Tuyên ngôn độc lập
tuyên ngôn độc lập - từ quyền tự nhiên của con người đến quyền độc lập , tự do dân tộc . lịch sử Việt Nam , ngay từ những trang...
tuyên ngôn độc lập - từ quyền tự nhiên của con người đến quyền độc lập , tự do dân tộc .
lịch sử Việt Nam , ngay từ những trang đầu dựng nước đã trải qua biết bao cuộc đấu tranh giữ nước để đắp xây và bảo vệ nền độc lập dân tộc . Quá trình đó đã để lại nhiều áng văn bất hủ nhằm khẳng định quyền tự chủ của người dân nước Việt .Theo trình tự thời gian ,có thể ghi nhận qua ba đoạn văn tiêu biểu :
thế kỷ XI :
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Như đẳng hành khan thủ bại hư
(Nam quốc sơn hà )
Dịch thơ :
Sông núi nước Nam vua Nam ở
Rành rành định phận tại sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời
thế kỷ XV :
Việt nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo
Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu .
Nước non bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc Nam cũng khác
Từ triệu Đinh , lý , Trần bao đời xây nền độc lập .
Cùng Hán , Đường, Tống , Nguyên mỗi bên xưng đế một phương
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau
song hào kiệt đời nào cũng có
.........
Xã tắc từ nay vững bền
Giang sơn từ đây đổi mới
Càn khôn bĩ rồi lại thái
Nhật nguyệt hối rồi lại minh
Ngàn năm vết nhục nhã sạch làu
Muôn thuở nền thái bình vững chắc.
( trích Bình Ngô đại cáo )
Thế kỷ XX
Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập , sự thực đã thành một nước tự do và độc lập . Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy .
( trích Tuyên ngôn độc lập)
Nhắc lời người xưa để khắc sâu tâm khảm : Điều thiêng liêng nhất chính là giữ gìn non sông , bảo vệ chủ quyền , đắp xây nền văn hiến , đem lại độc lập tự do .Lịch sử mấy ngàn năm của con cháu Lạc Hồng ghi đậm những trang đấu tranh oanh liệt , những tấm gương hy sinh , những chiến thắng lẫy lừng .Tên tuổi của các bậc anh hùng mãi mãi gắn bó với núi sông, chói ngời trong trang sử sách, nêu tấm gương sáng cho nhiều thế hệ noi theo .
Hồ Chí Minh trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng đã thấm nhuần tư tưởng vĩ đại đó , trên cương vị người đứng đầu chính quyền cách mạng, Người đã trịnh trọng tuyên bố Tuyên ngôn độc lập năm 1945.
Sau nhiều năm bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã tiếp xúc nhiều phong trào đấu tranh, đã tiếp nhận nhiều luồng tư tưởng tiến bộ của nhân dân thế giới. Vì thế trong tuyên ngôn độc lập , Người đã đề cập những chân lý phổ biến của cách mạng thế giới , từ đó khẳng định quyền độc lập, tự do thiêng liêng của dân tộc Việt Nam.
Mở đầu Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1945 , Người đã trích hai đoạn văn bất hủ của tuyên ngôn độc lập của Mỹ năm 1776 và tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp năm 1789 .Trở về những trang sử lập quốc ở Mỹ và thời cách mạng tư sản Pháp vào thế kỷ XVIII , chúng ta thử đi tìm cội nguồn của những lý tưởng mang tính vĩnh cửu đó .
Thực ra , từ khi xã hội có giai cấp , có bốc lột và bị bốc lột, có áp bức và bị áp bức thì những ý tưởng về quyền tự do và bình đẳng đã nảy nở từ hình thức sơ khai cho tới các trào lưu lý thuyết. Đấu tranh cho tự do của con người , cho công bằng trong xã hội là mục tiêu của biết bao cuộc khởi nghĩa, là ý tưởng của biết bao thế hệ từ thời cổ đại cho đến nay.
Châu Âu thế kỷ XVII -XVIII ngột ngạt vì chế độ cai trị độc đoán của các triều đại phong kiến ở Anh , ở Pháp cùng nhiều nước khác .Chính trên mảnh đất đầy mâu thuẫn nhưng giàu văn hóa này đã sản sinh các nhà lý thuyết vĩ đại, có thể kể đến John Locke ở Anh , các nhà triết học khai sáng ở Pháp như Voltaire , Rousseau ,......Họ thuộc các tầng lớp khác nhau, mang theo nhiều quan điểm khác nhau nhưng gặp nhau ở chỗ cùng chống lại nền quân chủ chuyên chế phong kiến, cùng hướng tới quyền tự nhiên của con người với một chính quyền nhân bản và dân chủ .
Nhà triết học Anh John Locke đã nêu lên học thuyết của quyền lực nhà nước và pháp luật , phát triển tư tưởng về sự chuyển biến từ trạng thái quyền tự nhiên sang quyền công dân và những hình thức quản lý nhà nước .Trong tác phẩm luận thuyết thứ hai của cai trị , ông cho rằng , trong "trạng thái tự nhiên " , con người và các quyền tự do, bình đẳng và tư hữu . Các quyền này bắt nguồn từ bản chất muôn đời và bất biến của con người, bởi vậy , không ai có thể thay đổi được .Mục đích của nhà nước là bảo vệ tự do và sở hữu do lao động đem lại. Để đảm bảo cho những quyền tự nhiên ấy , ông đưa ra lý thuyết về sự phân chia quyền lực : quyền lập pháp, quyền hành pháp, và quyền liên minh, trong đó quyền lập pháp là quyền cao nhất và thuộc về nghị viện. Tán thành chế độ quân chủ lập hiến , ông cho rằng nhà vua nắm quyền hành pháp phải thi hành theo pháp luật và không có một đặc quyền nào . Đi lại nguyên tắc đó nhà vua có thể bị lật đổ, quyền lực bị tước bỏ , nhân dân có quyền thiết lập một chính phủ khác , thẩm chí cầm vũ khí chiến đấu. Học thuyết của J.Locke về " quyền tự nhiên không bị tước bỏ của con người " có ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội thời bây giờ.
Đi xa hơn trong học thuyết về thể chế chính trị , Jean-Jacques Rousseau cho rằng , nguyên tắc của chế độ chính trị phải là chủ quyền thuộc về nhân dân .Trong tác phẩm 'kế ước xã hội ' ,ông bàn đến trạng thái tự nhiên của con người là tự do , bình đẳng , khi mà xã hội chưa có bất công .Nguồn gốc sinh ra bất công chính là do sự bất bình đẳng trong chế độ sở hữu, có người sở hữu quá lớn , nắm lấy quyền lực đè nén, bóc lột những người sở hữu nhỏ . Sự bất công về sở hữu sẽ dẫn tới sự bất công về quyền lực nhà nước, làm cho bất công kinh tế tăng lên thành bất công chính trị . Ông nêu lên " Con người sinh ra tự do , song khắp nơi họ đều bị xiềng xích".Cho nên , chủ quyền phải thuộc về nhân dân, con người phải có quyền tự do công dân và quyền sở hữu đối với tài sản của mình .Từ đó mọi người được hưởng quyền bình đẳng do hiệu lực của pháp luật và khế ước. Xã hội lý tưởng phải thiết lập cộng hòa , do nhân dân làm chủ , trong đó mọi người đều có quyền sở hữu một tài sản nhỏ, nghĩa là có quyền tư hữu hạn chế .Học thuyết Rousseau được thấm nhuần trong bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền cùng Hiến pháp năm 1793 và ít nhiều được thử nghiệm trong thời kỳ cầm quyền của những người thuộc phái Jacobins ở Pháp .
Ở Mỹ dưới thời thuộc địa của Anh , các trào lưu tư tưởng dân chủ tự do từ Châu Âu như những luồng gió mới làm dấy nhiều làn sóng đấu tranh kế tiếp nhau .Những khuynh hướng tư tưởng dân chủ Châu Âu đã được các nhà tư tưởng cấp tiến Bắc Mỹ đón nhận và đưa vào cuộc sống .
Tháng 1 năm 1776 nhà dân chủ cách mạng Thomas paine công bố chuyên luận Lương tri , gây ảnh hưởng tới đời sống và phong trào đấu hồi đó. Ông kêu gọi nhân dân tiến hành cuộc chiến tranh cách mạng, tách các thuộc địa Bắc Mỹ khỏi quyền lực của Vương quốc Anh theo nguyên tắc về quyền tự nhiên .
Thomas Jefferson đã tiếp nhận và phát triển những quan điểm trên , ông trở thành tác giả chính của bản Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ. Trong phần mở đầu , tuyên ngôn " khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng mọi người sinh ra đều được bình đẳng, rằng tạo hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống , quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc " . Để đảm bảo những quyền lợi đó , chính phủ do nhân dân lập ra có quyền lực chính đáng với sự nhất trí của nhân dân .Nếu vi phạm những mục tiêu này thì " nhân dân có quyền thay đổi hoặc loại bỏ chính quyền đó và lập nên một chính quyền mới " sao cho an ninh và hạnh phúc của họ được đảm bảo và hiểu quả nhất .
Rõ ràng là các nhà soạn thảo Tuyên ngôn đã thể hiện quan điểm của các nhà tư tưởng tiền bối, khẳng định các quyền tự nhiên của con người và bảo vệ những quyền tự nhiên ấy .
Trong những năm 1910 , có một thanh niên Việt Nam yêu nước đã đặt chân đến các châu lục trên thế giới , dừng lại ở nhiều nước Âu - Mỹ. Chính trong những năm tháng tìm đường cứu nước ấy , Nguyễn Ái Quốc đã đọc được các văn kiện chính trị quan trọng : Tuyên ngôn độc Hoa Kỳ , Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền Pháp .Tư tưởng về quyền bình đẳng và tự do trong các văn kiện lịch sử đó đã gợi mở cho Nguyễn Ái Quốc suy nghĩ về con đường các mạng dân tộc của mình. Bởi thế , ngay trong tài liệu huấn luyện đầu tiên cho thế hệ thanh niên cách mạng, Nguyễn Ái Quốc đã dẫn ra lịch sử cuộc cách mạng ở Mỹ , ở Pháp nhưng rồi dừng chân lại cách mạng Nga để từ đó tìm ra "Đường Kách mệnh " của Việt Nam .Luồng tư tưởng về quyền tự nhiên - tài sản trí tuệ và khát vọng chung của loài người , vẫn khắc sâu trong khối óc và trái tim của con người hết lòng vì độc lập cho Tổ Quốc , tự do cho đồng bào Trong không khí sôi sục cách mạng cuối tháng 8-1945 , tại ngôi nhà số 48 Hàng Ngang , Hà Nội .Hồ Chí Minh đã viết Tuyên ngôn độc lập .Người đã trích gần như trọng vẹn hai câu trong Tuyên ngôn của Mỹ và Pháp. Nhưng ngay sau câu trích từ bản tuyên ngôn trên , Người đã viết : " suy rộng ra , câu ấy có nghĩa là : Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng , dân tộc nào cũng có quyền sống , quyền sung sướng và quyền tự do " .
Nếu so sánh với đoạn văn được trích trong bản Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ thì có thể nhận thấy một cụm từ khác nhau : " Tất cả mọi người ..." đường thay bằng " Tất cả dân tộc... " và " dân tộc nào cũng có quyền... " .Ở đây bao hàm hai ý : Một là , câu sau không hề phủ nhận câu trước mà từ câu trước có thể suy rộng ra thành câu sau .Hai là, từ quyền của tất cả mọi người , quyền của từng cá thể được nhìn nhận ở mức độ cao hơn và khái quát hơn , đó là quyền tất cả các dân tộc trên thế giới.
Rõ ràng nhận thức của Hồ Chí Minh về quyền bình đẳng của các dân tộc được đúc kết từ tấm lòng thiết tha với vận mệnh dân tộc Việt Nam đã từng rên xiết dưới ách thực dân , và tự sự thể nghiệm qua cuộc hành trình của thế giới trước tình cảnh nhiều dân tộc Á , Phi , Mỹ Latinh vẫn đang bị nô dịch .Trong mỗi dân tộc có nhiều cá nhân song quyền của mỗi người lại không bao hàm đầy đủ quyền của dân tộc. Cho nên , sự " Suy rộng ra ..." của người thật là chí lý , mở rộng khái niệm và nâng cao tầm nhìn về quyền tự nhiên cùng đối tượng để nhịn quyền tự nhiên ấy .Do vậy , câu viết xúc tích trên nói lên khát vọng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam và cũng là tiếng nói chung của các dân tộc trên thế giới .
Giá trị nhân văn , ý nghĩa quốc tế của cuộc đấu tranh giải phóng được bao hàm trong lời tuyên bố đó .Học giả Nhật Bản shingo shibata nhận xét : " Đặc điểm nhất quán trong tư tưởng Hồ Chí Minh là ông đã thừa hưởng tư tưởng về quyền con người và mở rộng quyền đó vào mở rộng vào các quyền dân tộc. Sự đóng góp nổi bật của Hồ Chí Minh là trên thực tế , ông đã phát triển quyền con người vào quyền các dân tộc. Từ đó dẫn đến tất cả các dân tộc đều được hưởng quyền quyết định vận mệnh của chính mình, như vậy thì tất các dân tộc đều có thể và thực hiện việc tự cai quản nền độc lập của mình ".
"Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã trở thành một nước tự do và độc lập .Toàn thể nhân dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy " .
thế là chỉ trong một đoạn văn ngắn , đã ba lần Hồ Chí Minh đã nhắc đến " tự do và độc lập " với ba ý nghĩa tiếp nối nhau : Dân tộc Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập , đã trở thành một quốc gia tự do và độc lập , quyết hy sinh để bảo vệ quyền tự do và độc lập .Tuyên bố đanh thép đó đã được minh chứng trong suốt chiều dài lịch sử cách mạng Việt Nam với lời kêu gọi kháng chiến chống thực dân Pháp . "Chúng ta thà hy sinh tất cả , chứ nhất định không chịu mất nước , nhất định không chịu làm nô lệ " . " Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm , 10 năm , 20 năm hoặc lâu hơn nữa . Hà Nội , Hải Phòng và một số thành phố , xí nghiệp có thể bị tàn phá , song nhân dân Việt Nam quyết không sợ .Không có gì quý hơn độc lập , tự do " . Lời tuyên thệ " quyết giữ vững tự do và độc lập " đến chân lý ngời sáng "không có gì quý hơn độc lập tự do " đã đưa nhân dân Việt Nam đi đến thắng lợi cuối cùng trong sự nghiệp giải phóng và thống nhất Tổ Quốc .Đó là minh chứng hùng hồn cho sức sống vĩnh cữu của Tuyên ngôn độc lập .

Sự kiện Spiderum
/su-kien-spiderum
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất