Hello mọi người. Tiếp nối câu chuyện thực tập có lương hay không lương vừa gây tranh cãi, bài viết hôm nay có được trước hết xin cảm ơn những bạn đã hứng thú đến câu chuyện ở Bắc Âu của mình, và hôm nay mình lên bài như đã hứa. Nhiều bạn quan tâm quá, comment thôi mà lượng upvote bằng một nửa với bài viết gốc luôn, làm mình phải lên bài chứ không dám làm biếng mà sủi =)) 
đây là cái comment đấy, nhiều upvotes quá ạ ;)
đây là cái comment đấy, nhiều upvotes quá ạ ;)

1. GIỚI THIỆU

Trước khi bắt đầu cho mình tự giới thiệu một chút. Mình đang học cử nhân Environmental Chemistry & Technology ở một thành phố nhỏ tại Phần Lan, và mình sang đây được 4 năm rưỡi rồi. Năm ngoái mình đi intern không lương ở một công ty về Biotech ở Phần Lan trong nửa năm, và nói thật: đó là trải nghiệm tuyệt vời nhất mình từng có. Trong bài viết này, phần đầu mình sẽ giải thích tại sao Bắc Âu thịnh vượng, nơi mà công việc làm thêm chân tay lương đã khoảng 10 euro một giờ (tức full-time là khoảng 1700 euro ~ 50tr/tháng) mà lại có công ty dám không trả lương intern. Sau đó sẽ là reflection của mình về chuyện đi intern ở đó như nào, những điều mình học được, những chuyện tốt và những chuyện xấu. Oh, spoiler alert: những chuyện xấu và những trải nghiệm không tốt của mình - bằng một cách nào đó - hoàn toàn KHÔNG HỀ liên quan đến chuyện có lương hay không lương. 
Disclaimer: Đây là suy nghĩ cá nhân của mình, hoàn toàn không hề liên quan gì đến công ty. Trải nghiệm và suy nghĩ của mình chưa chắc đã giống với tất cả du học sinh VN khác tại Phần Lan, lại càng không thể đại diện cho tất cả du học sinh khác ở khắp nơi trên thế giới. Mình biết ở trên spiderum này có nhiều bạn cũng là du học sinh Phần Lan (namely Trần Việt Anh của chúng ta đấy). Đây là bài viết đầu tay của mình trên đây, có gì sai sót mong các bạn góp ý ạ.
Tháng 2 năm ngoái (tức 2020), mình vừa trở về Phần Lan từ chuyến đi học trao đổi (exchange study) tại Áo, thì châu Âu chính thức hứng chịu đại dịch quy mô nhất lịch sử. Lúc đó rất nhiều du học sinh VN nháo nhào lên và chen lấn mua vé máy bay về VN. Lúc đó mình đã xác định là sẽ ở lại, vì về thì sẽ lỡ dở nhiều cái như chuyện giấy tờ, thực tập, tốt nghiệp,.. mặc dù nhà và họ hàng liên tục gọi điện thoại hối về. Lúc đó mình đã biết là trường mình sẽ sớm dạy online, nhưng chất lượng sẽ như *** nên mình xác định là sẽ drop out một kì để đi thực tập lấy kinh nghiệm thay vì học tiếp. Sau khoảng một tháng hơn nộp application tứ tung mình được nhận vào team Application & Product Development tại một công ty biotech nhỏ phía nam Phần Lan. Nhiệm vụ chính của mình lúc đấy là cùng với team phát triển một formulation (mình không biết nên dịch là công thức hay hỗn hợp) từ những nguyên vật liệu thân thiện với môi trường với thành phần chính là lignin, với ý định ứng dụng nó trong các ngành công nghiệp liên quan, ví dụ như sản xuất giấy.
Bạn có thể mường tượng lignin là nhựa cây và bỏ qua luôn đoạn này cùng với cái hình bên dưới cho đỡ mệt. Lignin là một trong ba biomass chính của thực vật, 2 cái còn lại là cellulose và hemi-cellulose. Khác với 2 người anh em kia với mạch polymer lặp lại và đơn giản chỉ bao gồm đường 5 carbon và đường 6 carbon cùng với liên kết hóa học íu đúi, công thức hóa học của lignin cực kì phức tạp và rắc rối. Đó là lí do tại sao cellulose và hemi-cellulose đã được ứng dụng rộng rãi cả bao nhiêu thế kỉ rồi (ví dụ mà bạn có thể thấy ngay trước mắt là giấy viết & thùng carton). Trong khi đó thì hiện tại 98% lignin trên thế giới đơn giản là bị quăng vào lò làm chất đốt để lấy năng lượng được bao nhiêu thì được. Lí do chính của việc này là vì mạch lignin quá rắc rối với liên kết phức tạp và nhiều gốc chức khác nhau. Khoảng chục năm trở lại đây thì có nhiều nghiên cứu khoa học liên quan đến lignin và người ta hiểu về nó hơn, cũng như có nhiều công nghệ giúp extract (chiết xuất) và fractionate (phân mảnh) lignin, nên lignin nổi lên như một ngôi sao tiềm năng trong làng vật liệu tái tạo. 
Các liên kết interunit của lignin [1]
Các liên kết interunit của lignin [1]

2. Ừ NHƯNG SAO CÔNG VIỆC NGHE NGẦU THẾ MÀ LẠI KHÔNG TRẢ LƯƠNG CHO INTERN?

Nói không lương đơn giản là SME từ start-up nhỏ nên không có tiền để trả. Và nói không lương không có nghĩa là công ty không bỏ đồng nào. Các interns được cấp nhà, nên mình chuyển xuống thành phố đó nhanh chóng và dễ dàng (1 cú điện thoại và mình chuyển nhà ngay trong tuần đấy luôn) và chuyện hợp đồng giấy tờ này kia cũng đơn giản. Và quan trọng là không phải họ cấp nhà cho có, mà nhà đầy đủ tiện nghi, có cả ban công cửa kính rất đẹp, máy rửa chén, phòng riêng, và chỉ phải share cái nhà to đùng đó với 1 bạn intern khác. Mình còn nhớ là tuần đầu tiên mình hỏi cô Procurement là có còn budget mua thêm ghế cho intern không, ghế ở nhà ngồi không thoải mái lắm, cổ bảo còn nhiều chớ, xong mình đặt một cái ghế gaming to đùng cho cổ trả tiền và người ta chở tới nhà giao hàng, bạn nữ flatmate người Slovakia nghe mình kể cũng đòi ké 1 cái. Túm lại đúng kiểu Phần Lan: cái gì không làm thì thôi, chứ làm thì làm cho tới nơi tới chốn.

Các interns đều không lương nhưng đa số ai khi kí hợp đồng intern đều sẽ tìm được một khoảng trợ cấp nho nhỏ từ trường đại học, từ ERASMUS+, từ văn phòng lao động của Phần, hoặc từ các quỹ khuyến học khác của Phần. Đa số sẽ được 400-600euro/tháng, một số trường hợp khác là hơn 1000. Và vì cty đã bao nhà nên nhiêu đây cũng đủ để tự lo. Hơn nữa lên công ty thì cà phê trà bánh thoải mái. Các stationery (văn phòng phẩm) mở tủ lấy thoải mái, các dụng cụ trong lab (kể cả đồ cá nhân) cũng như mọi thứ hỗ trợ công việc (kể cả như laptop) thì công ty cấp. Tóm lại là trong mấy tháng đi intern không cần phải lo lắng về chuyện tiền.
Về mặt pháp lí thì giải thích ra rất phức tạp, nhưng mà mình có thể khẳng định: ở bên đây, việc nhận intern không trả lương KHÔNG bất hợp pháp. Đa số chương trình học bên châu Âu, sinh viên muốn tốt nghiệp sẽ phải có khoảng 30 tín chỉ thực tập (tức khoảng 1 học kì) - gọi là practical training. Tuy nhiên không phải sinh viên nào cũng có khả năng tự xin intern vào các công ty trước khi tốt nghiệp, nên một số trường giới thiệu cho sinh viên của mình vào và kí hợp đồng, trong đó ghi rõ là mỗi tháng trường sẽ hỗ trợ sinh viên bao nhiêu đó tiền, công ty không cần phải trả lương. Khi sinh viên làm practical training đủ bao nhiêu đó giờ/tuần thì sẽ nhận tín chỉ từ trường. Như vầy là một win-win situation cho 2 phía: bên trường sẽ có chỗ cho sinh viên của mình thực tập và học hỏi kinh nghiệm thực tế, còn bên công ty sẽ có thêm nhân lực trong thời gian ngắn (ở mức độ tập sự) mà không cần phải trả lương. Cái mô hình không có lương nhưng có subsidy/grant (tiền hỗ trợ) này được áp dụng không chỉ bởi các trường đại học mà còn bởi ERASMUS+ (thuộc EU - liên minh châu Âu) và văn phòng lao động của Phần Lan, nên mình có thể khẳng định những hợp đồng giấy trắng mực đen này hoàn toàn hợp pháp. Việc trả lương thật ra không chỉ là tiền, mà đi kèm với nó là rất nhiều vấn đề pháp lí phức tạp khác: hợp đồng permanent, fixed-term hay là agreement, chuyện thuế má dĩ nhiên sẽ phụ thuộc vào lương, chuyện bảo hiểm, các nhân viên nước ngoài phải xin resident permit (thẻ cư trú), vân vân mây mây. Với mình thì mình thấy như vầy không phải là lừa đảo hay bóc lột sức lao động, nhưng mà chỉ đơn giản là cung-cầu thị trường. Ở các nước phát triển như VN thì công ty mọc lên liên tục như nấm nên có thể bạn xin intern không có gì khó khăn, nhưng ở thị trường nhỏ và bão hòa như Phần Lan thì thật sự xin được intern ngon lành đúng ngành ở đây đã là một thành tích. Có nhiều bạn mình là du học sinh không xin được intern bên đây nên phải về VN để thực tập. Bạn mình là sinh viên người Phần Lan còn khó xin intern ở ngay tại Phần Lan chứ đừng nói gì du học sinh tụi mình. Các SME (công ty nhỏ) tự mở ra, tự nuôi bản thân, đóng góp cho nền kinh tế vốn đã ít rồi, chứ đừng nói là đèo bòng thêm sinh viên mới ra trường. Họ chỉ đơn giản là làm theo luật, và luật thì dựa vào tình hình thực tế. Don't hate the player hate the game.

3. MÌNH CẢM NHẬN NHƯ THẾ NÀO VỀ CÔNG TY?

Cảm nhận đầu tiên: mình và các interns khác cực kì được tôn trọng. Mình còn nhớ hôm sáng thứ 2 đầu tiên, trong phòng họp có khoảng 20 người, ngoài ra bên kia màn hình là có khoảng 10 nhân viên và các board members (thành viên hội đồng quản trị) họp online. Ông CEO đứng dậy thông báo: "Trước khi chúng ta bắt đầu họp, tôi có chuyện quan trọng: Chúng ta có một ĐỒNG NGHIỆP mới (we have a new COLLEAGUE)!" Thề luôn lúc đó trong đầu mình là: "Hả? Đồng nghiệp gì cơ? Tôi á?". Xong mọi người im lặng để mình lên giới thiệu. Mình rén quá nên quên mất cả việc giới thiệu mình ở đây làm gì và làm ở team nào luôn, xong ông CEO phải nói lại. Nói chung là buổi thứ 2 hôm đấy là ấn tượng đầu tiên cực kì tốt. Và sự tôn trọng không chỉ là ở thái độ, mà còn trong chuyên môn nữa. Mỗi khi mình đề xuất ý kiến gì thì tất cả những người trong team đều im lặng lắng nghe, và nếu ý tưởng của mình nghe ổn (nghe ổn thôi chứ chưa cần xuất sắc hay đột phá nha) là sếp đã cho phép mình thử, sai thì sửa làm lại. Quan điểm của ổng là Innovation (tạm dịch là đổi mới hay đột phá) đến từ dám làm, sai và sửa - kể cả là intern. Mình được thiết kế thí nghiệm và báo cáo kết quả như ý mình muốn, rồi đại diện team thuyết trình trước công ty mỗi tháng cũng tùy ý mình luôn. Sếp và cô supervisor chỉ góp ý và chỉnh sửa thôi. Còn chuyện credit (tạm dịch là công lao) thì bên đây chủ nghĩa cá nhân rất lớn, phần nào mình làm chính thì ghi rõ tên mình ra trong bài thuyết trình, không có chuyện vì là intern nên công sức cá nhân bị vùi. Cái này các interns khác và mình đều thích. Để nhấn mạnh thêm với các bạn cái chuyện tôn trọng quan trọng thế nào: mình là NGƯỜI DUY NHẤT trong công ty chưa tốt nghiệp và chưa có cả cái bằng bachelor trong tay nữa (đấy là còn chưa nói đến chuyện kinh nghiệm thực tế không có, CV của mình còn trắng hơn cả Ngọc Trinh). Các interns khác đa số đều xong Master rồi, và nhiều nhân viên công ty có bằng tiến sĩ hay thậm chí là post-doc. Mình hay đùa với mọi người là mình là thằng vô học nhất công ty này (the most uneducated), và mọi người chỉ cười thôi chứ thật sự không ai dám đánh giá thấp mình.
Điều mình thích nhất ở đây là vì công ty nhỏ nên mọi người rất vui và rất thân với nhau. Mỗi sáng 9h vào làm là mọi người ra vườn ngồi uống cà phê cùng nhau, gọi là Morning Coffee. Công ty mình có già có trẻ, có thẳng có cong, có người Phần Lan, Thụy Điển, Pháp, Ý, Đức, Ba Lan, Slovakia, Ukraina, Croatia, Brazil, Tây Ban Nha, Việt Nam (first and only nhé) cùng với hơn chục quốc tịch khác. Và bạn biết là nhét một đống người đến từ khắp nơi trên thế giới vào một cái bàn cà phê, thì bạn không bao giờ hết chuyện để nói, đặc biệt là khi họ đã từng làm việc tại nhiều nơi trên thế giới với những trải nghiệm sống thú vị. Nhưng làm ra làm, chơi ra chơi, đúng 9h30 mọi người cùng đứng dậy vào làm việc. Lúc làm mặt mũi ai cũng tập trung, căng thẳng. Giờ ăn trưa lại tương tự, nói đủ thứ chuyện trên trời dưới đất. Nói chung là vui, thân nhau như gia đình. 

4. REFLECTION - MÌNH HỌC ĐƯỢC VÀ TRẢI NGHIỆM ĐƯỢC NHỮNG GÌ?

Học được thì nói chung là nhiều. Về chuyên môn thì làm việc với một bio-material như lignin là đúng cái mình thích, và làm theo hướng application & development thì đúng kiểu mình thích. Lúc mình bắt đầu thì mình chưa biết gì nhiều, nhưng càng làm càng đọc càng học thì mình càng hiểu nhiều hơn. Được cái may mắn là mình chịu khó nói chuyện với các anh/chị phòng ban khác nên ngoài học trực tiếp kiến thức từ họ, mình có thể nhìn cùng một cái sản phẩm của mình từ một góc nhìn khác. Ngoài ra mình học được rất nhiều kĩ năng mềm, chủ yếu liên quan đến giao tiếp và giải quyết vấn đề.
Tuy nhiên, cái gì có lên dốc thì cũng sẽ có xuống dốc. Tầm tháng thứ 4 và thứ 5 thì mình rất nản việc và có dấu hiệu stress. Lí do thì phức tạp, nhưng chủ quan là vì 3 tháng đầu mình được tham gia vào project lớn và được cống hiến nhiều; sau đó là thì mọi thứ đình trệ lại và mình có cảm giác bị "kẹt". Một phần là vì công ty nhỏ nên không có tiền mua máy móc nhiều, mà không có máy thì không có data, mà không có data thì không có insight. Lí do khác nữa là mình bắt đầu có self-doubt. Làm theo hướng development nghĩa là bạn phải có kiến thức nền tốt và rộng, nhưng càng đi sâu mình càng cảm thấy bản thân không biết về cái lĩnh vực mà mình cảm thấy mình cần phải biết. Và việc bị "kẹt" không phát triển được làm cho mình cảm thấy rất nản. Mấy tháng đầu thì mình tự hào vì mình tuy chưa tốt nghiệp cử nhân nhưng vẫn có thể cân việc, và sau đó thì vì tự tin quá nên mình gặt bão :(( Một lí do khách quan là mình bị một hiệu ứng tâm lí gọi là "ngưỡng Plateau" (tạm dịch là trạng thái bình ổn) [2]. Khi mình đang hăng hái lao về phía trước mà tự dưng bị "bình ổn" lại một chỗ thì bạn có thể tưởng tượng giống như một cái xe cố vặn ga để lao lên trong khi đang bị xích chặt. Tâm lí bế tắc và kìm kẹp dẫn tới self-doubt sẽ tự mình tạo ra áp lực vô hình cho chính mình. Nếu bạn cũng đang/từng ở trong tình trạng tâm lí này, mình tặng bạn một câu của thi hào Mark Twain:
I've lived through some terrible things in my life, some of which actually happened.
Nói chung mấy cái trải nghiệm không tốt của mình đều là về tâm lí, bắt nguồn tự sự chưa từng trải của mình (như tiếng Việt mình thì gọi là "ngựa non háu đá" ấy). Mình cảm thấy mình học hỏi được nhiều và trưởng thành lên nhiều sau nửa năm thực tập ở đấy. Bây giờ nhìn lại thì mình nhớ những điều mình học được from scratch, nhớ những cuối tuần cũng các interns khác đẹp xe qua những cánh đồng Phần Lan mùa hè, nhớ món pizza tự làm của anh đồng nghiệp Brazil, nhớ những lần ông sếp người Pháp tấu hài trong phòng họp; chứ chả bao giờ nhớ có lương hay không lương.
Này là một bữa trưa đơn giản với khách bên đối tác. Tuy bữa trưa rất chóng vánh nhưng hôm đó mình rất vui. Vì lúc nhỏ nhà nghèo, lâu lâu ba mình được mời đi ăn cơm khách đều cho mình đi theo ké để mình được một bữa ngon. Cả tuổi thơ rất nhiều lần đi ăn cơm khách như vậy người ta cũng chỉ nhớ là mời con thầy H** chứ không ai biết mình là ai. Đây là lần đầu tiên mình được mời đi ăn cơm khách với tư cách là Trịnh Công Huấn.
Này là một bữa trưa đơn giản với khách bên đối tác. Tuy bữa trưa rất chóng vánh nhưng hôm đó mình rất vui. Vì lúc nhỏ nhà nghèo, lâu lâu ba mình được mời đi ăn cơm khách đều cho mình đi theo ké để mình được một bữa ngon. Cả tuổi thơ rất nhiều lần đi ăn cơm khách như vậy người ta cũng chỉ nhớ là mời con thầy H** chứ không ai biết mình là ai. Đây là lần đầu tiên mình được mời đi ăn cơm khách với tư cách là Trịnh Công Huấn.

5. ỦA VẬY RỒI SẮP TỚI CÓ QUAY LẠI ĐÓ LÀM VIỆC KHÔNG?

Vì nhiều lí do, rất tiếc là KHÔNG. Mình vừa nhận lời làm Project Engineer trên tàu cho một công ty làm về Ballast Water Treatment System ở một hòn đảo nam Phần Lan. Một phần nguyên nhân là vì cuốn "Yersin: dịch hạch và thổ tả" của tác giả Patrick Deville [3]. Với mình thì trong số những người nước ngoài chẳng nợ nần gì Việt Nam nhưng lại quyết định sống ở Việt Nam suốt đời và có nhiều đóng góp lớn, thì mình thích Yersin nhất. Mình đang bị hyped cái đoạn Yersin làm bác sĩ trên tàu sau khi rời sư phụ Pasteur. Mình còn định khi nào về VN sẽ đi từ SG ra Nha Trang bằng đường thủy như Yersin từng đi, sẽ nghỉ lại tại khách sạn Majestic ở SG như Yersin từng làm, rồi sẽ đến những nơi Yersin từng đến nữa. Nói chung là đang hyped về cảnh đi rong ruổi trên tàu như Yersin thì có job offer nên mình nhận luôn.
Nếu bạn đã dành thời gian đọc đến đây và lắng nghe câu chuyện của mình, mình thật sự cảm ơn bạn. Mình quan niệm reflection là cách tốt nhất để học hỏi và trưởng thành, và không ai trong chúng ta sống đủ lâu, nên học từ reflection của người khác là một cách rất tốt. Mình cũng muốn nghe câu chuyện của bạn nữa. Bạn có thể connect với mình qua FB hoặc Linkedin. Ciao Ciao!
[1] Ảnh lignin từ nguồn:
W. Schutyser, T. Renders, S. Van den Bosch, S.-F. Koelewijn, G. T. Beckham and B. F. Sels. (2018). Chemicals from lignin: an interplay of lignocellulose fractionation, depolymerization, and upgrading. Chem. Soc. Rev., 2018,47, 852-908.
[2] Hiệu ứng "Ngưỡng Plateau" - (mình biết tới cái này cũng nhờ spiderum, xin cảm ơn tác giả ạ)
[3] Yersin: dịch hạch và thổ tả