Cách đọc nhiều thể loại nội dung trên đời mà không bị kích động
Có một câu chuyện kể về 2 ông sư sắp băng qua suối thì gặp một cô gái nhờ cõng cô ta qua giúp. Một trong hai ông lập tức cõng cô ta...
Có một câu chuyện kể về 2 ông sư sắp băng qua suối thì gặp một cô gái nhờ cõng cô ta qua giúp. Một trong hai ông lập tức cõng cô ta băng qua.
Ông sư còn lại nhìn thấy cảnh đó thì rất bối rối. Đi được một quãng lâu thật là lâu, ông ta mới nói:
“Mình tu mà, sao thầy còn ôm gái vậy?”
“Trời, tôi bỏ cô ta xuống cả canh giờ rồi mà thầy vẫn còn vác theo hả?”
…
Hầu hết chúng ta từng trải qua thời học sinh, cái thời mà chúng ta được thụ hưởng nhiều kiến thức hay ho, nhưng cũng là cả bầu trời của những “kiến ngủ”.
Trong đó có hai “kiến ngủ” rất thú vị đã tác động đến tư duy đọc của tôi về sau:
1. Lời thầy cô là chân lý.
2. Giáo điều một chiều: thầy cô nói - trò nghe.
Không biết bạn thấy sao, chứ tôi thấy thầy cô không khác gì hình tượng Moses, dắt con dân Do Thái chạy lóc cóc khỏi quân đội của vua Ramses. Trên núi Sinai, Chúa của dân Do Thái hiện ra trong sấm sét đì đùng rồi đưa cho Moses một tảng đá khắc 10 điều răn, yêu cầu ông hãy truyền lại cho con dân làm theo.
Tảng đá đó chính là sách giáo khoa của bộ Giáo dục từ trên đưa xuống!
Mô hình “chân lý - một chiều” này kéo dài trong khoảng 12 năm.
(Đó là tôi còn chưa nói đến các cụ thân sinh đóng vai Moses ở nhà đấy!)
Thế thì 12 năm này can hệ gì đến việc đọc sách?
Có một lần tôi khám phá ra:
1. Khi đọc một bài viết hay một quyển sách, nếu tác giả đó nổi tiếng, best-selling author… thì đây, chân lý đây rồi, đây chính là Chúa, là Bộ giáo dục! Tôi cần tiếp nhận giáo trình này! Nếu Messi mà nói ông nội tôi chưa chết chắc tôi cũng sẽ dành cả phần đời còn lại ân hận vì không biết ông đang sống ở đâu. Đây chính là ám ảnh khi bị ép tin vào quá nhiều chân lý.
2. Khi đọc một bài viết hay một quyển sách, tôi cứ có cảm giác nó đang cố dạy mình cái gì đó, và mình phải chống lại. Hãy chú ý, đây là cái ngục tù rất thú vị mà phải mất nhiều năm tôi mới nhận ra. Nó giống như tắc kè vậy, nó ở đó, nhưng rất khó nhận ra. Một khi cho rằng tác giả đang dạy đời, tôi sẽ có khuynh hướng phản kháng lại rất gay gắt, tựa như thầy cô năm xưa đang cố giảng cho tôi điều gì đó, nhưng tôi không thể phản kháng lại, mà chỉ có thể hậm hực thi hành. Nói cách khác, não của tôi tự bịa ra một cái cũi và đang cố tìm cách thoát ra khỏi cái cũi tưởng tượng đó, bằng những bình luận kích động. Đây chính là ám ảnh khi bị giáo điều một chiều quá lâu.
Thực tế, tất cả những gì bạn nghe chỉ là những quan điểm, và tất cả những gì bạn thấy chỉ là những góc nhìn. Hai ám ảnh trên chỉ khiến hầu hết mọi người làm dày thêm thiên kiến trong con người mình bằng hai trạng thái đơn giản: cuồng nhiệt hoặc miệt thị cái mình đang đọc. Việc đạt tới trạng thái “đối thoại với tác giả” hoặc đơn giản là bỏ qua nó gần như là thứ xa xỉ.
Giống như 2 nhà sư qua suối, có thể hàng chục năm đã trôi qua, bộ não chúng ta vẫn cõng theo hồn ma bóng quế của thầy cô, của cả một nền giáo dục “chân lý - một chiều” theo những cách rất đáng yêu như vậy.
Giờ bạn hiểu vì sao tôi hay gọi những gì mình viết là “ý tưởng” chưa?
Cảm ơn bạn đã dùng 3 phút của đời mình để dành cho tôi. Tôi biết trong trường hợp bạn không thích ý tưởng này đi chăng nữa, thì cũng chẳng lấy lại được 3 phút của đời mình. Tôi rất tiếc nhưng cuộc sống luôn là như vậy.
Bài viết này thuộc series Quà tặng cuộc sốnkg nếu các bạn muốn xem nhiều hơn.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất