Đây là dòng mô tả của một trong những tác giả đặc biệt nhất trên Spiderum kể từ những ngày đầu thành lập tới nay. Dòng mô tả này được thể hiện một cách hoàn hảo thông qua những bài viết trên nền tảng Spiderum cũng như các bình luận trên mạng xã hội của tác giả này. Phong cách viết của anh thể hiện sự đầu tư nghiêm túc nhưng cũng gây nhiều tranh cãi và mang đến một lượng anti-fan không nhỏ. Trong số Humans of Spiderum lần này, hãy cùng làm quen với Nguyễn Tuấn Linh (26 tuổi) – người đứng sau tài khoản Tornad – một trong những tác giả được độc giả tò mò và yêu cầu nhiều nhất kể từ số đầu tiên của series này.

Tornad là một lý tưởng” - đó là câu trả lời chúng tôi nhận được khi hỏi Linh về ý nghĩa của cái tên đã phần nào trở thành thương hiệu của anh không chỉ trên Spiderum mà còn trên rất nhiều cộng đồng mạng khác. 
Thực ra nó vốn không có ý nghĩa gì. Không phải chỉ riêng các bạn thắc mắc, nhiều người luôn cố gắng gán ý nghĩa cho một cái gì đó. Người ta cố gắng xâu chuỗi các sự kiện rời rạc thành một câu chuyện có ý nghĩa với họ. Về cơ bản, mình nghĩ đây không phải ý nghĩa của cuộc đời.” - Linh bổ sung.
Được biết đến với những bài phân tích, phản biện xã hội được đầu tư kỹ lưỡng về nội dung và có giọng văn tương đối “gắt”, Linh không ít lần là trung tâm của những “drama” cả trong và ngoài Spiderum. Các độc giả lâu năm của Động Nhện chắc hẳn không thể quên những “đại chiến” giữa anh và các tác giả nổi bật khác như TheMerc, Gwens83..., trong đó đỉnh điểm có thể kể đến lần Gwens83 tuyên bố các bài viết của mình không dành cho chó và… Tornad.
Những bài viết thể hiện rõ rệt phong cách của tài khoản Tornad nhất có thể kể đến RDVN ơi, đừng khóc – Bởi vì đó là biểu hiện của sự lươn lẹo; Redpill VN: Sự thật trần trụi được xây dựng trên đồn thổi và truyền mồm; Giải trí đến chết: Truyền thông tha hoá kéo theo một thế hệ chó cảnh… Đó đều là những bài viết “không nhân nhượng” của Linh, đôi khi nhắm thẳng tới những nhân vật, cộng đồng được nhiều người yêu mến hay theo dõi. Và rồi, như một kịch bản quen thuộc, không ít lần các quan điểm của anh nhận được bão gạch đá và ý kiến trái chiều từ độc giả. Rất nhiều người từng đưa ra những phỏng đoán và nhận định về con người hay cuộc sống của Linh ngoài đời thực, dựa trên những gì anh viết. Nhiều người khác lại tò mò về động cơ ẩn sau những bài viết của anh, về cách thể hiện “gắt” thường thấy.
“Khi mình phản biện Redpill, họ bảo mình không có người yêu. Khi mình phê phán đạo hiếu, họ bảo mình mồ côi cha mẹ. Nhưng sự thật không phải như vậy, mình có bạn gái cũng một thời gian dài rồi, còn gia đình mình thì các bạn cũng có thể thấy ở đây. Cuộc đời mình không ngược lại với những gì mình viết, mà cũng không giống với chúng.”
Một hình ảnh rất đời thường của Tuấn Linh khi ngồi xe lăn làm việc

Vậy Tuấn Linh, hay Tornad, thực sự là người như thế nào?

Khi chúng tôi hỏi anh câu hỏi này trong buổi phỏng vấn, Linh chia sẻ rằng anh tự định nghĩa bản thân bởi những thứ anh không phải là. 
“Thứ nhất, không như nhiều người nghĩ, mình không phải một kẻ dạy đời. Mình chia sẻ quan điểm trên Spiderum không phải với mục đích khuyến khích độc giả làm trái ngược lại những niềm tin của họ.”
Theo Linh, anh chỉ đơn giản viết ra những ý tưởng của mình, những ý tưởng “không nhất thiết phải liên quan đến cuộc sống thực của bản thân, mà chỉ do mình nghĩ ra và hợp lý theo các quy luật logic”. Linh tin rằng lý trí là thứ duy nhất giúp ta khám phá bí ẩn của con người và thoát khỏi những sự nhàm chán trong sinh tồn. Vì vậy, trong các bài viết của mình, anh luôn hướng tới việc tiếp cận mọi vấn đề bằng logic và lý trí. Độc giả nếu để ý có thể thấy anh rất ít khi kể chuyện trong các bài viết của mình.
“Thứ hai, mặc dù mắc bệnh từ bé và phải ngồi xe lăn, mình không phải một người “nghị lực” hay “truyền cảm hứng”. Mình không muốn là một ví dụ chiến thắng bệnh tật như các câu chuyện trên báo đài.”
Linh đơn giản chỉ coi căn bệnh mà mình không may gặp phải từ lúc lọt lòng như một người bạn xấu tính mà anh phải sống chung. Chỉ là đôi khi “người bạn” này có thể mang lại cho anh một vài bất tiện mà bản thân phải học cách làm quen mà thôi.
Ngay cả phong cách “gắt” rất đặc trưng của tài khoản Tornad cũng không giống với những gì Tuấn Linh thể hiện ngoài đời. Anh lý giải “gắt” chỉ là một trong những phong cách viết của mình, bên cạnh phong cách trung lập hay… “sến”. Thực tế, Tuấn Linh còn rất hứng thú với thơ ca và có viết hẳn một album dịch thơ, nhưng độc giả thì thường không mấy quan tâm đến album đó. Cũng có lần anh dịch thơ về sự chết và được đón nhận tương đối tích cực trên QRVN - cộng đồng mà anh không ít lần... “cà khịa” và thường được biết đến nhiều hơn với hình ảnh “gắt”. Linh cho rằng đa số độc giả bị ấn tượng bởi những bài viết theo phong cách này hơn nên vô tình dán nhãn Tornad “gắt” theo một thiên kiến xác nhận.

“Động lực làm việc chính của mình, bất kể là viết hay dịch thuật, đều là để bản thân vui. Mình không giống nhiều người viết khác, viết vị nhân sinh hay vị nghệ thuật… Mình viết vị bản thân.”
Cũng vì lối tiếp cận này mà Linh có thói quen không định hình đối tượng độc giả nhắm đến trước khi viết. Anh chỉ viết sao cho tự bản thân mình cảm thấy hài lòng khi nhìn vào thành quả của quá trình nỗ lực nghiên cứu và tìm hiểu kiến thức cho từng bài viết, vì chỉ như vậy Linh mới tự thỏa mãn được tính cầu toàn của chính mình. Cũng bởi lý do này, anh thường bỏ qua những ý kiến phản hồi mà bản thân cho là thiếu kiến thức hoặc không đúng với trọng tâm, từ đó xây dựng nên “đặc sản chặn họng” như trong một số bài viết gần đây.
Những độc giả theo dõi Tuấn Linh trên mạng xã hội chắc hẳn đều biết anh là dịch giả của cuốn tiểu thuyết Bức họa Dorian Gray (Oscar Wilde) đã được xuất bản tại Việt Nam. Nhưng ít ai biết rằng sau khi hoàn thành bản dịch tác phẩm này, anh vẫn mãi không thể hài lòng và liên tục chỉnh sửa nhiều lần đến mức biên tập viên từ đơn vị phát hành sách phải yêu cầu Linh… ngừng sửa để bắt đầu khâu in ấn. Vốn là một người sống và làm việc theo nguyên tắc, Linh cũng hình thành riêng cho mình một số tiêu chuẩn riêng khi dịch thuật, đặc biệt là dịch thuật văn học. Cho rằng dịch giả cần có sự đồng điệu với tác giả nhiều nhất có thể, anh thường chọn lối dịch “ngoại hóa” và chú trọng giữ nguyên văn phong của tác giả, thay vì “nội hóa” để gần gũi với độc giả trong nước hơn như đa số dịch giả khác thường làm.
Linh chọn dịch Oscar Wilde vì nhận thấy bản thân mình và Oscar Wilde có nhiều sự đồng điệu, đặc biệt là ở khả năng châm biếm. Cũng bởi sự đồng điệu này, và một phần nữa là vì quan điểm “vị bản thân”, anh đặt mục tiêu hoàn thành việc dịch toàn bộ các tác phẩm của đại văn hào người Anh trong vài năm tới, sau đó mới nghĩ đến các tác phẩm khác. Đối với Linh, dịch Oscar Wilde là hoạt động vừa để thỏa mãn chính bản thân mình, vừa để học hỏi và phát triển thêm; do vậy, bất kể có được xuất bản hay không thì anh vẫn sẽ làm và làm hết sức mình để cho ra đời những bản dịch tốt nhất.
Dẫu vậy, lối sống “vị bản thân” này cũng không ít lần khiến Linh “va chạm” với rất nhiều cá nhân và tập thể, và trở thành trung tâm của những chỉ trích. Không ít lần anh cũng nhận được những phản hồi tiêu cực nhắm thẳng vào cá nhân mình. Là một người chịu ảnh hưởng bởi Chủ nghĩa Khắc kỷ, Linh nhận thấy bản thân không thể kiểm soát các bình luận tiêu cực liên quan tới các bài viết của mình, vì vậy anh chỉ đơn giản… mặc kệ chúng. Linh cho rằng những người tự ti vào bản thân dễ bị ảnh hưởng bởi các giá trị do người khác vẽ ra, nhưng anh thì không nằm trong số đó. Vì vậy anh thường không bị ảnh hưởng nhiều bởi các chỉ trích tiêu cực:
“Mình tuân theo các giá trị của riêng mình, và tin vào các câu chuyện bản thân tự kể cho chính mình. Những lời ném đá, chửi bới của người khác khi không khớp với các câu chuyện này thì không thể gây ảnh hưởng tới mình. Ngoài ra, mình nghĩ sức khỏe tâm lý phụ thuộc nhiều vào trí tuệ và nhận thức của từng người. Vì có thể đoán được đám đông hành xử như thế nào, nên dù họ hành xử kinh khủng đến đâu thì với mình mức độ kinh khủng cũng giảm được phần nào.”

Những độc giả đã đọc bài viết Game không dạy giết người, nhưng dạy đánh bạc và tôn vinh bạo lực của tài khoản Tornad chắc hẳn sẽ bất ngờ khi Tuấn Linh ngoài đời từng có một thời gian… nghiện game online. Hết năm học lớp 9, vì lý do sức khỏe nên Linh phải dừng việc đi học ở trường; cùng thời điểm đó, Internet bắt đầu trở nên khá phổ biến ở Việt Nam. Cũng ham chơi như mọi đứa trẻ cùng lứa tuổi, lại không thể đi đâu hay làm gì khác nên Linh chơi game cả ngày trong thời gian đầu sau khi nghỉ học. Sau một thời gian đắm chìm trong thú vui này, anh tự nhận thấy nó không mang lại gì tốt đẹp cho bản thân nên đã quyết định từ bỏ để chuyển sang học tiếng Anh, đọc sách, học thiết kế… Lý giải cho quyết định này, Linh trích dẫn quan điểm của Oscar Wilde, cho rằng cách duy nhất để thoát khỏi sự cám dỗ là thỏa mãn nó, sau khi được thỏa mãn thì cái cám dỗ cũng biến mất.
Tuy nhiên, lý do quan trọng nhất khiến Linh ngừng chơi game nằm ở việc anh luôn đam mê tự thử thách bản thân và nghiêm khắc với chính mình. Gọi tính cách này với cái tên “hướng thượng”, anh cho biết đây chính là kim chỉ nam quan trọng giúp bản thân luôn cố gắng học hỏi và hoàn thiện mỗi ngày, không chỉ riêng với game, mà cả với sách vở và công việc.
“Mình luôn làm những việc cao hơn tầm hiểu biết của mình một chút. Ngay cả như việc dịch Oscar Wilde, các văn bản của ông cũng cao hơn tầm hiểu biết của mình, nhưng mình vẫn làm để bản thân luôn hướng lên trên, tiến về phía trước.”
Hay tương tự như trong việc đọc sách, Linh cũng bắt đầu bằng truyện trinh thám, self-help và cả ngôn tình. Thế nhưng những dòng sách này không thỏa mãn anh được bao lâu vì tính “hướng thượng” một lần nữa lại đòi hỏi Linh phải tìm hiểu nhiều hơn thế. Vậy là anh chuyển sang đọc các thể loại sách khó hơn, song song với đó thì dựa trên những trải nghiệm của chính mình để.… phê phán các thể loại mà anh cho là độc hại, từ đó cung cấp thêm góc nhìn cho độc giả.
Tính cách “hướng thượng” cũng được Linh áp dụng trong chính việc viết để liên tục tiến bộ mỗi ngày. Ngay trên Spiderum, khi được hỏi về bài viết bản thân cảm thấy tệ nhất, anh cũng không ngần ngại chỉ ra bài… đầu tiên của mình - Ngũ vị có từ chối cháo khoai - bài viết từng giành giải nhất trong cuộc thi viết đầu tiên và duy nhất của Spiderum tính đến thời điểm hiện tại.
Linh cho biết thói quen viết bắt đầu hình thành kể từ khi anh không thể tiếp tục đi học. Khi đó, anh bắt đầu viết bằng cách chia sẻ các ý tưởng bản thân rút ra được từ việc đọc sách. Vì vậy, khi Spiderum bắt đầu xuất hiện, anh liền chọn Động Nhện là nơi chia sẻ các quan điểm của mình:
“Lúc đó trên Internet có quá nhiều thông tin, và mọi người thường coi Internet là xấu vì nó không có chỗ “nương náu” cho những người tốt. Hồi đó mỗi forum có một văn hóa riêng, Facebook thì quá rộng lớn, Spiderum nổi lên và mình thấy đây là một nơi những người tốt có thể nương tựa. Nói văn hoa là như vậy, còn nói trắng ra là không có chỗ nào để viết phù hợp hơn.”
Cũng chính Spiderum là nơi giúp Linh phần nào cải thiện tư duy viết bài, theo anh chia sẻ. Việc viết trên nền tảng Spiderum giúp anh tự giáo dục chính mình, “tự hủy để tái sinh” thông qua việc phản biện chính mình và tương tác với các tác giả khác.
“Ví dụ như trong cuộc tranh luận với TheMerc về vấn đề phiên âm tên, mình có chèn từ tiếng Anh và bị anh ấy phát hiện. Sau hành động “tự hủy” này, từ đó đến bây giờ, trong công việc dịch thuật, mình không bao giờ chèn từ ngoại lai vào. Là một người hướng thượng, mình không muốn bản thân lặp lại những sai lầm cũ.”
Tương tự như vậy, việc hợp tác với Bookhunter – đơn vị phát hành những cuốn sách Linh dịch – cũng đã thay đổi phần nào triết lý viết bài của anh. Theo Linh, kỹ năng viết là thứ có thể tự rèn luyện được, nhưng sẽ hoàn toàn vô dụng nếu thiếu triết lý – thứ dẫn đường cho việc viết của mỗi người.
Kết thúc buổi phỏng vấn, Linh tiếp tục đưa ra những lời nhắn nhủ khá… “gắt” tới cộng đồng Spiderum: (Lời người viết: Không biết nhận định này có bị thiên kiến xác nhận không, nếu có thì mong Linh bỏ qua nhé)
“Mình hy vọng các tác giả trên Spiderum sẽ duy trì việc viết và học hỏi lẫn nhau, không nên để những mâu thuẫn cá nhân ảnh hưởng. Còn độc giả thì nên bớt comment dạo đi. Có một số độc giả Spiderum không viết mà toàn đi comment những câu vô thưởng vô phạt dưới bài viết của người khác. Mình thấy việc này tốn thời gian và không tốt đẹp gì. Minh vẫn đánh giá cao các bình luận có sự đầu tư, hoặc mang tính chất đối thoại Socrates để tìm ra chân lý cuối cùng, nhưng số này rất khó tìm và đòi hỏi sự hợp tác của cả hai bên – thứ vốn dĩ không tồn tại ở các comment dạo.”

Thực hiện: Hữu Cường
Thiết kế: Isa Quan