Freakonomics tuần này có đưa lại một chủ đề cũ, là chuyện làm cách nào để giảm tỷ lệ người phạm tội, rơi vào vòng lao lý trong xã hội, tại sao xã hội Mỹ vài chục năm trước tỷ lệ tội phạm rất cao mà bây giờ thấp kỷ lục. Người ta có đưa ra một số giả thuyết có thể lý giải được điều này, như làm luật nghiêm minh hơn, do kinh tế phát triển hơn, luật sử dụng súng nghiêm ngặt hơn?
Vậy thì tại sao tỷ lệ tội phạm ở Mỹ giảm đi? - Ảnh Jagendorf
Kết quả là không có điều gì trong số những giả thuyết trển giải thích được sự phát triển kỳ diệu này. Sau này các giáo sư về kinh tế học đào sâu số liệu và nhận ra có một thay đổi lớn trong từng bang là khi bang đó cho phụ nữ được quyền nạo phá thai. Vì các bang cho phép nạo phá thai ở các thời điểm khác nhau cho nên người ta thấy con số tội phạm ở các bang đó cũng giảm theo những thời điểm khác nhau về sau này sau đúng trình tự như vậy. Điều này cho thấy đúng là việc cho phép nạo phá thai dẫn đến kết quả là tội phạm giảm.
Chúng ta hãy khoan hãy tìm cách lý giải tại sao cho nạo thai thì làm cho tội phạm giảm. Chúng ta hãy khoan nghĩ là nạo phá thai tốt hay xấu đúng hay sai. Mình nghĩ điều kỳ diệu ở đây là con số cho thấy một nguyên nhân trời ơi đất hỡi mà rất ít người nghĩ ra trực tiếp được. Mình nghĩ kết quả đó rất đặc biệt và rất đáng suy nghĩ, vì bấy lâu nay nhiều người trong số chúng ta (và đặc biệt là người Việt) ít có thói quen tư duy bằng bằng chứng và con số, mà thường đi tư duy theo kiểu bổ củi. Cứ làm tội thì phạt thật nặng, đánh thật đau cho chừa, cứ tội phạm thì phải gông cổ đóng dấu vào mặt để cho nó chừa, có vấn đề gì của xã hội thì cứ cái nguyên nhân ta nghĩ là do cái gì thì nện cái đấy. Lấy ví dụ như việc thi cử: Nếu đi thi có gian lận thì bắt thằng mang tài liệu vào phòng thi. Đến đoạn tài liệu xong rồi, thì nó gian lận bằng cách lộ đề thi - tiếp tục đi làm đề cho thật kín, bắt toàn bộ trẻ con đi thi một ngày, và tráo đề thi. Tiếp đến nó gian lận bằng cách sửa điểm thì ta lại đi làm sao cho thằng sửa điểm không sửa điểm được nữa. Tiếp đến nó không gian lận được bằng cách sửa điểm thì nó sẽ... (xem năm 2020 sẽ rõ), và ta lại (xem năm 2020 sẽ rõ). Khi xử lý một vấn đề xã hội mà đi bổ củi như vậy, thì một đề xuất xem ra là đánh trực tiếp vào vấn đề thực ra là rất luẩn quẩn, chiên môn người ta gọi là lang bạt kỳ hồ.
Nhiều vấn đề như mê tín dị đoan, bị bệnh không đi chữa theo bác sĩ mà đi thầy cúng,... đều là do những việc xử lý bổ củi đó mà ra. Người ta "nhìn thấy" đi cúng thì có người khỏi bệnh, nên lần sau khi bị bệnh cứ thầy cúng đó mà cúng. Đúng là có người bị bệnh cúng thì thấy đỡ hơn, nhưng bao nhiêu người bị bệnh mà cúng sẽ đỡ hơn? Não bộ và sự hiểu biết hạn hẹp của một cá nhân không đủ để hiểu được những việc phức tạp như vậy, cho nên dẫn đến việc người ta giải thích hiện tượng bằng lý do đầu tiên họ nghĩ ra trong đầu. 
Nếu chỉ tư duy bằng những gì mắt thấy và đầu nghĩ thì ta không hơn người trung cổ là bao nhiêu.
Vấn đề ở đây là phải chấp nhận trực giác của ta, tức là tư duy theo kiểu bổ củi có thể sai, và thật sự rất có thể sai. Điểm dở là khi có nhiều người làm chính sách, làm truyền thông mà sợ con số, chỉ biết ra chính sách, viết báo theo kiểu bổ củi thì tư duy con người đọc và nghe những chính sách sẽ bị thoái hoá, dư luận sẽ có những cái nhìn rất sơ sài về vấn đề đang diễn ra. Kết quả là họ bầu ra (nếu được bầu) những người đưa ra những cách giải quyết ngắn hạn, cắt tỉa ở ngọn cho một vấn đề cần giải quyết tận gốc. Đó không chỉ là tình trạng ở Việt Nam, mà còn ở Mỹ, va rất rất nhiều nơi khác trên thế giới. Khi đi cãi nhau bằng cái diễn ra ở trong đầu thì rất dễ choảng nhau vì những thứ chính cá nhân mình cũng không hiểu. Mình nghĩ vấn đề ở đây chính là việc mỗi người đừng tìm đến lý do đầu tiên trong đầu nghĩ ra mà phải tự tìm cho mình cách để giải thích mọi vấn đề có dẫn chứng và con số và con số lớn, chứ không dẫn ra ví dụ đơn lẻ, kiểu tôi nghe thầy cúng, tôi đọc sách báo thấy thế, tôi nghe trên facebook có người chia sẻ tin đấy. Bất kể phương tiện truyền thông là cái gì, thì đó cũng chỉ là một phương pháp bổ củi bằng tai, bằng mẩu giấy, hay bằng cái iPhone.
Mình không viết bài này để ủng hộ hay phản đối việc nạo phá thai. Mình nghĩ đây là một vấn đề phức tạp, và có nhiều phần về đạo đức hơn là về hệ quả xã hội của nó. Mình viết bài này chỉ hy vọng những ai đang cảm thấy xã hội mình đang số có nhiều vấn đề nhức nhối thì nên rèn luyện cho mình tính cẩn thận khi tìm hiểu giải thích vấn đề, không nên nghe cái nghe có vẻ có lý, và các ví dụ đơn lẻ (mặc dù nghe rất bức xúc). Vì cái có vẻ có lý ấy rất có thể không phải là sự thật. Muốn tìm hiểu những việc đó, thì thay vì bực tức thất vọng và mong đánh chết bà cái thằng làm sai đi, phải biết dùng các công cụ để phân tích, phải tìm các nguồn tài liệu để xem xét, phải biết dùng ngoại ngữ để học hỏi những gì người khác đã làm ra, phải có kiến thức về số học, khoa học, tính toán thống kê để kết luận. Mỗi việc trong số đó đó đều không dễ, nhưng để làm được người có hiểu biết mà không nói khơi khơi, mình nghĩ điều đó đặc biệt quan trọng. Khi mỗi người hiểu mỗi việc đó không dễ nhưng vẫn cố gắng làm, thì mình nghĩ đó đã là một nền tảng rất tốt cho một xã hội tốt đẹp hơn.
Cá nhân mình nhận ra rằng thay đổi lớn nhất và quan trọng nhất luôn bắt đầu từ bản thân mình. Mình nghĩ không nên hy vọng những chính trị gia, những nhà báo, những người đi viết blog hay facebook sẽ hiểu vấn đề, sẽ làm cho cuộc sống của mình tốt đẹp hơn nếu chính mình cũng là người lười nhác không chịu hiểu và không làm gì cả cho bản thân. Mình bây giờ bận vẫn phải lấy tiếng Trung ra học, mặc dù có lẽ nếu không biết tiếng Trung chắc mình lái ta-xi cũng đủ ăn. Bà Marie Curie có nói một câu mình luôn ghi nhớ: "Không có gì trong cuộc sống là thật sự đáng sợ cả, ta chỉ sợ cái ta chưa hiểu. Bây giờ là lúc cần tìm hiểu nhiều việc hơn, để ta bớt sợ đi." Mình nghĩ đúng là để mỗi người chúng ta bớt sợ hãi đi, bớt bực tức đi, bớt bối rối đi, thì phải đọc, phải làm, phải kêu ca đổ lỗi ít đi và hiểu nhiều hơn.