20/6/2021 - Đọc cuốn Singapore Của Tôi: Câu Chuyện Của Một Phụ Nữ Khách Gia - Lý Vỹ Linh 🕮 Tổng số sách đã đọc được: 28 quyển 🕮

"Trích từ 2 cuốn sách: Singapore Của Tôi: Câu Chuyện Của Một Phụ Nữ Khách Gia - Lý Vỹ Linh" - "Hồi ký Lý Quang Diệu"

1.jpg

 ♥︎ Ba tôi nói về mẹ tôi như sau: “Vợ tôi không phải là một người vợ truyền thống. Bà ấy có học, là một phụ nữ có sự nghiệp… Gia đình chúng tôi có những người giúp việc đáng tin cậy, chuyên nghiệp, có thể tin tưởng. Vợ tôi trưa nào cũng về nhà ăn trưa với các con”. Thật ra, mẹ tôi vẫn là một người vợ và người mẹ truyền thống. Bà chỉ không truyền thống ở chỗ bà là một phụ nữ có sự nghiệp và trong nhiều năm liền là lao động chính trong gia đình. Một trong những vật sở hữu mà bà tự hào nhất là mặt dây chuyền vàng mà ba tôi đặt làm cho bà. Ông cho khắc trên đó hai câu Hiền thê gương mẫuNội hiện ngoại đứng. Hai câu này có ý nói bà là “người vợ đạo đức và người mẹ giỏi giang trong việc nuôi dạy những đứa con xuất chúng”.

   ♥︎ Tôi nhớ có lần mẹ nhẹ nhàng từ chối một điều ba tôi yêu cầu. “Đây là hợp tác, mình ạ”, ba tôi hối thúc. “Nhưng không phải là hợp tác bình đẳng”, mẹ tôi trả lời. Sự hợp tác giữa đôi bên có thể không hoàn toàn bình đẳng ở một thời điểm cụ thể nào đó. Nhưng khi thời gian qua đi, nhất là từ sau khi sức khỏe mẹ tôi suy sụp sau cơn tai biến, ba tôi lại là người chăm sóc mẹ. Mẹ còn nói rõ bà thích ba tôi chăm sóc hơn các bác sĩ, điều này chứng tỏ ba tôi chăm sóc mẹ rất tốt. Ba tôi nhớ hết chế độ uống thuốc phức tạp của Mẹ. Do Mẹ không thể nhìn thấy ở phía trái vùng nhìn nên ba luôn ngồi ở bên trái bà trong các bữa cơm. Ông nhắc bà ăn thức ăn đặt bên trái đĩa và chính tay ông nhặt hết những miếng đồ ăn mà tay trái bà làm rớt xuống mặt bàn.    

♥︎ Suốt cả cuộc đời, Mẹ luôn kín đáo không để mọi người chú ý đến mình, thậm chí không bao giờ chấp nhận làm khách mời danh dự ở bất kỳ bữa tiệc tối nào tổ chức với mục đích gây quỹ. Thời gian ngoài công việc, Mẹ đều dành cho chúng tôi, gia đình của Mẹ. Nhưng Mẹ lại thường xuyên xuất hiện cạnh ba tôi, nói đúng hơn là phía sau Ba một chút. Thú vị hơn nữa, Mẹ được các nhân viên cận vệ đặt biệt danh là “cái bóng” mỗi khi họ trò chuyện với nhau. Đúng là Mẹ giống như cái bóng của ba tôi, nhưng thực ra với ông bà quan trọng hơn rất nhiều. 
    ♥︎ Hồi còn trẻ, Ba rất thiếu kiên nhẫn và nóng tính. Thỉnh thoảng ông lại chỉ trích gay gắt một nhân viên đi trễ. Dĩ nhiên là các nhân viên càng trở nên thiếu tự tin hơn, và kết quả làm việc vì thế cũng kém hiệu quả hơn. Một nhân viên kể cho tôi nghe rằng Mẹ đã khéo léo can thiệp để làm Ba dịu lại. Bà cũng giúp sửa bản thảo và thỉnh thoảng chỉnh lại các câu trong bài phát biểu của ba tôi. Mẹ là người giúp Ba viết hồi ký
    ♥︎ Mỗi khi ra nước ngoài du lịch, ba tôi đều tự giặt đồ lót của mình hoặc để mẹ tôi giặt lúc bà còn sống. Ông luôn ca cẩm là với giá giặt ủi cao ngất ở khách sạn năm sao, ông có thể mua đồ lót mới. Có một ngày năm 2003, giây thun quần short chạy bộ của ba tôi bị giãn. Vì mẹ tôi từng sửa cái quần short này nhiều lần trước nên lần này ba tôi cũng nhờ bà thay giùm dây thun. Có điều lúc đó mẹ tôi vừa bị đột quỵ xong nên thị lực sụt giảm, vì thế bà nói với ba tôi rằng “Nếu ông muốn tôi chứng tỏ tình yêu của tôi với ông, tôi sẽ cố làm thử”.  Khi ba mẹ tôi đi du lịch, Ba luôn chọn khách sạn nào có hồ bơi. Có một lần, Mẹ muốn nghỉ ngơi thay vì đi bơi. “Hôm nay là ngày lễ ở Singapore”, Mẹ nói với Ba. “Em có thể nghỉ ngơi thay vì đi bơi không?” Nhưng Ba vẫn thuyết phục Mẹ đi bơi cho bằng được.



    Mối quan hệ giữa ba và mẹ tôi. Mối quan hệ của họ không đến từ tình yêu sét đánh. Ngoại hình cũng không phải là yếu tố chính thu hút họ vào nhau, mà đó chính là sự hòa hợp về tính cách và trình độ văn hóa. Họ không chỉ yêu nhau mà còn là những người bạn tốt nhất của nhau. Giữa họ không hề có sự tính toán xem mỗi người đầu tư bao nhiêu vào mối quan hệ này. Mối quan hệ của họ là tình yêu vô điều kiện.
    ♥︎ Tôi biết ba tôi là người chẳng biết sợ là gì và sẵn sàng chiến đấu tới cùng vì Singapore. Khi cộng sản chiến thắng ở Việt Nam năm 1975, có một lúc người ta e rằng sẽ xảy ra hiệu ứng domino - tức các quốc gia Đông Nam Á khác cũng sẽ ngả theo Cộng sản. Nhưng ba tôi vẫn nhất quyết ở lại Singapore, còn mẹ tôi thì nhất quyết ở lại cạnh ba tôi. 

  ♥︎ Tình cảm mà ba mẹ tôi dành cho nhau cũng rất hiếm thấy. Họ là tri kỷ của nhau và cuộc hôn nhân hạnh phúc của họ vượt qua cả đám cưới kim cương. Nhưng họ chẳng bao giờ làm ra vẻ yêu nhau trước mặt công chúng. Ngay cả khi ở riêng với nhau, họ cũng ít khi ôm hoặc hôn nhau để biểu lộ tình yêu của mình. Chỉ sau khi mẹ tôi đột quỵ lần hai, tôi mới thấy ba tôi hôn lên trán mẹ để tỏ lòng an ủi. Họ có vẻ như không thấy cần phải bày tỏ tình yêu một cách lâm ly bi đát.
    ♥︎ Ngày 16 tháng 9 năm 2003 năm đó là ngày sinh nhật thứ 80 của ba tôi, Bộ trưởng Cố vấn Lý Quang Diệu. Hôm đó là một ngày vui, không có chút dấu hiệu của sóng gió. Nhưng chỉ năm tuần sau, vào ngày 25 tháng 10, trong lúc đang tháp tùng ba đến London thì mẹ bỗng nhiên đột quỵ. Bà bị xuất huyết trong não do các mạch máu trở nên dễ vỡ hơn cùng tuổi tác. May là bà chỉ bị xuất huyết ở phần não phải nên không ảnh hưởng đến tiếng nói. Nhưng bà không thể nhìn thấy những gì ở vùng nhìn bên trái. Bà được đưa về Singapore ngày 31 tháng 10. Trước đó, ba tôi đã dự định giải phẫu tuyến tiền liệt vào tháng 11. Vì thế khi chuyện này xảy ra, cả hai ông bà đều vào Bệnh viện Đa khoa Singapore một lượt và nằm ở hai phòng sát nhau, chỉ cách nhau cánh cửa trượt để có thể bầu bạn với nhau. Ngay sau ngày mẹ nhập viện, Bác sĩ Balaji Sadasivan ghé nhà nói chuyện với ba tôi về trường hợp của mẹ. Ba hỏi Bác sĩ Balaji: “Bà ấy có thể tham dự các sự kiện xã hội và đi du lịch với tôi được nữa không? Nếu không, cuộc sống của bà ấy sẽ rất khổ”.
    ♥︎ Lúc đó ba tôi đã 80 tuổi và mẹ tôi 82. Tóc hai ông bà đã bạc phơ và họ trông rất khác với cặp vợ chồng đẹp đôi ngày nào. Nhưng họ vẫn yêu nhau thắm thiết, dù bệnh tật hay mạnh khỏe, dù giàu sang hay nghèo khổ, dù hạnh phúc hay gian khổ, khi cả hai vẫn sống bên nhau. Chương trình phục hồi chức năng của Mẹ rất nặng, làm bà đôi lúc thấy mệt mỏi và nản chí. Nhưng các nhân viên vật lý trị liệu đã nhanh chóng có cách khiến bà tập tành hăng hơn. Chỉ cần nghe họ nói ba tôi sắp đến xem bà tập là bà lập tức nỗ lực hơn. Cả ba và mẹ tôi đều xuất viện ngày 26 tháng 11. Mẹ tôi chỉ còn lại mỗi một di chứng, đó là khuynh hướng không chú ý đến phần cơ thể bên trái của bà. Ba tôi vì thế phải ngồi bên trái bà ở bàn ăn để thúc bà ăn phần ăn bên trái đĩa. Mặc dù bà hồi phục từ cơn tai biến năm 2003 rất tốt nhưng các bác sĩ và tôi đều biết rằng mạch máu của bà rất dễ vỡ và nguy cơ xuất huyết lần nữa rất cao. Chúng tôi quyết định không nói cho ba mẹ tôi biết điều này bởi chỉ làm họ thêm lo lắng khi chúng tôi chẳng có cách nào chặn đứng lần xuất huyết thứ hai. Chúng tôi cảm thấy nên để họ hưởng thụ cuộc sống thay vì lo sợ một chuyện không kiểm soát được.
    ♥︎ Trước khi mẹ tôi bị đột quỵ năm 2003, bà luôn sống cho ba tôi, quan tâm đến từng nhu cầu nhỏ nhất của ông. Cơn tai biến và hậu quả của nó khiến mẹ tôi trở nên rất yếu. Kể từ đó, đến lượt ba tôi là người sống quanh quẩn bên bà. Ông vẫn làm việc ở Nội các với danh nghĩa lúc đầu là Bộ trưởng cấp cao và sau đó là Bộ trưởng Cố vấn, nhưng ông luôn cố gắng sắp xếp thời gian để có mặt khi mẹ tôi cần. Ông cũng chăm sóc sức khỏe cho mẹ tôi. Ông bắt bà tập luyện bằng cách đi bơi mỗi ngày, giám sát cả chế độ uống thuốc phức tạp của bà. Ông đo huyết áp cho bà nhiều lần trong ngày, cho đến khi tôi liên lạc được với Bác sĩ Ting Choon Ming, người sáng chế ra thiết bị đo huyết áp đeo ở cổ tay như chiếc đồng hồ. Nhưng đến ngày hôm sau, khi Bác sĩ Ting đến lấy lại chiếc đồng hồ ấy để phân tích chỉ số huyết áp ghi trên đó, mẹ tôi nói với ông ta rằng: “Tôi thích chồng tôi đo huyết áp cho tôi hơn”. 

     ♥︎ Trước khi đột quỵ, Mẹ là người xếp hành lý cho Ba. Còn bây giờ, Ba cố gắng xếp hành lý cho chính mình, nhưng ông thường gặp khó khăn trong việc đóng va li lại sau khi xếp đồ xong. Cuối cùng, các nhân viên bảo vệ của Ba phải giúp ông xếp lại. Trước khi đột quỵ, Mẹ không bao giờ rời khách sạn cho đến khi Ba đi khỏi để đến các cuộc hẹn. Bà sợ ông để quên cà vạt hay áo sơ mi. Thường thì Mẹ luôn là người sắp sẵn quần áo phù hợp cho ông mặc. Sau khi đột quỵ, bà không làm điều đó được nữa. Dù vậy ông vẫn muốn bà đi du lịch với mình. Đó là vì, sau một ngày mệt nhọc, ông muốn kể bà nghe việc làm trong ngày của mình. Mối quan hệ của hai ông bà vẫn thắm thiết như thuở nào.
    ♥︎ Sau khi mẹ tôi đột quỵ lần hai, bà nằm liệt ở giường và không còn theo ba tôi ra nước ngoài hay tham dự những sự kiện xã hội được nữa. Mỗi tối sau khi đi làm về, ba tôi đều để ra hai tiếng kể cho mẹ tôi nghe về công việc trong ngày của ông và đọc cho bà nghe những bài thơ bà yêu thích. Mấy cuốn sách thơ khá dày và nặng nên ông phải đặt chúng lên một cái giá nhạc rất nặng. Một buổi tối, do quá buồn ngủ nên ông đã thiếp đi trong lúc đang đọc thơ cho vợ. Đầu ông gục tới trước khiến mặt ông va vào cái giá kim loại và bị trầy xước. Ông tự trách mình bất cẩn nhưng vẫn tiếp tục đọc thơ cho mẹ tôi nghe mỗi tối.

  ♥︎ Càng già, hai ông bà càng kém sung sức và nhanh nhẹn. Những cơn đau trở nên một phần của cuộc sống hằng ngày của họ. Nhưng cả hai đều kiên trì chịu đựng, an ủi vì có nhau.

 ♥︎ Sau khi mẹ bệnh quá nặng không đi du lịch được, Ba không còn ai trong gia đình để trút hết những suy nghĩ thực của mình sau một ngày dài hội họp mệt mỏi. Ở tuổi 88, lại vừa góa vợ, ông không còn sôi nổi mạnh mẽ như trước tháng 5 năm 2008, tức khi mẹ tôi bị đột quỵ. Kể từ ngày đó, tôi thấy ông yếu đi từng ngày khi chứng kiến sự đau đớn của mẹ tôi. Sau khi Mẹ qua đời, sức khỏe ba tôi càng suy sụp hơn.... , sức khỏe Ba nhanh chóng xấu đi. Năm năm qua quả thực rất khó khăn với Ba. Nhưng vẫn như mọi khi, Ba kiên quyết tiếp tục cuộc sống một cách bình thường nhất và tốt nhất có thể.

♥︎VỢ TÔI - HỒI KÝ LÝ QUANG DIỆU♥︎

    ♥︎.....chính là Kwa Geok Choo, cô gái luôn học giỏi hơn tôi tại Đại học Raffles. Tôi đã thấy cô trước đó khi tôi đến tìm Nyuk Lin tại căn hộ của anh ta trên đường Tiong Bahru bằng chiếc xe đạp bánh đặc của tôi. Cô đang ngồi ở hàng hiên khi tôi tới, và lúc tôi hỏi anh ta ở đâu, cô đã mỉm cười và chỉ vào một cầu thang gần đó. Bây giờ chúng tôi gặp nhau trong những tình huống khác. Cô phải ở nhà, chẳng có việc gì làm, ngoài những việc trong nhà vì không còn đầy tớ nữa. Làm hồ dán thì cũng cực nhưng đem lại cho cô ít tiền tiêu vặt, và những lần tôi ghé lại để theo dõi công việc sản xuất đã khiến nảy sinh tình bạn qua thời gian.
    ♥︎ Đến tháng 9/1944, chúng tôi đã quen nhau khá thân để tôi có thể mời Nyuk Lin, vợ anh ta và Geok Choo (hay chỉ gọi là Choo) dùng một dạ tiệc nhân kỷ niệm sinh nhật thứ 21 của tôi tại một nhà hàng Tàu trong khu Đại Thế Giới. Đó là lần đầu tôi mời cô đi chơi. Thực ra, cô còn có anh rể đi cùng, nhưng ở Singapore thời đó, nếu một thiếu nữ nhận lời mời tới dự tiệc sinh nhật thứ 21 của một chàng trai, thì đó là một sự kiện không phải là không có ý nghĩa. Chuyện làm hồ dán kéo dài được khoảng sáu bảy tháng, cho đến cuối năm 1944. Lúc đó Nhật bắt đầu thua trận. Ít có tàu buôn nào đi lại được và việc thương mại đình đốn; công việc kinh doanh thu hẹp và các văn phòng chẳng cần tới hồ dán nữa. Tôi chấm dứt việc làm hồ dán, nhưng tiếp tục tới thăm Choo tại căn nhà ở đường Tiong Bahru để nói chuyện gẫu và giữ gìn tình bạn.

    ♥︎ Tháng 10 và 11/1945, tôi giới thiệu Choo với người thủ thư tại thư viện Raffles (giờ là Thư viện quốc gia) và cho cô một công việc tạm thời ở đó. Gia đình cô đã chuyển tới một ngôi nhà gỗ một tầng trên đường Devonshire, cách nhà tôi gần hai cây số, và tôi thường đi bộ đưa cô về nhà. Thỉnh thoảng chúng tôi ngồi vào một nơi yên tĩnh trong sân ngôi giáo đường Do Thái Chesed–El tại Oxley Rise, gần nơi đã từng là một trong những trụ sở của Kempeitai. 
Một trong hai tấm hình mà ông Lý Quang Diệu nhờ người em họ chụp vào tháng 9-1946 để ông mang theo đặt trong phòng khi đi học ở Anh

