VÀI SUY TƯ VỀ CẢI CÁCH TIẾNG VIỆT
1. Kopernik và PGS Bùi Hiền Kopernik và Galileo là hai nhà khoa học lỗi lạc dành cả đời để nghiên cứu thiên văn học. Thiên văn học...
1. Kopernik và PGS Bùi Hiền
Kopernik và Galileo là hai nhà khoa học lỗi lạc dành cả đời để nghiên cứu thiên văn học. Thiên văn học là ngành khoa học nghiên cứu các thiên thể và các hiện tượng bên ngoài vũ trụ. Đối tượng nghiên cứu có thể nhìn thấy được (dưới sự giúp đỡ của thiết bị), có cơ sở vật lý, có thể cân đong đo đếm được. Cụ thể hai nhà khoa học này cố chứng mình sự quay của trái Đất quanh mặt trời-cách mạng về khoa học kỹ thuật.
Còn đối tượng nghiên cứu của PGS Bùi Hiền là tiếng Việt, nó vốn là văn hoá, mà văn hoá từ dân mà thành nên nghiên cứu nó thì phải đi vào trong dân mà tìm hiểu thì tôi thấy mới hợp lý, chẳng thể mà chỉ ngồi lý luận được. Cải cách về văn hoá vốn chẳng đúng sai mà là phù hợp hay không phù hợp với dân tộc ấy mà thôi. Cái này chẳng thể cân, đong, đo, đếm; cũng chẳng thể nhìn, sờ, ngửi vì không có những điều ấy nên chẳng thể ngồi phòng thí nghiệm mà kiểm chứng được. Cũng vì không thể kiểm chứng đúng sai nên PGS Bùi Hiền vẫn là PGS Bùi Hiền chẳng thể nào là Kopernik luôn đúng được.
2. Vài suy nghĩ
Theo tôi, văn hoá là của dân vậy nên phải xem trong dân thế nào! Dân không phải là không ủng hộ hay bác cải cách gì cả, nhưng cải cách có đến đâu thì âm tiếng Việt vẫn không được thay đổi. Nhưng cải cách theo ông PGS tôi thấy vô lý vì các âm D-R là hoàn toàn khác nhau, C-TR-CH rõ ràng phân biệt: chanh-tranh thành “can’ ”, chai-trai phân biệt rõ ràng nhưng viết thành "cai" hết là không ổn. “Nam quốc sơn hà nam đế cư” lại thành “Nam kuốk sơn hà nam dế kư”-sông núi nước nam Vua Nam ở chứ sao con dế nam ở. Tuy chữ “con dế” sau cải cách là “con zế” nhưng phát âm lại giống nhau, nhưng “dế” đọc là “đế” thì sao phải bỏ đi chữ “đ” ? Thay đổi cách viết từ Nôm sang Latinh thì cũng thay đổi mặt chữ chứ không thay đổi phát âm. Thay đổi như PGS thì làm sao còn phát âm đúng theo người Việt!
Hai là mất đi sự giàu đẹp của tiếng Việt khi C sẽ được thay cho Ch, Tr; D = Đ; G = G, Gh; F = Ph; K = C, Q, K; Q = Ng, Ngh; R = R; S = S; X = Kh; W =Th; Z = D, Gi, R thì mất đi mấy trăm năm tiến hoá của tiếng Việt, bởi lẽ nó phát âm khác nhau thì phải có các ký âm khác nhau, không thể vì một vùng nào nói sai rồi bắt cả nước lẫn lộn theo được. Tiếng Việt là của dân tộc chứ nào có phải riêng một vùng nào thôi. Nên phải xem xét trên cả dân tộc không nên lấy thổ ngữ cùa vùng nào làm chuẩn cả.
Ba là mất đi sự "sạch-đẹp-trong sáng" của tiếng Việt VD: "Huyền Trân công chúa" thành “Huyền Cân kôq cúa” đời sau đọc làm sao có thể đọc chính xác là Trân (trân quý, trân châu-quý giá) có khi lại đọc “Chân” (chân cẳng); sự khác biệt về nghĩa thật vô cùng lớn. Có thể khi nói bị ảnh hưởng của thổ ngữ nhưng viết xuống không bao giờ được sai có thế ngàn đời đọc mới không sai. Lại nữa nhà Trần thành “Cần” đời sau đọc Chần hay Trần hay Cần. Thêm nữa mấy ngày nay dân mạng truyền nhau “cô gái rú to” với “cô gái zú to” tục nhưng thật!
“Tổ tông trọng trí, thiên niên thịnh
Huynh đệ đồng tâm, vạn sự thành”
Viết lại:
“Tổ tôq cọq cí, wiên niên wịn'
Huyn' dệ dồq tâm, vạn sự wàn'”.
“Trọng trí” là coi trọng trí tuệ mà viết “cọq cí” đọc /chọng chí/ thì thành vô nghĩa.
“Chạy chửa chay chân chẳng chịu chừa
Chín chiều chua chát chán chê chưa
Cha chài chú chóp chơi chung chạ
Chẳng chính chuyên chi chớ chực chờ”
Nguyễn Khoa Vi (1881-1968)
Viết lại “Cạy cửa cay cân cẳq cịu cừa, cín ciều cua cát cán cê cưa, ca cài cú cóp cơi cuq cạ, cẳq cín' cuyên ci cớ cựk cờ” vì chữ mới không phân biệt TR-CH ai mà đọc lại thành: “trạy trửa tray trân trẳng trịu trừa, trín triều trua trát trán trê trưa, tra trài trú tróp trơi trung trạ, trẳng trính truyên tri trớ trực trờ”. Con cháu đời sau xem lại như đọc mật mã, lại chửi Nguyễn Khoa Vi là thằng điên.
Bốn là ngôn ngữ nào cũng có bất hớp lý cả. Tiếng Anh là ngôn ngữ học vẹt về phát âm vi nó chẳng có quy tắc nào cả, rồi còn động từ lại có trăm động từ bất quy tắc nữa. Tên trong tiếng Anh thì không phải người quen thì khó mà gọi cho đúng tên nhau nữa là. Ta xem tiếng Nhật nào, ồ cũng bất quy tắc đủ điều, viết một đằng lại đọc một nẻo, thiên hạ còn phong cho nó là ngôn ngữ khó gặm, khó nhai. Xem qua một chút tiếng Bồ Đào Nha ta thấy seção (một phần cái gì đấy) sessão (phiên-khoảng thời gian cho 1 cái gì đấy- phiên họp..) cessão (chuyển nhượng (tài sản…)) đều là /səsɑ̃o/ cả mà. Tiếng Việt dễ thế, dễ nữa nhưng ngoại quốc cũng chẳng mấy ai học nhưng khó thế, khó nữa mà hái ra tiền thì cũng đua nhau mà học thôi.
3. A Mi Đà hay A Di Đà
Vốn là Phật tử tôi chằng muốn “đào mộ” làm gì nhưng Phật Giáo Việt Nam chỉ cải cách một chữ Mi thành Di cho giống âm tiếng hoa nhất đã làm rối bao thế hệ. Phật tử lại chẳng biết vì sao thầy nói Di Đà thầy bảo Mi Đà. Vốn phải phiên âm là A Mi Đà Phật nhưng không hiểu sao các vị tổ khi truyền đạo vào Việt Nam lại phiên thành A Di Đà Phật. Trải qua mấy nghìn năm cùng dân tộc, A Di Đà như câu cửa miệng Phật từ rồi nay đổi làm bao người bị bối rối. Ấy thế mà chưa hết Nam Mô phải là Nam Vô mới đúng âm theo tiếng Hoa. Nhưng gốc Phật giáo lại từ Ấn Độ, Phật trong tiếng Phạn là “Bu-Đa -đã phiên lại âm của chữ Phạn” không hiều sao khi truyền sang Trung Quốc lại đổi thành Phật Đà rồi từ đó truyền qua Việt Nam thành Phật Đà luôn. Sửa lại cho đúng hết phải là Nam Vô A Mi Đà Bụt, đạo Phật thành Đạo Bụt thế chẳng khác nào đạp đổ cả hơn 1000 năm văn hoá Phật giáo Việt Nam chỉ vì cho lô-gic với phiên âm. Điều đó là không thể chấp nhận được. Chữ Phật đi vào từ điển Việt Nam, vào tâm hồn người Việt, nó là một danh từ riêng rồi, còn Bụt tuy phiên âm từ Bu-Đa nhưng giờ lại thành danh từ riêng chỉ tiên trên trời rồi. Các vị Đại Đức cho rằng đạo Phật không chấp vào tên, vào danh nên chẳng cần phải đổi làm gì, quan trọng là truyền thống văn hoá Phật giáo “không có sự phân biệt giữa những người dòng máu cùng đỏ và nước mắt cùng mặn”, đời là khổ, chúng sanh phải thương yêu giúp đỡ nhau mà tu học, đó mới là giá trị cốt lõi mà 2500 truyền đạo dù tới quốc gia nào cũng không đổi, đó mới là đạo Phật chân thật. Không phải bám vào cái danh A Mi Đà Phật gọi cho đúng mà cầu danh cầu lợi, đạo Phật không mê tín dị đoan. Vậy cải cách mà sửa luôn phát âm thì gây rất nhiều hệ luỵ, đứt gãy văn hoá là điều không cần thiết.
4. Kết
Các cải cách chỉ làm rõ thêm từ, thống nhất các từ còn đang lẫn lộn hoặc có thể bổ sung các từ mới thì tôi nghĩ mọi người rất ủng hộ. Nhưng làm mất đi từ vựng, áp đặt ngôn ngữ của địa phương cho toàn quốc thì e là lòng dân không thuận. Cải cách tránh làm đứt gãy văn hoá, đời sau vẫn phải đọc được chữ của đời trước.
Cuối cùng tôi mong mỏi mọi người khi tranh luận không nên nói những người đối lập là vô học, bảo thủ. Vì chúng tôi đang tiếp thu chọn lọc mà thôi, các đề xuất mới phải phù hợp với văn hoá, truyền thống của dân tôc.
Tổ quốc thiêng liêng đâu của riêng ai, mà là của toàn dân, chữ viết và tiếng nói là của toàn dân.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất