Học đại học thì không tránh khỏi chuyện làm việc nhóm. Hên thì gặp phải nhóm quen, toàn mấy đứa hợp rơ thì làm chung khỏe re. Xu một cái, trúng nhóm random, toàn mấy bạn lạ mà còn hông chung ngành, hông chung tiếng nói nữa thì chết.
Lỡ rơi vào trường hợp số 2 mà hông biết làm gì, thì làm trước mấy điều sau để chuyện làm việc chung được hiệu quả và suôn sẻ hơn nè.

1/ MỤC TIÊU HƯỚNG ĐẾN KHI LÀM BÀI NHÓM

Ai cũng muốn có được kết quả tốt nhất, thế nhưng “tốt nhất” của mỗi người lại rất khác nhau
Mình từng làm việc trong một nhóm với một chị đang cày lại cho đủ tín chỉ để ra trường. Mục tiêu của chị là đủ B để lên được bằng khá. Trong khi mình và bạn mình là những đứa luôn muốn phải A, mà A cao, phải nhứt lớp các kiểu mới chịu.
Vậy nên mình đã ăn quả đắng khi chị gửi cho mình một bài khá sơ sài, copy hầu hết trên mạng và không chỉnh sửa lại, cũng không buồn mà check đạo văn trước.
Cũng một lần quả đắng khác, một chị đến buổi presentation thì… biến mất luôn. Không liên lạc được.
Đến khi rút kinh nghiệm được thì đã hết học mất rồi.

2/ LỊCH HỌP CỐ ĐỊNH HẰNG TUẦN

Một nhóm không có định hướng họp có thể dẫn đến việc họp quá nhiều mà không giải quyết được gì. Mình từng chứng kiến đứa bạn than phiền khi ở trong một nhóm mà cứ có chiện chút xíu tụi nó cũng đem nhau ra cf ngồi họp. Rồi cũng có đứa khác bị tra tấn bởi mấy lần họp vào lúc 11h đêm của bạn nó với nội dung cơ bản, có thể phân công ra được.
Ủa chi cực z??? Mình cũng là một người không thích họp. Họp nhiều nhứt đầu, họp rất mệch, thay vào đó thì làm bài đi, xong hết chiện là là hết cái mệch liền.
Nhưng mà nói đi cũng nói lại, hông họp thì không biết đứa còn lại đang làm tới đâu. Đùng một cái tới sát giờ nộp bài thì nó mới bắt đầu giở chương 1 ra đọc. Hông họp, nhiều khi mình làm xong mà nó mới viết draft. Hông họp, nhiều khi bài mình lỡ làm xong hết nhưng lại sai bét nhè, sửa thì hông kịp nữa.
Giải pháp của mình là họp mỗi tuần 1 buổi.
Mình nghĩ mọi người cần một buổi ngồi lại để keep up công việc với nhau. Lên với nhau 30 phút cũng được, đứa này nêu khó khăn, đứa kia góp ý đứa nọ. Nhiều khi ngồi báo mình làm tới đâu cũng tốt hơn là không họp. À, ngồi lại cũng để cho thân nhau nữa!!!
Một tuần họp một lần, để không quá xa cách, nhưng cũng không tự nhiên phát sinh quá trời cuộc họp làm tốn thời gian của nhau. Vậy hen!!!

3/ CÁCH SẮP XẾP THỜI GIAN CỦA MỖI NGƯỜI

Cuộc sống thoải mái đại học cho phép sinh viên rẽ đi nhiều hướng với nhiều lựa chọn đa dạng. Điều này dẫn đến thời gian biểu và ưu tiên của mỗi người sẽ rất khác nhau.
Nói cho dễ hình dung, có mấy đứa bạn ở nhà chả làm gì, cuộc sống gói gọn trong hai việc duy nhất: đi chơi và đi học. Những đứa đó thì khỏe, dường như luôn available khi bạn cần và dễ dàng sắp xếp để họp. Cũng có đứa đi làm F&B, 11h muộn mới về nhà. Ban ngày đi học, ban đêm đi làm, về nhà mệt rã rời chẳng có đủ sức mà thức thêm nữa, vậy nên nó sẽ không thích hợp cho việc họp online sau 11h. Nói đến họp giờ này bạn cũng đừng nói mình khùng hihi =))))) vì mấy năm đầu đại học, mình toàn họp giờ khá trễ, khá sớm, giữa trưa,… =))))) và mình tin mình không phải trường hợp duy nhất.
Cũng có mấy đứa cấp 3 giỏi giang, vô năm nhất đã đi làm luôn rồi. Ngày làm 8 tiếng với cái áp lực của fresher dẫn đến tụi nó quý thời gian cá nhân lắm, gọi là me-time ấy. Trong tuần tụi nó bận thứ hai tới thứ sáu, mấy đứa còn đến thứ 7. Nó chỉ rảnh buổi tối, chỉ rảnh cuối tuần. Mà nhiều đứa đi làm mệt quá, chưa cân bằng được thì nó nhất quyết ưu tiên me-time vào cuối tuần, làm gì làm, đừng đụng vào chủ nhật của tauuu
Để không cạnh nạnh và khó chịu với sự ưu tiên của từng người - cái mà bạn không thể thay đổi được, hãy nói với nhau trước về khả năng sắp xếp thời gian của mỗi người. Từ đó thống nhất rồi làm việc với nhau dễ dàng hơn.

4/ THẾ MẠNH CỦA MỖI NGƯỜI LÀ GÌ

Cái này sẽ đúng hơn với mấy bạn năm 3, năm 4. Tùy thuộc vào kinh nghiệm của mỗi người mà kĩ năng chuyên môn của họ sẽ khác nhau.
Cho dễ hình dung hơn, đứa từng làm NCKH sẽ có kinh nghiệm chạy SPSS. Đứa từng đi bưng bê phục vụ sẽ có kinh nghiệm thực tiễn về ngành F&B.
Chưa kể tới mấy nhóm gộp các bạn ở nhiều ngành khác nhau. Như mấy đứa kinh tế chẳng hạn. Đứa học TMĐT có nhiều kinh nghiệm chạy sọp pe hơn từ mấy cái project cũ, đứa học marketing dễ nắm chắc kiến thức cơ bản… (cái này tương đối thôi vì khả năng của mỗi người không hẳn là tùy thuộc vào ngành họ học)
Xác định được đứa nào giỏi cái nào, thì công việc nó nhẹ nhàng quá trời.
Nói chứ, nếu mà chưa xác định được thì cứ random mọi người nhé, đừng nặng nề.

5/ CUỐI CÙNG, CÁCH CHIA ĐIỂM VÀ THÔNG TIN LIÊN LẠC CỦA NHAU LÀ GÌ

Thường thì mọi người sẽ chọn chia đều điểm, điều này có vẻ sẽ làm hài lòng tất cả mọi người trong nhóm. Tuy nhiên, hổng phải nhóm nào làm cũng giống nhau, đứa này làm tốt hơn đứa kia, đứa kia làm ít hơn đứa nọ. Chưa làm gì thì cứ nghĩ ai cũng cố gắng nhiều như mình, làm xong mới biết mình mới là đứa lơ là nhứt trong nhóm. Hãy xác định cách đánh giá điểm ngay từ đầu, thống nhất với nhau để dễ dàng làm việc hơn bạn nhé.
Tips của mình: mình có 2 cách (nhưng cũng có nhiều vấn đề đi kèm lắm)
Cách 1: Đánh giá công việc dựa trên trung bình đánh giá của từng thành viên. Mỗi đứa tự đánh giá % đóng góp của các thành viên trong nhóm, sau đó kết quả của từng cá nhân sẽ là trung bình đánh giá của các thành viên khác. Mà cách này coi chừng á nha, tại nhiều khi chúng ghét nhau, hoặc đứa nào bị tẩy chay trong nhóm thì xuii lắm
Cách 2: Điểm chia bằng nhau, nhưng tụi tao sẽ cố gắng chia đều công việc. Cách này thì cũng ổn, nhưng mà nói vậy thôi chứ nó hơi cảm tính, tại ai biết như nào mới là đều :))) mà cái đứa đứng ra chia việc thì cũng đã làm nhiều hơn đứa khác một việc rồi.
Về thông tin liên lạc, lấy sẵn họ tên + lớp + chuyên ngành + mã sinh viên. Để đoạn nào xung phong đăng kí hay chọn đề tài, cô mà cộng điểm cho nhóm nào đăng ký trước thì mình có sẵn thông tin, copy cái rẹt paste vô lấy điểm, sao hổng làm sẵn. Rồi trong một đống đề tài, thấy cái nào hợp nhứt thì nhanh tay hốt trước cũng khỏe hơn nữa.
Được thì lấy thêm cả mail + số điện thoại. Lúc có chuyện gấp thì gọi lẹ, lỡ nhà cúp điện còn có cái số điện thoại mà báo cho nhau nữa.
Bài này mình viết dựa trên kinh nghiệm 3 năm rưỡi học Đại học, hông chắc đúng 100% đâu vì có nhiều biến số dẫn đến kết quả khác nhau lắm. Bạn thấy mình sai ở đâu thì comment nhắc mình ở dưới nhé hehe
Cảm ơn mọi người đã đọc đến đây!
Keep typing,
Ivan.