♥︎ Vào ngày cuối năm, tôi đưa Choo đến dự buổi tiệc dành cho những người trẻ tuổi tại biệt thự Mandalay trên đường Amber, lâu đài cạnh bờ biển của bà Lee Choon Guan, một người Hoa sinh sống lâu đời ở đây và là một quả phụ giàu có. Trước khi buổi tiệc kết thúc tôi dẫn cô ấy ra khu vườn quay ra bờ biển. Tôi nói với cô ấy rằng tôi không dự định trở lại đại học Raffles nữa mà sẽ sang Anh học luật. Tôi hỏi liệu cô ấy có chờ tôi cho đến ba năm sau khi tôi trở thành luật sư không. Choo hỏi lại tôi có biết là cô ấy lớn hơn tôi hai tuổi rưỡi không. Tôi nói tôi biết và đã cân nhắc chuyện này cẩn thận rồi. Tôi đã già trước tuổi và dù sao thì phần lớn bạn bè tôi cũng già hơn tôi. Vả lại, tôi muốn một người ngang hàng với tôi, chứ không phải một người chưa đủ lớn và cần phải được chăm sóc, và tôi không chắc mình sẽ tìm được một người con gái khác ngang hàng và chia sẻ được những quan tâm của tôi. Cô ấy nói sẽ chờ tôi. Chúng tôi không nói chuyện này với cha mẹ. Thật khó làm cho họ đồng ý đối với một lời hứa lâu như vậy. Đây là cách hai chúng tôi cư xử với nhau; khi chúng tôi gặp phải những khó khăn cá nhân, chúng tôi đối mặt với chúng và phân loại chúng ra. Chúng tôi không tìm cách lẩn tránh hay che giấu chúng đi. Việc tìm hiểu nhau đã nở hoa. 
    ♥︎ Tôi bắt đầu cho kế hoạch rời Singapore năm đó, 1946. Trước khi tôi xuống tàu, mẹ tôi cũng đã làm hết sức mình để chắc rằng tôi sẽ rời khỏi Singapore sau khi đã thề hứa với một cô gái người Hoa nào đó, và như thế sẽ khó có thể trở về với một cô gái Anh. Nhiều sinh viên đã trở về với những cô vợ người Anh, với kết quả thường không hạnh phúc. Gia đình họ bị xào xáo, các cặp chia tay nhau, nếu không thì phải qua sống ở nước Anh vì họ không thể hòa nhập vào xã hội thuộc địa Anh, nơi mà họ bị đối xử như kẻ kém đẳng cấp nếu không muốn bị tẩy chay công khai. Bà lần lượt giới thiệu cho tôi ba cô gái đàng hoàng có kiến thức phù hợp và địa vị xã hội tốt. Tôi chẳng quan tâm. Họ hợp tuổi, gia đình họ khá giả, họ coi được. Nhưng họ chẳng khiến tôi chú ý. Tôi hoàn toàn hạnh phúc khi ở bên Choo. Cuối cùng tôi quyết định nói hết với mẹ. Bà là một phụ nữ sắc sảo. Một khi bà nhận ra tôi đã quyết định rồi, bà thôi việc tìm kiếm. Thái độ của bà với Choo đã đổi thành một tình cảm thân thiện nồng ấm của một bà mẹ chồng tương lai. Trước đây tôi đã nói với bà về Choo, cô gái đã đánh bại tôi trong kỳ thi môn kinh tế và tiếng Anh tại Đại học Raffles. Bà cũng đã gặp Choo trong suốt những ngày chúng tôi làm hồ dán và đã đến thăm gia đình cô. Cha của Choo, Kwa Siew Tee, giám đốc một chi nhánh ngân hàng của Oversea–Chinese Banking Corporation, một người Java gốc Hoa giống như cha và bà nội tôi. Mẹ cô ấy là người Hoa sinh tại Singapore như mẹ tôi vậy. Chúng tôi có cùng gốc gác, nói cùng thứ ngôn ngữ ở nhà và chia sẻ những lề thói xã hội như nhau. Choo đã từng học tại trường nữ Methodist, và đã đậu đệ nhị cấp Cambridge, khi mới 16 tuổi, cô vào lớp đặc biệt tại Học viện Raffles dành cho những học sinh đang tranh đua nhau suất học bổng Nữ hoàng, nhưng cô không đạt được. Sau này cô nói với tôi là cô đang chờ hoàng tử của lòng mình. Tôi đã xuất hiện, không phải trên một con ngựa trắng mà trên một chiếc xe đạp lốp đặc! 

    ♥︎ Trong những tháng ngày sôi nổi trước tháng 9/1946, chúng tôi đã dành nhiều giờ bên nhau. Trước khi đi, tôi nhờ cậu em họ Harold Liem, đang trọ tại nhà tôi ở số 38 đường Oxley, chụp cho chúng tôi nguyên một cuộn phim, chỉ trong vòng vài ngày. Chúng tôi còn trẻ và yêu nhau, khát khao ghi lại phút giây này của cuộc đời chúng tôi, hầu có một cái gì đó để nhớ về nhau trong suốt ba năm tôi du học ở Anh. Chúng tôi không biết bao giờ mới gặp lại nhau một khi tôi ra đi. Cả hai chúng tôi đều hy vọng cô ấy sẽ quay lại đại học Raffles, nhận được học bổng Nữ hoàng để học ngành luật, và sum họp với tôi ở bất cứ chỗ nào tôi sống. Cô ấy đã thề hứa trọn vẹn với tôi. Tôi cảm nhận được điều đó. Tôi cũng quyết tâm giữ lời thề hứa với cô ấy. 
    ♥︎ Khi tôi rời Singapore vào ngày sinh nhật lần thứ 23 của tôi, ngày 16/9/1946, trên con tàu Britanic, và đứng trên boong vẫy tay chào, cô đã đầm đìa nước mắt. Tôi cũng vậy...
    ♥︎ Cuối tháng 6/1947, Choo viết thư báo cho tôi là cô đã nhận một chứng chỉ hạng nhất. Giờ cô có cơ hội tốt để giành học bổng Nữ hoàng du học ở Anh. Tôi rất lạc quan. Cuối tháng 7 tôi nhận được tin vui nhất, Choo đánh điện báo tin cô đã được hưởng học bổng Nữ hoàng. Nhưng Văn phòng Thuộc địa không tìm được chỗ cho cô trong bất kỳ đại học nào trong năm học bắt đầu vào tháng 10/1947. Cô phải đợi đến năm 1948. Rơi vào thế phải hành động, tôi đã nát óc tìm cách đưa cô vào Cambridge. Tôi tìm ông Barret, chánh văn phòng tại Fitzwilliam. Ông là một người béo phệ, có năng lực và từng trải ở độ tuổi ngoài bốn mươi của ông. Ông đã từng chứng kiến hàng trăm sinh viên đến rồi đi. Ông biết viên giám thị mến tôi. Tôi nói với ông về cô bạn ở Singapore của mình, rất thông minh, đã được nhận học bổng cao nhất để du học ở Anh. Cô ấy muốn học luật. Làm cách nào cô ấy có thể vào Cambridge đúng vào học kỳ lễ Thánh Michael? Với ánh lấp lánh trong đôi mắt, ông nói:  — "Anh biết là ngài giám thị quen rất thân với cô Butler, dạy ở Girton. Giờ nếu như anh nhờ được ông ấy nói với cô ấy, sự thể có thể khác đi."

