Thiên đường chuột: góc nhìn khác về nghiện ngập
Liệu nghiện ngập có phải là vấn đề của riêng người nghiện thuốc, nghiện rượu hay nghiện ma túy ? Chẳng phải từ “nghiện” cũng được dùng...
Liệu nghiện ngập có phải là vấn đề của riêng người nghiện thuốc, nghiện rượu hay nghiện ma túy ? Chẳng phải từ “nghiện” cũng được dùng để nói về hành động mua sắm không kiểm soát hay thói quen ăn uống vô tội vạ của một số người. Một đặc điểm chung của những thứ gây nghiện: chúng đều tạo ra một thứ cảm giác mà sâu thẳm mỗi người luôn mong muốn. Đáng nói là bằng một cách nào đó những thứ bạn trót "nghiện" trở thành thứ duy nhất bạn có thể nghĩ tới khi niềm khao khát trỗi dậy mãnh liệt.
Nếu bắt đầu tìm hiểu về chứng nghiện, một mô tả chung sẽ rất cần thiết.
Bắt đầu từ những chất gây nghiện, ví dụ như heroin, cocaine,... đây là những chất hóa học, khi vào cơ thể chúng có xu hướng tác động theo hai kiểu sau:
• Bắt chước những chất dẫn truyền thần kinh có sẵn trong cơ thể.
Ví dụ Morphine có thể gắn vào thụ thể của endorphine - một chất giảm đau tự nhiên của cơ thể vì thế Morphine kích thích tế bào thần kinh hoạt động tương tự Endorphine nên bạn có thể thấy Morphine được sử dụng như thuốc giảm đau tại các bệnh viện.
• Tăng hoạt động của hệ thống thưởng phạt ở não.
Ví dụ Cocaine hoặc Methamphetamine, chúng tác động lên các tế bào thần kinh làm tăng giải phóng Dopamine - một chất dẫn truyền tự nhiên, tương tự như khi bạn ăn một cái bánh ngọt thật ngon(mấy cái đồ làm bạn sướng - đại loại vậy), Dopamin sẽ được tiết ra và não bộ sẽ ghi nhận cảm giác này sau đó khi bạn thèm đồ ngọt thì chỉ ít nhất cái bánh kia mới có thể thỏa mãn bạn.
Thí nghiệm về sự nghiện
Các nhà khoa học đã tiến hành một thí nghiệm trên loài chuột. Những con chuột được giam tách biệt trong lồng có chứa sẵn chất gây nghiện cùng với nước và thức ăn. Theo quan sát cho thấy, đa số chuột thí nghiệm có xu hướng lựa chọn chất gây nghiện hơn nước và thức ăn. Kết quả là chúng tự kết liễu đời mình trong nghiện ngập. Từ đây dẫn đến một kết luận: chất gây nghiện là nguồn cơn của sự nghiện ngập. Vậy nếu chúng ta tạo ra một xã hội không thuốc phiện, mọi chuyện sẽ khá hơn chứ ?
Và thực tế đã phủ nhận kết luận trên, qua sự thất bại của chiến dịch War On Drugs năm 1971 của Mĩ.
Thiên đường chuột
Trong thời gian chiến dịch War On Drugs đang diễn ra, một nhà khoa học tên Bruce Alexander nhận thấy một thứ không hợp lý của thí nghiệm trên. Ông tự hỏi nếu bản thân mình bị tách biệt và giam giữ trong một cái lồng cùng với thuốc phiện thì liệu ông có làm khác những con chuột kia hay không ? Sau đó nhà khoa học tiến hành một thí nghiệm khác. Ông tạo một không gian lớn hơn hẳn những cái lồng, thả chuột vào đó cùng với đồ chơi, thức ăn, nước uống, để những con chuột chơi đùa, tương tác với nhau như một “thiên đường”, đồng thời đặt vào đó cả thuốc phiện. Bên cạnh đó, ông cũng lặp lại thí nghiệm những con chuột tách biệt, giam chúng trong lồng cùng với thuốc phiện và nước uống. Kết quả cho thấy, những con chuột ở “thiên đường” có xu hướng chọn thuốc phiện với liều lượng ít hơn những con chuột giam trong lồng. Sau đó, Alexander tiến hành thêm một bước, ông bắt những con chuột từ cả hai thí nghiệm và đặt chúng vào một chế độ được thiết kế để tạo ra những con chuột bị nghiện, sau đó thả chúng về chỗ ở cũ. Ông cho chúng trải qua những ngày tự do lựa chọn giữa thuốc phiện và những thứ khác. Kết quả ngạc nhiên là trong khi những con chuột bị cô lập trong chuồng tiếp tục lựa chọn thuốc phiện vô tội vạ, những con chuột ở “thiên đường” dù đã trở nên nghiện nhưng lại có xu hướng giảm lựa chọn thuốc phiện do ảnh hưởng của thuốc phiện gây khó khăn cho quá trình tương tác xã hội của chúng.
Câu hỏi đặt ra...
Liệu chúng ta có đang bị giam giữ trong cái lồng của chính mình ?
Mặc dù các thí nghiệm trên chuột cho những kết quả rõ ràng, nhưng chúng ta không thể chắc chắn rằng xã hội chuột giống với xã hội của con người. Thực tế phức tạp hơn như thế, chúng ta chưa thể tạo ra “thiên đường trần gian” cho chúng ta như đã làm với loài chuột. Những đau khổ, bệnh dịch, thiên tai... vẫn xảy ra. Tệ hơn có gì đó không ổn với sự tương tác giữa chúng ta - loài người với nhau, dẫn đến sự tách biệt, cô đơn của từng cá thể. Chúng ta tạo ra một thế giới của sự kết nối, chế tạo ra những phương tiện cho sự liên lạc, lưu thông, nhưng mỗi người lại đang xây cho mình những bức tường. Sự cô lập đang len lỏi trực chờ nuốt gọn những ai vô tình tìm thấy nó.
Thí nghiệm “ Thiên đường chuột” tuy không được đưa ra như một giải pháp cho vấn đề của chúng ta nhưng nó bắt chúng ta nhìn về sự nghiện ngập theo một cách đa chiều hơn không chỉ là do tác động hóa học của thuốc phiện, mà còn có sự ảnh hưởng của môi trường, sinh học và xã hội.
Thuyết gắn bó ( Attachment theory )
Sử dụng thuốc phiện trong một thời gian dài sẽ làm thay đổi cấu trúc của não bộ, dẫn đến sự phụ thuộc vào thuốc. Bên cạnh đó, còn có những nguyên nhân sâu xa bên trong mỗi con người.
Tại sao lại có những dễ rơi vào tình trạng nghiện hơn người khác ?
Tại sao một số người đã cai nghiện nhưng rồi lại tái nghiện và không thể thoát khỏi vòng lặp đó ?
John Bowlby - người nghiên cứu thuyết gắn bó và các nghiên cứu sau này đã khẳng định rằng các trải nghiệm về sự tin tưởng và kết nối trong thời thơ ấu có thể ảnh hưởng đến giai đoạn trưởng thành sau này. Những đứa trẻ được gắn bó an toàn sau này sẽ có thể dễ dàng tin tưởng và kết nối theo cách lành mạnh. Ngược lại, những đứa trẻ gắn bó không an toàn trong thời thơ ấu sau này thường gặp vấn đề về niềm tin và sự hòa nhập với xã hội hay kết nối với người khác. Và từ những mối liên kết mỏng manh với xã hội, những con người này sẽ dễ cảm nhận được sự cô lập hơn những người khác, nói cách khác, họ tự đi vào một cái lồng, khép cửa, khóa lại rồi mắc kẹt với thuốc phiện tương tự như những con chuột trong thí nghiệm trên.
Có lối thoát nào không ?
May mắn rằng hiện nay đã có một số phương pháp hiệu quả để giúp những nạn nhân của chứng nghiện ngập như chữa trị bằng liệu pháp tâm lý, những chương trình tái lập thói quen hay điều trị bằng thuốc,... Bên cạnh đó nhận thức của người nghiện cũng hết sức quan trọng. Nếu một người không muốn thay đổi, thì sự thúc ép lại thành ra đẩy sự việc đến chỗ tệ hơn.
Nếu bạn phát hiện bản thân đang “nghiện” một thứ nào đó, thì đã đến lúc nghiêm túc tìm hiểu về nó, biết đâu đó lại là câu trả lời cho những vấn đề hiện tại của bạn trong cuộc sống.
" So we keep saying :" What's wrong with you ?"
Instead of asking:" What happened to you ?""- Dr Gabor Mate.
Tham khảo:
Khoa học - Công nghệ
/khoa-hoc-cong-nghe
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất