Nói lý với người không nghe lý?
Đây là một bài viết khá thú vị trên The New York Times của tác giả Adam Grant, nhân dịp đang nghỉ Tết mình đọc được nên dịch nhanh...
Nếu không tiện đọc bài viết, bạn có thể nghe bản audio tại đây:
Đây là một bài viết khá thú vị trên The New York Times của tác giả Adam Grant, nhân dịp đang nghỉ Tết mình đọc được nên dịch nhanh chia sẻ cùng các anh chị em. Các bạn cũng có thể đọc bản gốc tiếng Anh tại đây:
P/S: "Lý" ở tiêu đề là lý luận, không phải đạo lý. Người dịch không khuyên mọi người "Đao ly nhưng sống như loài bươm bướm".
Về tác giả:
Adam Grant là một nhà tâm lý học nghề nghiệp tại Wharton School. Nghiên cứu của anh tập trung vào các chủ đề như động lực, sự rộng lượng và tính sáng tạo. Cuốn sách mới nhất của anh - Think Again: The Power of Knowing What You Don’t Know - chính là nguồn tham khảo chính cho bài viết này.
Đừng cố gắng thay đổi quan điểm của ai đó. Thay vào đó, hãy giúp họ tìm thấy động lực tự thay đổi.
Một vài năm trước, tôi mắc một sai lầm: tranh luận với người cứng đầu nhất tôi từng biết. R., tôi viết tắt tên anh để đảm bảo tính cá nhân, là một người bạn lâu năm. Một ngày, trong một chuyến thăm, R. nói với tôi rằng những đứa con của anh chưa bao giờ và sẽ không bao giờ được tiêm vắc-xin.
Dù không phải người ủng hộ việc tiêm vắc-xin một cách mù quáng cho mọi trẻ sơ sinh, tôi vẫn thực sự lo lắng cho sự an toàn của những đứa bé nhà R. Đó là lý do tôi bắt đầu vạch trần một số quan niệm hoang đường thường gặp về vắc-xin. Sau nhiều ngày tranh luận, tôi vừa kiệt sức vừa cáu điên lên. Để bảo vệ tình bạn, tôi thề sẽ không bao giờ nói với anh về vắc-xin một lần nữa.
Rồi 2020 tới. Sợ vắc-xin có thể trở thành rào cản lớn nhất giúp ngăn chặn Covid-19 khi quan điểm này lan rộng ra ngoài khuôn khổ cộng đồng anti-vaxxer nói riêng: Khoảng một nửa người Mỹ đặt nghi vấn về sự an toàn của vắc-xin Covid-19; 30% cho biết họ nhất định hoặc có thể sẽ không tiêm vắc-xin.
Vậy là tôi quyết định thử xem liệu mình có thể giúp R. trở nên cởi mở hơn về việc này được không. Để rồi sau hành trình này, điều tôi không nhận ra khi đó là tâm trí tôi cuối cùng lại trở nên cởi mở hơn nhiều
Là một nhà tâm lý học nghề nghiệp, tôi đã có một vài năm gần đây nghiên cứu về cách tạo động lực để mọi người suy nghĩ lại. Tôi từng thực hiện những thí nghiệm giúp nhóm người ủng hộ quyền sở hữu súng và nhóm phản đối bỏ bớt ác cảm với nhau; tôi thậm chí còn giúp được các fans đội Yankees bớt thù địch với các fans đội Red Sox. Có điều, tôi không thường xuyên thực hành những gì mình giảng dạy trong đời sống.
Khi tiếp xúc với một ai đó có vẻ bảo thủ, phản ứng bản năng của tôi là tranh luận đối lập và phân cực với họ. Nhưng khi tôi tấn công bằng lập luận, họ hoặc là im lặng hoặc phản công lại còn mạnh hơn. Trong nhiều trường hợp, tôi thậm chí còn bị gọi là "kẻ bắt nạt bằng logic".
Khi chúng ta cố gắng thay đổi quan điểm của một người, phản ứng đầu tiên là thuyết giảng về việc tại sao chúng ta đúng và cáo buộc những sai lầm của họ. Nhưng các thí nghiệm đã cho thấy việc thuyết giảng và cáo buộc này thường đem lại kết quả ngược với mong đợi - đã không thay đổi mà thậm chí còn củng cố thêm niềm tin của người đối diện. Tương tự như cái cách mà vắc-xin kích hoạt hệ miễn dịch chống lại virus, hành động phản kháng lại những cáo buộc cũng củng cố "đề kháng tâm lý" của mỗi cá nhân. Bác bỏ một quan điểm sẽ sản sinh "kháng thể" chống lại các nỗ lực tương tự trong tương lai, khiến chúng ta càng chắc chắn hơn về quan điểm của riêng mình và sẵn sàng gạt phăng mọi quan điểm khác.
Đó là những gì đã xảy ra với bạn của tôi. Nếu muốn anh ấy nghĩ lại về quan điểm chống vắc-xin của mình, tôi phải nghĩ lại về cách tiếp cận của bản thân trước đã.
Vài thập kỷ trước, để điều trị các bệnh nhân lạm dụng chất kích thích, các nhà tâm lý học đã phát triển một kỹ thuật gọi là phỏng vấn động lực. Tiền đề của phương pháp này là thay vì cố gắng ép buộc mọi người thay đổi, bạn nên giúp họ tìm thấy động lực nội tại để tự đổi thay. Bạn có thể làm điều đó bằng cách phỏng vấn họ - hỏi những câu hỏi mở và lắng nghe thật cẩn thận - đồng thời "giữ chặt một tấm gương" giúp họ tự nhìn nhận những suy nghĩ của chính mình một cách rõ ràng hơn. Nếu họ bày tỏ mong muốn thay đổi, khi đó bạn sẽ hướng dẫn họ xây dựng một kế hoạch cụ thể.
Ví dụ như nếu bạn là một học sinh ở Hogwarts, và muốn giúp đỡ ông chú của mình bớt cuồng Voldemort, bạn có thể bắt đầu thế này:
Bạn: Cháu rất muốn hiểu rõ hơn cảm nhận của chú về Kẻ-mà-ai-cũng-biết-là-ai-đấy.Ông chú: Ầy, ổng là phù thủy mạnh nhất trên đời. Còn nữa, những người ủng hộ ổng hứa sẽ cho ta một danh vị thật ngầu.Bạn: Hay đấy chú. Thế có cái gì chú không thích ở ổng không?Ông chú: Hmm, ta không cuồng việc giết chóc lắm.Bạn: Ừm thì không ai là hoàn hảo cả mà. Thế điều gì ngăn cản chú khỏi việc ngừng ủng hộ ổng?Ông chú: Ta sợ rằng khi đó việc giết chóc sẽ hướng vào ta.Bạn: Đó đúng là một nỗi sợ hợp lý, cháu cũng cảm thấy tương tự. Nhưng liệu có những nguyên tắc nào quan trọng với chú tới mức chú sẵn sàng chấp nhận rủi ro đó không?
Trong những thử nghiệm có kiểm soát, phỏng vấn động lực đã giúp người tham gia dừng hút thuốc, lạm dụng rượu, chất kích thích và cờ bạc; cải thiện thói quen tập luyện và ăn uống; giúp họ vượt qua những rối loạn ăn uống; và giảm cân. Phương pháp này cũng tạo động lực để sinh viên có lịch trình ngủ nghỉ khoa học hơn; cử tri cân nhắc lại những định kiến của mình; và các cặp đôi ly hôn tìm ra điểm hòa giải.
Gần đây, nhờ sự hướng dẫn của một vaccine whisperer, tôi đã đăng ký để được tiêm ngừa. Arnaud Gagneur là một bác sĩ nhi ở Quebec, cũng là người đã khuyến khích các bậc cha mẹ còn đang chần chừ hãy đi tiêm phòng cho con cái của họ. Trong các thử nghiệm của ông, phỏng vấn động lực tại phòng hộ sinh sau khi sinh giúp gia tăng số lượng phụ nữ sẵn sàng tiêm vắc-xin cho con của họ từ 72% lên tới 87%; đồng thời giúp cho tổng số trẻ em được tiêm phòng đầy đủ 2 năm sau đó tăng thêm 9%. Có thể thấy, chỉ một cuộc hội thoại là đủ để thay đổi hành vi trong vòng 2 năm kế tiếp.
Tôi thiết lập một cuộc nói chuyện giữa bác sĩ Gagneur và bạn mình. Sau 90 phút, kết quả tôi nhận được là quan điểm của R. về vắc-xin rõ ràng vẫn không thay đổi.
"Tôi đã cố gắng áp dụng tất cả các nguyên tắc của phỏng vấn động lực, nhưng vẫn có cảm giác khó chịu rằng nó không hiệu quả," bác sị Gagneur viết email cho tôi. "R. rất hiểu biết và thường tìm ra được các lập luận củng cố quyết định của mình."
Thật kỳ lạ là tôi không hề cảm thấy bị đánh bại hay bực tức. Tôi muốn tìm hiểu xem quan điểm của bạn tôi có thể phát triển như thế nào.
Những nhà tiên phong trong phương pháp phỏng vấn động lực, William Miller và Stephen Rollnick, từ lâu đã cảnh báo về việc không nên sử dụng kỹ thuật này để thao túng người tham gia. Thay vào đó, bạn cần chân thành mong muốn hiểu người khác và giúp họ đạt được những dự định của chính mình. Mặc dù cả R. và tôi đều muốn những đứa trẻ nhà anh ấy được khỏe mạnh, tôi nhận ra bản thân chưa bao giờ cố gắng hiểu góc nhìn của anh về vắc-xin trước đó. Vậy là tôi gọi điện cho anh ngay sáng hôm sau.
Trong những cuộc tranh luận của chúng tôi trước đó, R. chỉ tập trung vào những tác dụng phụ tiềm tàng của việc tiêm vắc-xin. Tuy nhiên, trong cuộc đối thoại với bác sĩ Gagneur, anh thừa nhận rằng vắc-xin có thể tốt với một số người nhưng không cần thiết với những người khác. Nếu sống ở một đất nước đang bùng phát dịch sốt rét chẳng hạn, liệu anh có cân nhắc việc tiêm phòng vắc-xin? "Bạn phải cân đối giữa được và mất," anh nói.
Các nhà tâm lý học phát hiện ra rằng khi chúng ta lắng nghe cẩn thận và tập trung chú ý vào những sắc thái nhỏ trong tư duy của người khác, họ sẽ trở nên bớt cực đoan và cởi mở hơn trong quan điểm của mình. Tôi tự hỏi sự mâu thuẫn tư tưởng của bạn tôi áp dụng thế nào trong trường hợp Covid. Tôi cũng biết rằng loại câu hỏi tôi sử dụng khi nói chuyện cũng sẽ đem lại kết quả khác nhau. Các nhà nghiên cứu xã hội phát hiện ra rằng thay vì hỏi mọi người tại sao họ lại ủng hộ một chính sách chính trị, hãy hỏi họ về cách thức những chính sách này hoạt động trên thực tế. Phương pháp này sẽ khiến mọi người trở nên cởi mở hơn. Khi gặp khó khăn trong việc giải thích chính sách thuế hay chăm sóc sức khỏe lý tưởng của mình, họ sẽ nắm bắt được sự phức tạp của vấn đề và nhận ra những khoảng trống trong kiến thức của chính mình.
Vậy là trong nỗ lực thứ hai của mình, thay vì hỏi R. tại sao anh phản đối vắc-xin Covid, tôi hỏi anh làm thế nào để anh ngăn chặn được đại dịch. R. nói rằng chúng ta không thể bỏ tất cả trứng vào một rổ - chúng ta cần tập trung mạnh hơn vào việc ngăn ngừa và điều trị. Tôi tiếp tục hỏi anh rằng liệu vắc-xin có phải một phần trong chiến lược của anh. R. nói có - cho một số người.
Tôi háo hức muốn biết điều gì có thể khiến R. quyết định rằng anh sẽ là một trong số những người đó. Trong phỏng vấn động lực, có sự khác biệt giữa hai khái niệm "sustain talk" và "change talk". Sustain talk là những bình luận về việc duy trì trạng thái hiện tại, còn change talk là những đề cập tới mong muốn, khả năng hoặc cam kết thay đổi. Một người phỏng vấn động lực có kinh nghiệm phải lắng nghe được change talk và yêu cầu người tham gia làm rõ chúng. Đây chính là bước thứ 3 của tôi.
Tôi hỏi R. về khả năng anh ấy sẽ tiêm vắc-xin Covid. Anh trả lời rằng khả năng này "khá thấp vì nhiều lý do khác nhau." Tôi thú thật với anh rằng tôi khá bất ngờ vì anh chỉ nói "khá thấp" thay vì "không"
"Đây không phải vấn đề đen-trắng," R. nói. "Tôi không biết, vì quan điểm của tôi có thay đổi." Tôi cười lớn: "Đây là một cột mốc lớn đấy. Con người cứng đầu nhất tôi biết thừa nhận rằng anh ta sẵn sàng thay đổi quan điểm?" R. cũng cười và đáp lại: "Không, tôi vẫn là con người cứng đầu nhất bạn biết đấy! Nhưng ở những giai đoạn khác nhau của cuộc đời, chúng ta cũng có những thứ khác nhau mà bản thân cảm thấy quan trọng mà, phải vậy không?"
Tôi không kỳ vọng R. hoặc những đứa con của anh ấy sẽ được tiêm vắc-xin sớm, nhưng tôi thấy được sự tiến triển khi anh đồng ý sẽ giữ một tư duy mở. Bước đột phá thực sự hóa ra lại diễn ra trong tôi, khiến tôi trở nên cởi mở hơn trước một phương thức giao tiếp mới, không còn điểm phải ghi và không còn tranh luận phải thắng nữa. Chiến thắng duy nhất của tôi chính là trước những thiên kiến buộc tội của chính mình. Tôi đã vượt qua kẻ bắt nạt bằng logic trong chính bản thân mình.
Nhiều người tin rằng để ngăn chặn dịch bệnh chết người, kết quả sẽ biện minh cho mọi hành động cần thiết. Nhưng hãy nhớ rằng, phương tiện chính là thước đo cho phẩm cách của chúng ta. Nếu thành công trong việc cởi mở nhận thức của người khác, thay vì chỉ tự hào vì điều đạt được, chúng ta cũng nên tự hỏi xem bản thân có thực sự tự hào về cách mình đạt được mục tiêu này hay không.
Tôi không tin mình có thể thay đổi suy nghĩ của một ai hết. Tất cả những gì tôi có thể làm là cố gắng hiểu cách suy nghĩ của mọi người và hỏi rằng họ có cởi mở với việc nghĩ lại theo một cách khác không. Còn lại, tất cả sẽ phụ thuộc vào chính họ.
Một số bài dịch khác từ thời xa xưa của mình:
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất