Khi bạn cảm thấy tự ti về ngoại hình, tự ti về năng lực, tự ti vì…. hoặc không biết làm gì, vậy bạn nên thử đi học võ trong vòng 3 tháng. Bạn có thể học bất kỳ môn võ nào mà bạn cảm thấy phù hợp với bản thân như: tiện đi lại, chi phí phù hợp, thời gian hợp lý, đẹp, hay ho, nhiều trai xinh, gái đẹp,…. Nói chung chỉ cần cảm thấy phù hợp thì bạn cứ thử. Còn trong bài viết này, mình xin chia sẻ góc nhìn khi mình đi học Tán thủ và những ích lợi mang lại cũng như cách thức làm sao để cảm thấy thời gian bỏ ra vô cùng có ý nghĩa. Nếu bạn chưa biết Tán thủ là gì, vậy bạn có thể tìm hiểu tại google và cảm nhận.
1. Tại sao mình lựa chọn tán thủ?
Khi mình lên cấp 3, mình khá tự ti về một cơ thể gầy gò, lùn, da đen, mặt mụn kết hợp với một học lực khá tệ (top 10 xếp cuối). Khá bế tắc nên mình quyết định đi học võ với kỳ vọng một sự thay đổi vì trong phim mấy ông nam chính đều văn võ song toàn, văn mình tệ rồi thì thử coi võ có kéo lại được chút nào không.
Trong nhiều môn võ, mình lựa chọn Tán thủ vì một số lý do như sau:
Miễn phí: hồi đó, lớp võ mình tham gia mượn được một khoảng sân của nhà thi đấu không mất tiền, một số đồ đạc sử dụng đều được thầy giáo xin đồ thải của đội tuyển quốc gia (những đồ này đội tuyển quốc gia sau khi sử dụng một thời gian không dùng thể tập chuyên nghiệp được nữa thì bán thanh lý hoặc cho những người có quan hệ - mình nghe kể vậy). Ngoài ra, thầy giáo mình cũng làm vì đam mê, không thu học phí và cũng muốn tìm kiếm một số tài năng trẻ cho đội tuyển quốc gia (hồi đó mình mém đi theo con đường thi đấu chuyên nghiệp may mà bố mẹ không cho).
Không cần đồng phục: môn võ này chỉ cần mặc đồ thoải mái, chủ yếu là quần đùi áo cộc tay hoặc ba lỗ để dễ vận đông, đi chân đất, vì vậy khá tiết kiệm chi phí vì khi đó mình chưa làm ra tiền.
Không có bài quyền, không lên, đai lên đẳng: không như nhiều môn võ khác phải tập quyền, thi lên đai…. Môn này giống như boxing, bạn tập các động tác đơn, trình độ của bạn sẽ thể hiện khi lên sàn đối kháng. Chính vì không có áp lực thi cử nên môn võ này khá phù hợp với người không ưa nề nếp như mình.
Đó là một vài lý do để mình bắt đầu, sau này, khi càng tập, mình cảm thấy môn võ này phù hợp với tính cách của mình, những sự phù hợp chủ quan.
2. Lợi ích sau khi học võ:
Có lẽ với một người đang cảm thấy vô dụng thì những lợi ích này thực sự đã thay đổi cuộc sống của mình, hồi đó, bố mẹ khá lo lắng mình học võ sẽ hung hăng hơn, thích đánh nhau gây chuyện, nhưng thực tế thì ngược lại, một vài  lợi ích tiêu biểu mình đạt được là:
Tăng cân: mình tăng 8kg sau 6 tháng luyện tập, từ 52kg lên 60kg. Thể hình cân đối hơn trước nhiều, có ngực, có múi và bắp tay tăng lên 32cm. Vẫn nhớ hồi đó, sau khi tăng cân, mình khá tự tin mặc sơ mi body đi học thời 2011-2013, khi gym chưa đến với cấp 3 phổ biến như ngày nay.
Cải thiện sức khỏe: cơ bắp phát triển, sức bật tăng cường và phản xạ cũng tốt hơn rất nhiều vì mình thường xuyên tập đối kháng, bệnh viêm mũi dị ứng cũng được cải thiện rõ rệt.
Tính kiên trì, chịu khổ: nhà mình không khá giả nhưng bố mẹ mình rất chiều, mình không phải làm bất cứ điều gì ngoài việc học, vì vậy bản thân khá mong manh cả bên trong lẫn bên ngoài. Nhưng qua thời gian luyện tập, mình cứng và lì hơn nhiều cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, bởi, đối kháng trong tán thủ không có hò hét, bạn chỉ im lặng chịu đòn hoặc tránh né và chờ đợi thời cơ phản công cho đối thủ đo sàn.
Sự tự tin: sau khi có nhiều thay đổi như vậy trong thời gian ngắn, sự tự tin của mình tăng vọt thậm chí nhiều khi hơi thái quá (đây là vấn đề dẫn tới nhiều thất bại sau này tuy nhiên vậy còn tốt hơn là tự ti). Việc này cũng cải thiện nhiều khả năng học tập và giúp mình tự tin để thử sức và phát triển các kỹ năng khác một cách chân phương.
Tóm lại, việc quyết định học võ giống như một bước ngoặt cuộc đời, giúp cho mình thay đổi thái độ sống cũng như tìm thấy bản thân mình vậy.
3. Tập võ thế nào cho hiệu quả khi mới bắt đầu?
Bỏ cuộc là việc đa số mọi người thường gặp trong thời gian 1 tháng đầu luyện tập và trong tán thủ thì số người bỏ cuộc còn cao hơn rất nhiều. Khi chúng ta nhìn một người thi đấu hay biểu diễn, chúng ta đang nhìn thành quả luyện tập hàng trăm thậm chí hàng nghìn giờ của họ và nghĩ rằng làm được như vậy thật tuyệt nhưng quá trình luyện tập thì không như vậy, cái này chắc mọi người đều biết giống như bất kỳ một công việc nào. Nhưng để kể rõ hơn, lịch tập của mình là tối thứ 3,5,7 hàng tuần, từ 6h đến 8h. Trong suốt 3 tháng đầu luyện tập, ngày nào cũng vậy, mình về nhà trong trạng thái người đầy toàn bụi bẩn, quần áo ướt sũng cả quần trong lẫn quần ngoài, hai tay mất cảm giác (buổi tập đầu mình đi xe đạp, sau đó phải gửi xe lại nhà thi đấu và bắt xe bus về vì tay mất cảm giác, từ hôm sau mình đi luôn xe bus cho khỏe). Về nhà tay không vắt được khăn, không cầm được vòi hoa sen, ăn cơm phải dùng thìa và cúi mặt sát vào bát, nói chung là cảm giác bất lực. Hôm sau ngủ dậy thì toàn thân đau nhức, cái này thì chắc mọi người hiểu. Tất nhiên, các bạn có thể luyện tập với cường độ thấp phù hợp với bản, chỉ là bản thân mình muốn đạt kết quả tốt nhất và nhanh nhất nên tự đưa mình vào cường độ mạnh. Tuy nhiên, để tránh sớm bỏ cuộc, mình có một vài gợi ý như sau:
Tập vừa phải: đừng cố gắng theo kịp nhịp tập của những người đi trước vì cơ thể bạn chưa chịu được cường độ đó. Nếu cố theo thì bạn sẽ gặp tình cảnh giống mình ở trên và tỉ lệ nghỉ từ buổi đầu khá cao.
Duy trì luyện tập mỗi ngày: Ngoài việc đi tập theo lịch của lớp, ở nhà bạn nên tự ôn lại động tác 15-30 phút mỗi này, điều này sẽ tạo một thói quen luyện tập, tránh trì trệ.
Không bỏ tập: Trừ khi có chuyện cực kỳ quan trọng, còn lại những việc ăn uống tụ tập không quá cần thiết thì bạn nên bỏ qua bởi nghỉ 1 ngày thì sẽ dễ dành nghỉ n ngày tiếp theo.
Tập ít nhất 3 tháng: Nếu muốn từ bỏ, bạn hãy tự động viên mình đủ 3 tháng rồi bỏ, vì sau 3 tháng bạn mới có những thay đổi nhất định, lúc đó, bạn hãy nhìn lại và quyết định dừng lại hay tiếp tục. Mình cũng phải đặt mục tiêu như vậy và cứ tập thôi, nếu không mình cũng nghỉ ngay từ buổi đầu tiên.
Tóm lại, tự ti thì đi học võ coi sao!