Vừa qua, thông tin về 2 tấn vải thiều Thanh Hà được nhập khẩu chính ngạch vào Pháp với mức giá bày bán khoảng 500.000đ/ kg đã trở thành tin vui cho ngành nông sản Việt xuất khẩu. Đặc biệt, tem truy xuất nguồn gốc gắn trên vải thiều đảm bảo minh bạch từ “trang trại đến bàn ăn” là điểm sáng đáng lưu tâm, bởi đây chính là một sản phẩm của việc ứng dụng blockchain trong nông nghiệp.

Hiểu thế nào về công nghệ chuỗi khối (Blockchain) ứng dụng trong nông nghiệp?

Blockchain được định nghĩa là một nền tảng lưu trữ và chia sẻ dữ liệu dưới dạng phi tập trung. Hiểu một cách đơn giản, các giao dịch và thôngtin sẽ được mã hoá thành các “khối” lưu trữ vĩnh viễn trong chuỗi khối liên kết (blockchain), và hầu như không thể bị chỉnh sửa.
Hình thức lưu trữ phi tập trung này trái ngược với hình thức lưu trữ tập trung, đồng thời sở hữu nhiều đặc điểm giúp bảo vệ dữ liệu và đảm bảo tính minh bạch của dữ liệu.
Khi dữ liệu được lưu trữ tập trung tại một máy chủ, toàn bộ dữ liệu sẽ tiềm tàng nguy cơ bị phá huỷ do tin tặc tấn công. Còn công nghệ chuỗi khối thì khác, dữ liệu trong khối sẽ được lưu trữ trong “sổ cái phi tập trung” (distributed ledgers). Mỗi người trong chuỗi khối sẽ được giữ một “bản sao” của sổ cái. Vì thế, tin tặc dù có phá huỷ một sổ cái cũng không thể khiến cơ sở dữ liệu bị huỷ, vì còn nhiều bản sao khác tồn tại trong tay các thành viên thuộc chuỗi khối.
Trong ngành nông sản, blockchain được biết đến rộng rãi trong ứng dụng truy xuất nguồn gốc nông sản về thời gian, đơn vị bán hạt giống, các đơn vị vận chuyển, môi trường nuôi trồng, cơ sở phân phối… trên cơ sở khách quan, minh bạch và công khai.

Truy xuất nguồn gốc nông sản ứng dụng Blockchain và khác biệt so với mã QR truyền thống

Việc quét mã QR để xem nguồn gốc xuất xứ của nông sản đã không còn trở nên xa lạ. Chỉ cần một chiếc Smartphone có ứng dụng quét mã QR, người dùng có thể dễ dàng kiểm tra các thông tin về một quả dưa lưới trên website do người bán cung cấp.
Tuy nhiên, có một thực tế rằng, chỉ cần một nền tảng website, đơn vị phân phối có thể tự mình xây dựng tất cả thông tin để lấy được niềm tin của người dùng về nguồn gốc nông sản.
Việc QR code dẫn tới website của đơn vị phân phối đã khiến tính khách quan và minh bạch của thông tin phần nào bị ảnh hưởng. Bởi, các thông tin đó hoàn toàn có thể được tạo ra bởi ý chí của một cá nhân hay tổ chức nào đó.
Khi mã QR được tạo ra với đúng vai trò thực sự của nó là cho phép người dùng truy xuất nguồn gốc, việc ứng dụng blockchain là vô cùng cần thiết. Bởi vì, chỉ khi ứng dụng blockchain, nguồn gốc của nông sản mới đảm bảo được tính khách quan và minh bạch.
Quy trình ứng dụng công nghệ blockchain có thể được mô tả như sau: Tất cả các đối tượng tham gia vào sự phát triển của nông sản từ khi là một hạt giống nhỏ bé, tới khi trở thành trái ngọt đều độc lập khai báo khách quan về tình trạng của nông sản trên 1 app được xây dựng trên nền tảng Blockchain. Họ được coi là các đối tượng (node) trong chuỗi khối, bao gồm các nhà vườn, chủ trang trại, hợp tác xã, đơn vị vận chuyển, phân phối….. Mỗi thông tin khai báo hoặc các ghi nhận về tình trạng nông sản được mã hoá thành một khối, tạo nên chuỗi khối lưu trữ nguồn gốc nông sản.
Điều đặc biệt là, các khối thông tin do các đơn vị phụ trách mỗi giai đoạn cung cấp hoàn toàn không thể xóa bỏ, sửa chữa hay giả mạo nhờ vào đặc tính ưu việt của hệ thống phi tập trung trên blockchain. 

Blockchain trong nông nghiệp Việt: tốt nhưng còn nhiều rào cản ứng dụng

Không chỉ có vải thiều Thanh Hà, Việt Nam đã có một số loại nông sản như điều, thanh long, sầu riêng được xuất khẩu vào các thị trường khó tính bậc nhất như Úc, Mỹ, Nhật, Châu Âu... Các chuyên gia phân tích thị trường nhận định, truy xuất minh bạch nguồn gốc nông sản là một thách thức lớn cho nông sản Việt khi muốn xuất khẩu ra thế giới.
Trong khi đó, việc ứng dụng blockchain vào việc truy xuất này mang lạiđiểm cộng rất lớn cho nông sản Việt. Tuy nhiên, việc áp dụng cho nền nông nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế, không phải đến từ công nghệ, mà từ 3 yếu tố chính:
Hạn chế trong hiểu biết và hành động của nhân tố đầu chuỗi: người nông dân
Bản thân thuật ngữ blockchain đã phần nào nói lên điều kiện cần chính là các khối thông tin được mã hoá. Đứng đầu chuỗi khai báo giá trị chính là người nông dân. Tuy nhiên, khả năng tiếp cận với công nghệ còn hạn chế, sự nghi ngại với cái mới… của đối tượng này chính là rào cản đầu tiên tạo lập chuỗi khối dữ liệu. 
Bỏ qua yếu tố người nông dân, rào cản nhân tố đầu chuỗi còn là hệ thống thiết bị IoT nông nghiệp yêu cầu chi phí đầu tư lớn
Việc sử dụng các thiết bị cảm biến độ ẩm, nhiệt độ không khí, độ pH, EC của đất để khởi tạo chương trình chăm bón cây trồng đã xuất hiện nhiều với các các mô hình trang trại/ nông nghiệp thông minh. Các thiết bị này có thể đo thông số môi trường sống của cây trồng, ghi nhận tình trạng sức khoẻ của cây theo thời gian thực. Tuy nhiên, chi phí đầu tư cho hệ thống này khá tốn kém, đồng thời yêu cầu nhân sự có trình độ trong việc vận hành. Vì thế, các mô hình nông nghiệp thông minh hầu như mới chỉ được áp dụng trên phạm vi quy mô vừa và lớn, khó triển khai tới từng hộ nông dân cá thể.
Thói quen người tiêu dùng
Thực tế cho thấy, ngay cả khi nông sản được dán QR Code thì người tiêu dùng Việt cũng chưa phổ biến thói quen kiểm tra nguồn gốc bằng app điện thoại. Điều này mâu thuẫn với nỗi sợ về thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc của người dân. Thực tế này vô tình hạn chế sự ứng dụng của Blockchain vào sản xuất nông sản, bởi yêu cầu từ người dùng đối với mã QR truy xuất nguồn gốc chưa thực sự cấp thiết.
Tạm kết
Để đến được tay người tiêu dùng, nông sản chất lượng cần trải qua chuỗi các hoạt động với nhiều đơn vị khác nhau. Quy trình này thực sự hoàn hảo để ứng dụng công nghệ blockchain. Khi nhật ký nuôi trồng được mã hoá theo thời gian thực và lưu trữ trên ứng dụng xây dựng trên blockchain, độ tin cậy về chất lượng và xuất xứ của sản phẩm sẽ càng được củng cố. Với xu thế ứng dụng công nghệ trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, đầu tư giải pháp thích đáng cho rào cản hiện tại, tương lai về sự “cất cánh” của nông sản Việt tại thị trường quốc tế là hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng nhờ việc ứng dụng công nghệ blockchain.