"Trứng rán cần mỡ
Bắp cần bơ
Yêu không cần cớ
Cần anh cơ". 
"Đố ai định nghĩa được chữ yêu
Có khó gì đâu một buổi chiều
Gặp cô em gái xinh xinh ấy
Rồi thương rồi nhớ gọi là yêu" .
Ảnh: Moonlovers
Có thật là ta yêu một người chẳng vì nguyên cớ gì? Có thật vì duyên số đưa đẩy khiến ta và họ rơi vào lưới tình? Thế giới này có mấy tỉ người, vậy mà ta lại chỉ "chấm" đúng anh đó/cô đó mà thôi. Xã hội học cho rằng đàn ông bị thu hút bởi những người phụ nữ trẻ đẹp (khuôn mặt cân đối, hông rộng, nét trẻ trung, v.v.) và phụ nữ bị thu hút bởi những người đàn ông có tiền, địa vị và vẻ ngoài nam tính (vai rộng, hàm khỏe, giọng nói trầm). Bạn có bao giờ tự hỏi, tại sao nhất định là người đó? Tại sao bạn yêu người đó mà không phải một ai khác? Cùng tìm hiểu xem tâm lý học giải thích như thế nào về nguyên do chúng ta yêu một người. 
Các lý thuyết tâm lý thường tập trung vào ảnh hưởng của thời thơ ấu đối với việc ta lựa chọn người ta yêu. Mặt khác, các lý thuyết thiên về quy trình tập trung vào việc lọc những người mà ta thấy họ có tiềm năng và rồi theo thời gian, với những tiêu chí lựa chọn nhất định, trong bước tiếp theo, ta chọn một người phù hợp nhất.
Các nhà khoa học nhận dạng tình yêu chia ra làm hai loại:
1. Nhận dạng từ bản thân chúng ta (nhận dạng ái kỷ): Bạn yêu một người vì người đó có nhiều điểm giống bạn, hoặc là bạn đã từng có suy nghĩ, thái độ, cách sống giống với người đó trong quá khứ. Tôi cho rằng đây là một tình yêu gắn kết bởi sự đồng cảm, thấu hiểu vô cùng sâu sắc. 
Anh cùng công ty với bạn tôi chứng kiến quá trình làm việc đầy gian nan, vất vả của bạn ấy ở giai đoạn mới vào làm, chưa thích nghi được với áp lực ở môi trường mới. Bạn kể rằng anh nói anh có cảm tình với bạn bởi vì ở bạn, anh nhìn thấy hình ảnh của anh mấy năm về trước: cũng chật vật chân ướt chân ráo mới vào nghề, làm sai thì bị mắng liên tục... Thế là, anh yêu từ lúc nào không hay. 
Hoặc có thể người ấy có một đặc điểm gì đó mà bạn luôn khao khát nhưng bạn lại không có được. Ví dụ như tôi vốn là một đứa thuần "dân Xã hội". Xưa, bố tôi dạy bồi dưỡng đội tuyển Toán nhưng tôi lại chẳng giỏi Toán, ngẫm lại thấy có lỗi với bố dễ sợ..hic... Dở Toán, cũng chẳng mê Toán nhưng tôi rất chăm "học ké", cốt là để tia mấy anh trong đội tuyển (thấy có lỗi với bố x2...hic). Bản tính mơ mộng thơ văn lai láng nhưng trước giờ tôi lại chỉ toàn crush ngay các anh là "dân Tự nhiên". Cũng từng có người nói thích tôi vì tôi hay đàn ca hát múa trong khi anh rất mê nhưng lại không có khiếu văn nghệ văn gừng gì. Vậy đó, ví dụ bạn ao ước vẽ đẹp, bạn sẽ rất mê người khéo tay vẽ đẹp; ví dụ bạn không giỏi thể thao hoặc ngại vận động, bạn sẽ rất ngưỡng mộ những người năng động, thích tập luyện thể dục thể thao thường xuyên.

Đọc thêm:

2.  Nhận dạng kết nối (gắn kết): Bạn yêu người đó vì họ cho bạn có được cảm giác thân thuộc, họ gợi nhắc bạn về những người mà bạn yêu mến. Đây giống như cảm giác mà bạn có được với bố mẹ bạn vậy. Cho nên người ta mới nói, con trai sẽ thường yêu một người mà họ cảm thấy giống mẹ họ. Điều này cũng tương tự đối với con gái. Người ta cũng cho rằng nếu thời thơ ấu đứa trẻ càng gắn bó, yêu thương cha mẹ thì khi lớn lên, người yêu có nét giống cha mẹ sẽ càng thu hút họ. Các nhà khoa học cũng cho biết nét giống nhau này không phải là hoàn toàn giống mà chỉ giống ở một mức độ nào đó.
Hồi tôi học lớp 12, có cậu nhóc lớp 11 tỏ tình. Tôi từng hỏi sao lại là chị? Bởi tôi thấy chúng tôi chẳng có điểm chung và tôi cũng đoán mình không phải mẫu người con gái mà cậu thích. Thế là cậu cười hiền, nói rằng cách chị nói chuyện làm em thấy thân thuộc lắm, vì chị giống với thím em? Ủa..... ??? Ủa ủa..??? Ra là thím (vợ của chú cậu) là người mà cậu rất quý từ khi còn bé. Thím tâm lý và chiều chuộng cậu như thể con ruột. Những khi bị bố mẹ mắng thì nhóc lại chạy đi khóc với thím. Đến giờ lâu quá rồi không gặp lại, tôi quên mất hỏi cậu một câu "thế cuối cùng là thím trẻ như chị hay chị già như thím?". 
Trong tiểu thuyết David Copperfield của Charles Dickens, Dora - người vợ đầu của David mang rất nhiều đặc điểm giống với mẹ của anh. Mẹ anh từng được gọi là "wax doll", bà mỏng manh, xinh xắn, ngây thơ và được miêu tả như là một người phụ nữ "không có năng lực" để trở thành một người mẹ, người vợ. Bà cũng lệ thuộc người chồng sau, yếu đuối và không bảo vệ được con trai của mình. Dora và mẹ của David có rất nhiều điểm chung, từ ngoại hình đến tính cách. David yêu quý gọi vợ mình là "child-wife", anh yêu Dora cũng bởi dáng vẻ yếu ớt mỏng manh, tính cách hồn nhiên, ngây thơ. Và Dora, cũng được biết đến như là người phụ nữ không giỏi các công việc quán xuyến gia đình. 
Nếu chúng ta chia hai cách tiếp cận này hơn nữa, có nhiều yếu tố sinh học, xã hội, tâm lý và văn hóa khác nhau ảnh hưởng đến lựa chọn người yêu. 

Đọc thêm:

Ảnh: Moonlovers

Bạn yêu người đó vì hình ảnh người yêu lý tưởng

Bạn yêu người này vì họ có quá nhiều đặc điểm giống với những gì mà bạn hình dung và xây đắp nên hình tượng về một người yêu lý tưởng.  Tuy nhiên, hãy cảnh giác với kiểu tình yêu này. Bởi lẽ, bạn cần tự hỏi bản thân xem bạn có đang yêu con người thực sự của họ? Hay bạn chỉ yêu những ý tưởng của bạn về người đó. Và nếu thực tại hiện ra, họ không giống với những gì bạn mong đợi, khi khoảng cách giữa người yêu thực và người yêu trong ảo tưởng xuất hiện, bạn sẽ vô cùng đau khổ. Khoảng cách càng lớn, nỗi đau càng nhiều. Hãy tỉnh táo để lựa chọn sáng suốt.
Maybe you can’t choose with whom you fall in love, but you can definitely choose with whom you ought to stay.  (Có thể bạn không thể chọn người bạn yêu, nhưng bạn luôn có quyền đưa ra quyết định sẽ ở lại với họ hay là ra đi). 

Bạn yêu người đó vì họ có nhiều điểm đối lập với bạn

Đôi khi chúng ta có xu hướng yêu một người không hề giống ta. Bạn sẽ bị thu hút hoàn toàn bởi họ. Yêu họ khiến bạn tò mò, mong muốn được khám phá nhiều hơn về con người họ. Họ lấp đầy mọi khoảng trống bên trong bạn và cho bạn tất cả những cảm xúc mà bạn cần. Đối phương sẽ luôn là một quyển sách đầy thú vị với biết bao điều mới lạ, cuốn hút mà bạn luôn khao khát chiếm lĩnh và nắm bắt. Sự khác biệt này lý giải cho việc những người thích thống lĩnh lại yêu người thích phục tùng. Người chăm sóc tìm thấy mảnh ghép là người thích được nhận sự chăm sóc. 

Bạn yêu người đó vì họ có hoàn cảnh sống, tầng lớp giống bạn

Nghiên cứu cho thấy các cặp vợ chồng có nhiều điểm chung bày tỏ sự hài lòng cao hơn và mối quan hệ của họ cũng kéo dài lâu hơn. Họ có tỷ lệ ly hôn thấp hơn so với các cặp đôi có nhiều điểm khác biệt. Có thể các mặt đối lập sẽ thu hút, nhưng sự tương đồng sẽ giữ chúng ta ở lại với nhau. Điểm chung này được thể hiện ở tuổi tác, sắc tộc, tôn giáo, học thức, các giá trị sống,...  Sự giống nhau này ta rất dễ tìm thấy trong văn học dân gian. Ông bà ta vẫn thường nói: "Môn đăng hộ đối", "Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã"; "Nồi nào úp vung nấy".... 

Bạn yêu người đó vì họ đem lại giá trị có thể trao đổi, phù hợp với mục đích của bạn

Tức là ở đây, ta sẽ tìm kiếm một người yêu mà ta có được sự đầu tư vào họ nhưng ít lỗ nhất. Tình yêu sẽ như là một hành động xã hội, có định hướng và có mục đích. Nghĩa là với bạn, việc yêu người đó phải có lợi cho bạn, bạn có định hướng và mục tiêu vào người đó. Yêu họ đối với bạn như một cuộc giao dịch vậy, bạn tìm kiếm ở họ những lợi ích tốt nhất và giảm thiểu rủi ro cho bạn. Bạn yêu họ vì sự ổn định, vì lợi ích, vì địa vị xã hội của họ có thể nâng đỡ và đem lại cảm giác an toàn cho bạn... Bạn tôi yêu một người đàn ông lớn hơn bạn 20 tuổi. Họ đã cưới nhau và giờ sống hạnh phúc cùng một thiên thần 2 tuổi xinh xắn. Trước đây bạn tâm sự với chúng tôi rằng, anh ấy là người duy nhất đem lại cho bạn cảm giác yên tâm về một mái ấm, sự vững chãi và tin tưởng ở mức độ tuyệt đối. Bạn khi ấy là một cô bé mới ra trường, còn đầy mơ mộng và hoài bão nhưng nhút nhát và thiếu kinh nghiệm cuộc sống. Bạn chọn lấy chồng ngay sau khi tốt nghiệp, khi chúng tôi đều lắc đầu khuyên can thì bạn rất tin tưởng và kiên định với lựa chọn của mình. Bạn nói rằng tuổi thơ bạn không có được sự bảo đảm về tình yêu và vật chất, vậy nên bạn muốn yêu người đàn ông này - người đảm bảo cho bạn và các con bạn về sau một cuộc sống hạnh phúc về mọi mặt. 
Đôi khi chúng ta nghĩ, mình yêu người đó chẳng bởi vì điều gì cả. Yêu là yêu thế thôi. Tôi cho rằng, việc ta hiểu hơn tại sao lại yêu một người, hoặc lý giải được tại sao họ lại cuốn hút như thế, ta sẽ thấy được tình yêu với người đó có ý nghĩa như thế nào đối với ta. Thông qua việc bạn lựa chọn người yêu, bạn sẽ hiểu hơn về bản thân, về tình yêu của hai người, để từ đó, có thể duy trì và phát triển mối quan hệ lên những bước cao hơn. 
Viết thì nhiều vậy thôi. Chứ tình yêu vốn dĩ là thứ kì lạ nhất trên đời này. Có mấy ai có thể tìm ra được lời giải đáp chính xác nhất cho câu hỏi trong lòng mình: Sao ta lại yêu người này, mà lại chẳng phải là một ai khác? Pascal cũng đã nói: "trái tim có những lý lẽ mà lý trí không thể nào hiểu được" mà. 

Tài liệu tham khảo: https://agileleanlife.com/why-people-fall-in-love/?fbclid=IwAR3IhEpAM0JFs9Uk5WWbC_MZFV91bYaSD6wxsBstlLG9Hr7y9oF33PRhAAs