Có một thời gian, mình hay tự hỏi nếu được chọn, mẹ có chọn tiếp tục yêu mình không.

Rõ ràng có rất nhiều lúc mình và mẹ có "mối quan hệ không lành mạnh/mối quan hệ độc hại" như ngày nay người ta vẫn gọi: nhiều khi mình cáu bẳn, nói những lời cực kỳ khó nghe và cố trút hết cảm xúc tiêu cực lên mẹ. Nhiều khi mình cố tình làm trái lời mẹ, nhiều khi mình biết điều này tốt cho mình và muốn làm nhưng vì mẹ nói, mình sẽ không bao giờ động tay vào. Nhiều khi mình trở thành kiểu người ngay cả người giỏi chịu đựng như mẹ cũng không chịu được. Rất lắm những lúc "nhiều khi" như vậy, nhưng vì mối quan hệ mẹ con khác với bất cứ mối quan hệ nào, mẹ và mình không thể một ngày "đường ai nấy đi".

Điều đấy làm mình suy nghĩ về những mối quan hệ xung quanh mà mình đã từng có: mọi thứ đều sẽ kết thúc vì không còn hợp nhau, không còn chung mục đích, ở cạnh nhau sẽ không lành mạnh... Có quá nhiều lý do để hai người không ở cạnh nhau nữa. Nhưng nếu "không hợp nhau" là lý do, sao lúc đầu chọn ở cạnh nhau? Nếu "không lành mạnh" là lý do, sao đợi một thời gian mới quyết định? Có lẽ nguyên nhân chẳng phải thế thật: vì đâu thứ gì hoàn toàn là trắng hay hoàn toàn là đen. Nếu nói một người là người độc hại, vô thức đó là hành động hạ thấp tính người (dehumanize), bởi đã là người sẽ có đủ hỉ nộ ái ố, đủ các nét tính cách, làm gì có chuyện 100% họ độc hại đâu.

Có lẽ lý do đơn giản là lựa chọn. Mẹ chọn ở cạnh mình vì mẹ quyết định như vậy. Mình cũng chọn ở cạnh mẹ. Từ một đứa bé nghịch như quỷ sứ, để ở cạnh mẹ mà mẹ vui, dĩ nhiên mình chọn cách giảm bớt nhiều tính cách không phù hợp, cắt xén đẽo gọt nhiều "gai góc". Mẹ chọn cách nói chuyện khác để mình không quá thất vọng. Đó là sự lựa chọn. Đó đơn giản là nhận thấy cái này hợp hơn với bản thân rồi để nó lại bên mình. Cũng như người ta nói về "chi phí cơ hội" vậy.

Điều mà mẹ khác với bất cứ ai, đó là trên đời chỉ có một mẹ - còn thường ngày nay ta vẫn nghĩ, nếu thiếu đi một ai, dễ có nhiều lúc ta tìm được người khác thay thế.

_________________

Trích một đoạn nhỏ tiểu thuyết Thiên sứ (1988) của Phạm Thị Hoài:

"Tôi vạch hai cột mốc, khai sinh, khai tử, và đổ đầy khoảng giữa nỗi khát khao âu yếm dịu dàng. Lấy gì khác đảm bảo rằng tôi đã từng có mặt giữa hai cột mốc ấy? Uy tín, tiền bạc, sự bất tử, quyền thế, những chiến công hiển hách, những sáng chế vĩ đại, hay những cuốc sách ngủ giấc ngủ vĩnh hằng trong các loại quan tài giấy? Thấy để làm gì, nếu chiều chiều trở về nhà, mở cửa, và không cánh tay nào giang đón, không đôi môi nào trút ẩm ướt hôn mê?"