TL; DR: Rất dài, nhiều chữ, ít hình. Về "bác sĩ Khoa", bài toán toa tàu, sự trợ tử, và lời thề Hippocrates.
Mấy hôm nay trong không khí ủ ê ở nhà tránh dịch, có lẽ điều gây xao động dư luận mạng nhất chính là câu truyện "bác sĩ Khoa rút máy thở cha mẹ cứu hai đứa trẻ sinh đôi". Câu chuyện này đã bị xác minh là dối trá rên báo đài chính thống. Tuy nhiên với tôi khám phá này không phải điều gì gây ngạc nhiên hay sửng sốt. Bởi vì không phải chuyện "bác sĩ rút ống thở cứu người" kia là giả dối, mà điều sửng sốt nhất là kể cả thực, thì lý do nào để người ta cho rằng câu chuyện ấy là đáng ca ngợi hay thậm chí là "xúc động?
Nói đến đây nhớ đến bài toán toa tàu (trolley problem), vốn minh hoạ gần giống hình ở trên: một toa tàu đang đi tới, trên đường ray thẳng trước mặt đang có 5 người và nếu không có gì xảy ra, họ sẽ bị toa tàu này đâm, trên một nhánh rẽ cong khác thì đang có 1 người. Bạn là người được quyền quyết định kéo cần để toa tàu đi thẳng hay rẽ sang nhánh ngang kia. Bạn sẽ chọn thế nào? Dạo mới đọc về câu hỏi này, tôi cũng từng phân vân nên để đoàn tàu đi tự nhiên và 5 người chết hay là nên gạt cần lái để chỉ còn 1 người chết. Nhưng đến giờ, tôi cảm thấy chẳng có gì cần tranh cãi.
Churchill có một câu nói, xuất hiện trong một hoàn cảnh đặc thù, nhưng tôi thấy đúng trong nhiều hoàn cảnh khác:
𝑆𝑜̂́ 𝑝ℎ𝑎̣̂𝑛 𝑐𝑢̉𝑎 𝑛ℎ𝑎̂𝑛 𝑙𝑜𝑎̣𝑖 𝑘ℎ𝑜̂𝑛𝑔 đ𝑢̛𝑜̛̣𝑐 đ𝑖̣𝑛ℎ đ𝑜𝑎̣𝑡 𝑡𝑢̛̀ 𝑐𝑎́𝑐 𝑡𝑖́𝑛ℎ 𝑡𝑜𝑎́𝑛 𝑣𝑎̣̂𝑡 𝑐ℎ𝑎̂́𝑡...
𝑐ℎ𝑢́𝑛𝑔 𝑡𝑎 ℎ𝑜̣𝑐 đ𝑢̛𝑜̛̣𝑐 𝑟𝑎̆̀𝑛𝑔, 𝑐ℎ𝑢́𝑛𝑔 𝑡𝑎 𝑙𝑎̀ 𝑡𝑖𝑛ℎ 𝑡ℎ𝑎̂̀𝑛 – 𝑐ℎ𝑎̆̉𝑛𝑔 𝑐ℎ𝑖̉ 𝑙𝑎̀ 𝑡ℎ𝑢́ 𝑣𝑎̣̂𝑡.
Là tinh thần có nghĩa rằng nhiều lựa chọn của con người là dựa trên điều họ tin, chứ không chỉ cân đong theo thực tế vật lý hay sự hiệu quả. Bởi vì nếu không thì câu hỏi số một đã phải là: Nhưng mà sống thì đảm bảo hiệu quả gì đây?
Và khi đã không chỉ hành động trên hiệu quả, loài người sẽ có thể nương theo những niềm tin nào?
Tôi nhớ đến một chuyện có vẻ chẳng liên quan lắm, ấy là sự lựa chọn giữa nguyên tắc guilty until proven innocent hay là innocent until proven guilty. Pháp luật chọn vận hành cách nào cũng sẽ có thiếu khuyết: là rủi ro của người tốt bị oan vs. rủi ro của kẻ ác thoát tội. Song tại sao luật pháp lại chọn thiếu khuyết sau mà không phải thiếu khuyết đầu? John Adams cho rằng bởi cái ác không bao giờ có thể diệt trừ đủ, đây là một lề luật trớ trêu của tạo hoá. Nhưng nếu người lương thiện bị hàm oan, thì còn chấm dứt cả niềm tin vào lề luật con người.
Quay về với bài toán toa tàu. 5 người kia có thể chẳng so bì với người còn lại nếu như đoàn tàu cứ đi thẳng và họ không may ở ngay đó, bởi vì ấy là phán xét của trời. Nhưng 1 người có thể thấy vô lý khi họ lẽ ra đã sống nhưng lại bị chọn phải chết chỉ vì thuộc về số ít. Giống câu chuyện innocent vs. guilty, chúng ta dung thứ cho các trớ trêu của tạo hoá, và chỉ tổn thương khi bị phản bội bởi con người.
Quan niệm trên cũng khớp với lời thề của ngành y, mở đầu bằng:
Primum non nocere - First do no harm – Trước tiên, hãy đừng làm hại.
Đầu tiên và trước nhất, với một bác sĩ, hoá ra không phải “cứu người”, mà chính là “đừng làm hại”. Đây cũng là trả lời của Hippocrates cho sự trợ tử, cũng được ông khẳng định lại sau đó trong lời thề của mình rất rõ ràng. Tuy trợ tử hay không đều có rủi ro: không giải thoát cho người đau đớn muốn chết và giết lầm người thực ra có thể muốn sống - nhưng không phải mọi rủi ro đều chính đáng ngang nhau. Con người có thể chấp nhận chẳng may mắn để được cứu chữa, chẳng may mắn để được giải thoát khỏi thể xác đau đớn, y như chẳng may mắn để được nằm ở đoạn đường ray cong. Nhưng thật khó chấp nhận bị tước đoạt sự sống có sẵn khi ta chẳng mắc tội gì.
Bởi vì luôn luôn, bất hạnh dễ cam chịu hơn tội ác.
Trở về với câu chuyện của "bác sĩ Khoa" rút máy thở cứu hai đứa trẻ:
Mạng người vô tội không nằm trong danh sách những thứ một cá nhân có thể quyết rằng của ai thì đáng cứu hơn của ai, và mạng nào “hứa hẹn” hơn mạng nào. Bởi sinh mệnh không quy về con số, ý nghĩa cuộc sống không có đơn vị đếm, và quyền sống không tỷ lệ thuận với ước lượng số năm đóng góp của tương lai. Chúng ta cố cứu người, nhưng cân đong sống chết, lại chỉ là chuyện của trời. Không phải trời theo nghĩa của các thánh đường hay những câu truyện cổ, mà là cái gì đó vượt ngoài tính toán của nhân gian. Nói như Hippocrates thì, “Trên hết, đừng bao giờ đóng vai Chúa”.
Khó hiểu hơn, câu chuyện này còn cố tình dựng lên "bác sĩ Khoa" ở vai người con của bệnh nhân mà anh ta rút ống thở. Logic quái thai nào khiến những kẻ bơm vá tưởng rằng kịch bản này sẽ giúp hành động kia bớt phi lí, hay nhiều người lại tấm tắc thấy “càng thêm cảm động”?
Tôi có một linh cảm mơ hồ, rằng nếu thay mẹ của bác sĩ Khoa bằng con ruột của anh ta, ai cũng sẽ nhận ra ở đây có cái gì đó quái đản và dầu nhân danh gì cũng chẳng thể nào khâm phục. Nhưng khi nhân vật kia rút ống thở cha mẹ, có những người lại cảm thấy tự sự này trơn tru.
Liệu có phải, điều ấy phản ánh một thứ não trạng mà thời gian gần đây bắt đầu len lỏi trong xã hội, đó là coi bố mẹ khi nằm trên giường bệnh và được con cái chăm nom thì vốn đã trao quyền quyết định sinh mạng vào tay con cái, cho nên làm việc đó với chính cha mẹ thì dễ được người nghe chấp nhận hơn làm với người dưng? Và rằng khi nhân vật bác sĩ Khoa kéo ống thở của mẹ, thì không phải người mẹ ấy hy sinh, mà chính anh ta mới đang hy sinh cao cả, như thể vừa hào phóng hiến đi một sở hữu có giá trị?
Vì sao chúng ta lại tiến đến cái não trạng thế này?
Có thể rằng, đây mới là điều đáng đau lòng hơn sự dối trá, hơn cha mẹ hay cặp trẻ song sinh, hơn trước ngã rẽ chọn 1 hay chọn 5, hơn ai nên được cứu và ai thì chưa được.
Bởi dù đại dịch đã diễn ra hơn 1 năm
Dù đại dịch ấy đã giết hơn triệu người
Dù bao lực lượng vĩ đại hay kinh khủng của thần hay của người có còn đang âm thầm chuyển động
Thì đến cuối ngày ...
con người vẫn phải là tinh thần, và không là thú vật.
Facebook bình luận: Gwens Facebook viết luận: Chau Nguyen Telegram: Gwenesis
Substack: Gwenesis