♥︎ Tôi rất kích động trước khả năng này. Chỉ còn hai tháng để lo trước khi năm học bắt đầu. Tôi yêu cầu được gặp ngài giám thị. Không chỉ đồng ý gặp, ông còn vui lòng giúp đỡ tôi nữa. Ngày 1/8, ông viết cho cô Butler một lá thư, và một lá nữa cho hiệu trưởng Newham, một trường đại học nữ khác ở Cambridge. Cả hai trả lời ngay. Newham dành cho một chỗ vào năm học 1948. Cô Butler thì tích cực hơn. Cô vui lòng dành một chỗ trống vào tháng 10/1947 mà Girton để dành cho những trường hợp đặc biệt, miễn là Choo có đủ tiêu chuẩn được vào. Thatcher viết gởi kèm cho tôi cả hai thư trả lời đó. Tôi lao ngay tới Ủy ban đặc trách thi cử thuộc đại học Cambridge gần đường Silver dọc sông Cam. Tôi cho họ biết năm Choo nhận bằng Đệ nhị cấp Cambridge của cô – năm 1936. Họ truy ra kết quả của cô và trao cho tôi một bản sao có chứng thực – cô ấy là học sinh đỗ đầu năm học ấy. Rồi tôi viết một lá thư yêu cầu được gặp cô Butler ở Girton. Cô vui lòng tiếp tôi, và tôi đến đúng giờ hẹn vào buổi sáng ngày 6/8. Tôi nói với cô rằng bạn tôi, cô Kwa, là một cô gái rất thông minh, thông minh hơn cả tôi, và rằng cô ấy đứng đầu danh sách, cao hơn cả tôi ở Đại học Raffles trong nhiều trường hợp. Tôi thêm rằng mình đã vào Cambridge trễ một học kỳ và đứng nhất trong kỳ thi Qualifying One, và tôi tin rằng cô ấy cũng sẽ học được như vậy. Cô Butler là một phụ nữ tóc bạch kim dễ mến với đôi kính cận, hơi tròn trĩnh và có vẻ phúc hậu. Cô thích thú với chàng trai trẻ người Hoa đang nhiệt tình tán dương cô bạn gái của anh ta là một sinh viên hơn hẳn anh ta và cô bị hấp dẫn với ý tưởng rằng có lẽ cô gái ấy là một ngoại lệ. 
    ♥︎ Cùng ngày ấy tôi đánh điện cho Choo: “Girton nhận. Thư từ chính thức sẽ tới. Chuẩn bị mau lên.” Cô lên một chuyến tàu chở binh lính ở Singapore cuối tháng 8. Tôi nôn nao chờ ở bến cảng và cuối cùng cô cũng đến được Liverpool vào đầu tháng 10. Tôi xiết bao vui mừng được gặp lại cô sau một năm dài chia ly. Chúng tôi đáp xe lửa đến London ngay và sau năm ngày ở đó, chúng tôi tới Cambridge. Lúc này tôi đã biết tự tổ chức và quen thuộc với nơi này. Nhưng lại có những vấn đề mới. Ông Pounds, một trợ giảng trẻ tuổi và là thủ quỹ của Fitzwilliam, phân cho tôi những phòng cách Cambridge ba dặm về phía Nam. Tôi giật mình. Girton thì ở phía Bắc thành phố. Tôi cố hết sức để tìm một căn phòng gần Choo hơn nhưng không được, ông Pounds quả là cương quyết. Tôi cầu đến ông giám thị. .....Thư trả lời của ông đầy thân ái, nhưng đượm một chút khôi hài: 
    “Lee thân mến, “…Anh cho rằng anh phải đi một quãng đường dài để đến gặp hôn thê của anh, hoặc vợ anh như anh hằng trông đợi. Không thực sự quá xa như anh nghĩ đâu, đặc biệt nếu tình yêu cung cấp động lực. Tôi không biết anh có đọc các truyện thần thoại danh tiếng không, nhưng hẳn anh còn nhớ người đàn ông đã bơi qua eo Bosphorus mỗi đêm để gặp người yêu của anh ta. Việc đi đến Girton là một việc nhẹ nhàng so với chuyện đó. Theo chuyện kể, chàng trai ấy đã chết đuối khi đang bơi trong một đêm tuyệt đẹp, nhưng tôi nghi ngờ không biết anh có cần phải chết vì kiệt sức trên đường không. Tuy nhiên nếu anh có thể tìm được căn phòng ở gần Girton, chúng tôi sẽ gắng hết sức mình để hợp tác với anh và đăng ký nó cho anh, vì vậy nếu anh thích đến và thử đi tìm, thì hãy làm đi. “Tuy nhiên, tôi không chắc rằng Girton sẽ tán thành việc anh cưới cô gái trẻ đó quá vội vàng, vì họ sẽ rất đương nhiên và chính đáng khi cho rằng ánh lửa đầu tiên của tình yêu lóe lên thì học hành sẽ chẳng còn được ban nhiêu. Nhưng tôi đã quá già để cho lời khuyên giữa một người đàn ông và ngọn lửa trong đôi mắt anh ta. ....Bạn chân thành của anh, W.S. Thatcher”

    ♥︎ Một tuần sau, tôi tìm được một căn phòng gần Fitzwilliam tại trại ngựa của thuyền trưởng Harris. Thuyền trưởng Harris nuôi ngựa và loại chó săn cáo. Tôi làm sinh viên ở trọ nhà ông ta. Ông ta đòi một giá quá đắt, khoảng 9 bảng một tuần chỉ cho việc ngủ, ăn sáng, tắm rửa và mọi thứ vặt vãnh khác. Tôi không có sự chọn lựa nào khác. Nó cũng thuận lợi. Tôi sẽ ở đó trong hai năm kế tiếp cho đến khi rời khỏi Cambridge vào mùa hè năm 1949. Giờ tới lượt Choo bị cú sốc văn hóa. Cô ấy không quen với quần áo len dày sụ mà cô đã mua bằng phiếu vải, thứ áo khoác nặng trịch và sau đó là đôi giày lông cừu dành cho mùa đông. Chúng trĩu nặng trên người cô ấy. Và Girton cách thành phố hai dặm. Cô không đi được xe đạp, nên phải dùng xe buýt. Khả năng định hướng của cô không bao giờ tốt. Đó là thời kỳ cô mất phương hướng. Sau ít tuần cố điều chỉnh, cô bảo rằng cô nhận thấy tôi đã thay đổi. Tôi không còn là người vui vẻ, lạc quan, dám nghĩ dám làm, một chàng trai có thể làm được mọi thứ, sôi sục niềm vui sống. ..... Sau nhận xét của Choo, tôi bắt đầu xét lại chính mình để xem chuyện đó đã xảy ra thế nào. Có thể là nó bắt đầu bằng kinh nghiệm của tôi về định kiến màu da của tầng lớp lao động Anh, những người soát vé xe buýt, những cô gái bán hàng và các chị hầu bàn trong các cửa hàng và nhà hàng, và các bà chủ nhà trọ ở Hampstead mà tôi tình cờ gặp trong khi tìm chỗ trọ. Vài lần tôi đến những ngôi nhà liệt kê trong danh sách “phòng cho thuê” yết thị gần nhà ga xe điện Swiss Cottage, chỉ để được nghe trả lời, một khi họ thấy tôi là người Hoa, rằng các phòng đó đã có người thuê rồi. Sau này, rút kinh nghiệm về các vụ đó, tôi gọi điện trước cho họ nói rằng tên tôi là Lee, đánh vần “L, hai chữ e” nhưng tôi là người Hoa. Nếu họ không thích một người Hoa, họ có thể thoái thác và tránh cho tôi khỏi mất công đi đến nhà họ.
    ♥︎.... Tôi và Choo bàn nhau về đời sống hướng tới tương lai của chúng tôi ở Anh. Chúng tôi quyết định tốt nhất là chúng tôi cưới nhau một cách lặng lẽ vào tháng 12 nhân dịp lễ Giáng sinh, và giữ bí mật chuyện đó. Bố mẹ Choo sẽ bực bội nếu chúng tôi hỏi ý kiến; trường Girton có thể không tán thành, như viên giám thị đã nhắc nhở tôi trong lá thư của ông; và những người có thẩm quyền trong vụ học bổng Nữ hoàng có thể gây khó khăn. Chúng tôi đã trưởng thành, đều ở độ tuổi ngoài hai mươi, và chúng tôi đã quyết định cẩn thận. Không hề biết gì về động lực thực sự của chúng tôi, một người bạn Anh giới thiệu một quán rượu ở Stratfort–on–Avon là nơi để nghỉ lễ Giáng sinh và đi thăm nhà hát Shakespeare nổi tiếng. Khi đến đó, chúng tôi thông báo ý định của mình cho nhân viên Văn phòng hôn nhân địa phương, và sau hai tuần lưu trú là đủ để cưới nhau theo luật. Trên đường đến Stratford–on–Avon chúng tôi dừng lại ở London, tại đó tôi mua cho Choo một chiếc nhẫn cưới bằng bạch kim trong một tiệm kim hoàn trên đường Regan. Nhưng khi trở lại Cambridge, cô lại đeo chiếc nhẫn vào sợi dây chuyền cổ.
    ♥︎ Dù có sự thay đổi này trong đời sống, chúng tôi vẫn làm việc một cách hệ thống và chăm chỉ trong học tập. Tôi muốn mình phải đạt tiêu chuẩn loại I của kỳ thi sinh viên giỏi cấp I. Nhưng Choo lại phải đương đầu với một thời kỳ khó khăn với chương trình năm thứ hai. Kỳ thi lại đến vào khoảng tháng 5/1948, và tháng 6 kết quả được công bố ở Senate House. Tôi đứng đầu trên danh sách, loại I của cuộc thi sinh viên giỏi. Choo được xếp Loại II trong kỳ thi Law Qualifying Two. Cô thất vọng. Nhưng đó không phải là kỳ thi sinh viên giỏi và không được tính. Tôi an ủi cô, và chúng tôi quyết định đi nghỉ hai tuần ở lục địa châu Âu. Tránh xa các nhóm du lịch, chúng tôi dự định lưu lại năm ngày ở Paris, rồi ở Thụy Sĩ một tuần.
2-v-chng-ng-l-chp-ti-cambridge-anh-nm-1948.png

  ♥︎ Tháng 10/1948, chúng tôi trở về Cambridge chuẩn bị cho năm cuối. Chúng tôi dự các buổi giảng, viết tiểu luận và làm bài tập cho những giám sát viên, đọc sách ở thư viện hoặc trong phòng tôi tại trại ngựa của thuyền trưởng Harris. Nhưng cuộc sống không chỉ có công việc. Vào những ngày cuối tuần và một vài tối tôi sẽ đạp xe đến Girton, và Choo sẽ nấu những món ăn Singapore trên cái bếp ga của cô ở khu nhà tập thể dục. Tôi sẽ mời thêm Yong Pung How và Eddie Barker, cũng là người được nhận học bổng Nữ hoàng từ Đại học Raffles và đang học luật. Đôi khi, toàn bộ khẩu phần thịt cả tuần của tôi biến thành món cà–ri, hoặc Choo sẽ làm món kway teow chiên tuyệt vời, dùng thịt gà thay cho thịt heo, và ớt Hungari thay cho ớt bột.
    ♥︎ Chúng tôi thi đợt cuối cùng vào tháng 5/1949, và khi kết quả được cống bố vào tháng 6, tôi thật hài lòng. Tôi đậu đầu và đạt được ngôi sao duy nhất dành cho tài năng xuất chúng trong danh sách danh dự kỳ thi sinh viên giỏi cấp II. Choo cũng đạt loại I, và chúng tôi đánh điện báo tin vui về cho gia đình. Đó là dấu ấn tốt đẹp cho giai đoạn kế tiếp trong đời tôi. Trước khi một sinh viên có thể nhận bằng của mình, nguyên tắc trường đại học đòi hỏi anh ta “giam mình” ít nhất là chín học kỳ, nói cách khác là anh ta phải lưu trú trong trường hoặc ở trong phòng trọ đã được chấp thuận khoảng tám tuần trong một học kỳ. Choo ở trong trường Cambridge chỉ có sáu học kỳ; còn tôi chỉ có tám. Hẳn người ta đã xét tới những trường hợp miễn trừ đặc biệt vì cả hai chúng tôi đều được phép nhận bằng tốt nghiệp vào giữa mùa hè, ngày 21/6. Nếu không, tôi sẽ phải ở lại Cambridge thêm một học kỳ nữa, và Choo thêm ba học kỳ trước khi chúng tôi được cấp bằng tốt nghiệp.
    ♥︎ Cambridge rất coi trọng việc giữ gìn những truyền thống cổ kính mà nó đã trở thành kỳ lạ hơn theo năm tháng, nhưng những truyền thống ấy đã làm tăng vẻ huyền thoại của chốn này như một trung tâm nghiên cứu lâu đời. Vào ngày Đại hội tất cả đại học, các sinh viên xếp thành hàng dài theo thứ tự bề dày lịch sử của mỗi trường và, do các trợ giảng dẫn đầu, họ bước vào tòa nhà Senate House gần các trường luật. Là giám thị, Billy Thatcher đích thân dẫn tôi và những người khác tiến về phía trước – Fitzwilliam, vốn không thuộc trường đại học, nên ở cuối hàng. Sau đó chúng tôi chụp hình với các vị hiệu trưởng và những sinh viên khác trên bãi cỏ bên ngoài Senate House. Vài giảng viên luật, những người với tư cách là giám sát viên ở Trinity Hall đã dạy tôi và Choo, cũng có mặt ở đó để chung vui với chúng tôi, kể cả Trevor Thomas, Pung How đã ghi lại giây phút đó bằng máy ảnh của mình. Rồi chúng tôi dời sang nhà của Trevor Thomas trong Trinity Hall uống sâm–panh để kỷ niệm dịp đó. Một giảng viên khác, Tiến sĩ T. Ellis Lewis, được gọi thân mật là TEL, người đã dạy cả hai chúng tôi, cùng tham dự. Ông ta là người xứ Wales, với khuôn mặt khôi hài dễ mến, đầu hói chỉ còn lưa thưa mấy sợi trắng, ở hai bên và cặp kính không gọng. Ông nói với Choo và tôi: “Nếu nó là một thằng nhóc, hãy gởi nó cho chúng tôi ở Trinity Hall”. Khi Loong, con đầu của chúng tôi, ra đời năm 1952, tôi đã viết thư cho viên trợ giảng để giữ trước một chỗ cho nó. Nhưng 19 năm sau, Loong quyết định vào Cambridge thay vì Trinity College, mà Isaac Newton đã xác định như một ngôi trường hàng đầu về toán học. Những trợ giảng giỏi ở Trinity đã giúp nó trở thành sinh viên đỗ cao nhất trong môn toán chỉ trong vòng hai năm thay vì ba năm như thường lệ.
  ♥︎ Hình chụp về buổi lễ tốt nghiệp ấy mà tôi trân trọng gìn giữ nhất là bức hình chụp Billy Thatcher đứng giữa tôi và Choo. Tôi đã không làm ông ấy thất vọng, và “cô bạn” của tôi cũng vậy. Ngay trước khi chúng tôi rời Cambridge vào tháng 6/1949, ông mời tôi và Choo dùng cà phê buổi sáng lần cuối cùng. Ông vỗ nhẹ tay Choo, nhìn tôi và nói: “Anh ấy quá thiếu kiên nhẫn. Đừng để anh ấy lâm vào cảnh gấp gáp như thế.” Ông đã hiểu tâm tính tôi khá rõ, nhưng ông cũng biết là tôi có một mục đích nghiêm túc trong cuộc sống và kiên quyết đạt cho bằng được nó.
   ♥︎ Nhận được bằng tốt nghiệp, chúng tôi thực hiện một kỳ nghỉ 10 ngày, lần này chúng tôi du lịch khắp nước Anh và Scotland trên một toa xe lửa. Nhưng chúng tôi chưa hoàn tất việc nghiên cứu ngành luật của mình. Để hành nghề ở Singapore, chỉ một bằng cấp ở đại học Cambridge không thôi là chưa đủ. Chúng tôi phải làm mọi cách để đủ tiêu chuẩn là một cố vấn pháp luật hay một luật sư ở Anh. Vì vậy chúng tôi gia nhập vào Middle Temple, là một trong bốn Cơ sở Pháp đình (Inn of Court) có đặc quyền dạy và sát hạch sinh viên trước khi thu nhận vào Luật sư đoàn. Khi chúng tôi du lịch về, chúng tôi thử sống ở London và thuê ngay một căn phòng không xa chỗ trọ cũ của tôi trên đại lộ Fitzjohn. Nhưng về phần Choo, việc nội trợ và việc học khó có thể dung hòa nhau, nên chúng tôi quyết định bỏ những bài giảng ở Inn of Court và lưu lại ở Tintagel tại Cornwall để tự nghiên cứu và chuẩn bị cho kỳ thi ra nghề luật sư. Chúng tôi đã có vài kỳ nghỉ tại đó, trong một trang trại xưa do bà Mellor cai quản với sự giúp đỡ của ba người con trai. Bà ta cho chúng tôi ăn ngon, và là một người biết điều và tử tế. Chúng tôi chiếm toàn bộ căn nhà trừ mùa hè khi có thêm vài người khách. Chúng tôi đi dạo thật lâu dọc theo những con đường làng và được hưởng những cơn gió Tây Nam ấm áp và ẩm ướt. Việc tiêu khiển duy nhất của chúng tôi là nghe đài BBC bằng chiếc radio Pye tôi mua ở Cambridge. Nó cho chúng tôi nhiều giờ thư giãn và vui vẻ. Để tập thể dục và giải trí, tôi bắt đầu chơi gôn, phần lớn thời gian là chơi một mình, trên một cái sân chín lỗ tại Khách sạn King Arthur’s Castle lúc nào cũng vắng trừ mùa nghỉ lễ. Sân có nhiều gò đồi và lộng gió, và sôi động vì một kẻ ngớ ngẩn như tôi. Nó giúp tôi giữ sức khoẻ. Choo và tôi tốn nhiều thời gian để tìm mấy trái banh gôn bị lạc của tôi, thường thì tìm được những trái khác tốt hơn nhiều. Choo cũng thường đi hái nấm hoang, và bà Mellor sẽ nấu cho chúng tôi. Chúng thật ngon.
    ♥︎ Tháng 5/1950, chúng tôi trở về London chuẩn bị cho kỳ sát hạch vào Luật sư đoàn. Không ai đạt được Loại I. Tôi đạt Loại II và đứng ở vị trí thứ 3. Choo đạt Loại III. Nhưng mọi chuyện đều ổn, Ngày 21/6/1950, đội tóc giả và khoác áo thụng theo đúng nghi thức, cả hai chúng tôi được mời đến phòng khánh tiết của Middle Temple và chính thức được nhận vào Luật sư đoàn. Cuộc sống sắp bước vào giai đoạn mới.
  ♥︎ Sau khi có việc làm, việc kế tiếp của tôi là gặp cha của Choo, ông Kwa Siew Tee. Ông ta cao, mạnh mẽ và là một con người tự lập, tự học nghề kế toán và ngân hàng qua những khóa hàm thụ và đã đạt được vị trí ngày hôm nay trong Oversea–Chinese Banking Corporation bằng chính sức lực của ông, chứ không phải nhờ quen biết hay dùng tiền bạc để được thăng chức. Tôi xin cưới con gái ông và muốn biết khi nào có thể tổ chức lễ cưới. Ông ta lặng cả người. Ông chờ đợi một cuộc viếng thăm theo lễ nghi thông thường của cha mẹ tôi để bàn vụ đó, nhưng đây lại là một tên trai trẻ xấc xược xuất hiện để tự định ngày, lại cho việc chấp thuận là điều dĩ nhiên. Tuy nhiên, ông không bực bội với tôi nhiều như sau đó ông làm với Choo. Chúng tôi đồng ý một lễ đính hôn, rồi sau đó là lễ cưới sẽ tổ chức vào cuối tháng 9. Đọc được lời công bố trên báo, Laycock đề nghị nhận Choo tập sự và cũng trả cho cô 500 đôla một tháng. Tôi báo tin này với Choo và cô lập tức nhận lời. Điều đó thật thuận tiện. Chúng tôi có thể đi làm cùng nhau và được gặp nhau hàng ngày...

    ♥︎Vào ngày 30/9/1950, sau khi cưới nhau một cách bí mật gần ba năm, chúng tôi lại trải qua nghi lễ lần thứ hai tại Văn phòng Hôn nhân nằm trong trụ sở Tòa án Tối cao. Hộ tịch viên, ông Grosse, đến trễ 15 phút. Tôi rất bực bội và cằn nhằn ông ta. Cuộc hẹn đã được xếp đặt trước vậy mà ông ta vẫn bắt chúng tôi chờ. Tối đó cha mẹ chúng tôi tổ chức một bữa tiệc chiêu đãi họ hàng và bạn bè ở khách sạn Raffles. Tom Silcock, giáo sư kinh tế tại trường Đại học Singapore đã từng dạy hai chúng tôi tại Đại học Raffles, đề nghị nâng cốc chúc mừng cô dâu. Ông ta không phải là một diễn giả dí dỏm lôi cuốn, nhưng rất trọng vọng Choo. Sau đó Choo dọn về số 38 đường Oxley. Mẹ tôi sắm sửa một số đồ dùng mới cho chúng tôi, và chúng tôi bắt đầu cuộc sống vợ chồng chính thức của mình. Nhưng Choo gặp khó khăn trong việc thích nghi với đời sống gia đình nhà họ Lee, gồm không chỉ bà nội tôi, ba mẹ, em gái và ba đứa em trai tôi, mà còn vài người bà con từ Indonesia đang ở trọ nhà chúng tôi, phụ thêm thu nhập cho mẹ tôi.
ng-l-quang-diu-v-b-kha-ngc-chi-trong-l-ci-ti-khch-sn-raffles-singapore.jpg

♥︎ Tôi thật may mắn. Choo chẳng bao giờ hoài nghi hay do dự về sự nghiệp tranh đấu của tôi cho dù hậu quả thế nào chăng nữa. Cô ấy nói với tôi rằng cô ấy hoàn toàn tin tưởng vào sự phán đoán của tôi. Cô ấy là nguồn sức mạnh và an ủi lớn lao. Cô ấy có trực giác nhạy bén khi đánh giá người khác. Trong khi tôi quyết định sự việc nghiêng nhiều về phân tích và lý luận, thì cô ấy quyết định sự việc bằng “cảm tính” nhiều hơn và có sở trường kỳ lạ khi cảm nhận ra những cảm xúc thật và thái độ của một người đằng sau những nụ cười và lời nói thân thiện của họ. Cô ấy thường có lý khi nhận xét người nào không đáng tin cẩn, mặc dù cô ấy không hoàn toàn giải thích được lý do tại sao; có lẽ nhờ vào sự diễn cảm trên gương mặt của người đó, cách người đó cười, cái thần trong đôi mắt hoặc điệu bộ của người đó. Cho dù thế nào đi nữa, thật sự tôi cũng đã học được ở cô ấy tính dè dặt trước người khác. Đầu năm 1962, khi tôi thương lượng với Tunku để gia nhập vào Malaysia, cô ấy bày tỏ sự dè dặt liệu chúng tôi có thể làm việc với Tunku, Razak và những lãnh tụ UMNO, MCA được không. Cô ấy nói họ khác với chúng tôi về tâm tính, tính cách cũng như những tập tục mà cô ấy không biết các bộ trưởng PAP có thể cùng làm việc với họ được không. Tôi đáp chúng tôi làm việc với họ đơn giản vì chúng tôi cần họ. Chúng tôi phải có một sự liên kết và một nền tảng rộng lớn hơn để xây dựng đất nước. Cô ấy đã chứng tỏ được mình đúng, trong vòng ba năm cho đến năm 1965, chúng tôi không hợp nhau và họ đã yêu cầu chúng tôi tách khỏi Malaysia.
LyQuangDieu-3

    ♥︎ Khi gặp gỡ với phu nhân của các vị lãnh tụ nước ngoài, qua cách người vợ hành động hoặc nói chuyện với cô ấy, cô ấy cho tôi biết về tính thân thiện của các ông chồng của họ. Tôi không bao giờ căn cứ vào ý kiến của cô ấy để hành động, nhưng tôi không bỏ qua những ý kiến đó. Cô ấy giúp tôi tiết kiệm nhiều thời gian vào những công việc tẻ nhạt, sửa bản nháp các bài diễn văn mà tôi đã đọc cho thư ký viết và sửa các bài mà tôi sẽ phát biểu ở nghị viện và trong các cuộc phỏng vấn. Cô ấy thuộc kho từ vựng của tôi và có thể đoán được những từ tôi đọc mà thư ký tốc ký của tôi không thể viết ra được. Dù gì đi nữa, tôi nêu rõ một điểm là không bàn luận với cô ấy về việc đề ra các chính sách, còn cô ấy thì tỏ ra cực kỳ thận trọng trong việc không đọc những ghi chú hoặc fax nào có tính bảo mật.
LyQuangDieu-lovestory-17

LyQuangDieu-lovestory-11

 ♥︎ Về phần tôi, biết rằng cô ấy là một luật sư và nếu cần có thể tự chăm sóc mình và tự nuôi nấng con cái đã giải phóng tôi khỏi những lo lắng cho tương lai chúng. Bọn trẻ chính là nguồn vui và sự toại nguyện. Cô ấy dạy dỗ chúng nên người lịch sự và có ý thức, không cư xử kiêu căng mặc dù chúng là con của Thủ tướng. Từ nhà chúng tôi ở đại lộ Oxley đến văn phòng cô ấy ở đường Malacca chỉ mất bảy phút lái xe. Cô ấy hiếm khi dự những bữa cơm trưa bàn công việc với khách hàng. Thay vì vậy, cô ấy trở về nhà dùng cơm với con cái và tiếp xúc gần gũi chúng. Choo dùng một cây gậy phạt bọn trẻ lúc chúng ngỗ nghịch không vâng lời. Tôi không phạt đòn chúng; một lời khiển trách nghiêm khắc cũng đủ hiệu quả rồi. Việc tôi có một người cha dữ đòn đã khiến tôi chống lại cách dùng vũ lực.

    Là người, ai rồi cũng sẽ già và chết, kể cả những kẻ từng trông như mình đồng da sắt. Ba tôi - và cả tôi, tuy nhiều lúc bệnh tật - đã sống một cuộc sống mà khi nhìn lại, chúng tôi không hề hối tiếc. Thái độ của ba tôi khi đối diện với những gì còn lại của cuộc đời mình có thể tóm gọn trong những dòng dưới đây của Robert Frost trong bài thơ “Stopping by Woods On A Snowy Evening” 
"Dừng chân bên rừng chiều tuyết phủ):

Rừng thăm thẳm ngăn bước chân người biệt ly,

Nhưng vì hẹn ước nên đành rời chân đi

Dặm trường quan san lữ khách không ngơi nghỉ

Bao cung đường dài trước lúc thiếp đi."
LyQuangDieu-lovestory-23