Cây cam ngọt của tôi 
José Mauro de Vasconcelos 
Mình biết đến cuốn sách này qua các trích dẫn của trang Trạm Đọc, tính tìm đọc lâu rồi mà phải đến khi dịch đến thì mới có duyên đọc hết cuốn sách. 
Đây là cuốn mở đầu cho chiến dịch mini mà mình gọi là “đọc nghiêm túc”, tức là ngồi vào bàn mỗi tối và đọc chứ không “buông thả” nằm ườn sofa hay đọc 1 lèo cho xong. Nên mình nhớ rất rõ lúc lật đến những trang cuối cùng, mình đã rớt nước mắt, trong ánh đèn vàng bao trùm lên chiếc bàn gỗ mình ngồi, mình gấp sách lại và nghe gió thoảng qua cửa sổ, lúc đó, khoảnh khắc đó, mình đã cảm nhận trọn vẹn những gì tác giả gửi gắm, và cũng thêm một lần cảm nhận được dòng suối mát lành của sự đọc đã tưới tắm lên tâm hồn của mình với cảm giác hạnh phúc
Hạnh phúc vì được đọc thêm 1 cuốn sách hay, hạnh phúc vì được lắng nghe câu chuyên của 1 chú bé con ở vùng đất Nam Mỹ xa xôi, nơi mình chỉ biết qua tên đội bóng của quốc gia đó. Hạnh phúc vì biết mình hạnh phúc.
Câu chuyện trong Cây cam ngọt của tôi mang đậm tính cá nhân với lối hành văn giản đơn, dưới lăng kính của chú bé nghèo nghịch ngợm nhưng cực giàu trí tưởng tượng cùng trái tim nhạy cảm với mọi thứ, cuộc sống ở một làng quê Brazil thời còn thuộc địa hiện lên sống động, chân thực - một mô tuýp khá khác so với các sách về thiếu nhi vốn được “cổ tích hoá” và né những tiêu cực đời thường. 
Việc chọn cách kể chuyện này làm mình nhớ đến một cuốn sách cho thiếu nhi (thực ra mình nghĩ là cho người lớn) mà mình rất thích, à không, chắc là thích nhất trong làng văn Việt Nam Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ của Nguyễn Ngọc Thuần. Trong cả 2 cuốn sách, cái nghèo, cái đói và cái dữ dội diễn ra bên trong những gia đình chống chọi hằng ngày với cái nghèo đói ấy được kể một cách trực diện, nhưng cái tài của cả 2 tác giả là, với giọng của một đứa trẻ con, câu chuyện được lèo lái hướng đến sự nhân văn, sự yêu thương, tình người cuối cùng cũng sẽ mang đến một cái kết có hậu. 
Với mình, sách thiếu nhi luôn là một thử thách cho các nhà văn, một trong những thử thách đó là làm sao lột tả được tâm lý của một đứa trẻ, đa số dòng sách thiếu nhi thành công là nhờ vào “câu chuyện bối cảnh” hơn là chính tính cách của nhân vật trong sách, ví dụ như tạo nên một thế giới ảo diệu, một cuộc phiêu lưu kì bí và nhân vật sẽ vô tình bị cuốn vào câu chuyện ấy, (uhm thì cũng có 1 số ngoại lệ Harry Potter chẳng hạn). Trong Cây cam ngọt của tôi, 70% nội dung là để chuyển tải những gì diễn ra trong đầu của cậu bé Zezé 6 tuổi nhưng “chín chắn” như miêu tả trong sách, cách cậu tư duy, lý luận và hơn hết là thế giới tưởng tượng đầy màu sắc trong đầu cầu được chảy tràn trên trang sách  nhưng câu cú và cách hành văn lại chân phương một cách ngạc nhiên, như đoạn văn bên dưới chẳng hạn
“ - Bác nghe này, hồi bé cháu đã nghĩ rằng bên trong cháu có một chú chim nhỏ biết hát. Chính chú chim đó đã hát
- Chà được rồi. Thật tuyệt vời vì cháu có một chú chim nhỏ như thế
- Bác không hiểu rồi. Chỉ là bây giờ chắc không chắc lắm về chú chim đó. Thé còn khi cháu nói và nhìn ở bên trong thì sao ạ?
