Tôi đã chọn tự lập sớm...

Năm lớp 10, tôi bắt đầu hành trình tự lập. Rời vùng quê thân thuộc, tôi lên trung tâm thành phố chuẩn bị nhập học cấp 3 tại ngôi trường chuyên nổi tiếng khắp ĐBSCL. Khoảnh khắc quyết định đi học xa, tôi không nghĩ nhiều. Lúc chọn thi vào chuyên, tôi có được động lực to lớn từ gia đình và từ chính mối tình đã cũ. Nhận tin đậu, nhà tôi vui không ngớt. Cái ngày được một người thầy gọi điện báo đậu chuyên, tôi cứ tưởng thầy đùa. Đến khi mẹ tôi trực tiếp lên trường, xem bảng thông báo danh sách trúng tuyển. Ồ may quá, có tên tôi, một cái tên dài ngoằng mà đến hiện tại đã sống gần 2 năm ở đất Bắc, đã thi cuối kỳ tại trường, vẫn chưa thấy tên tôi trùng tên ai.
Hồi đó lúc mới lên còn khá lạ lẫm, nhà thì không có điều kiện nên bắt buộc tôi phải ở kí túc xá. Giờ nghĩ lại, nhờ thế mà tôi có được những kỷ niệm khó quên, những người bạn, người em vô cùng đáng mến. Ra trường mấy năm rồi tôi vẫn giữ liên lạc với đứa bạn cùng phòng suốt 3 năm cấp 3 của mình. Mà duyên số đẩy đưa, ngộ lắm. Trong những ngày thi không biết sao tôi quen được nó, rồi vào ký túc xá lại được xếp ở chung phòng, rồi cùng vào tuyển quốc gia với nhau. Đến hiện tại ngoài người yêu cũ của tôi, chỉ có nó là hiểu tôi nhất. Hiểu một cách thầm lặng.
Những năm tháng cấp 3 tự lập thật sự cũng không quá bỡ ngỡ. Trước đó tôi cũng đã quen sống tự lo thân sau một vài biến cố gia đình. Tôi còn tưởng rằng hồi ấy mình không đỗ nổi lớp định hướng của chuyên nữa...vì tôi đang mang hai nỗi đau đầu đời vào phòng thi. Hồi ấy tôi bị ghét khá (có thể là “rất”) nhiều, được thương chẳng bao nhiêu vì cái tính...kỳ cục. Xưa tôi nói nhiều lắm, cực kỳ, giờ kiệm lời hẳn. Hồi đấy cũng khó tính mà người ta hay gọi là “thánh soi” cộng thêm cái thói thích nói thẳng mặt nên được vài bậc trưởng bối ghim cho nát bảng. Mà may, cũng có người thương, thương không nửa vời nữa chứ. Được thế coi như có phước khi sống một mình.

Được "thương" nhưng cũng được "ghét"

Tôi nhớ có lần, cô tôi nhà gần kí túc xá mang bánh qua cho tôi ăn, bánh vừa làm nóng hổi, thơm nức. Rồi có lần, một cô gần trường biết tôi thích ăn chuối (giờ không thích nữa, chắc con người thay đổi) sẵn sàng đem theo chuối lên trường, tạt ngang lớp đưa tôi. Nói chung nhiều lắm. Lúc thì người thầy tôi kính trọng cho tiền, lúc thì cô cho tiền, 200 trăm, 500 trăm, có khi cả triệu chỉ để tôi tiếp tục học, tiếp tục con đường mà tôi đang đi. Những tình cảm khi ấy của quý thầy cô đã giúp tôi cảm thấy phần nào ấm áp khi phải sống tự lập.
Có tình cảm cũng phải có cái không tình cảm. Từng bị mắng vì những lý do mà trong mắt tôi đến hiện tại, nó chỉ là cái cớ để người khác có thể "đì" tôi xuống. Như mặc quần ló mắt cá chân - bị mắng, mang giày thể thao xịn chị tặng - bị mắng, mặc đồ chị cho - bị bảo là không xứng nhận tiền tài trợ. Đâm ra sau tôi cực kỳ ái ngại và có cái nhìn không tốt về "Sponsor". Chắc nhờ mẹ đời thương xót, lên đại học gặp những Sponsor hiểu mình chứ không phải những người mang tư tưởng "có tiền là muốn người khác làm theo ý mình hệt như con rối".

Có những nỗi đau chỉ mình tôi hiểu...

