Bài viết trích trong "Giấc mơ hóa Rồng" của tác giả Huỳnh Bửu Sơn ( bài này được viết năm 2007).

Lo cho sự học của mọi công dân, hiện tại và tương lai, không chỉ là trọng trách của nhà nước, mà còn là nghĩa vụ và quyền lợi của cả cộng đồng dân tộc. Ở nhiều nước, chế độ giáo dục cưỡng bách (học miễn phí và bắt buộc) thường chỉ đến hết bậc tiểu học, và ở vài nước đến hết bậc trung học. Ngoại trừ một số quốc gia Ả Rập giàu có nhờ dầu hỏa, ít nhà nước nào có đủ tiền, và đủ người, để có thể thực hiện giáo dục miễn phí đến bậc đại học và sau đại học. Nhưng công dân ở bất cứ nước nào, bất cứ độ tuổi nào, cũng đều có nhu cầu học hỏi, tiếp thu kiến thức. Ở độ tuổi thanh niên, vì sinh kế, một công dân phải rời mái trường sớm hơn các bạn mình để tìm việc làm. Đến tuổi trung niên, hay thậm chí khi đã về hưu, nếu sức khỏe và tài chính cho phép, ông ta sẽ mong muốn quay trở lại mái trường đại học để học cho biết về môn học mình thích, hiểu được những vấn đề mà mình thắc mắc, ấp ủ bao lâu nay. Đó là một nhu cầu chính đáng, hơn nữa đó là một quyền con người. Chính vì vậy, học suốt đời là nguyên tắc mà cộng đồng xã hội nào muốn tiến bộ cũng điều áp dụng và khuyến khích, giúp công dân của mình được học nếu họ muốn và có điều kiện. Cánh cửa đại học phải là cánh cửa mở rộng cho mọi người, và điều kiện cần và đủ để bước vào là tốt nghiệp trung học và có khả năng đóng học phí.
Tự trị đại học còn là một phương thức của cộng đồng nhằm thực hiện nguyên tắc học suốt đời. Khi chính phủ không còn phải bao cấp tài chính cho những trường đại học, những kỳ thi tuyển sinh vào đại học sẽ không còn cần thiết. Một kỳ thi tú tài quá đủ để chọn lọc những học sinh đủ điều kiện tốt nghiệp phổ thông. Việc tuyển sinh chỉ nên thực hiện cho những trường đào tạo công chức, chuyên viên làm việc cho bộ máy hành chính hay những cơ quan do Nhà nước quản lý, điền hành, chẳng hạn Học viện Hành chính Quốc gia hay Đại học Sư phạm. Cánh cửa đại học cần được mở rộng cho mọi học sinh tốt nghiệp tú tài ghi danh. Tuy nhiên, mỗi trường đại học, tùy khả năng vào điều kiện cung cấp dịch vụ đào tạo của mình, có thể thiết lập những tiêu chuẩn nhập học mà sinh viên muốn nhập học phải hội đủ. Nhưng điều đó chỉ là biệt lệ của những nguyên tắc tự do ghi danh học đại học. Mô hình đào tạo đại học sẽ có hình phễu, thay vì hình ống như hiện nay (2007). Ghi danh đại học chỉ đảm bảo sinh viên sẽ được cung cấp một chương trình đào tạo đúng đắn, có tầm cỡ thế giới với dịch vụ giảng dạy và hướng dẫn chất lượng cao, bởi một tập thể giáo sư đại học giỏi. Nhưng nó không đảm bảo rằng sinh viên đó sẽ tốt nghiệp và được cấp bằng, nếu anh ta không qua được các kỳ sát hạch kiến thức và kỹ năng trong thời gian học. Điều đó nghĩa là việc anh ta có tốt nghiệp hay không, tùy thuộc vào nỗ lực tự thân và tài năng của anh ta, không phải là nghĩa vụ càng không phải thành tích của trường. Uy tín của trường không ở chỗ có nhiều sinh viên tốt nghiệp mà là ở chỗ sinh viên tốt nghiệp từ trường đó được những nơi sử dụng thừa nhận thực sự giỏi. Nếu thi trượt, anh ta vẫn có thể tiếp tục ở lại trường để học, học mãi nếu anh ta đủ kiên trì và đủ điều kiện tài chính để theo học.
Tự trị đại học còn là một phương thức tốt nâng cao tinh thần trách nhiệm, uy tín, độ tin cậy, tính minh bạch, công bằng của trường đại học, tập thể giáo sư đối với cộng đồng cũng như đối với sinh viên, người mà mình nhận cung cấp dịch vụ đào tạo. Mỗi trường đại học sẽ xây dựng một thương hiệu riêng. Ví dụ, Mỹ có Harvard, Stanford, Princeton, Anh có Oxford, Cambridge, Pháp có Sorbonne, Nhật có Đại học Tokyo, Waseda... đó là những trường đại học đã xây dựng thương hiệu từ hàng trăm năm nay. Do đó, dù học phí rất đắt, những trường trên vẫn là niềm mơ ước của mọi sinh viên ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Việc xây dựng thành công một thương hiệu đại học không hề đơn giản. Không chỉ có tập thể giáo sư xuất sắc lương cao, chương trình giảng dạy khoa học và luôn cập nhật các kiến thức thông tin mới nhất, các trường nói trên cũng phải luôn đổi mới, hoàn thiện kỹ năng quản trị, quản lý tài chính, nâng cao khả năng cạnh tranh toàn cầu, và xây dựng một chiến lược phát triển hiệu quả với tầm nhìn lâu dài, không kém gì một công ty đa quốc gia. Thương hiệu đại học, đó là cam kết của trường đối với cộng đồng về trách nhiệm mình phải đào tạo cho được các thế hệ xuất sắc, những nhân tài, những người đứng trên đầu ngọn sóng của kiến thức thời đại, với các chương trình đào tạo luôn cập nhật, luôn đổi mới hướng tới sự phát triển óc sáng tạo của con người và góp phần xứng đáng vào sự tiến bộ chung của tri thức nhân loại.
Một nhà nghiên cứu của giáo dục đã nhận xét rằng "Khi xã hội có nhu cầu, nhân tài sẽ xuất hiện". Các trường đại học, khi được tự chủ trong việc xây dựng chương trình giảng dạy, sẽ đào tạo theo nhu cầu của xã hội và nền kinh tế. Họ sẽ nắm bắt, theo dõi nhu cầu của xã hội, doanh nghiệp và cập nhật thường xuyên chương trình giảng dạy. Việc đào tạo sẽ trở nên hiệu quả hơn nhiều. Người ta sẽ không chỉ dạy cho sinh viên biết cái gì (know what), mà còn dạy cho biết vì sao (know why) và biết như thế nào (know how). Các doanh nghiệp đang rất cần người sẽ phải tranh nhau tuyển dụng sinh viên khi họ đang ở năm cuối mà không cần chờ đến khi họ tốt nghiệp. Còn sinh viên sau khi tốt nghiệp các trường này sẽ có nhiều lựa chọn đối với công việc mà mình ưa thích. Với nguồn cung nhân lực có chất lượng, thị trường nhân lực ở các nước này là nơi tìm đến của những doanh nghiệp tầm cỡ thế giới. Đó là đặc điểm của nền kinh tế tri thức tại những nước công nghiệp phát triển hiện nay.
Cuối cùng, tự chủ đại học sẽ giúp các trường đại học lột xác từ các đơn vị hành chính sự nghiệp, một gánh nặng không từ chối được của ngân sách, sang đơn vị kinh doanh. Không còn là một đơn vị hành chính sự nghiệp, nó sẽ không còn bị vướng bận bởi các thủ tục, các quy định hành chính nặng nề với bộ máy quản lý cồng kềnh, kém hiệu quả và những thủ tục quan liêu, thư lại. Các trường sẽ tự chủ về tài chính, tự chịu trách nhiệm về việc xây dựng các chương trình giảng dạy, về chất lượng giảng dạy và kết quả giảng dạy, được đánh giá dưới khía cạnh tài chính lẫn chất lượng đào tạo. Những trường nào cung ứng dịch vụ đào tạo thấp, quản lý kém sẽ không còn được sinh viên ghi danh theo học và do đó sẽ dần bị đào thải. Ngược lại, những trường dạy tốt sẽ nâng cao uy tín của mình, không những trong nước mà còn trên thế giới. Vai trò của nhà nước là giám sát, kiểm tra hoạt động giảng dạy của trường, thiết lập các tiêu chuẩn tối thiểu về điều kiện giảng dạy mà các trường phải tuân thủ, nhân danh quyền lợi của đất nước và cộng đồng. Để đạt được điều đó, việc cho ra đời một bộ luật đại học sẽ rất cần thiết.
Hơn 15 năm trước (1986), khi bắt đầu sự nghiệp đổi mới kinh tế, vai trò tự chủ kinh doanh của các doanh nghiệp quốc doanh đã được phát huy và luật hóa, nhờ đó góp phần không nhỏ cho sự thành công của đổi mới và phát triển kinh tế đất nước. Bây giờ (2007) chúng ta mới nói đến tự chủ đại học. Đổi mới giáo dục đã đi sau một bước so với đổi mới kinh tế. Trong điều kiện xu hướng hội nhập kinh tế đang diễn ra trên toàn cầu và nước ta cũng đang tiến bước trên tiến trình hội nhập kinh tế, khi mà dòng chảy của công nghệ, thông tin, kiến thức đang vượt khỏi biên giới quốc gia và ngày càng mang tính quốc tế, việc đổi mới giáo dục, trong đó có việc trao quyền tự chủ cho các trường đại học sẽ là bước cải cách quan trọng nhằm mở cánh cửa cho nước ta tiến bước vững chắc vào nền kinh tế tri thức trong tương lai.