Hôm rồi, đàn em khóa dưới có nhắn tin hỏi tôi về nghề nghiệp. Rằng em thực sự không biết mình thích gì và mình muốn làm gì. Em hoang mang lắm mà sắp đến lúc ghi hồ sơ đăng ký nguyện vọng đại học rồi. Nếu như lần quyết định này quyết định cả cuộc đời em, mà em lại làm nó chệch hướng thì biết phải làm thế nào đây?. Em hỏi tôi bằng giọng sợ sệt, câu chuyện muôn thuở của mọi học sinh lớp 12, nỗi lo lắng mà ai cũng từng một lần trải qua, không chỉ riêng em.
Hồi còn học lớp 12, tôi chỉ nhớ đó là những năm tháng học rất nhiều. Nhưng điều tệ hại nhất, tôi và các bạn đều không biết mình học vì điều gì. Rất nhiều bạn bè của tôi ở tuổi 18, muốn vào những trường top đầu chỉ vì đơn thuần xã hội mong muốn thế, muốn vào những ngành phổ thông vì thấy ai cũng vào. Hay đôi khi thích một điều gì đó mà không chắc chắn vào mong ước của mình, rốt cuộc đi theo con đường của bố mẹ vẽ trước. Còn lại hoàn toàn mù tịt về những điều mình sắp bước vào. Chúng tôi học điên cuồng vì mục tiêu điểm số, hoàn toàn không có mục tiêu nghề nghiệp, mục tiêu đạt đến ước mơ. Ngày làm hồ sơ điền nguyện vọng thi đại học, các bạn tôi cuống cuồng đi tìm hiểu hết trường này đến trường nọ, mua quyển tổng hợp điểm các trường đại học qua các năm để chọn ngành vừa với sức học của mình. Nguyện vọng lộn xộn đủ các ngành nghề trong nhiều trường khác nhau. Hoặc ghi tất cả nguyện vọng chỉ trong một trường, bất kể ngành nghề gì, chỉ cần trường top là được.
Hồi đó tôi cũng không khác lắm so với những người bạn của mình, tất cả là vì chúng tôi hoàn toàn hoang mang với tương lai, định hướng nghề nghiệp. Chúng tôi e sợ có thể học nhầm ngành, nhầm nghề và trưởng thành không còn nhiều niềm vui. Nhưng lại không biết ước mơ của mình là gì, cũng không khát khao mình trở thành ai trong cuộc đời. Chúng tôi chênh vênh, lạc lối, đau đớn và mệt mỏi vì thấy bản thân lạc trôi trong nhịp sống cô quạnh mà thấy tương lai mịt mờ tối đen. Nhiều ngày tôi nằm mơ, mà tỉnh giấc mồ hôi tôi ướt đẫm, chẳng có ánh sáng nào ở cuối đường hầm. 
Giáo dục Việt Nam giảng dạy dàn trải, nhưng chỉ gói gọn trong một số môn nhất định được cho là môn chính như Toán, Lý, Hóa, Văn, Anh,.. Những môn khác được cho là môn phụ và mặc định không cần dùng quá nhiều thời gian vào nó. Những môn liên quan đến nghệ thuật và kỹ năng đời sống như Âm nhạc, Mỹ thuật, Công nghệ,… mặc nhiên được đưa ra khỏi chương trình học từ lâu. Trường học nặng nề thành tích, trong đó ít hướng tới những ứng dụng thực hành bên ngoài sách vở mà chủ yếu nặng nề lý thuyết. Từ nhỏ, ta được dạy đi học phải được điểm cao thay vì đi học để đạt tới niềm vui của tri thức. Những điều này khiến cho học sinh khó tìm thấy được thế mạnh của mình, khám phá bản thân, tìm được ước mơ của mình, hạn chế sự phát triển của con người.
Ngày cấp hai tôi học văn rất dễ dàng, dựa vào các ý được dạy rồi phát triển ra ý văn của mình. Tôi đậu vào chuyên văn của tỉnh theo đúng niềm mơ ước khôn nguôi, dễ như ăn bánh. Ngẫm lại bốn năm chuyên văn, vừa có lúc vui vừa có lúc chán nản. Vừa vào đến năm lớp 10 tôi hoàn toàn sốc ngửa vì chương trình học nặng vô cùng tận. Tôi phải học gần 20 tiết văn trong tuần, sáng học chương trình cơ bản, chiều học các lý luận văn học nâng cao. Năm lớp 10 tôi đã học xong phân nửa chương trình lớp 11, năm lớp 11 thì đã học gần xong chương trình lớp 12. Lý do là để phục vụ cho các kỳ thi quốc gia, cùng với đó kỳ thi đại học và nhiều loại kỳ thi khác. Tôi vui vì thực ra giáo viên dạy văn chuyên là những người có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, cô giảng hay bay bổng thăng hoa. Những người học văn chuyên chúng tôi đôi khi cần như thế, để nuôi dưỡng tình yêu văn học, để cảm văn và yêu hơn cuộc sống này. Nhưng đó vẫn là chưa đủ, vì dù cô giảng hay, nhưng những bài văn, những kỳ thi thì vẫn chấm theo ý. Vậy là giảng xong, cô lại đọc cho chúng tôi từng ý một khác hẳn với lời giảng khi nãy, chúng tôi sẽ cắm cúi chép như những cái máy. Nhưng đỉnh điểm là khi học lớp 12, giáo viên từng bảo chúng tôi là dừng bay bổng đi, viết theo ý thì mới điểm cao được. Lòng tôi như nghẹn cả đi, cảm xúc dường như chùng lại rất nhiều. Giây phút đó tôi uất ức, đau đớn, như một điều gì đó tâm thẳng vào trái tim mình, những câu chữ như bay đi đến một miền xa xa. Rốt cuộc, chúng tôi cần điểm cao, chúng tôi học để thi.
Vì ký ức đau buồn đó, năm lớp 12 tôi muốn thoát ly khỏi việc viết, tôi thậm chí còn muốn chọn một ngành nào đó xa rời việc viết đi mà không nhận thức được đó là một nghề nghiệp mình có thể theo đuổi vì tôi thực sự thích nó, hạnh phúc khi làm nó. Sau này, khi lớn lên và đi nhiều nơi trên đất nước, thăm thú nhiều vẻ đẹp khác nhau, tôi thấm thía văn học và đời sống rất nhiều. Đi Cà Mau mới thấy Sông nước Cà Mau sao gần gũi đến thế, đi Hà Giang mới hiểu những ý thơ “Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh/Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh”. Điều này khiến tôi thực sự muốn cầm bút viết trở lại, viết nhiều hơn, viết hay hơn cho những bài văn từng làm trong quá khứ. Kể mà những năm cấp ba tôi đã từng thấy văn học hiện ra trước mắt, để thấy rằng nó vốn chẳng bao giờ là môn học. Giá như các bạn cấp 3 bây giờ và nền giáo dục cho chúng tôi tiếp xúc đến ứng dụng nhiều hơn chỉ là những cuốn sách giáo khoa thông thường, để chúng tôi biết đâu là ngành nghề mình thực sự mong muốn.
Các bậc phụ huynh và gia đình cũng là một phần khiến nỗi buồn của chúng ta thêm sâu. Văn hóa cộng đồng ảnh hưởng rất mạnh mẽ và sâu rộng trong đời sống của người Việt. Chính vì vậy nên lò đào tạo “Con nhà người ta” cho giống với chuẩn mực của ai đó trở thành mục tiêu chính. Vì bố mẹ là thế hệ sinh ra trong khói lửa, lớn lên trong những năm tháng khốn khó hậu chiến tranh,việc học lúc này đã được mở rộng để kiến thiết đất nước hậu chiến tranh, họ đã đến với các giảng đường đại học để tiếp thu tri thức mới. Song ảnh hưởng từ một tuổi thơ còn nghèo đói, họ mong mỏi một công việc ổn định danh giá, lúc này xin vào “Nhà nước” là một điều gì đó rất phù hợp với tiêu chí này. Chính vì vậy họ mong ta đậu vào trường đại học top đầu là tốt, chẳng cần biết ngành nào. Sau đó ra trường, có một công việc “ổn định”, “nhàn”, “dễ kiếm tiền” chính là mục tiêu tiên quyết để không thua kém cô hàng xóm hay anh trai nhà bên. 
Họ cũng quên rằng có những đứa trẻ đong đầy nỗi buồn thầm khóc giữa đêm khi đứng trước ngã rẽ cuộc đời
Họ cũng quên rằng con họ không cần một chỗ để sẵn mà là câu nói “Bố mẹ ủng hộ con” và định hướng cho các ngành nghề khác nhau.
Và rồi những đứa trẻ tập tễnh bước vào tuổi trưởng thành cứ vật vờ đi theo một lộ trình có sẵn, không biết đi đâu, tại sao phải bước đi như vậy, và cuối cùng.
Ngày trước tôi có xem Reply 1988, có đoạn người bố đã hỏi Deok Sun một câu rằng:
-Ước mơ của con là gì, Deok Sun? Con muốn trở thành người như thế nào?
Cô bé 18 tuổi khi đó đã sững sờ hồi lâu và cuối cùng buồn bã trả lời bố rằng:
-Con không có. Con không có ước mơ. Con rất tệ. Con thấy mình rất ngốc”
- Không đời nào! Con không ngốc. Vậy thì con có thể tìm ước mơ của mình mà. Khi bố bằng tuổi con, bố cũng không nghĩ ra gì. Deok Sun à, mọi người đều như vậy. Không sao đâu. Không chỉ con đâu, nên con đừng lo”
Đúng vậy đấy bạn à, nếu bây giờ chưa tìm ra, thì một ngày nhất định cũng sẽ tìm ra. Khi còn nhỏ tôi không biết cách tìm ra con đường cho mình, nhưng nếu biết cách, bạn hoàn toàn có thể tìm được khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Bước đầu tiên bạn cần làm là tìm hiểu. Tôi từng đọc một câu của Johann Wolfgang von Goethe:“One never goes so far as when one doesn’t know where one is going.” (Người ta không thể đi xa khi không biết mình đang đi đâu). Vậy phải tìm hiểu điều gì. Bạn cần tìm hiểu về hai thứ, về chính mình và về các ngành học xung quanh. Tìm hiểu về mình thì nghĩ kỹ về điểm mạnh, điểm yếu của bản thân, nhìn nhận tính cách của mình, đôi khi thứ ta khao khát chỉ là thứ phù hợp với ta nhất. Như cô gái trong Reply 1988, Deok Sun, cô đã tìm ra ước mơ của mình khi làm một công việc phù hợp với tính cách tinh tế, ấm áp, thích quan tâm và chăm sóc người khác - Nghề tiếp viên hàng không.
Điều quan trọng hơn là bạn phải tìm hiểu về các ngành. Tìm hiểu ở đây không có nghĩa là chỉ lên search google đọc mấy dòng định nghĩa. Cần phải tìm hiểu các đặc điểm, tính chất, tình hình công việc ở hiện tại, quá khứ và tương lai. Bạn có thể đọc trên mạng, sau đó mua sách về đọc. Nếu có thể, hãy tìm hiểu về các ngành nghề bằng tiếng Anh. Ngoài đọc, nếu thực sự cảm thấy hứng thú, đừng quên tìm các lớp học online trên mạng như Youtube, Codeacademy, Khanacademy, Edx, Coursera,... Học thử các khóa học cho bạn một phần hiểu hơn về kiến thức và ngành nghề trong tương lai cũng như tự xem có phù hợp với bản thân hay không.
Đừng lo lắng nếu bạn cảm thấy mình thích nhiều ngành cùng một lúc. Con người không chỉ thích một ngành duy nhất, tuy nhiên luôn có thứ tự ưu tiên để bạn chọn lựa. Bạn biết đấy, thích thì có thể nhất thời, thiên về cảm xúc, cũng giống như yêu một người, một ngày nào đó tỉnh dậy cảm giác không yêu nữa. Bạn thích một ngành cũng vậy, một ngày nào đó cảm giác không thích như ban đầu nữa. Vậy nên để chuẩn bị tốt nhất, bạn nên chọn thứ mình vừa thích lại vừa giỏi. Kỹ năng đi trước đam mê, cũng có khi đồng nhất với đam mê. Giỏi thì sẽ mê, mê thì sẽ giỏi.
Trên đời không có ai là hoàn hảo cả. Mỗi giây phút ta đi là ta đang quyết định đời ta rồi, không phải chỉ có những chặng cụ thể. Nói vậy để thấy kết thúc cấp 3 chọn đại học sẽ không hoàn toàn quyết định cả tương lai của bạn sau này. Tương lai vẫn có thể thay đổi. Có rất nhiều người tôi quen, làm một ngành nghề cho đến 10 năm trời mới có thể tìm ra nghề nghiệp mình thực sự hạnh phúc khi làm nó. Nếu có lỡ học ngành không thích, mà cũng không biết bản thân thích gì thì có thể đầu tư công sức và thời gian nghiên cứu tìm hiểu nghiêm túc vì nó. Khi bạn giỏi, khả năng bạn thích nó sẽ cao lên. Còn nếu vẫn không thích thì hãy dũng cảm với những quyết định của mình.
Tuổi 18, khi người ta cho rằng đó là tuổi đẹp nhất của cuộc đời.
thì cũng có những nỗi đau riêng.
đừng học vì trào lưu, hãy học vì đam mê tri thức, hay chọn vì sự ham thích của bản thân.
Chúc tuổi 18 không còn là nỗi buồn, hoang mang, vô định.