Bác hiểu ra và bật cười trước sự bối rối của tôi.
- Bác sẽ nói cho cháu biết đó là gì Zezé. Nó có nghĩa là cháu đang lớn lên. Và khi cháu lớn, những cái cháu nói và nhìn mà cháu nhắc đến được gọi là suy nghĩ. Và việc suy nghĩ sẽ giúp cháu đạt đến cái độ tuổi mà bác đã nói là cháu sẽ sớm đạt đến thôi
- Độ tuổi chín chắn ấy ạ?
- Cháu vẫn còn nhớ thế thì tốt. Và sau đó một điều kì diệu sẽ xảy ra. Suy nghĩ của chúng ta lớn dần lớn dần rồi sẽ kiểm soát cái đầu và con tim chúng ta. Nó tồn tại trong mắt chúng ta và trong mọi bộ phận của cuộc đời ta
- Vâng. Thế còn chú chim nhỏ thì sao ạ?
- Chú chim nhỏ vốn được Chúa tạo ra để khám phá mọi thứ. Và khi không cần nó giúp nữa, đứa trẻ sẽ trả nó về bên Chúa. Rồi Chúa sẽ đặt nó vào trong một đứa trẻ thông minh khác, như cháu vậy. Nghe rất tuyệt phải không?
Tôi cười sung sướng bởi vì tôi đang suy nghĩ”
Sách ngắn, nhưng mình không nghĩ là vì tác giả muốn câu chuyện của mình được kể súc tích, mà câu chuyện đã khép lại sau sự kiện đó, Zezé đã trưởng thành, sự trưởng thành không liên quan đến tuỏi tác, sự trưởng thành của một tâm hồn nhạy cảm, như một cái cây sau cơn bão, nó không lớn vụt lên, nhưng sâu bên trong, những chiếc rễ đã vươn dài ra, cắm sâu xuống mặt đất, thầm lặng mạnh mẽ. 
Câu chuyện trong sách chính là chuyện đời của tác giả, nên đến cuối sách giọng văn đổi thành giọng của chính ông, và ông nói những lời tận đáy lòng với người bạn của mình, cũng là người đã mang đến cho chú bé trong sách những điều quý giá vô ngần mà cậu luôn hằng khao khát, và đó cũng là những dòng khiến mình xúc động nhất, những dòng đủ riêng tư nhưng lại có sức lan truyền mạnh mẽ, vì, ai chẳng từng là một đứa trẻ mang trong mình những câu chuyện tình bạn to lớn như đại dương hay dịu ngọt như viên kẹo trong túi áo, và câu chuyện đó sẽ luôn lấp lánh, lấp lánh như viên bi sắc màu được giấu trong chiếc rương kí ức, một ngày nào đó, nhờ 1 cuốn sách, hay một bản nhạc, hay một gương mặt thân quen, viên bi ấy bỗng dưng lại lăn tròn và mang theo thanh âm trong trẻo của một thời bé dại…
để nhắc chúng ta nhớ rằng, ai cũng từng là một đứa trẻ, nên nếu có những lúc phiên bản “người lớn” của mình không làm được, hãy đánh thức phiên bản “trẻ con” dậy và để nó tự do, biết đâu cuộc phiêu lưu vĩ đại hay thế giới nhiệm màu sẽ được mở ra, và chúng ta lại một lần nữa dấn thân vào đó với trái tim thuần khiết của tình yêu và niềm tin trọn vẹn vào bản thân mình. 

Challenge mình tự đặt ra cho mình, review 11 cuốn sách từng đọc. 
Cuốn đầu tiên. 
Đọc thêm: