Lời tựa:
Thực sự mình đã khá vui đợt nghe nói bản tiếng Việt "Suy tưởng" của dịch giả Tiết Hùng Thái được phát hành, và còn giới thiệu với khá nhiều bạn trên Động. Vậy nên khi chính bản thân được đọc bản tiếng Việt ấy tự nhiên thấy có lỗi với các bạn quá, không chỉ vì bản dịch khá trúc trắc, mà quan trọng hơn là nó không làm bật lên được cái yếu tố tinh thần, thứ với mình là viên ngọc quý nhất trong cả tác phẩm. Chỉ khi ngồi lại và ngẫm, và cảm nhận cái quyết tâm, sự nghiêm túc của một vị hoàng đế La Mã trong việc rèn luyện triết, và hướng tới trở thành một con người theo đúng nghĩa "con người" - thì mình nghĩ bạn mới hiểu được con đường ý nghĩa và vinh quang này công bằng với tất cả mọi người.
Điểm quan trọng thứ hai: đây hoàn toàn là những lời tự nhủ, tự ngẫm, tự viết cho bản thân của Marcus, và ông hoàn toàn không có ý định để lại cho hậu thế. Thậm chí ông còn nhờ những người xung quanh mình đốt nó đi (lý do được nhiều người đoán là vì ông ngượng khi bản thân vẫn cần những lời tự nhủ ấy mới có thể sống tốt). Vậy nên mình tin bản dịch cũng phải cố gắng bỏ qua được tính giáo điều như thể Marcus đang nói hay viết cho người đọc, vì chỉ như thế chúng ta mới có thể thấm được những lời tự nhủ này mà thôi.
Vì những lý do đó, thôi thì lại 'nhấc mông lên và dấn bước' vào một hành trình dài, với cuốn nền tảng thứ hai của Stoicism.
Rất mong mọi người sẽ tiếp tục đón nhận, ủng hộ và góp ý cho mình nhé!
Andy Lương

Quyển 8 (3)

32. Ta cần phải tự hệ thống lại cuộc đời mình - từ hành động này đến hành động khác. Và hãy hài lòng nếu mỗi hành động đạt được mục đích của nó, nhiều nhất có thể. Không ai có thể ngăn cản ta làm việc đó.
Nhưng có những trở ngại từ bên ngoài ...
Không gì có thể là trở ngại với việc cư xử một cách công bằng, đúng mực, chu đáo cẩn thận.
Cứ cho là thế, nhưng có lẽ sẽ có trở ngại với những hành động cụ thể hơn.
Nhưng nếu ta chấp nhận trở ngại ấy và hành động với thứ ta được ban, một phương án thay thế sẽ đến với ta - và nó sẽ chính là thứ để ta tiếp tục cố gắng sắp xếp và hệ thống lại. Từng hành động một, hành động này nối tiếp hành động khác.
33. Chấp nhận nó mà không tự cao, buông bỏ nó mà vẫn bình thản như không có gì khác biệt.
(Lời người dịch: mỗi người hoàn toàn có thể liên hệ xem 'nó' ở đây là gì nhé. Và thử nghĩ xem 'nó' với Marcus là gì nữa. Mỗi lần ngồi nghĩ mình lại có những ý tưởng khác nhau, kể cũng khá thú vị)
34. Ta đã từng bao giờ thấy một cái tay hay chân bị chặt đứt, hay một cái đầu, nằm xa phần cơ thể mà nó từng thuộc về chưa ...? Đó là điều mà ta làm với bản thân mình - hay đã cố gắng làm - khi ta chống lại những thứ xảy đến với mình, khi ta tách bản thân khỏi cộng đồng và tự cô lập. Hoặc khi ta làm thứ gì đó một cách ích kỷ, chỉ vì mưu lợi cho bản thân.
Ta đã "chặt đứt" mình khỏi cái thể thống nhất ấy - trạng thái tự nhiên của mình, thứ ta sinh ra để chia sẻ cùng mọi người. Và giờ đây ta lại tự dứt bản thân mình khỏi nó. 
Nhưng ta có một lợi thế ở đây: ta có thể tự mình kết nối trở lại. Đó là một đặc quyền mà Chúa/Thượng đế đã ban duy nhất cho con người, mà không một bộ phận nào trong một cái toàn thể nào khác có nó - bị tách ra, cắt lìa,và kết nối trở lại. Nhưng hãy xem cách Ngài ưu ái chúng ta. Ngài không để chúng ta bị đứt gãy hoàn toàn, và thậm chí khi chúng ta bị cắt lìa, Ngài cho phép chúng ta kết nối trở lại, ghép mình lại, và lấy lại vị trí của mình một lần nữa: như một bộ phận của cái toàn thể ấy.

35. Vì tự nhiên đã ban cho mỗi sinh linh có lý trí gần như tất cả những quyền năng của nó, chúng ta nhận được cả năng lực này nữa. Cũng giống như tự nhiên thu nhận lấy mọi trở lực, mọi chướng ngại, và sử dụng chúng - chuyển hoá chúng cho hợp với mục đích của nó, sát nhập chúng vào chính nó - một sinh linh có lý trí cũng có thể chuyển hoá những vật cản, biến chúng trở thành nguyên liệu thô và dùng chúng để đạt được mục đích của mình.

36. Đừng để trí tưởng tượng của ta bị đời vùi dập. Đừng cố hình dung mọi thứ xấu xa tồi tệ có thể xảy đến. Hãy gắn chặt với hoàn cảnh trước mắt, và tự hỏi: "Tại sao điều này là không thể chịu nổi? Tại sao ta không thể chịu đựng nó?". Ta sẽ phải xấu hổ khi trả lời những câu hỏi đó.
Rồi sau đó hãy tự nhắc mình rằng quá khứ và tương lai chẳng có quyền lực gì với ta hết. Chỉ có hiện tại - và ngay cả hiện tại cũng rất ngắn ngủi. Hãy tự nhận ra những giới hạn của nó. Và nếu tâm trí cố thuyết phục ta rằng nó không thể chịu đựng được trước hoàn cảnh ấy ... được, lúc ấy hãy bảo nó tự biết hổ thẹn đi.
37. Giờ đây Pantheia hay Pergamos có còn tiếp tục canh gác ngôi mộ của Verus hay không? Hay Chabrias hay Diotimus với lăng mộ của Hadrian? Chắc chắn câu trả lời là không. Liệu những hoàng đế ấy có biết nếu những người canh mộ ấy vẫn đứng đó? Và ngay cả nếu họ biết, liệu họ có được hài lòng hay không?
Và ngay cả nếu điều đó làm họ hài lòng, thì liệu những người tiếc thương họ có sống mãi hay không? Chẳng lẽ chính những người ấy lại không bị số mệnh kéo đến tuổi già và rồi qua đời? Và khi điều đó xảy đến, những vị hoàng đế ấy sẽ làm gì?
38. Xú khí của sự phân huỷ. Thịt thối trong một cái bao.
Nhìn thật kỹ. Và ta sẽ thấy.

39. “Theo đánh giá tốt nhất ta có thể đưa ra, khi xem xét tính cách của con người, ta chẳng thể tìm thấy một phẩm cách nào có thể đối lại sự công bình. Nhưng ta tìm thấy một phẩm cách có thể đối lại với khoái lạc: đó là khả năng tự chủ và kiểm soát bản thân.

40. Dừng cảm giác đau đớn do ta tưởng tượng ra và ta sẽ có thể trở lại trạng thái như mình chẳng hề bị tác động.
Ta?
Lý trí của ta.
Nhưng ta đâu phải chỉ là lý trí.
Tốt thôi. Chỉ cần đừng để lý trí bị thương tổn. Nếu phần nào khác của ta bị tổn thương, hãy để nó tự (lên tiếng và) quyết định.
41. Với các giống loài có thể chuyển động (động vật và con người), thứ có hại là bất cứ thứ gì ngăn trở sự vận hành của các giác quan - hay sự thành toại của thứ chúng có ý định thực hiện. Ta cũng có thể xét tương tự với những thứ trở ngại có hại cho cây cối. Và cũng tương tự như vậy, với những loài có lý trí, bất cứ thứ gì gây trở ngại cho sự vận hành của tâm trí đều có hại.
Giờ, áp dụng nó cho chính ta.
Liệu đau đớn hay khoái lạc có thực sự chi phối ta hay không? Hãy để các giác quan của ta đối mặt với chúng. Chúng có phải là những trở ngại cho hành động của ta hay không? Nếu ta thất bại trong việc nhận ra những tình huống khả năng có thể xảy đến (Lời người dịch: kiểu chỉ nhắm đến một kết quả hoàn hảo trong đầu), thì điều đó sẽ có hại cho ta, như một sinh vật có lý trí. Nhưng nếu ta dùng trí xét đoán thông thường (về sự vận hành của mọi thứ theo tự nhiên trong cái toàn thể, và khả năng duy trì quyền lựa chọn và quyết định của lý trí con người, tách biệt với vật chất), thì ta sẽ thấy mình không hề bị hại hay thậm chí chỉ là bị ngăn trở mà thôi. Không ai có thể ngăn trở sự vận hành của tâm trí ta. Không gì có thể chạm đến nó - không phải lửa, hay kim loại, không phải bạo chúa, hay bất cứ ngược đãi nào - không gì hết. Bao lâu nó còn là "một địa hạt ... tĩnh lặng hoàn hảo"
42. Ta không có quyền làm tổn thương chính mình. Vì (ngay cả với người ngoài) ta đã từng làm tổn thương bất cứ ai chưa, nếu như ta có thể tránh điều đó?

43. Người đời tìm thấy khoái lạc theo những cách khác nhau. Ta tìm thấy nó trong việc giữ cho tâm trí mình thông suốt. Trong việc không quay lưng lại với mọi người, hay những thứ xảy đến với chúng ta như con người. Trong việc chấp nhận và sẵn sàng chào đón mọi thứ, mọi sự kiện đến với ta trong đời. Trong việc đối xử với mỗi thứ như nó đáng nhận được.

44. Hãy tặng bản thân một món quà: giây phút hiện tại.

Những người mong đợi thanh danh muôn đời quên mất rằng những thế hệ sau đó cũng vẫn là những con người (có thể rất) phiền toái, khó chịu như những người họ đã biết mà thôi. Và rồi những người (ở thế hệ sau) ấy cũng sẽ chết. Vậy có vấn đề gì khi họ sẽ nói X về ta, hay nghĩ Y?

45. Hãy cứ nâng ta lên, rồi ném ta đi. Đến bất cứ nơi đâu người (Tự nhiên) muốn. Tinh thần của ta sẽ vẫn toàn vẹn ở đó – toàn vẹn và bình thản - bao lâu mà sự tồn tại và hành động của nó còn thuận theo tự nhiên.
Liệu có lý do nào để giải thích tại sao linh hồn ta lại cần phải chịu đựng và bị hạ thấp – trong những đau khổ, căng thẳng, lộn xộn, sợ hãi? Làm sao có thể cơ chứ?
46. Không gì có thể xảy đến với một người mà không nằm trong cái toàn thể hệ thống trải nghiệm của cả nhân loại. Cũng như sự trải nghiệm của một con bò là một phần của tập trải nghiệm của toàn thể loài bò, cây nho của cả giống nho, và hòn đá là những gì đúng với những hòn đá.
Không gì có thể xảy đến mà lại bất thường hay phi tự nhiên, vì vậy mà bất cứ than vãn phàn nàn nào cũng đều là vô nghĩa. Tự nhiên không khiến chúng ta phải chịu đựng những thứ không thể chịu đựng được.

Bản tiếng Anh

Mình dùng chính bản của Gregory Hays, mình tin chính là bản ông Tiết Hùng Thái dùng cho bản dịch tiếng Việt của ông.
Tuy nhiên mình có tham khảo bản của Penguin và Oxford (hình như được dịch bởi George Long nhé):
Bạn nào có tâm muốn ủng hộ mình, chỉ xin ủng hộ Spiderum là mình vui rồi :)
Trần Việt Anh - STK: 0451000364912 (Vietcombank chi nhánh Thành Công, Hà Nội)