Khi phục chế những tấm ảnh cũ, làm sao người ta biết nên dùng màu sắc nào?
[ Câu trả lời của JJ Lloyd trên Quora ] Tôi là một người chỉnh màu chuyên nghiệp, và trong sự nghiệp của mình, tôi đã hiệu chỉnh...
Tôi là một người chỉnh màu chuyên nghiệp, và trong sự nghiệp của mình, tôi đã hiệu chỉnh màu sắc cho gần một nghìn bức ảnh. Để nói chi tiết thì có rất nhiều yếu tố, nhưng xét một cách khái quát, để có được kết quả đạt đến độ chân thực, bạn phải coi quá trình xử lý mỗi bức ảnh giống như một cuộc điều tra pháp y. Bạn cần tìm kiếm những thứ cực kỳ cụ thể, và nếu đủ sáng tạo, bạn có thể tìm thấy hầu hết mọi thứ trên mạng thông qua công cụ tìm kiếm hình ảnh và bằng cách liên hệ với các chuyên gia về chủ đề nào đó – những người có khả năng thu thập tài liệu tham khảo chuyên ngành đỉnh hơn bạn nhiều.
Đây là bức ảnh mà tôi đang xử lý. Bức ảnh về một sạp báo vào tháng 11 năm 1938 được chụp bởi John Vachon. Có gần 200 tờ tạp chí và báo định kỳ trong bức ảnh, khung thời gian dao động từ tháng 10 năm 1938 đến tháng 1 năm 1939, và cho tới lúc này tôi đã tìm được tài liệu tham khảo cho hơn ba phần tư trong số đó nhờ vào sự trợ giúp của những người say mê tiểu thuyết và tạp chí. Tất cả những gì bạn cần chỉ là kiên trì và đặt đúng câu hỏi.
Trong bức ảnh về một cửa hàng đồng quê được chụp bởi Dorothea Lange vào tháng 7 năm 1939, tôi mất khoảng một tuần để tìm và tổng hợp các tài liệu tham khảo, và sau đó thêm vài ngày để kết xuất màu. Bạn có thể thấy tôi chọn những mẫu tham khảo cụ thể có độ tương đồng chính xác hoặc gần chính xác với các chi tiết và biển báo trong ảnh.
Hãy để ý phần dưới của bảng tham khảo trên, những chi tiết gỗ ấy. Bức ảnh tham khảo được chụp ở Gordonton, Bắc Carolina, nơi mà, thật không thể tin được, cửa hàng từ ngày xưa vẫn còn tồn tại - nhưng trong các bức ảnh màu được chụp ở thời điểm hiện tại, gỗ và các vật liệu khác đã bị lão hóa đi rất nhiều, và vì vậy bạn phải điều chỉnh bù. Tôi gọi nó là ‘cải lão’, và việc này đỏi hỏi bạn phải đoán được tuổi các chi tiết/nguyên liệu dựa trên bức ảnh gốc. Nói chung, hãy cứ mường tượng những thứ trong ảnh đang còn rất mới, khi chúng chưa bị hàng thập kỷ thời gian làm cho xuống cấp và bám bụi.
Một trong những nguyên tắc chính yếu cần phải khắc cốt ghi tâm là tư duy đa chiều, và những nghiên cứu bạn thực hiện là để cung cấp thêm cho bạn thông tin để giúp bạn hình dung ra tính đa chiều ấy. Ví dụ với tấm biển Coca-Cola ở giữa bức ảnh. Tôi đã tìm thấy một ảnh biển báo mẫu gần như y hệt cùng thời. Nếu không suy xét cẩn thận, ta rất dễ vấp phải sự cám dỗ là cứ thế dùng luôn những màu sắc tham khảo có sẵn – giống như phần cắt ảnh ở giữa (được áp dụng màu theo một phiên bản đã được hiệu chỉnh màu khác của bức ảnh mà tôi tìm thấy trên mạng). Nhưng sau khi nhìn tấm ảnh biển báo mẫu (ngoài cùng bên trái), càng xem kỹ tôi càng nhận ra để tái hiện lại màu sắc thực tế, tôi cần phải tô vẽ thêm nhiều biến thể màu sắc và chi tiết hơn, chứ không chỉ đơn giản là dùng đúng những gì chúng ta nghĩ là mình đang thấy.
Tôi thậm chí đã đi xa đến mức xem mô hình 3D để có thể tìm ra được câu trả lời. Đôi khi bạn có thể sẽ phải rà soát các tài liệu lịch sử và mẫu vật lưu trữ để tìm thấy điều mình muốn. Dưới đây là một bức ảnh nằm trong bộ ảnh kinh điển của Harry Burton có được từ quá trình khám phá lăng mộ Tutankhamun năm 1923.
Bức ảnh đặc biệt này tuy trông ‘chỉ có thế’ nhưng lại cực kỳ nhiều chi tiết - trên thực tế, có khoảng 70 món đồ khác biệt có trong bức ảnh chụp phòng chờ này. Tuy nhiên, chúng ta đã gặp may, bởi vì Viện Griffith sở hữu những bức ảnh chụp những món đồ đã được phát hiện bởi nhà khảo cổ Howard Carter (*thành viên chủ chốt trong việc khám phá lăng mộ Pharaon Tutankhamun), kèm mô tả chi tiết về hơn 5000 mẫu vật đã được liệt kê vào những năm sau đó.
Trong hai ví dụ bên trên, đoạn mô tả viết tay ban đầu của cả hộp trang trí và quan tài mạ vàng nằm trong danh sách thẻ lưu trữ đồ của Carter. Sau đó, công việc còn lại chỉ là tìm những bức ảnh màu chân thực về các cổ vật vô giá đã được phục hồi trong Bảo tàng Ai Cập (hoặc bất cứ nơi nào những vật phẩm này hiện đang được đặt), và tham khảo chéo với bản mô tả về chúng. Sau đó, chúng được lên màu dựa theo những thông tin về màu sắc gốc. Tiếp theo là điều chỉnh màu để thể hiện 3000 năm bụi bặm và lão hóa để tái tạo một cách chân thực nhất những gì Burton nhìn thấy lúc đó. Quá trình này được thực hiện riêng cho từng chi tiết trong bức ảnh. Tương tự với các bức ảnh khác trong bộ ảnh.
Ngoài ra còn có các manh mối khác để lần theo. Ví dụ: nếu bạn biết bức ảnh được chụp ở đâu và nếu đó là một nơi nổi tiếng, bạn có thể ước lượng được gần như chính xác thời gian trong bức ảnh dựa vào bóng đổ, và xác định được thời tiết dựa trên độ sắc nét của bóng.
Nếu bạn không thể tìm thấy tài liệu tham khảo đủ cụ thể, thì một cái gì đó có tính thời kỳ hoặc thương hiệu sẽ là một gợi ý tuyệt vời. Trong bức ảnh này về Quảng trường Thời đại chụp năm 1947, tôi đã tìm thấy hầu hết các quảng cáo có trong bức ảnh, nhưng quần áo thì lại dựa vào các mẫu cùng thời.
Giống như bất kỳ bộ phim lịch sử tuyệt vời nào, bạn sẽ luôn muốn tạo ra sự chân thực hết mức có thể khi biết mình khó lòng đạt đến độ chính xác 100%.
Trong bức ảnh này về Nam Cực được Herbert Ponting chụp vào năm 1911, tôi đã sử dụng khoảng 20 tài liệu tham khảo về băng Nam Cực từ National Geographic để giúp hình dung ra màu sắc chung. Sau khi đào sâu hơn, tôi tìm thấy một chiếc áo khoác thám hiểm được sử dụng trong thực tế bởi các nhà địa chất được lưu trữ trong một bảo tàng, vì vậy tôi khá chắc chắn màu của chiếc áo khoác trong ảnh sẽ là màu vàng. Theo nguyên tắc, để có được kết quả tốt, bạn phải tìm những nguồn màu trong thế giới thực đủ để tham chiếu cho khoảng 80% - 90% nội dung bức ảnh.
Khi không thể tìm được màu để tham chiếu, tôi sẽ xem xét các sắc thái của màu xám và các sắc thái tương ứng của các màu đã biết để có thể đưa ra phán đoán tốt nhất có thể. Thực tế, tôi đã dựng lên hẳn một biểu đồ để giúp thực hiện thao tác này dựa trên các giá trị số và so sánh. Mục tiêu của việc này không hẳn là tìm ra màu sắc chính xác, mà nó thiên về việc tìm ra hướng đi đúng và sau đó bạn có thể tiến hành một số nghiên cứu phụ để có thêm thông tin về màu sắc chính xác cần dùng.
Nếu đủ tận tâm, rất có thể bạn sẽ khám phá nhiều chi tiết và bối cảnh về những thứ mà bạn chưa từng nghĩ là đáng xem. Khi đã thực hiện hết các bước khó, việc còn lại chỉ là lên màu dựa trên những tài liệu tham khảo bạn đã kiếm được. Một công việc không hề dễ dàng, nhưng cảm giác mang lại thì rất xứng đáng! Bạn có thể xem thêm qua video Vox này, đây là một video mô tả khá tốt về những đòi hỏi của công việc: Cách mà những nghệ sĩ bị ám ảnh tô màu cho những tấm ảnh cũ.
Tôi hi vọng câu trả lời sẽ hữu ích. Nếu quan tâm hơn nữa, bạn có thể tìm xem các tác phẩm của tôi tại Dynamichrome hoặc trên Instagram. Cuốn History As They Saw It của tôi cũng có sẵn trên Amazon.
Khoa học - Công nghệ
/khoa-hoc-cong-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất