Q: Làm sao tôi có thể trở nên vĩ đại như Bill Gates, Steve Jobs, Elon Musk hay Sir Richard Branson?
Michael Simmons
Người dịch: Vũ Cường - Group QRVN
DISCLAIMER: Bài này mình thấy bạn Vũ Cường đăng trong group QRVN trên FB hay quá nên muốn đăng lại cho mọi người cùng xem, tất cả công lao đều là của bạn ấy, mình chỉ là người trung gian chia sẻ kiến thức ra cho mọi người, không nhận bất kỳ thể loại fame nào.
Cảm ơn.
L: 2300 word
==============
Hấp dẫn phết đấy.
Rất nhiều người đã nghiên cứu vấn đề này rồi.
Đa phần bọn họ đều tập trung vào những đặc điểm riêng lẻ như chăm chỉ, sự chủ động trong công việc, vv... Nhưng khi đối chiếu lại với thế giới ngoài kia thì, chúng ta có thể thấy rằng đặc điểm đó chưa phải là toàn bộ câu chuyện đâu. Có rất nhiều người cũng làm việc vất vả lắm đấy, họ nảy ra được những ý tưởng tuyệt vời, lập ra những kế hoạch thật lớn lao và còn hơn thế nữa, vậy mà thành công của họ chẳng là gì so với bốn huyền thoại này.
Bản thân tôi cũng là một doanh nhân này. Từ hồi 16 tuổi cơ. Dẫu vậy, gần đây tôi cũng có thắc mắc tương tự với bạn vậy.
Và vì thế, tôi đã đi tìm câu trả lời.
Từ những cuộc phỏng vấn tôi thực hiện để đăng lên Forbes gần đây, tôi đã tìm hiểu về ngành khoa học mạng (network science). Ngành này sẽ nghiên cứu từ nhiều góc độ hoàn toàn khác nhau xem làm cách nào người ta có thể thành công. Họ phát hiện ra rằng cách chúng ta tạo dựng các mối quan hệ của mình có thể là dấu hiệu rõ ràng nhất của sự thành công.
Từ lúc đó, tôi đã phỏng vấn những nhà khoa học mạng hàng đầu thế giới nhằm thấu hiểu cách mà những mối quan hệ có thể tạo ra được những lợi thế cạnh tranh trong công việc và sự nghiệp.
Trong số bốn huyền thoại được nhắc tên, tôi thấy rằng người thích hợp nhất để minh họa về cách ảnh hưởng của mối quan hệ đối với sự thành công chính là Steve Jobs.
Steve Jobs mất cũng được bốn năm rồi đấy (TN: OP trả lời năm 2015).
Kể từ thời điểm đấy, người ta đã viết ra nhiều cuốn sách, làm ra nhiều bộ phim.
Từng tác phẩm đều tôn vinh những di sản của ông, đồng thời cố gắng vạch ra được những bí mật mà ông đã dùng để tạo ra công ty lớn nhất thế giới, ví dụ như chuyện để tâm tới chi tiết nhỏ, thu hút những nhân tài với đẳng cấp thế giới và luôn bắt họ làm việc theo những tiêu chuẩn cao nhất.
Ta nghĩ là mình hiểu được điều gì đã tạo nên thành công của ông.
Không hề nhé.
Ta làm ngơ đi những nguyên tắc có thể áp dụng được của thành công bằng cách coi ấy là cá tính.
Người ta thường bỏ qua sự tương tác giữa hai nét có vẻ đối lập nơi ông;
1. Sự tập trung khủng khiếp
2. Trí tò mò tới mức điên cuồng
Ấy không phải hai ưu điểm thuần túy đâu nhé. Quan trọng nhất luôn đấy bởi lẽ chúng góp phần tạo ra mọi thứ khác.
Trí tò mò của Jobs thúc đẩy đam mê của ông đồng thời giúp ông đạt được những tri thức, những kỹ năng, giá trị độc nhất đồng thời gặp gỡ được những con người tài giỏi góp phần hoàn thiện bộ kỹ năng của ông. Bên cạnh đó, sự chú tâm của ông lại tập hợp tất cả những điều đó lại để cạnh tranh trong thế giới thiết bị điện tử cá nhân.
Tôi không nói điều này với tư cách một ai đó đã đọc hết mọi bài viết, bài phỏng vấn hay những cuốn sách viết về ông đâu.
Tôi đơn thuần là người đã đơn phương nghiên cứu, tìm tòi xem những phẩm chất cốt lõi tạo nên sự nghiệp thành công ấy là gì mà thôi.
Trong suốt quá trình nghiên cứu của mình, tôi đã có thể xác định được bí mật mà những doanh nhân thành công vẫn giấu kín. Chỉ có MỘT thứ tạo nên thành công cực lớn mà thôi...
=================
Vào tháng mười hai, 2013, tôi đã phỏng vấn một trong những nhà khoa học mạng hàng đầu thế giới, Ron Burt. Trong suốt buổi nói chuyện, ông đã chia sẻ một biểu đồ thay đổi hoàn toàn cách nhìn nhận của tôi về thành công. Nói ngắn gọn thì đây nè:


Kết luận ư?
Theo nhiều nghiên cứu bình duyệt, chỉ cần nằm trong một mạng mở (open network) thay vì một mạng đóng (closed network) thì đó đã là dấu hiệu rõ ràng nhất của thành công trong sự nghiệp rồi.
Trong biểu đồ này, phần bên phải chỉ một mạng đóng. Càng tiến về phía này bạn sẽ chỉ nghe được những ý tưởng giống nhau, từ đó cũng cố niềm tin của bạn từ trước đấy thôi. Ngược lại, càng tiến về phía bên trái, bạn sẽ dễ tiếp xúc hơn với ý tưởng mới. Những người ở bên trái thành công hơn nhiều so với nhóm bên phải.
Trên thực tế, nghiên cứu đã chỉ ra rằng một nửa trong số những khác biệt liên quan tới thành công trong sự nghiệp (vd: đề bạt, đãi ngộ, tiếng tăm trong ngành) là do yếu tố này đấy.
Bạn còn nhớ khoảnh khắc mình nghe được điều gì đó thú vị tới mức bạn muốn biết thêm thật nhiều, song điều đấy cũng thật điên khùng tới mức nó bắt bạn phải từ bỏ một số niềm tin của mình trước đó không?
Ấy là một trong những khoảnh khắc như thế với tôi đấy. Trong mọi cuốn sách self-help, về sự nghiệp, doanh nghiệp hay Steve Jobs tôi đọc được, tôi chưa từng bắt gặp ý tưởng này.
Tôi tự hỏi, “Làm thế quái nào mà cấu trúc của một mạng lưới có thể trở thành dấu hiệu lớn ám chỉ thành công trong sự nghiệp cơ chứ?”
Mạng Đóng Ảnh Hưởng Tới Sự Nghiệp Của Bạn Ra Sao
Để hiểu về sức mạnh của mạng mở, quan trọng là cần phải thấu hiểu thứ đối nghịch với nó.
Phần lớn mọi người dành sự nghiệp trong những mạng đóng, bao gồm những con người đã quen biết nhau từ trước rồi. Những người làm trong cùng một ngành, cùng tôn giáo, cùng đảng chính trị. Trong một mạng đóng, bạn sẽ dễ hoàn thành công việc hơn bởi lẽ niềm tin đã được tạo dựng, và bạn hiểu được hết những ám chỉ, những quy tắc ngầm trong đó. Thật thoải mái bởi lẽ cả nhóm đó luôn nhìn nhận thế giới theo đúng với cách của bạn.
Để hiểu được tại sao mọi người lại dành phần lớn thời gian trong những mạng đóng như vậy, hãy xem xem chuyện gì sẽ xảy ra khi tập hợp một nhóm người lạ mặt lại với nhau:

David Rock, nhà sáng lập Neuroleadership Institute, tổ chức hàng đầu trong việc giúp đỡ những lãnh đạo thông qua những nghiên cứu về khoa học thần kinh, đã giải thích rất rõ quá trình này:
Chúng ta đã luôn tiến hóa để phân chia mọi người thành những người cùng nhóm (ingroup) và khác nhóm (outgroup). Ta coi phần lớn mọi người là người khác nhóm và chỉ một vài người là cùng nhóm mà thôi. Điều này sẽ quyết định xem chúng ta có quan tâm tới nhau hay không. Ta sẽ hỗ trợ hay chống đối họ. Quá trình này là một sản phẩm của lịch sử tiến hóa mà trong đó chúng ta đã luôn sinh sống theo những nhóm nhỏ và không nên tin cậy những người lạ lẫm.
Khi hiểu được quá trình này rồi, ta có thể hiểu tại sao thế giới lại như vậy. Ta cũng hiểu được tại sao đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa không thể thông qua những đạo luật có lợi ích cho xã hội. Và tại sao trong suốt lịch sử các tôn giáo lại có thể xảy ra chiến tranh với nhau.
Ta cũng hiểu được về bong bóng, các đợt khủng hoảng và cả những thứ mốt nữa.
Sức Mạnh Cùng Nỗi Đau Đáng Ngạc Nhiên Của Mạng Mở
Những con người trong mạng mở sở hữu được các cơ hội cũng như thách thức độc nhất của họ. Họ thuộc về nhiều nhóm khác nhau, do đó họ cũng có được những mối quan hệ, kinh nghiệm và kiến thức độc nhất mà những người khác trong nhóm của mình không có.
Thực sự là thách thức lớn đó và nó có thể khiến bạn cảm giác như một kẻ ngoài cuộc vì bị hiểu nhầm và bị coi thường bởi lẽ người khác không hiểu được cách tư duy của bạn. Mọi chuyện cũng khó khăn hơn khi bạn phải hợp nhất những quan điểm đối lập về thế giới thành một.
Trong bộ phim ưa thích của tôi, The Matrix, nhân vật chính, Neo, đã được tận mắt chứng kiến một thế giới hoàn toàn mới. Và khi đã hiểu được, anh chẳng thể nào quay đầu lại. Anh là kẻ ngoài cuộc trong một nhóm mới mẻ và đồng thời cũng là kẻ ngoài cuộc trong cuộc đời trước đó của mình. Trải nghiệm đó có lẽ mọi người mà anh từng gặp đều chẳng thể nào hiểu nổi. Hiện tượng này cũng xảy ra khi ta gia nhập vào một thế giới mới mẻ.
Mặt khác, mạng mở cũng là cơ hội cực lớn theo nhiều nghĩa:
- Có được cái nhìn chuẩn xác về thế giới. Có khả năng thu thập những thông tin từ nhiều nguồn khác nhau để từ đó sai số sẽ tự triệt tiêu. Một nghiên cứu của Philip Tetlock chỉ ra rằng người nào thuộc mạng mở có khả năng dự báo tốt hơn những người chỉ thuộc mạng đóng.
- Khả năng kiểm soát xem lúc nào có thể chia sẻ thông tin. Có thể họ không phải người đầu tiên biết tin song họ vẫn có thể là người đầu tiên chia sẻ thông tin đó với một nhóm khác. Từ đó, họ vẫn có được lợi thế người đi đầu.
· Khả năng trở thành người phiên dịch / kết nối giữa các nhóm với nhau. Trở thành người trung gian giúp kết nối hai người / hai tổ chức (những đơn vị không gặp nhau theo cách thông thường).
- Nhiều ý tưởng đột phá. Brian Uzzi, Giáo sư về Lãnh đạo và Thay đổi trong tổ chức tại Trường quản trị Kellogg, đã thực hiện một nghiên cứu đột phá, trong đó ông đã đào sâu nghiên cứu hàng chục triệu nghiên cứu học thuật trong suốt lịch sử. Ông so sánh kết quả của các nghiên cứu này bằng số lượng các trích dẫn (từ các bài báo nghiên cứu khác) mà chúng nhận được và các bài báo mà chúng nhắc đến. Và một kết quả hấp dẫn đã xuất hiện. Trong phần tham khảo của những nghiên cứu hàng đầu có 90% tham khảo thuộc cùng ngành và chỉ 10% là ở ngành khác. Kết quả này đã đứng vững theo thời gian và các ngành khác nhau. Những người thuộc mạng mở dễ có khả năng tạo ra được các kết quả đột phá hơn.
Vì muốn thỏa mãn được trí tò mò trong nhiều ngành khác nhau trong suốt cuộc đời mình, Steve Jobs đã tạo ra được thế giới quan, bộ kỹ năng và mạng lưới cực kỳ độc đáo; không ai trong ngành máy tính có được điều này. Ông đã biến những lợi thế ấy thành công ty lớn nhất thế giới thông qua sự tập trung siêu cao độ của mình. Trong Apple, ông đã loại hết những con người, những sản phẩm và hệ thống không thuộc hàng bậc nhất thế giới.

Rất nhanh chóng, nhiều người sẽ coi một phần cuộc đời Jobs là những năm tháng ‘lầm lạc’ hay ‘lông bông’. Tuy nhiên, khi nhìn lại cuộc đời ông, chúng ta thấy rằng sự lầm lạc ấy rất quan trọng trong thành công của ông.
Thứ được coi là phép màu của riêng Steve Jobs - cá tính của riêng ông - trở thành những nguyên tắc mà tất cả chúng ta đều có thể học hỏi.
Chính lúc này ta bắt đầu hiểu được một câu nói của Jobs trong cuộc phỏng vấn năm 1995 của ông với Wired:
Sáng tạo đơn thuần là kết nối mọi thứ lại với nhau thôi. Khi hỏi một người sáng tạo xem làm cách nào họ có thể thực hiện được điều gì đó, họ sẽ cảm thấy hơi tội lỗi, bởi lẽ họ không thực sự làm vậy, họ chỉ nhìn thấy một liên hệ nào đó mà thôi.
Sau một hồi, có lẽ mọi thứ mới rõ ràng hơn với họ. Ấy là vì họ có khả năng kết nối những trải nghiệm trước đó của mình, từ đấy tạo ra được những thứ mới mẻ. Và họ có thể làm vậy bởi họ đã có nhiều trải nghiệm hơn hoặc họ đã suy nghĩ nhiều về những trải nghiệm của mình hơn là những người khác.
Thật không may, ấy là một thứ quá hiếm hoi. Nhiều người trong ngành này còn chẳng có được một trải nghiệm đa dạng nữa kia.
Họ không có đủ dữ liệu để kết nối, và rồi cuối cùng họ đi đến những giải pháp tuyến tính và chẳng thể có được một cái nhìn tổng quát về vấn đề. Hiểu biết của một con người về nhân loại càng rộng, họ sẽ càng đưa ra được thiết kế chuẩn mực hơn.
Hãy cứ đói khát. Hãy cứ dại khờ.
Trong suốt lịch sử loài người, các xã hội bao gồm xã hội của chúng ta đã tạo ra những câu chuyện nửa hư nửa thực trong đó chia sẻ một yếu tố chung, ấy là hành trình của người hùng.
Đây là hành trình đó theo lời của Joseph Campbell, người tạo ra thuật ngữ ấy…
Mọi thứ sẽ tiến triển thật tốt. Bạn cảm thấy rất bình thường, rất đúng với vị trí hiện tại. Và rồi điều gì đó xảy đến và bạn thay đổi. Bạn sẽ cảm thấy rằng mình là người ngoài với môi trường ấy. Bạn sẽ che giấu một phần con người mình để có thể hòa hợp, nhưng hình như chẳng có tác dụng gì lắm. Bạn cảm thấy rằng mình phải ra đi và hoàn thiện con người mình, nhưng mọi thứ lại thật mơ hồ. Vì thế, lúc đầu bạn sẽ hơi lưỡng lự.
Cuối cùng, bạn sẽ liều mình một lần. Bạn sẽ trải qua nhiều khó khăn trong lúc cố gắng định hình ra thế giới mới. Cuối cùng, bạn hoàn thành được mọi thử thách. Và rồi, bạn quay trở lại môi trường xưa và trở thành người có ảnh hưởng lớn nhờ chia sẻ những thông tin mà mình biết được.
Những đồn đoán về hành trình của người hùng ấy được đưa vào mọi thứ từ những bộ phim kinh điển (Star Wars chẳng hạn) cho tới những người hùng ta vẫn ca ngợi (Steve Jobs đó), bởi nó đánh trúng vào một phần quan trọng trong ký ức mỗi người.
Khoa học mạng đã cho chúng ta thấy hai điều.
1. Hành trình của người hùng là bản thiết kế tạo ra thành công sự nghiệp.
2. Chúng ta đều có thể trở thành người hùng mà.
Chỉ cần một chút niềm tin khi nghe theo niềm tin cũng như sự tò mò của bản thân để bước vào thế giới của những điều bất định mà thôi. Như Jobs từng nói đó,
Bạn chẳng thể kết nối mọi thứ khi nhìn về phía trước đâu, bạn chỉ làm được khi nhìn lại mà thôi. Vì vậy, bạn phải tin rằng bằng cách nào đó mọi thứ sẽ kết nối trong tương lai của bạn.
Cảm ơn các bạn đã xem.