Ngữ cảnh: Nhân một bài viết ở MB: Bài viết này nói về câu chuyện nhà toán học Alan Sokal và các nhà khoa học khác từng phê phán những triết gia hậu hiện đại. Sau đó bài viết phản bác Sokal và đồng bọn. Sau chót bài viết khai sáng cho những ai chưa hiểu hay vẫn hiểu lầm về hậu hiện đại. 
Bài viết hôm nay sẽ debunk chính bài viết trên. Thực chất tôi vốn xếp trang MB vào mục “giả khoa học” nên sau lần lướt đầu tiên chẳng bao giờ đọc. Tuy nhiên thi thoảng người ta vẫn gửi link để chê bai và tôi đọc thấy. Trong số đọc thấy, bài trên rất gợi cảm hứng nên tôi thấy mình cũng nên phản biện.
TL, DR: ~ 4000 chữ, nhiều chữ ít hình, cân nhắc trước khi đọc. Về Monster Box, về “tính nghiêm cẩn khoa học”, và quan trọng là về tại sao cơ học chất lỏng không phát triển bằng chất rắn :-SS
Trước tiên, để mọi người hiểu rõ vấn đề đang bàn, tôi sẽ tạm vắn tắt lại sự kiện nhà khoa học Sokal chơi lỡm các triết gia hậu hiện đại, hay còn gọi là sự kiện Sokal Affair/Sokal Hoax như sau:

1. Sokal Affair/Sokal Hoax

Tháng 5/1996, trong số đặc biệt xuân/hè mang chủ đề Cuộc chiến khoa học, tạp chí Social Text - một tạp chí học thuật hậu hiện đại, đã đăng bài viết “Băng qua ranh giới: hướng tới phép thông diễn học chuyển đổi của trọng lực lượng tử” của nhà khoa học Alan Sokal. Alan Sokal là giáo sư toán học của University College London đồng thời là giáo sư vật lý của University New York.
Chỉ 3 tuần sau đó, Sokal thông báo bài viết trên hoàn toàn là một cú lừa (hoax), mà ông chỉ phét ra trong một đêm, hơn nữa còn cố tình chèn vào rất nhiều sự dẩm dớ, như một thử nghiệm về tính nghiêm khắc học thuật của tạp chí này, và đặc biệt là kiểm tra “liệu một tạp chí hàng đầu Bắc Mỹ về nghiên cứu văn hoá - với ban biên tập gồm những nhân vật danh tiếng như Fredric Jameson and Andrew Ross - có xuất bản một bài viết đầy ngớ ngẩn miễn là nó: (a) nghe leng keng; và (b) tâng bốc các thiên kiến ý thức hệ của ban biên tập - hay không”.

Dưới là ví dụ một chỗ lỡm mà Sokal từng chèn vào bài báo hoax trên mà về sau ông phân tích lại:
tạm dịch:

Trong đoạn hai, tôi tuyên bố, mà không có bất kỳ lý luận hay bằng chứng nhỏ nhất nào, rằng: ‘hiện thực’ vật lý nằm ở đáy của kiến tạo ngôn ngữ và xã hội. Lưu ý nhé, không phải các lý thuyết về hiện thực vật lý, mà chính là hiện thực cơ đấy. Ổn thôi. Bất kỳ ai tin rằng các quy luật vật lý chỉ là những định chế xã hội, xin mời thử đến và băng qua các định chế này từ cửa sổ nhà tôi. Tôi ở tầng 21.

Tất nhiên một sự kiện như thế gây tiếng vang với cả giới khoa học tự nhiên lẫn xã hội và kéo theo tranh luận giữa nhiều bên. Sau đó Sokal cùng một nhà khoa học nữa đã viết một cuốn sách tên là Những kẻ giả học thức (Intellectual Impostures) để phân tích chi tiết hơn cách các nhà hậu hiện đại đã lạm dụng sai ngôn ngữ khoa học như thế nào.

2. Các trả lời của Monster Box với Sokal

Đã nắm sơ qua về Sokal và các thử nghiệm của ông như trên, giờ thì ta hãy thử đọc lý luận phản đối Sokal từ bài viết trên MB:
Luận điểm 1:
Thứ nhất, tất cả các nhà nghiên cứu được gán với cái mác “hậu hiện đại” đều không nhận mình có mối quan hệ gì với cụm từ này như một thứ “chủ nghĩa”. Họ thậm chí còn không hề đồng ý với nhau ở rất nhiều luận điểm nền tảng. Họ dính dáng tới rất nhiều trào lưu học thuật khác như hiện tượng học (phenomenology), chủ nghĩa cấu trúc (structuralism), chủ nghĩa hậu cấu trúc (poststructuralism), chủ nghĩa hậu nhân văn (posthumanism)… tất cả chúng đều không thể bị quy giản thành một vài đặc tính đơn giản như “hoài nghi”, “hư vô”, “tương đối chủ nghĩa”... Huống chi là có thể bị “call out” với một khái niệm có tính phổ quát - “hậu hiện đại”.
Đầu tiên, có lời khen tác giả thật khôn ngoan khi đi hỏi ý kiến mấy ông hậu hiện đại để quyết định họ có phải hậu hiện đại không. Cứ như thể có ông nào sẽ chịu nhận là phải ấy.  Từ lúc nào mà một thực tế khách quan “là hay ko là” lại đến lượt đợi ông nào đó thích nhận hay thích chối? Sát gần sự khôn ngoan trên là lý luận vì có rất nhiều xu hướng khác nhau nên không thể nào quy giản tất cả đều là hậu hiện đại. Phát biểu này sâu sắc ngang vì có 1 tỷ con bò khác nhau nên chẳng thể quy giản chúng là bò. 
Tuy nhiên, lời biện minh hề nhất của bài viết lại nằm ở phân bua sau :
Luận điểm 2:
Quả đúng vậy, Sokal đăng bài trên 1 tạp chí không hề có uy tín và peer-review (tức là không được đồng nghiệp có chuyên môn phản biện trước khi xuất bản), vì thế không nên hiểu trò chơi khăm này hơn là chính nó.
 bởi vì nó vô tình khẳng định sự bịp bợm của hậu hiện đại: 
Tại sao một tờ báo tự nhận là học thuật, còn xếp vào “tạp chí hàng đầu Bắc Mỹ về nghiên cứu văn hoá”, lại còn đang đăng bài về vật lý lượng tử, một trong những lĩnh vực khó hiểu nhất của của vật lý, mà lại không hề có nhà vật lý nào review? Có lý do nào khả dĩ đây, ngoài muốn có thể tán nhăng cuội về các ngành khoa học khác mà không sợ ai tuýt còi?

Tiếp nữa, hãy chú ý Sokal còn không hề viết bằng ngôn ngữ vật lý, ông ấy cố tình viết bằng chính ngôn ngữ ba lăng nhăng của hậu hiện đại, với những thuật ngữ đại loại như: phép thông diễn, tính phi tuyến, tính cận tuyến, topo học, sự không thể tái chuẩn, tương tác nội, tính đứt gãy, sự đẳng giao, … được kết hợp tả pí lù không hề theo quy tắc khoa học.
Thế bạn có biết đâu là lý do cho cả 2 hiện tượng lạ trên không?

Đó chính là: trước giờ các nhà hậu hiện đại từ chối tuân theo luật của khoa học bình thường, mỗi khi bị phản bác khoa học, họ luôn biện hộ đại loại “anh không hiểu tôi, ý tôi sâu sắc hơn thế”. Điều này kéo theo: 1. Việc thủ tiêu kiểm định khoa học không phải ngoại lệ của riêng tạp chí kia, có thể là luật ngầm của hậu hiện đại. 2. Tuy nhiên, hãy cứ chừa ra khả năng lỡ đâu các ý tưởng hậu hiện đại cần một ngôn ngữ đặc biệt hứa hẹn một higher truth so với khoa học tầm thường đi. Nhưng vậy làm sao phân biệt được trường hợp ấy với trường hợp thầy bói bà đồng ba láp đây?  
Sokal viết bài báo của mình chính để kiểm nghiệm cả 2 ý trên. Và kết quả đều xác quyết. 
Cụ thể, không cần hiểu vật lý thì người bình thường khi đọc cũng sẽ nhận ra bài viết của Sokal đầy mứt bò. Việc không thấy con voi trong phòng này, từ một tạp chí xếp vào hàng đầu với một ban biên tập danh giá, mới là chuyện khó hiểu và cần lý do giải thích. Để dở đến độ ấy ắt không thể bẩm sinh, mà đòi hỏi có trui rèn đặc biệt. Và ở đây, liệu còn trui rèn đặc biệt nào ngoài chính phong cách suy diễn hậu hiện đại? Sokal dùng ngôn ngữ của hậu hiện đại mà những chuyên gia về hậu hiện đại còn không hiểu nổi, ấy mà không hiểu nhưng họ vẫn gật gù, vậy thì rèm sân khấu đã hạ, chẳng higher truth nào đây hết, chỉ một đám đông đồng loã với hoàng đế cởi truồng mà thôi. 
Đến đây, lại xem xét tiếp lập luận dường như nặng ký nhất: 
Luận điểm 3:
Thứ hai, những người bài trừ “hậu hiện đại” thực tế không phản đối hoặc tấn công bất cứ luận điểm cụ thể nào của các tên tuổi có liên quan đến cái mác này, cũng như không nhắc đến vô số thứ “chủ nghĩa” phức tạp ở phía trên. Họ chỉ gọi một cụm từ chung chung là “hậu hiện đại” và tấn công nó. … Sokal thừa nhận rằng ông không hiểu Derrida, Kristeva, Barthes, Foucault, và nhiều người khác ông trích dẫn, thực sự nói gì.
Tôi chẳng ngạc nhiên gì với các khám phá vĩ đại trên. Bởi vì đáp án là: 
Và … ? 
Việc hí hứng coi đây là các luận điểm ý nghĩa, chỉ nói lên người viết mù tịt về kết quả suy ra được từ bài báo của Sokal.  Cụ thể, người viết mù tịt khác biệt giữa nội dung vs. phương pháp, mục đích chủ quan vs. kết quả khách quan, và hiển nhiên, giữa thế nào là “nói sai” vs. thế nào là “nói ba lăng nhăng” aka bất khả kiểm. 
Bài báo của Sokal có thể phủ định hoặc không phủ định các kết luận hậu hiện đại, điều Sokal làm có thể là nghiêm túc có thể là chơi khăm, Sokal có thể hiểu hay không hiểu các triết gia trên, nhưng tất cả những điều này irrelevant. Điều relevant ở đây chỉ có 2 điểm: 
1. Nội dung bài báo Sokal gửi không chứa kiến thức tử tế nào về khoa học, aka, là một nội dung mứt bò.
 2. Không ai ở tờ tạp chí hậu hiện đại đứng đầu Bắc Mỹ kia nhận ra sự mứt bò này.
Đây là thực tế đã xảy ra không chối cãi.

“Thí nghiệm Sokal” cũng không nhắm vào một quan niệm cụ thể, đơn giản vì ở đây đâu bàn về nội dung của quan niệm. It’s not a test on the subject, it’s a test on the test itself. Nó chất vấn không phải một suy nghĩ, mà là một lối nghĩ, không phải một công trình học thuật, mà là một môi trường giả học thuật được chăm bón vô tình hoặc không nhờ các nhà hậu hiện đại nổi lên thời điểm ấy. Chỉ trên nền sự giả tạo này một bài báo mứt bò đến thế kia mới được xuất bản. 
Và như đã nói ở phần trước, điều này còn không phải ngoại lệ. Nó là quy luật, nó được thực hiện chủ động, và nó không dự định sửa chữa. Cụ thể là mới đây, vào 2018, trong vòng 12 tháng, có 3 nhà khoa học đã lặp lại “trò chơi khăm” trên, lần này với quy mô lớn hơn, là 20 bài báo mứt bò khác, viết toàn thứ nhăng nhít nhưng tọng vào đủ thứ từ ngữ và ý tưởng “fashionable nonsenses”, kiểu như là:  cổ vũ những nhà vật lý nên nghiên cứu thêm về thiên văn học nữ quyền và/hoặc nên đi học thêm môn nhảy, hay là liệu bên cạnh phụ nữ, cả các con chó cái cũng đang phải chịu sự áp bức giới tính hay không? 
Trong có 12 tháng, họ được chấp nhận 7 bài báo, ở các tạp chí buồn thay còn có cả peered review, 7 bài khác đang lần lượt ở các vòng xét duyệt, chỉ 6 bài bị từ chối. Một tỷ lệ khủng khiếp. Mà đó mới chỉ là số “chơi khăm” tức là chủ động khai báo, số “chơi gian” đã, đang, và sẽ nấp sau đống rơm sẽ còn bao nhiêu nữa? Tất nhiên khoa học có thể có sai sót, nhưng sai đến một độ ngớ ngẩn với một tỷ lệ lớn nào đó, thì khả năng lớn hơn là “bịp bợm có tính hệ thống”. Hai nữa, có thể tin có sai sót đến như trên ở các ngành không dính dáng nhiều hậu hiện đại không? Hay là luôn luôn, “để ngu đến độ ấy, hẳn do đã trui rèn một cách nghĩ đặc biệt”? 
Từ những ví dụ trên, kết luận khách quan đều là:
Không phải chuyện hậu hiện đại là sai hay đúng, mà quan yếu hơn, phương pháp của hậu hiện đại không thể đảm bảo về sai đúng. 
Nói cách khác, là thầy bói, giải mộng, và bà đồng. 
Cũng tức là, vô nghĩa một cách chói sáng, không tì vết, và toàn hảo. 

3. Hậu hiện đại là gì - một minh hoạ nhà trồng được

Thế nên khi Sokal nói “ông không hiểu các nhà hậu hiện đại nói gì” như bài viết hí hứng thêm vào, thì quá đúng rồi. Đừng nói Sokal, tuyệt đại các nhà khoa học đều không thể hiểu mấy nhà hậu hiện đại đang mửa ra cái gì, hệt như một người bình thường biết đọc biết viết không thể hiểu một trang giấy nhoe nhoét lổn nhổn nghĩa là gì.
Chuyện hậu hiện đại dùng ngôn ngữ trên thật ra cũng chả phải vấn đề, nghĩa là Sokal có lẽ đã chẳng cần chơi khăm, nếu các nhà hậu hiện đại chịu bằng lòng ở đúng phạm vi của họ. Bởi khó tin song có thật, sự nhoe nhoét cũng có vương quốc và thánh đường riêng. Kiểu như là một chỗ cùng vũ trụ với văn học, sách self help, tôn giáo, và hài sitcom, …. Dù ở vị trí nào trong vũ trụ ấy tôi không khắc. Song là gì thì bản thân tôi cũng hoàn toàn fine nếu hậu hiện đại làm đúng như đoạn nó phân bua ở đây:  Luận điểm 4
Nếu có cái gì thực sự gọi là “hậu hiện đại”, thì nó phải được nhìn nhận một cách đúng đắn như các phong trào nghệ thuật và văn học, chứ không phải như một phong trào học thuật và triết học có tính nhất quán.
 (bỏ nhỏ, những phim tôi thích từ xưa đến nay vô tình đa phần hậu hiện đại)
Nhưng vấn đề là các triết gia hậu hiện đại có chịu ngồi yên ở vũ trụ mộng mơ của văn vẻ nghệ thuật đâu. Họ muốn phải chen chân vào vũ trụ của khoa học, chính trị, đời sống, xã hội, ở những phạm trù động chạm đến thực tế cơ. Bởi sao? Bởi vì mớ lý thuyết của họ cũng chẳng cạnh tranh được sức ảnh hưởng với văn học, tôn giáo, self help hay sitcom. Họ né tránh bị đánh giá thuần tuý như nghệ thuật, mà muốn vơ vào legacy của khoa học cho thêm tầm quan trọng, cùng lúc lại viết ẩn ý mập mờ như văn chương và nhờ đó né tránh nghĩa vụ của khoa học. Nói cách khác, họ muốn ngồi giữa, ăn 2 mâm, và không đóng phong bì mâm nào. Luận điểm 5
Cần phải nhấn mạnh rất rõ ràng rằng những nhà lý thuyết bị gán là “hậu hiện đại” không hề cổ vũ những gì đang diễn ra trong hoàn cảnh hậu hiện đại; họ mô tả, và phê phán nó bằng khung tham chiếu lý thuyết và hệ thống phương pháp luận cực kỳ nghiêm cẩn và ngặt nghèo.
Cho nên có thể khẳng định luôn là đoạn phát biểu trên hoàn toàn là dối trá, khi các nhà hậu hiện đại nổi tiếng vì làm khoa học lơ tơ mơ và tiêu chuẩn duy nhất là chẳng có tiêu chuẩn nào.  
Ngay bài viết cũng cho thấy, họ vừa bôi ra “hậu hiện đại như một trào lưu nghệ thuật văn học nên không cần nhất quán”, vừa muốn thêm một người anh cùng cha khác ông nội nữa là “hoàn cảnh hậu hiện đại”. Sinh ra 2 anh này cơ bản là để tiện nhập nhằng. Cụ tỷ như khi kêu gọi xã hội áp dụng kết quả của mình thì các nhà hậu hiện đại muốn khẳng định đây là thực tế và chẳng hề văn chương đâu. Cơ mà mỗi khi bị chứng minh sai về logic thực tế thì đột nhiên các triết gia “hoàn cảnh hậu hiện đại” lại rút vào trú ẩn trong pháo đài nghệ thuật. 
Để làm rõ luận điểm trên, chúng ta hãy phân tích vài ví dụ. Mà đầu tiên, thấy ngay trong bài viết với kết luận chắc nịch

 “Tất cả sự khái quát đều sai”. 
Về mặt logic, câu này là một sự khái quát, hiển nhiên nó tự mâu thuẫn và do đó sai. Nhưng nếu bạn nói với tác giả rằng câu này sai logic, rất có khả năng họ sẽ nại rằng đó là nói kiểu nghịch lý theo phong cách văn học hậu hiện đại thôi, đừng phân tích chặt chẽ thế. Dù đọc từ đầu đến chỗ kết luận này, sẽ thấy họ muốn áp dụng câu này thật, không chỉ là văn vẻ.
Tuy nhiên chuyện hài tôi sắp kể cho các bạn nghe ở đây là, câu trên không chỉ minh hoạ tư duy phi logic, mà còn minh hoạ sống động thế nào là “tiêu chuẩn khoa học nghiêm cẩn ngặt nghèo” của tác giả Monster Box. Đầu tiên, tôi phát hiện bản tiếng Anh này lại khác hẳn bài viết gốc ở chính câu chốt này, và đây không phải vô tình dịch sai, đây là mang một nghĩa hoàn toàn khác: 
Lạ nữa là câu tô đậm kia ứng với trích dẫn [10], theo lời bài viết là bài báo sau:

[10] R. A. Segal. (2006), “All Generalizations Are Bad: Postmodernism on Theories,” Journal of the American Academy of Religion, Vol. 74, Issue 1, pp. 157–171.

Có thể đoán câu tô đậm tiếng Việt lấy từ bài báo tiếng Anh này, nhưng vậy bản tiếng Anh chỉ cần bê ra thôi sao còn dịch, mà còn dịch sai hẳn thế kia? Tôi mới tò mò, hay câu quote này là một câu khác nằm bên trong bài báo đó? Lại thêm thấy bài viết đặt citation trông thật là trí thức khoa học làm sao (dù kể hơi cảnh vẻ vì nói thật nhân dân trên mạng mấy khi check), cho nên tôi bèn ngứa tay xem thử.

Và thế là phát hiện ra 2 sự thật rùng rợn sau:
1. không hề có câu quote bản tiếng Anh trên ở bất kỳ chỗ nào hết;
2. và bài báo được cite hoá ra còn debunk chính câu chốt ở bản tiếng Việt =)).

In short, nếu đây là bài nộp báo thì nó sẽ bị xếp vào gian trá khoa học khi tự bịa ra trích dẫn không tồn tại (và không hề là paraphrase) thậm chí còn xuyên tạc cả ý đồ bài trích dẫn. Như vậy là, cho citation này nọ vào chỉ để làm màu khoa học mà thôi, và đám fan vỗ tay nhưng cũng chả ma nào buồn check thử. Tất nhiên các hoàng đế cũng biết thừa thế. Mà khả năng nữa chính các hoàng đế cũng chưa từng đọc :-SS

Bình luận giữa hiệp: Thật đúng là một kịch bản tự huỷ kiểu meta-Sokal. 

4. Hậu hiện đại là gì - Một minh hoạ kinh điển.

Tiếp, ví dụ trên chỉ là minh hoạ lấy từ bài viết này. Giờ ta hãy chuyển sang hiệp 2, và xem xét một ví dụ sống động không kém, nhưng trác tuyệt hơn nhiều, vì sự diễn dịch dưới đây đến từ một nhà hậu hiện đại có tiếng:  
Khoa học là phân biệt giới vì cơ học chất lỏng không phát triển mạnh bằng cơ học chất rắn. Cụ thể hơn, vì bộ phận sinh dục của nam thì cửng lên, còn của nữ thì tiết dịch, nên chẳng có gì lạ khi khoa học đã không thể sinh ra một mô hình miêu tả tốt về dòng chảy rối. Bởi vì trong khoa học, các khái niệm về chất lưu và phụ nữ vốn cố tình được xây dựng theo cách tạo ra mập mờ. 
Ai dám bảo mớ tư tưởng trên là nghệ thuật, dưng cũng ai dám bảo đây là khoa học “với hệ thống phương pháp luận cực kỳ nghiêm cẩn và ngặt nghèo”? 
Ơn Chúa là đã có nhà khoa học đứng ra minh oan vật lý khỏi cáo buộc dẩm dớ trên. Rằng lý do đến giờ vẫn chưa có một mô hình nào mô tả dòng chảy rối thành công đơn giản vì phương trình Navier-Stokes đã được chứng minh là khó giải, với một bài toán liên quan nó còn đang xếp vào 1 trong 7 câu hỏi mở quan trọng nhất của Toán học. Bài toán này hiện vẫn được treo giải 1 triệu đô cho bất kỳ ai đưa ra được lời giải hay phản ví dụ, chị triết gia hậu hiện đại trên có thể thử sức.
Trên chỉ là một trong vô vàn các ví dụ hậu hiện đại lạm dụng khoa học kiểu ấy. Lyotard thì huyênh hoang về cái gọi là “khoa học hậu hiện đại”, Lacan mở miệng ra là rải bom logic và topo, Baudrillard mê mẩn lý thuyết hỗn loạn và hình học phi Euclid, Deleuze thì xài toàn vũ khí hạng nặng kiểu vi phân tích phân với cơ học lượng tử, …. và thêm một mớ triết gia hạng ruồi hoà vào dàn đồng ca hươu vượn về định lý bất toàn của Godel, công thức Newton, công thức Einstein, vv và vv. 
Mấu chốt là, các nhân vật trên không chỉ đôi ba chỗ mượn thuật ngữ khoa học cho vui hay ẩn dụ. Họ dùng chúng một cách trịnh trọng như thể đang hân thưởng tính chính xác và kỹ thuật, họ dùng chúng làm xương sống cho nhiều luận điểm quan trọng, và cuối cùng, trong phần lớn trường hợp, họ mượn uy tín của chúng làm pháo đài không thể công phá cho uy tín của mình. 
Lạm bàn về pháo đài, hãy tưởng tượng là độc giả nghe một bản trình bày về triết học mà slide nào cũng toàn những ký hiệu vay mượn từ toán học sau:

Bạn sẽ bị giằng co giữa 2 cảm xúc, một bên thấy khá khả nghi khi ngay mở đầu tác giả đã trình bày triết học một cách khó hiểu hơn bình thường, dường như còn được cố tình thiết kế để không ai hiểu. Mặt khác, ký ức đau thương với môn Toán thời phấn bảng khiến bạn thon thót trên ghế và khóc thét nếu ai đó gợi ý phản biện. Hiển nhiên, nỗi sợ luôn thắng niềm nghi và bạn rồi sẽ vỗ tay hoà cùng mọi người, còn to hơn trong truyện, bởi ở không chỉ lừa hoàng đế, còn cần lừa tất cả xung quanh là “tôi vẫn đang hiểu”. Càng sợ càng vỗ to, mong không ai biết mình run rẩy, mà không thấy là ai cũng đang run rẩy. 
Tuy nhiên vẻ uyên bác đáng sợ trên chỉ là loè bịp. Các phát biểu của những triết gia này luôn huỷ hoại ý nghĩa của các kết quả khoa học liên quan. Ví dụ như với triết gia thích vận dụng lý thuyết tập hợp trên, Sokal đã chứng minh về mặt Toán học, bà này mắc toàn những lỗi cơ bản, có lúc còn cố tình xuyên tạc định lý bất toàn của Godel hay tiên đề về sự lựa chọn.
Thực ra thì, Sokal chỉ chứng minh điều mà bằng linh tính chúng ta vốn ngờ ngợ từ trước:

Cái đống alpha phi epsilon này không phải phục vụ tri thức, mà là nhằm khủng bố người nghe.

Aka Đức Vua, khác với trong truyện, đang biết tỏng đám con dân nghĩ gì. 

5. Kết luận

Trong bài viết của mình, Monster Box mô tả Sokal và các nhà khoa học bằng các từ ngữ mà ở Vn nói chung toàn được dùng để nói về các anh hùng cộng sản, vd như “khẳng khái, kết án, đỉnh cao chói lọi” còn với những nhà hậu hiện đại thì lại bằng các từ là “xấu xa, phản động, tội ác trừng trị”. Cách dùng từ có ý giễu này cùng tông với điệu nhạc mà dân hậu hiện đại vẫn hay dùng để giễu cợt khoa học thông thường, kiểu như dựng lên các nhà khoa học là những người thuộc về establishment, tôn thờ một thiết chế cũ kỹ độc tài, còn những nhà hậu hiện đại được xây dựng như những kẻ phản nghịch theo phong cách Che Guevara, aka nhà cách mạng quả cảm đáng ngưỡng mộ, dám tách khỏi bầy chiên ngoan đạo để kiếm tìm sự tự do tư tưởng. Cái diễn ngôn ngầm nịnh đám trẻ con mê nổi loạn này quả là có rửa bao nước cũng không nhạt phèn. Nhưng đặt đây thì ẩn ý ấy còn hài hước vì một lẽ khác. Sokal đã không hề làm cái việc mà giới khoa học “eshtablishment” muốn làm. Ngược lại, ông ấy làm việc mà nhiều người chẳng buồn làm. Nhiều nhà khoa học từng bày tỏ khâm phục là sao Sokal có thể kiên nhẫn giải thích khoa học đến thế cho những phát biểu đã quá rõ là mứt bò. 
Tuy nhiên tôi lại không đồng ý với các nhà khoa học trên. Nếu nhìn được tương lai, các nhà khoa học kia sẽ thấy thử nghiệm Sokal affair cùng cuốn sách Intellectual Impostures là cực kỳ cần thiết. 
Thực ra chúng ta vẫn luôn biết một nguyên tắc là: Mọi kết quả khoa học đều cần phát biểu theo cách kiểm định được. Chỉ thế đã giúp nhận ra các trò ảo thuật, khi mà các thuật ngữ hậu hiện đại toàn được phát biểu tù mù, đa nghĩa, có lúc tự mâu thuẫn, và luôn luôn lảng tránh việc trình bày đơn giản. Nhớ lại, bài viết ở MB đã luôn né tránh gọi tên các triết gia kia là hậu hiện đại và cố thuyết phục đại loại rằng “chẳng thể nào định nghĩa được chính xác hậu hiện đại là gì đâu”. 
Tuy nhiên, vấn đề là, chỉ biết nguyên tắc nhận diện mứt bò vẫn chưa đủ. Nhân loại thực ra chẳng yêu nguyên tắc. Đó là kẽ hở mà chủ nghĩa hậu hiện đại nửa thế kỷ qua đã len vào. Cũng là kẻ hở mà may mắn thay Sokal với bài báo và quyển sách của ông đã chặn lại. 
Bởi bài báo ấy không phải một tuyên ngôn khoa học, nó chính là một câu truyện, một câu truyện không những thông minh, còn xinh xẻo, dí dỏm và tinh nghịch. Tương tự, cuốn sách của Sokal không hẳn khoa học, mà còn thể hiện tình yêu ông dành cho nó, tình yêu với một thế giới nguyên tắc lạnh lẽo mà theo nghĩa nào đấy với ông là thánh đường. 
Nhân loại không có cảm xúc với khoa học. Nhưng họ có thể bật cười vì sự tinh quái, và cảm động vì tình yêu. 
Cho nên, biết đâu đấy, mọi sự khái quát có thể đều sai …
Nhưng đã vậy thì, giữa hai sự khái quát, hãy cố chọn sự nào chân thành hơn. 
Và nếu sự ấy dí dỏm nữa thì càng tốt. 
Facebook bình luận: Gwens Facebook viết luận: Chau Nguyen Telegram:
Substack: Gwenesis