Tuổi 27: mình làm bạn với "Identity crisis"
Mình là một cô gái 27 tuổi. Có lẽ hơi muộn, nhưng mình đang trải qua identity crisis lớn nhất từ trước đến giờ. Nó là gì? Identity...
Mình là một cô gái 27 tuổi. Có lẽ hơi muộn, nhưng mình đang trải qua identity crisis lớn nhất từ trước đến giờ.
Nó là gì?
Identity crisis: a feeling of being uncertain about who or what you are.Khủng hoảng nhân dạng/ bản sắc: một cảm giác không chắc chắn về việc bạn là ai hay cái gì.
(Theo Cambridge Dictionary)
Nếu mình không nhầm thì mỗi người chúng ta đều trải qua identity crisis (lớn hoặc nhỏ) vào mốc 18 tuổi, trước thềm kì thi Đại học. Mình là ai? Mình muốn cái gì? Mình giỏi cái gì? Mình sẽ trở thành cái gì trong xã hội? Mình sẽ sống bằng gì? Mình sẽ sống như thế nào? Nghĩ ra câu trả lời cho từng ấy câu hỏi đã đủ áp lực, mà ta còn phải trả lời ĐÚNG, ĐÚNG NGAY TỪ ĐẦU, vì ta nghĩ không có cơ hội làm sai. Sẩy chân là hỏng cả đời.
Để chạy trốn áp lực quá lớn ấy, mình đã chọn không nghĩ. Mình đã cắm đầu vào việc mình làm tốt nhất, đó là học. Với sức học của mình, mình có thể vào được những trường "tốt". Còn lý do tại sao phải vào những trường đó, mình để cho bố mẹ, thầy cô, bạn bè, họ hàng, hàng xóm... trả lời. Mọi người nghĩ đó là trường tốt, năng động, dễ kiếm việc làm, ok mình vào. Mình chẳng biết mình muốn gì, mà chỉ có đúng 1 mục đích: ĐỖ.
Cái giá phải trả, là sau khi cuốn theo chiều gió từ lúc 18 tuổi đến giờ, bây giờ mình mới lại đối diện với identity crisis, với tư cách là một người trưởng thành :)) Đọc đến đây bạn có chút nào liên tưởng bản thân không :))
Nó đang diễn ra như thế nào?
Với mình và đa số những người mình biết, identity crisis với người trưởng thành thường bắt đầu từ sự chán ghét công việc.
Mình cảm thấy công việc mình làm không thỏa mãn những giá trị của cá nhân mình, không cho mình cảm giác học hỏi, phát triển, không cho mình sự cân bằng trong cuộc sống... Blah blah vô cùng nhiều lý do, nhưng tựu trung lại là: mình muốn tìm kiếm một thứ khác. Và thế là mình nghỉ việc. Ở một vị trí tương đối ok. Một quyết định khiến cho bố mình, ông bà mình, bạn thân mình không ai hiểu được. Người duy nhất ủng hộ mình là mẹ, với lý do duy nhất là nghỉ cho đỡ áp lực :))
Mình nghỉ với tâm thế là không hề biết mình sẽ làm gì tiếp theo. Nói thật, khi bạn đã quyết định nghỉ, thì thời gian bàn giao công việc sẽ vô cùng nhàm chán và sốt ruột. Bạn chỉ muốn nghỉ được cho nhanh.
Và đây là các diễn biến của bộ phim "Hậu nghỉ việc" do mình đóng chính:
- Tháng đầu tiên: chill vô cùng. Xõa xượi, thoải mái, an lạc. Cảm giác tự hào khi mình đã nghỉ được, đã thoát khỏi một cái gì đó. Tự cho mình nghỉ ngơi thoải mái. Đọc nhiều sách, cố giữ những thói quen điều độ khi đi làm.
- Tháng thứ 2: ờ hình như đã đến lúc suy nghĩ về công việc tiếp theo thì phải. Các thói quen bắt đầu rời khỏi vị trí của nó. Làm xong CV mới, bắt đầu đi phỏng vấn.
- Tháng thứ 3: (trong trường hợp của mình là tháng Tết) có đi phỏng vấn vài nơi nhưng chưa tìm được việc ưng ý.
- Tháng thứ 4: (sau Tết) xốc lại tinh thần, tìm việc mạnh lên thôi.
- Tháng thứ 5: đi làm ở một công ty, chỉ vì cảm thấy ở nhà quá nhiều. Bắt đầu thỏa hiệp và giảm dần những kì vọng đặt ra trước khi nghỉ việc.
- Tháng thứ 6: làm ở công ty đó. Đúng lúc COVID nên lương giảm sml.
- Tháng thứ 7: quyết định nghỉ việc sau khi hết thời hạn thử việc.
Và mình lại quay trở lại vị trí cũ sau 7 tháng: Ngồi ở nhà tìm việc.
Bài học mình rút ra
Nói thật, mình đâu đã thoát ra khỏi cái hố này, mà bảo có bài học gì để chia sẻ với các bạn :)) Nhưng mình sẽ vẫn phân tích những nước cờ đi sai (mà không đi lại được) của mình, để bạn nào cũng đang/sắp trải qua identity crisis thì lưu ý:
1. Cái hố thất nghiệp:
Nếu nghỉ việc khi bạn chưa biết chắc chắn mình muốn làm công việc gì, ở loại tổ chức nào, bạn sẽ tự đặt mình vào một cái hố. Trước khi nghỉ, mình chỉ có 1 suy nghĩ đơn giản là muốn tìm công việc có ích cho xã hội. Không có gì mông lung hơn cái đó các bạn ạ. Giá như mình đã xác định:
+ Tóm lại là mình làm công việc gì?
+ Mình có làm được không? Có đủ kinh nghiệm, năng lực không? Nếu không, thì có sẵn sàng vào các vị trí học việc, thực tập với mức lương cực thấp không? (câu này cực kì quan trọng, vì đa số mọi người khi trải qua identity crisis đều muốn theo đuổi 1 con đường hoàn toàn mới mà mình ít biết gì về nó. Nếu mình biết nhiều và làm được ngay thì đã chả gọi là "crisis" =)))
+ Mình muốn làm ở những tổ chức như thế nào? Tổ chức như vậy có tồn tại ở khu vực mình sống không? Hay mình phải chuyển nơi ở?
+ Có sẵn sàng trải qua 1 khoảng thời gian dài trong cái hố: không thu nhập, không định hướng và không biết khi nào lên được không?
2. Khinh công vượt hố:
Nếu lỡ nghỉ rồi, thôi thì hãy tận dụng thật tốt thời gian nghỉ này. Mình đang thử 1 số cách sau:
+ Đi học: đúng là khi được ở trong một môi trường có nhiều người "like-minded" (suy nghĩ giống mình), cảm thấy hạnh phúc lắm các bạn ạ. Mình đã đăng ký một lớp Tham vấn tâm lý và cảm thấy môi trường đó chính xác là nơi mình thuộc về. Dù chưa chắc mình đã thực sự kiếm được công việc nào từ kiến thức, kĩ năng hay các mối quan hệ có được từ lớp đó, nhưng mình gặp được nhiều người mới, tiếp nhận được nhiều tư tưởng mới, và khẳng định niềm đam mê của mình.
+ Viết mail: mình đã viết mail cho 1 chị mà mình cực ngưỡng mộ, và chị í trả lời dài dằng dặc, có tâm cực kì luôn. Trong mail mình viết rất chân thành, nói rõ vấn đề của mình, đặt câu hỏi và mong được chị giúp đỡ. Hồi trước mình cũng hay ngại, một phần vì tính mình khá hướng nội, một phần nữa vì mình nghĩ những người thành công sẽ bận rộn lắm, ai thèm care email của mình.
Không hẳn bạn ạ. Người ta có thể nhìn thấy chính mình trong bạn, nhìn thấy những băn khoăn, khúc mắc mà chính người ta đã từng gặp phải, và thường họ sẽ sẵn lòng để chia sẻ, nếu cảm thấy bạn thực sự chân thành và nhiệt tình. Mình đặt hết tâm huyết của mình vào email, rồi viết xong, cảm thấy mình tự hiểu ra nhiều, chị ấy có rep hay không cũng không quá quan trọng nữa.
+ Chấp nhận rằng mình cần sự giúp đỡ: cái này cực khó cho những người có một chút "tự tôn" cao như mình. Mình ngại thể hiện ra rằng mình lạc lối, mình không biết, mình quá non trong mảng công việc mình muốn theo đuổi. Cái này chính mình còn đang học, còn đang cố thực hành, nên mình cũng không dám nói nhiều.
+ Tránh tự đặt cho mình quá nhiều áp lực: có lẽ đây là nút thắt khiến những người như mình đau đầu nhất. Hôm nay mình ngồi nghĩ kĩ lại, cuối cùng thì mình đang lo lắng vì cái gì? Có việc? Có việc để làm gì? Có tiền? Có tiền để làm gì? Để... sống thoải mái hơn? Sống thoải mái hơn để làm gì, khi chẳng mấy chốc mình sẽ lại lo cho một thứ khác? Rồi lo bao giờ thì xong, lo bao nhiêu thì đủ?
Mình nghe một bài giảng của sư Minh Niệm, nói thật mình ngủ quên 2 lần vì giọng thầy êm quá :)) Nhưng nghe xong mình thấy yên tâm hơn nhiều. Không phải yên tâm kiểu kệ mọi thứ, mà mình hiểu được mình lo như nào, lo đến đâu là đủ, để giữ cho cuộc sống mình an yên trong hiện tại, không phải như một cuộc rượt bắt không điểm dừng.
Trên đây là một số trải nghiệm mình đang thực sự trải qua. Mình muốn viết lại, một phần để chia sẻ với các bạn cũng đang trải qua identity crisis. Bạn không cô đơn, mình cũng cảm thấy như bạn, mình cũng đang vật lộn. Identity crisis là một thứ có thật (và khá phổ biến là đằng khác). Chúng mình đều có quyền (và đều may mắn) là đang trải nghiệm nó.
Phần còn lại, là để tự lưu lại những kí ức của một thời khó quên này. Ừ thì, hoặc là bạn thành công, hoặc bạn sẽ có một câu chuyện hay để kể. Câu chuyện của mình chưa có hồi kết, nhưng mình sẽ cố gắng update thêm các tình tiết hay ho, ngu si, điên khùng, hài hước trong các phần tiếp theo nhé :))
Thinking Out Loud
/thinking-out-loud
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất