VẺ ĐẸP CỦA SỰ KHÔNG HOÀN HẢO
Ngay cả khi tôi phạm nhiều sai lầm, có những tổn thương trong quá khứ của mình, tôi vẫn có một giá trị.
Dù đã bị nứt vỡ nhưng một chiếc bình gốm, bát sứ, ấm chén... có thể được sửa chữa lại bằng một kỹ thuật gọi là Kintsugi. Kin = vàng, stugi = hàn gắn. Nghĩa đen của kỹ thuật này là: Gắn lại bằng vàng.
Câu hỏi đặt ra: Liệu dùng một thứ quý giá như vàng để hàn gắn lại một chiếc bình gốm hay bát sứ đã bị vỡ có đáng không?
Kintsugi là truyền thống sửa chữa xuất phát từ Nhật Bản. Tương truyền rằng nguồn gốc của Kintsugi xuất phát vào thời Muromachi, khi Shogun của Nhật Bản Ashikaga Yoshimitsu làm vỡ chiếc chén uống trà yêu thích của mình và gửi nó sang Trung Quốc để chữa lành. Nhưng khi nó trở lại, ông cảm thấy kinh tởm những cái đinh sắt được dùng để gắn các mảnh vụn lại với nhau. Ngay lập tức ông ra lệnh cho những người thợ thủ công tìm một giải pháp tốt hơn. Và cách họ làm là không che giấu những tổn thương, mà làm cho nó trở nên đầy chất nghệ thuật.
Trong mỹ học Thiền, các mảnh vỡ của một chiếc bình gốm mà ta lỡ tay làm rơi xuống đất có thể được nhặt lại một cách cẩn thận, ghép lại và sau đó gắn với nhau bằng một thứ keo sơn chứa bột vàng. Người ta sẽ không cố gắng che giấu sự tổn thương, mà mục đích chính là làm cho các vết rạn nứt trở nên đẹp và mạnh mẽ. Những đường vân bằng vàng ở đây nhằm nhấn mạnh rằng những vụn vỡ đều có triết lí riêng của nó.
Kintsugi thuộc về một tư tưởng Thiền học gọi là wabi sabi: tôn trọng những gì đơn giản, cũ kĩ - đặc biệt là nếu nó là thứ mộc mạc hay đã trải qua sương gió. Có một câu chuyện kể về một nhân vật có ảnh hưởng sâu sắc tới trà đạo Nhật Bản, Sen no Rikyū: Trong một chuyến du ngoạn xuyên qua phía nam Nhật Bản, ông được mời tới dự tiệc ở nhà một người bạn, nơi đó có một cái ấm uống trà cổ mà người này nghĩ rằng có thể Rikyu sẽ rất thích. Nhưng ông dường như không thèm để ý đến cái ấm mà chỉ nói những chuyện cây cỏ hoa lá bên ngoài. Vì quá thất vọng, khi Rikyu rời đi, người chủ nhà đã đập vỡ tan bình trà và lui về phòng. Nhưng những vị khách khác đã nhặt lại những mảnh vỡ và dán chúng lại bằng kĩ thuật kintsugi. Khi Rikyu quay lại đó, ông cầm chiếc chén lên, mỉm cười một cách thông thái và tán thưởng: "Giờ nó đúng là một kiệt tác."
Nhân hôm nay có một cơn gió thổi qua và làm vỡ một cái chậu hoa ngoài ban công nên tôi nhớ lại câu chuyện này. Khi bắt đầu chọn mua một vật dụng để đi leo núi, tôi tìm hiểu rất kỹ về các thương hiệu sản xuất món đồ đó, so sánh về giá cả, chất liệu, tính năng, ngoại hình giữa các sản phẩm, cân nhắc xem đâu là lựa chọn hoàn hảo nhất. Thế nhưng dù cân nhắc thế nào thì khi mua về tôi sẽ rất háo hức ở thời điểm ban đầu, và dần dần nhận ra những điểm lẽ ra mình không nên mua sản phẩm này mà nên mua sản phẩm kia. Tôi bắt đầu cả thấy hối hận, nhưng sự việc đã rồi, tôi không còn đủ tiền để mua thêm một vật dụng mới, và ngay cả khi có đủ, tôi cũng cảm thấy có chút không nên nếu mình đã có một vật dụng có thể sử dụng được mà lại mua thêm một vật dụng tương tự như thế nữa, như vậy thật lãng phí. Hoặc là có lúc tôi phát hiện ra món đồ mà mình mua có những vết xước, hay bị lỗi chỉ ở một điểm nhỏ nào đó, điều đấy cũng khiến tôi băn khoăn mãi xem có nên quay lại cửa hạng để đổi sang món đồ không bị lỗi hay không. Khi sử dụng, tôi cũng thích việc những món đồ của mình luôn ở trong tình trạng hoàn hảo, tôi không thích việc nó xuất hiện vết xước, bẩn hay gì đó khác. Tôi lúc nào cũng muốn mọi thứ phải thật hoàn hảo, những quyết định hoàn hảo, cuộc sống hoàn hảo.
Nhưng sự hoàn hảo thay vì khiến tôi tốt hơn, khi mong chờ sự hoàn hảo, tôi đã bỏ lỡ cơ hội được sống. Vì muốn mình có một quyết định hoàn hảo, tôi dành rất nhiều thời gian để cân nhắc nó, đặt ra nhiều giả thuyết, nhưng hiếm khi thực sự hành động. Khi chuẩn bị đưa ra quyết định, sẽ có một tiếng nói khác vang lên đưa ra một lý do để tôi không nên quyết định như vậy. Tôi lo rằng mình sẽ phải hối hận sau khi đưa ra một quyết định, như việc tôi mua nhầm một món đồ bên trên chẳng hạn, nên quyết định đó cứ tiếp tục được cân nhắc, và tôi chẳng hành động gì cả. Thường thì khi không còn lựa chọn nào khác hoặc bị buộc phải đưa ra quyết định, khi đó tôi mới buộc phải hành động. Có lẽ điều này sẽ cần đến một bài viết khác để nói về nó.
Bài học về nghệ thuật hàn gắn Kintsugi dạy tôi một điều về vẻ đẹp của sự không hoàn hảo. Ngay cả khi tôi phạm nhiều sai lầm, có những tổn thương trong quá khứ của mình, tôi vẫn có một giá trị.
Những điều tưởng như sai lầm của tôi, nếu tôi không hành động thì nó sẽ không phải là sai lầm của tôi, nhưng tôi vẫn sẽ phạm một sai lầm khác, theo cách nào đó. Giống như việc chúng ta cảm thấy không hài lòng với mọi thứ thuộc về mình, trong khi lại cảm thấy ngưỡng mộ những thứ thuộc về người khác, nên là sự hài lòng đó có thể nó không đến từ bên ngoài, mà là từ bên trong tôi đã có sự không hài lòng về chính mình.
Những sai lầm, những vết nứt, có thể đó là chỉ dấu cho sự trưởng thành của tôi. Sự mong manh, yếu đuối có thể mới là thật. Sự hoàn hảo là một ý tưởng không thực và nó mang tính phá hủy nhiều hơn là xây dựng. câu chuyện không còn là làm sao để có một cuộc sống hoàn hảo, luôn đưa ra những quyết định hoàn hảo, có một mối quan hệ hoàn hảo. Sự sửa chữa bằng một thái độ tôn trọng, quan tâm, yêu thương mới nên là điều được hướng đến.
Bạn có thể đọc đầy đủ bài viết mà tôi tham khảo theo đường liên kết sau:
Cảm ơn các bạn.
Yêu
/yeu
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất