Nhiều nhà khoa học cho rằng Lửa là phát minh vĩ đại nhất của con người. Từ khi có Lửa, con người ta mới biết cách ăn chín, uống sôi. Thế nhưng đối với các bợm nhậu thì Lửa chỉ đứng thứ 2, còn lâu mới có cửa so sánh được với Rượu.
Mà kể cũng lạ, chẳng rõ ai phát minh ra rượu. Nếu mà là thời nay, chắc hẳn ông này phải được nhận giải Nobel, hay chí ít ra cũng phải đoạt giải “Việt Nam Award” cho sản phẩm được ưa chuộng nhất.
Cũng phải thôi ! Khi vui, lúc buồn, kể cả lúc bình thường người ta cũng lôi nhau đi uống rượu. Đám cưới thì uống rượu để chung vui, đám tang thì cũng nâng ly chia buồn cùng gia chủ. Nói chung cứ cỗ bàn là phải có rượu, không là vứt ! Phi tửu bất thành lễ mà.
Rượu thì hầu như nước nào cũng có, thế nhưng văn hóa uống rượu thì không phải nơi nào cũng giống nhau. Chẳng nói đâu xa, người Việt chúng ta khi ngồi vào mâm rượu là phải cháy hết mình, phải 100%, cấm “long đen”, cấm đổ rượu, trốn rượu dưới mọi hình thức. Thế mới đáng mặt nam nhi đại trượng phu, đầu đội trần chân đạp chiếu.
Nhiều khi người ta cố tình bắt bẻ nhau từng câu nói để phạt người nọ người kia uống. Hết đồng khởi rồi lại “sầu riêng”. Dô ta dô hò cho đến khi mặt ai người ấy đỏ như quả gấc, mồm miệng sặc mùi hồng xiêm chín thì mới dừng. Âu cũng là văn hóa đậm chất Trung Hoa. Nói gì thì nói, cả nghìn năm đô hộ chứ ít gì.
Xem lại những bộ phim Trung Quốc mới thấy rượu luôn đóng vai trò quan trọng. Trong Thủy Hử, khi Cao Cầu đem quân tiến đánh Lương Sơn Bạc, chính Tống Giang đã đứng ra hô hào anh em ứng chiến, trước sông tế cờ…và không quên phát cho mỗi người một bát rượu. Đấy ! Bú đi mà có sức đánh giặc ! Uống đến đâu đập bát đến đấy, hào sảng vô cùng. Vừa để tăng thêm phần can đảm giết địch, vừa để phòng trường hợp lỡ ăn nhát chém thì trong cơn phê pha cũng đỡ đau hơn vì hồi ấy chưa có… Panadol Extra !
Rồi đến chuyện Võ Tòng. Ngồi lai rai uống rượu tóp cả má rồi cả nổi hứng phi lên đồi Cảnh Dương. Con hổ đói tưởng được miếng mồi ngon, ai dè chỉ thấy “cục thịt béo” đang ngủ lật lưỡi, mồm miệng trớ rượu đầy quần áo, nó thấy tởm quá mà ngất đi. Ngờ đâu Võ Tòng tỉnh trước, táng cho nó vài viên đá rồi cả sức chém gió với dân làng. Ấy thế là cái tích “ Anh hùng đả hổ” ra đời.
Từ thời phong kiến đến giờ, tư tưởng “Nam vô tửu như cầm vô phong” không khi nào biến mất. Mà càng uống khỏe thì lại càng được quý, lại càng có cơ sở làm quen, kết thân, thuận lợi trong công việc, thăng tiến. Ngược lại, người nào không uống được rượu lại thường hay bị chê là lom dom, yếu đuối. Có dăm ba chén rượu mà uống không xong thì được nước mẹ gì !
Nhưng nói đi cũng phải nói lại, không phải nơi nào cũng thế và không phải ai cũng vậy. Môi trường quyết định ý thức. Nếu bạn sống trong môi trường nhiều người uống rượu thì việc bạn loét cmn dạ dày là chuyện một sớm một chiều. Còn nếu bạn sống trong môi trường lành mạnh thì xin chúc mừng bạn.
Tái bút: Mới làm 2,3 chén mà đã phê pha wa nên viết bậy viết bạ để xả stress ấy mà.