Tư duy như một hệ thống - David Bohm
Tư Duy Như Một Hệ Thống là một cuốn sách đầy tính nhân văn và sâu sắc. Giá trị nhân văn ở cuốn sách được thể hiện ở chỗ nó mang đến...
Tư Duy Như Một Hệ Thống là một cuốn sách đầy tính nhân văn và sâu sắc. Giá trị nhân văn ở cuốn sách được thể hiện ở chỗ nó mang đến cho người đọc một cái nhìn hoàn toàn mới mẻ về tư duy, đi ngược lại với tất cả những gì chúng ta đã biết, đã tưởng rằng mình hiểu rõ về một điều gì đó thuộc phạm trù trí tuệ con người. Tuy nhiên, sau khi đọc xong quyển sách này, nó đã bổ sung thêm cho mình những kiến thức mới mà mình đã chiêm nghiệm ra rằng vốn kiến thức bấy lâu nay của mình thật ra có nguồn gốc rất sâu xa mà chỉ khi đọc xong thì mình mới hiểu được. Mình sẽ không đi sâu vào nội dung vì nếu thế các bạn sẽ không còn hứng thú để tìm hiểu sâu hơn về quyển sách này nữa, mình chỉ đề cập một cách khái quát những gì mà tác giả David Bohm muốn truyền đạt.
1. Tư duy và Cảm xúc là một:
Đúng vậy, bạn không nghe lầm đâu, chúng là một, và cùng với các khái niệm khác như trí thông minh, cơ quan sinh học, tác nhân từ môi trường bên ngoài, mối quan hệ giữa người với người,... tạo thành một hệ thống kiên cố và vững chắc. Mỗi khái niệm là một mấu chốt trong hệ thống và khi một trong số đó bị tác động, bánh răng bắt đầu quay, tất cả tạo thành một chu trình khép kín, ảnh hưởng lẫn nhau. Để mình lấy ví dụ cho các bạn dễ hình dung. Nếu như bạn gặp phải một chấn thương khiến bạn cảm thấy đau đớn, trước khi bạn có thể cảm nhận được điều đó, các xung thần kinh đã chạy một quãng đường dài từ chỗ đau đến bộ não trung tâm của bạn, và từ đó tạo ra cho bạn cảm giác đau để báo hiệu rằng bạn đang gặp nguy hiểm. Đồng thời, nếu bạn vốn dĩ rất cẩn thận lại chẳng may vấp ngã thì hoặc bạn sẽ than trời rằng mình gặp xui xẻo, lúc này bạn sẽ nghĩ rằng cái quái quỷ gì xảy đến với mình thế không biết và tâm trạng của bạn sẽ trở nên cực kì bực bội. Ngược lại, nếu bạn nghĩ mình chỉ bị trầy xước thôi, không gãy chân là may rồi, cảm xúc của bạn sẽ trở nên nhẹ nhõm. Khi ấy, suy nghĩ của bạn ảnh hưởng đến cảm xúc của bạn. Và tất cả những gì mình vừa đưa ra là một trong số cách mà “hệ thống” đó vận hành. Do đó, chúng không tách biệt khỏi nhau mà thật sự gắn bó rất chặt chẽ.
2. Tích cực hay tiêu cực thật ra chỉ là ảo ảnh do tư duy tạo nên:
Như mình đã nói ở trên, tích cực hay tiêu cực là do cách suy nghĩ của bạn mang lại. Tuy nhiên, nó đồng thời đều không có căn cứ thực tế. David Bohm đã nói rằng: “Nếu những hình ảnh tích cực có thể khiến ta hân hoan, thì những hình ảnh tiêu cực lại có thể khiến ta buồn bã. Một khi ta còn chấp nhận việc xem những hình ảnh như những thực tại thì ta chưa thoát ra khỏi cái bẫy đó.” Lý do khiến nhiều bạn trở nên tiêu cực một cách trầm trọng là do không thể thoát ra được cái hố mà mình đã tự đào cho bản thân, và ở trong cái hố thì chẳng bao giờ có thể thấy được thế giới xung quanh đang diễn ra như thế nào cả. Mình nghĩ điều các bạn nên làm là nhận biết rõ cái gì là có thật, cái gì mà mình có thể kiểm soát, có thể cầm nắm được để không còn bị những ảo ảnh tiêu cực chiếm lấy. Ngoài ra, David Bohm cũng cho rằng, trong bộ não chúng ta có những trung tâm sướng - khổ đặc biệt, chúng bù trừ cho nhau, điều đó có nghĩa là nếu bạn chỉ chạy theo những tư duy tích cực mãi, lúc nào cũng vui vẻ thì những tư duy tiêu cực chỉ đợi đến lúc phần tích cực mệt mỏi là sẽ hoạt động hết công suất và nuốt chửng bạn, ngược lại vẫn đúng. Bài học rút ra là, chúng ta phải biết cân bằng giữa hai bên và không để bên nào nhiều hơn bên nào vì bạn biết đó, chúng tuân thủ theo những nguyên lý cơ bản nhất của tự nhiên.
3. Khách quan một cách tuyệt đối là một sự ảo tưởng:
Nếu bạn từng ở trong một tình huống cần phải đánh giá về một sự kiện nào đó, bạn sẽ phân tích như thế nào để đưa ra một câu trả lời thỏa đáng cho tất cả? Theo mình, mình sẽ đứng trên lập trường của từng bên tham dự trong sự kiện để nhìn ra được cách nghĩ của họ, sau đó dựa trên những tiêu chuẩn đạo đức và kiến thức mà bao năm qua mình tích góp được, mình sẽ vạch ra giải pháp cần thiết nhất ở hiện tại. Nếu các bạn nghĩ rằng mình đã rất khách quan thì các bạn lầm rồi. Mình chỉ khách quan ở một phần nào đó rất nhỏ thôi, phần còn lại là do ý nghĩ chủ quan của mình. Tại sao mình lại nói vậy? Để trả lời mình cần đưa ra một khái niệm mà hẳn ai trong số các bạn cũng có từ lâu, thậm chí đến hiện tại vẫn còn duy trì, đó chính là “thói quen”. Những sự kiện trong quá khứ, những hành động được lặp lại một cách vô thức, những suy nghĩ đã được in sâu vào tâm trí và những cảm xúc đã từng trải qua, tất cả những điều này tạo nên một hệ thống tư duy mà bạn đã, đang và sẽ luôn áp dụng mỗi khi phân tích một vấn đề nào đó. Sức ảnh hưởng của nó phải nói là quá mạnh mẽ, bao trùm cả một thế giới nội tại của con người và từ đó họ tác động ra bên ngoài. Cho dù có cố gắng trở nên khách quan đến mức nào, bạn cũng chỉ có thể làm giảm đi sự chủ quan bên trong bản thân một phần nào đó chứ không thể hoàn toàn đứng trên lập trường của người khác để suy xét. Vì vậy, khách quan một cách tuyệt đối là chuyện không thể xảy ra.
Trên đây chỉ là một trong số những lý do khiến quyển sách này trở nên có giá trị, bởi không chỉ những kiến thức mà nó mang lại mà còn bao hàm cả sự dày công nghiên cứu của David Bohm và cộng sự, của hàng chục hội thảo đã diễn ra xoay quanh chủ đề “Tư duy như một hệ thống”. Ngoài ra, ở phần cuối của quyển sách, tác giả cũng đưa ra những giải pháp để có thể tư duy theo cách hệ thống nhất, tuy nhiên, ông cũng đề cập thêm rằng việc thành công hoàn toàn là điều không thể. Tại sao ông lại nói như vậy? Liệu bạn có phải là một cá nhân đặc biệt có thể hoàn toàn áp dụng được không? Hãy đọc ngay quyển sách này để trải nghiệm nhé.
Sách
/sach
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất