó là sự khác biệt giữa sản xuất đại nông và sản xuất tiểu nông. Từ luận cứ này và trên quan điểm Marxist rằng cơ sở hạ tầng (tạm hiểu đây là các yếu tố về phương thức sản xuất, nền tảng kinh tế) sẽ quyết định kiên trúc thượng tầng ( tạm hiểu là chính trị, văn hóa, lối sống, nghệ thuật …) thì có thể lý giải vấn đề một cách rất rõ ràng.

Kết quả hình ảnh cho marx

(Karl Marx, hình từ internet) 


Đọc thêm: 


Sự khác biệt về cơ sở hạ tầng khiến hai nền văn hóa là khác nhau về căn bản. Sự khác biệt về căn bản này khiến qúa trình đồng hóa là vô cùng khó khăn và gần như không thể . Ngoài ra, những người phương Bắc dù mang văn hóa phương Bắc đến cư trú tại đồng bằng sông Hồng, thì rốt cuộc lại lao động sản xuất theo phương pháp sẵn có ở đây, không có sự lựa chọn nào khác; nên rốt cuộc họ lại bị “Việt hóa”. Thêm vào đó, thế hệ mới, thế hệ sinh ra sau quá trình đó, lại cũng phải sản xuất theo phương pháp đó, nói ngôn ngữ đó và trở thành người Việt chứ không phải người Hoa – Hạ. Chính vì vậy, như Sử gia Lê Thành Khôi nói, xét về tương quan số lượng dân số di cư từ phương Bắc với số dân địa phương thì việc dân tộc Việt không bị đồng hóa là một điều phi thường. Điều phi thường đó là hợp lý với các lý giải đã nêu trên.

Sự bền vững của làng xã được nhiều nhà chuyên môn lấy ra để lý giải sức sống của dân tộc Việt. Nhưng rõ ràng, việc đồng bằng không quá rộng lớn và bị các con sông cắt nhỏ, khiến việc sản xuất phải thích nghi theo hướng chia nhỏ và tạo lập nên các làng xã bé, có tính khép kín, tự cung tự cấp. Một lần nữa ở đây các yếu tố về tự nhiên và cơ sở hạ tầng đã chi phối các yếu tố thượng tầng như chính trị, văn hóa, lối sống và cách thức tạo dựng cũng như quản lý cộng đồng. Điều này tiếp tục được minh chứng cả trong các thời kỳ về sau chứ không chỉ trong thời kỳ Ngàn năm Bắc thuộc.

Chú ý rằng, quan điểm này hoàn toàn không có ý rằng “ điều kiện tự nhiên quyết định tất cả”, chính Marx cũng luôn nhấn mạnh vào vai trò của con người trong việc cải tạo tự nhiên và tự tạo lập phương thức sản xuất, từ đó hình thành nên cơ sở hạ tầng cho cộng đồng người trong khu vực. Từ đó, có thể hiểu sức sống của dân tộc Việt là từ khả năng thích nghi để tạo ra phương thức sản xuất tại “mảnh đất cuối cùng”.

Kết luận:  Mọi sự kiện đều là tổng hòa của nhiều nguyên nhân. Dù lý giải bằng cách nào đi nữa thì sự tồn tại sau ngàn năm Bắc thuộc cũng là một điều phi thường, là một tài sản quý báu của dân tộc Việt và đem lại nhiều bài học không bao giờ được phép quên. Đặc biệt là trong thời điểm hiện nay