Chỉ có điều khi ấy, phải chịu bao nỗi đau mà chỉ mình mình hiểu. Đúng, chỉ mình tôi biết, chả dám kể ai. Đến năm lớp 12, tôi mới được dịp nhìn lại hành trình đi qua rồi tâm sự với người yêu (nay đã là người yêu cũ), với bạn bè thân thiết, với ông anh bạn thân. Ai cũng không tin chuyện những chuyện đó từng xảy đến. Đúng rồi, sao tin được vì trông tôi lúc nào cũng vui vẻ, cũng cười nói mặc cho câu trước người ta vừa xỉa xói mình, vừa móc mỉa mình. Tại sao tôi phải làm thế à? Phải giữ kín mọi sự trong lòng, phải im lặng? Vì tôi không có quyền, như cái cách mà người thầy của tôi từng bảo "Con đang sống dưới một cái cây, chịu bóng mát của cây đó trong khi ngoài kia là giông là bão, là nắng gắt đến cháy da bỏng thịt". Vậy còn lựa chọn nào khác cho tôi đâu?
Một đứa tự lập cũng không muốn lên tiếng. Một đứa tự lập nhìn bề ngoài cuộc sống khá dễ dàng vì mọi thứ đều trôi qua. Nhưng nhìn bên trong, nơi có tâm hồn của một đứa trẻ, nơi có trái tim đang đập mỗi ngày. Tôi đã nhìn, đã nhìn rất chậm, rất sâu. Một lỗ hỏng, rồi lại một lỗ hỏng, một vết xước. Không...vài vết xước...có khi nhiều hơn thế. Cái thì đã lành thành sẹo, có cái vẫn cứ rỉ máu, âm ỉ. Đặc biệt khi chuyện cũ ùa về, mọi nỗi đau dường như sống lại, viễn cảnh xưa lại trơ trơ trước mắt. Tôi đứng đấy, bị mắng một cách thậm tệ vì “thi khối D mà lại vào tuyển HSGQG Sinh làm gì, cướp mất cơ hội của người ta”. Trong khi quy định của cuộc thi tuyển là xét điểm, và nực cười thay, điểm của tôi khi ấy ở mức Á Khoa.
"Hơn cả thế, đó là cách tôi kiếm tiền để nuôi gia đình, để phụ cha đang bị tai biến, để đỡ đần mẹ tiền thuốc men trong những lần cha nhập viện. Thưa cô!"
Nhưng tôi đã im lặng, không nói những lời trên. Thế thì do đâu? Một đứa trẻ có năng lực nhưng không được quyền thể hiện sao? Một đứa trẻ tự lập, tự kiếm tiền bằng việc học sẽ làm thế nào trong tình huống đó? Im lặng, đứng và nghe, nghe lại cười, lại cúi mặt. Và im lặng. Không phản bác đi, tại sao mày cứ im lặng thế? Đơn giản thôi vì chưa có tiền, vì còn phải tự lo, vì không muốn mẹ phải lên trường và ngồi cùng cô giáo chủ nhiệm. Hai người khóc, vì thương, vì buồn, vì tôi khờ dại.

Tôi không mong mọi người tự lập quá sớm

Tự lập sớm qua cái nhìn của người khác là một điều đáng ngưỡng mộ, đáng để khâm phục. Song cũng đáng để chỉ trích nếu người đó chẳng may phạm sai lầm, hoặc không còn “tài giỏi” như trước. Những người tự lập sớm có khả năng đạt thành công, nhiều thành công nhưng cũng dễ va phải hội chứng “sợ thành công”. Và một điều chắc chắn rằng, tự lập cũng sinh ra sự cứng nhắc trong các mối quan hệ xã hội. Họ dần chọn làm việc, sống một mình thay vì cần đến sự hỗ trợ của người khác. Dẫu việc nhờ người khác không mấy vẻ vang nhưng đã là cộng đồng, cần phải có sự tương trợ lẫn nhau. Không phải vì chúng ta mà còn vì quy luật cuộc sống. Hiệu ứng dây chuyền của sự giúp đỡ sẽ giúp con người nâng tầm tinh thần “Pay It Forward” mà quỹ học bổng tôi đang nhận - VietSeeds luôn hướng tới.
Với những người tự lập sớm, họ gặp khó khăn về mặt cảm xúc. Vì dồn nén quá nhiều, vì chịu đựng mọi nỗi đau một mình, vì cùng lúc hứng chịu bao thương tổn. Họ có tinh thần thép, thật nhưng họ cũng có một trái tim với bao vết sẹo chằng chịt. Tự lập sớm có tốt như chúng ta đang nghĩ? Nó tốt trong công việc, trong cách ta đối đầu với mọi khó khăn, thử thách từ lần đầu tiên va chạm. Song, nó không hề tốt cho một trái tim, một tâm hồn đáng lẽ phải tự lập đúng lúc. Cái gì càng sớm, càng có tác dụng phụ khá nhiều. Đôi khi tác dụng phụ còn giết ta nhanh hơn những gì mà ta tưởng chừng kinh khủng.
Tôi chỉ mong cầu, người trẻ hãy là người trẻ, con nít hãy là con nít...Thay vì người trẻ phải hiểu chuyện quá sớm và con nít phải trầm mặc từ khi lên bốn lên năm.