[Ứng dụng Stoicism]: Triết học đã giúp mình như thế nào khi đối mặt với môi trường mới
Dẫn: Đợt rồi có khá nhiều bạn hỏi mình cách ứng dụng Stoicism trong cuộc sống. Vì đợt này mình thay đổi nơi ở và công việc nên hoàn...
Dẫn: Đợt rồi có khá nhiều bạn hỏi mình cách ứng dụng Stoicism trong cuộc sống. Vì đợt này mình thay đổi nơi ở và công việc nên hoàn cảnh bên ngoài có tác động không nhỏ đến sự bình yên tâm trí của bản thân (the tranquility of mind - đích cuối cùng của tư tưởng Stoicism). Vậy nên bài viết này mình muốn chia sẻ với các bạn về Stoicism đã giúp mình như thế nào trong thời gian này, hy vọng có thể truyền thêm chút cảm hứng để các bạn tiếp tục đọc và tìm hiểu về trường phái.
1. Đặt những khó khăn trở ngại về đúng với tầm vóc của nó
Một thứ mình nhận thấy là bản thân, và có lẽ là rất nhiều người khác, thường hay thổi phồng những khó khăn mà ta phải đối mặt. Lý do phần nhiều có lẽ là do ở thời điểm ấy tâm trí ta tập trung toàn bộ vào khó khăn trước mắt, cộng với những tưởng tượng và lo toan có phần thái quá như Seneca đã bàn tới trong bức thư số 13, khiến cho những khó khăn ấy thường trở nên khủng khiếp hơn những gì chúng thực sự là.
Vậy nên với mình, việc dành ra mỗi ngày 1 chút thời gian (thường là sau bữa ăn trưa) để đọc lại và suy ngẫm về đoạn trích sau trong Meditations của hoàng đế Marcus Aurelius thực sự rất hữu ích:
Lược dịch: Bạn có thể giải tỏa cho bản thân khỏi hàng vạn thứ không đáng thường lại khiến bạn bận tâm, vì chúng hầu hết chỉ nằm trong trí tưởng tượng và những đánh giá trong đầu bạn. Và tâm trạng của bạn có thể bình ổn trở lại nếu bạn nhìn mọi thứ từ một góc nhìn cao hơn, một góc nhìn chứa đựng cả vũ trụ (thay vì chỉ có bạn và cuộc sống của bạn ở trung tâm).
Cụ thể hơn, khi đặt bản thân xa hơn để nhìn nhận, mình thấy rõ những khó khăn thách thức mình đang gặp phải trong việc làm quen với cuộc sống môi trường mới đâu có gì đặc biệt, khi trong thực tế có đến hàng nghìn người vẫn thay đổi nơi ở mỗi ngày/tuần/tháng trên thế giới. Vậy nên thực sự đâu có gì đáng để mình phải kêu ca phàn nàn đúng không?
2. Một chút về thái độ khi đối mặt với khó khăn
Về cách đối mặt với khó khăn, mình đã viết hẳn 1 bài trong series Triết học thực hành. Tuy nhiên, nếu được chọn một thứ duy nhất để tạo động lực cho bản thân, thì với mình đó là câu nói của Seneca:
A boxer who has never suffered a beating cannot bring bold spirits to the match. It is the one who has seen his own blood—who has heard his teeth crunch under the fist—who has lost his footing and found himself spread-eagled beneath his opponent—the one who, though forced to yield, has never yielded in spirit, who after falling rises fiercer every time: that is the one who goes to the contest with vigorous hope. 3 Pursuing the analogy: just so has fortune often had the upper hand with you, and yet you have never surrendered: you have jumped up and stood still more boldly on your feet. For courage increases when it meets with a challenge. Letter 13 - Moral letters to Lucius
Lược dịch: 1 tay đấm chưa bao giờ phải chịu đòn sẽ không thể có bản lĩnh cho trận đánh. Chỉ có người đã cảm nhận vị máu của chính mình, nghe thấy tiếng răng mình đập mạnh vào nhau vì cú đấm của đối thủ, người mà, dù phải đầu hàng, không bao giờ đầu hàng về tinh thần, sau mỗi lần ngã sẽ đứng dậy hoặc trở lại mạnh mẽ hơn: đó là người có thể hy vọng sẽ giành chiến thắng. Hãy áp dụng ẩn dụ đó vào cuộc sống của bạn: không kể khó khăn thử thách có nghiệt ngã đến mức nào, bạn sẽ không bao giờ đầu hàng, bạn sẽ đứng dậy mạnh mẽ hơn, và vững vàng hơn trên đôi chân của chính mình. Vì bản lĩnh và lòng can đảm sẽ được trui rèn qua thử thách.
Mình đã thuộc lòng câu nói này đến nỗi mà mấy ngày nặng nhất của 2 tuần rồi, khi công việc khiến mình mệt lử lê lết về nhà lúc 6 rưỡi 7 giờ tối, vẫn cố gắng vứt cặp, hâm nóng cốc sữa tươi uống vội rồi lấy vài cái túi vải để lên đường đi mua sắm những thứ cần thiết cho cuộc sống mới, rồi về nhà nấu ăn. Ý mình là việc chọn cho bản thân một thái độ chủ động và chấp nhận những khó khăn khiến mọi thứ trở nên dễ dàng hơn khá nhiều và mình có cảm giác rõ rệt hơn là chính mình làm chủ và kiểm soát được tình thế.
Lưu ý là có những thứ mình có thể làm để tránh khó khăn, ví dụ như thay vì nấu ăn mình hoàn toàn có thể ăn ngoài rồi về nhà gác chân chổng mông nằm đọc Spiderum, nhưng chắc không nói bạn cũng thấy đó đâu có thể thực sự gọi là một cuộc sống tự lập đúng không, và việc mình càng ổn định được những thứ như nấu nướng sớm chừng nào càng khiến cho chính cuộc sống của mình quy củ và lành mạnh hơn chừng ấy.
Đồng thời, mọi thứ cũng sẽ dễ dàng đối mặt hơn nếu bản thân luôn nhớ được là: Chỉ những phẩm cách bên trong mới quan trọng, còn hoàn cảnh bên ngoài là không khác biệt (thuật ngữ Stoicism là indifferent, tức là những thứ ta cần coi nhẹ và không để chúng ảnh hưởng đến tâm trí mình), đúng như những gì Marcus đã viết:
People seek retreats for themselves in the countryside by the seashore, in the hills, and you too have made it your habit to long for that above all else. But this is altogether unphilosophical, when it is possible for you to retreat into yourself whenever you please; for nowhere can one retreat into greater peace or freedom from care than within one’s own soul, especially when a person has such things within him that he merely has to look at them to recover from that moment perfect ease of mind (and by ease of mind I mean nothing other than having one’s mind in good order). So constantly grant yourself this retreat and so renew yourself; but keep within you concise and basic precepts that will be enough, at first encounter, to cleanse you from all distress and to send you back without discontent to the life to which you will return — Marcus AureliusLược dịch: Mọi người thường tìm đến những vùng ngoại ô, bên bờ biển hay trên những ngọn đồi để nghỉ ngơi thư giãn, và bạn cũng vậy. Nhưng thực ra nó không phải là một lựa chọn triết học, khi mà bạn luôn có thể tìm về với an yên ở bên trong bản thân mình; vì không nơi nào có thể cho bạn sự bình yên hơn ở đó. Vậy nên hãy cố gắng duy trì việc hướng tâm trí mình vào bên trong một cách đều đặn, đồng thời với việc đọc lại thường xuyên những lời khuyên có thể khiến bạn bình ổn tâm trí để đối mặt với những sự kiện trong cuộc sống.
3. Về sự cô đơn và thiếu vắng những mối quan hệ
Một thứ nữa mình nhận thấy từ bản thân và từ những du học sinh khi mới sang, đó là khoảng thời gian đầu thường khá khó khăn một phần do việc thiếu vắng bạn bè và những mối quan hệ. Bạn biết đấy, con người là sinh vật cộng đồng, và việc không có những người mình quen thân bên cạnh, thiếu vắng cảm giác thoải mái khi ở bên họ và chia sẻ mọi thứ, nhiều khi chỉ là bô lô ba la đủ thứ chuyện trên trời dưới bể, đôi khi còn tồi tệ hơn cả những khó khăn vật chất rất nhiều.
Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, chính nỗi cô đơn ấy lại khiến nhiều bạn hy sinh bản thân để lao vào những cuộc hội hè đàn đúm sa đọa, những người bạn và mối quan hệ mà hoàn toàn không khiến bản thân họ cảm thấy thỏa mãn.
Vì vậy, 2 thứ mình thường nhắc lại với bản thân ở thời điểm này:
- Một là cần phải lựa chọn những mối quan hệ một cách cẩn thận (choose your friends wisely, một lời khuyên khá phổ biến của Stoicism), như những gì Epictetus đã viết:
Avoid fraternizing with non-philosophers. If you must, though, be careful not to sink to their level; because, you know, if a companion is dirty, his friends cannot help but get a little dirty too, no matter how clean they started out. - (Epictetus - Enchiridion XXXIII.6)Lược dịch: Tránh giao tiếp quá thân thiết hoặc thường xuyên với những người không có cùng định hướng suy nghĩ với bạn. Nếu bạn bắt buộc phải làm vậy, cẩn thận đừng để bản thân bị nhiễm những suy nghĩ không đúng với hệ giá trị của bạn. Vì bạn biết đấy, nếu một người bị lấm lem bùn đất, bạn của anh ta cũng khó có thể tránh khỏi dính chút bùn đất, bất kể họ có sạch sẽ thế nào trước đó đi chăng nữa.
- Hai là, thực ra việc kết bạn hoàn toàn không khó, như những gì Seneca đã viết trong bức thư số 9:
Để có thể nhìn nhận rõ việc thánh nhân có thể sống hạnh phúc một mình, nghĩ về điều này: nhiều khi họ cảm thấy hoàn toàn thoải mái trong một thân thể không còn toàn vẹn. Nếu cánh tay của ông ta bị chặt đứt trong chiến tranh hay vì bệnh tật, hoặc mắt của ông ta bị đui mù, phần còn lại của cơ thể vẫn là đủ, và bạn sẽ không nhận thấy bất cứ một nét gì của sự đau khổ trong cuộc sống cũng như thái độ của ông ta. Tuy nhiên, kể cả ông ta có không đau khổ về cánh tay bị chặt hay đôi mắt bị mù, thì ông ta vẫn biết rằng có cả 2 tay hay đôi mắt sáng vẫn tốt hơn. Tương tự, ông ta hạnh phúc không phải vì ông ta không muốn có bạn bè, mà là ông ta có thể chịu đựng sự không có bạn bè trong thanh thản.Nhưng, thực tế khó lòng tin được ông ta sẽ có lúc nào không có bạn bè, vì với thánh nhân việc tìm được một người bạn đâu có khó. Cũng giống việc Phidias (một nhà điêu khắc nổi tiếng) có thể dễ dàng làm một bức tượng mới nếu một trong những sản phẩm của ông bị mất, thánh nhân cũng sẽ sử dụng nghệ thuật kết bạn để có được một người bạn mới nếu như ông ta mất một người.Có lẽ bạn sẽ hỏi làm thế nào ổng có thể kiếm bạn dễ thế? Để tôi chia sẻ với bạn lời khuyên của Hecaton:Có một thứ kết nối yêu thương mà không cần đến chất kích thích hay bùa chú: đó là sử dụng tình yêu của bạn. Hãy yêu, nếu bạn muốn được yêu.
Những thứ này khiến bản thân mình cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều trong việc đối mặt với sự cô đơn ở nơi mới. Thay vì bằng mọi cách kết bạn và có những mối quan hệ chỉ để giải tỏa sự cô đơn, mình cho phép bản thân tập trung vào những thói quen và hoạt động mình muốn duy trì: đọc sách, gym, gia nhập Toastmasters ở nơi ở mới, và bắt đầu học nấu nướng trên mạng. Từ đó, mình vừa lấp đầy những khoảng thời gian trong ngày thay vì ngồi chán nản vì cô đơn, và bắt đầu có những mối quan hệ với những người ở gym hay ở câu lạc bộ Toastmasters mà ít nhất mình có thể biết được họ có cùng sở thích hay mong muốn phát triển bản thân giống mình.
4. Một thứ nhỏ nhặt khác
Những ngày đầu đến đây, trong bộn bề những thứ phải làm và phải mua sắm, chắc có lẽ bạn khó có thể tưởng tượng được khi mua đũa lại là một trong những khó khăn lớn đến bất ngờ. Đi khắp các siêu thị đồ gia dụng đều không có, mệt nhoài, mình bước vào tiệm ăn Nhật và phấn khởi như được mùa khi trông thấy âu đũa để free cho khách trên mỗi bàn. Ý tưởng vớ lấy 1 2 đôi cho vào cặp đến một cách tự nhiên như mùa thu lá vàng đầy ảo mộng, và viễn cảnh khó khăn mệt mỏi sẽ nhanh chóng tan đi. Nhưng mình đã thực sự bất ngờ khi chính lúc đó, câu nói của Seneca hiện lên trong đầu:
Vinh quang của một hành động nằm ngay trong chính hành động ấy. Sự trừng phạt cho 1 hành động xấu cũng nằm ngay trong ảnh hưởng của hành động ấy đối với người thực hiện (mình viết về câu này trong bài Triết học thực hành phần 2 ở đây)
Và một câu nữa hình như trong "Cổ nhân tinh hoa" với cùng 1 ý:
Khi làm hành động xấu, tại sao bạn lại bảo tôi là không ai biết thì đâu có hại? Trời biết, đất biết, bản thân tôi biết, vậy chưa đủ hay sao?
Vì nếu mình làm như vậy thực ra chính là ăn cắp.
Vậy nên thay vì làm như ý tưởng ban đầu, mình đã mỉm cười, ăn hết phần ăn giá cắt cổ (đồ bọn Nhật lúc nào giá cũng cao vd :(() và khi thanh toán hỏi nhân viên cửa hiệu để xin mua lấy 2 đôi đũa dùng tạm ấy. Anh ta sau một thoáng ngạc nhiên đã hỏi vì sao mình cần mua. Mình bảo vì mình mới đến nơi đây và chưa tìm được chỗ mua, thế là anh ta cười rồi nói xin tặng mình 2 đôi ấy. Bọn mình trao đổi với nhau vài câu và anh ta thậm chí còn chỉ cho mình khá nhiều thứ ở nơi hoàn toàn mới mẻ này với mình.
Trải nghiệm ấy có thể rất nhỏ nhặt, nhưng theo mình có lẽ nó lại chỉ ra một trong những mục đích cao nhất của triết học thực hành bạn ạ. Vì triết cho mình hệ thống công cụ - lời khuyên và những bài học, để có thể áp dụng trong việc đối mặt với những suy nghĩ/ý tưởng khi chúng mới hiện lên trong đầu. Cụ thể, với Stoicism thì cái suy nghĩ lấy 1 2 đôi đũa lúc đầu của mình thực ra có thể được giải thích là hoàn toàn tự nhiên, vì khi ấy mình rất mệt sau khi đi mua sắm và không tìm được thứ mình cần, cộng với một vài thứ khiến trí óc tự đề xuất ý tưởng tưởng chừng vô hại ấy. Tuy nhiên, nếu xét theo hệ giá trị mà mình theo đuổi, thì cái ý tưởng ấy có hại cho bản thân mình chứ không phải vô hại. Vậy nên, những lời khuyên Stoicism là thứ mình cần, và mình cảm thấy rất vui vì sau một thời gian duy trì đọc mỗi sáng, giờ tâm trí mình đã có thể tự nhớ đến những lời khuyên ấy khi mình cần chúng.
Kết: Hy vọng bài viết cho bạn thấy được lợi ích của việc đọc và suy nghĩ về những tư tưởng Stoicism trong cuộc sống. Như mình đã viết trong bài giới thiệu về Stoicism, với mình, nếu triết học không thể được áp dụng trong cuộc sống, mình sẽ không đọc và tìm hiểu về nó. Vậy nên, nếu bạn cảm thấy thích và mong muốn tìm hiểu về Stoicism, hy vọng bạn sẽ để tâm một chút đến sự liên hệ của nó đến cuộc sống hàng ngày. Mình thực sự rất mong chờ những bài viết chia sẻ của chính các bạn về việc áp dụng Stoicism trong tương lai ;)
A Dreamer
Tìm hiểu thêm về Stoicism và triết học thực hành:
Khoa học - Công nghệ
/khoa-hoc-cong-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất