Tại sao Streamer thành công?
Năm 1991 , World Wide Web (www.) bắt đầu ra mắt người dùng máy tính. 16 năm sau, 2007 , Bill Gates nói rằng :" Trong vòng 5-10...
1. Sự phát triển của công nghệ
Năm 1991, World Wide Web (www.) bắt đầu ra mắt người dùng máy tính. 16 năm sau, 2007, Bill Gates nói rằng :"Trong vòng 5-10 năm nữa, nếu bạn không kinh doanh trên internet thì đừng kinh doanh gì nữa." Đó chỉ là một số ít trong rất nhiều những nhận định của các nhân vật có tầm nhìn về internet.
Nhưng cũng không có nhiều người nghĩ rằng tương lai sẽ xuất hiện một nhánh ngành nghề gọi là Streamers.
Từ DotA ( Defense of the Ancient ), game chiến thuật thời gian thực nhiều người chơi nổi nhất thời gian đó trên internet. Đến LoL ( League of Legends ), DotA2, và CS:GO, ba tựa game đã nâng tầm các trò chơi trực tuyến lên thành những hiện tượng, được mọi người chuyển sang gọi là Esports ( thể thao điện tử ), đặt ngang hàng với thể thao truyền thống, thay vì chỉ gọi là trò chơi điện tử ( Game ).
Chưa kể đến những tựa game cùng thời hay trước đó ( Street Fighter, StarCraft,... ) hay cả những tựa game sau này ( Overwatch, PUBG,... ) đều góp phần làm nên sự thành công đến hiện tại của trò chơi trực tuyến.
Năm 2011, nền tảng hỗ trợ Livestream Twitch ra đời, chỉ trong vòng 1 năm sau đó Twitch đã phổ biến với hầu hết các tuyển thủ Esport chuyên nghiệp và các fan hâm mộ thể thao điện tử trên toàn thế giới.
Từ những khởi đầu nho nhỏ đó mà hiện tại các Streamer, từ những người làm nội dung ( Creators ) chỉ gói gọn ở mảng game, hiện nay có thể bắt gặp trong hầu hết mọi lãnh vực ( Vlog, travel, food, study, dailylife... )
Câu chuyện chỉ có vậy thôi hay sao? Đúng là công việc stream bắt nguồn từ những người chơi trò chơi trực tuyến. Nhưng còn có những nguyên nhân khiến Những kẻ nổi loạn định hướng truyền thông này thành công đến vậy.
Rất rất nhiều những nguyên do là đằng khác, như trong cuốn Outliers - Những kẻ xuất chúng, Gladwell đã viết rằng thành công không phải của riêng một cá nhân ( hay khái niệm ) nào riêng lẻ mà đó là kết hợp của rất nhiều yếu tố lại với nhau.
Trung Quốc cổ đại có một câu ngắn gọn hơn để nói về sự kết hợp này: Thiên thời - địa lợi - nhân hòa.
Vậy các yếu tố đó là gì?
Đọc thêm:
2. CHIẾN BINH MÙA ĐÔNG
Mọi chuyện xảy ra ở Hoa Kỳ đều sẽ có phần nào đó ảnh hưởng đến phần còn lại của thế giới.
Kể từ sau ngày 11/9, nhiệm kỳ của tổng thống Bush kết thúc, đến lúc Obama lên thay,... đó là một chuỗi dài các sự kiện khiến cho dân chúng của đất nước được cho là tự do nhất thế giới dần dần mất niềm tin vào truyền thông và chính quyền của họ.
Captain America: The Winter Soldier là một trong những phim làm tốt nhất ở mảng này trong việc cho khán giả thấy được cách vận hành đằng sau các tổ chức nắm giữ quyền lực trong tay.
Cách làm chủ yếu là che đậy, và định hướng truyền thông nhằm giữ lòng tin của dân chúng, để, cho dù bạn đang sống ở một đất nước cực kỳ hỗn loạn thì sáng mai bước ra đường bạn vẫn có thể yên tâm để bắt đầu một ngày mới.
Đúng, đó là điều cần thiết. Nếu không được như vậy thì nhiều khả năng là chính quyền đó sẽ sụp đổ. Nhưng tần xuất quá cao sẽ làm thay đổi hoàn toàn mọi chuyện.
Từ việc dần dần mất niềm tin vào chính quyền, truyền thông, và các phương tiện thông tin đại chúng chính thống, người dân chuyển sang tìm kiếm thông tin từ những nguồn khác nhiều hơn, như các mạng xã hội ( Facebook, Twitter,... ).
Nói cách khác, là tìm kiếm thông tin từ các cá nhân khác, thay vì qua các kênh trung gian. Hai lý do lớn khác là sự trở lại của Chủ nghĩa nhân văn và Tôn giáo dữ liệu cũng hỗ trợ cho luận điểm này sẽ được phân tích thêm bên dưới.
3. Ý NGHĨA ĐẾN TỪ BÊN TRONG
Bỏ qua việc phân tích sâu xa về nguồn gốc. Chủ nghĩa nhân văn đã từng một lần thoái trào bởi sự ban phát tự do quá độ của chính nó, câu chuyện tự do hiện đã quay trở lại.
Định nghĩa của Chủ nghĩa nhân văn hiểu một cách đơn giản là những suy nghĩ, hành động, lý tưởng của bạn có ý nghĩa hay không, tự bản thân bạn có thể định đoạt được chứ không cần bất kỳ một thế lực nào từ phía trên bảo bạn phải làm gì, việc gì có ý nghĩa, và việc gì không ( dù bản thân Chủ nghĩa nhân văn không phủ nhận thượng đế ).
Nhìn cận thì chủ nghĩa này đề cao niềm tin của từng cá nhân, nhưng lùi lại một bước thì bạn sẽ thấy nó đồng thời đề cao mọi vấn đề liên quan đến từng cá nhân, thay vì những mạng lưới liên chủ quan khác như nhà nước, chính quyền, tôn giáo, hay truyền thông....
Có thể hơi khó hiểu nhưng đơn giản là tôn vinh con người ( từng người, nếu bạn muốn cụ thể ).
Mỗi streamer là một cá thể. Họ có tài khoản email riêng, tên riêng, số điện thoại riêng, thông tin riêng, một nền tảng để stream và nơi lưu trữ dữ liệu riêng, và quan trọng nhất là nội dung và cảm xúc của riêng họ.
Chính cảm giác "những thứ mà các streamer này đang trải nghiệm thật hơn các tin tức đang phát trên các phương tiện thông tin đại chúng" đã đưa cung và cầu đến với nhau.
Cái cảm giác mọi cảm xúc mà người đó thể hiện khi chơi một trò chơi trực tuyến hay ngồi nói chuyện với người xem hoàn toàn rất thật và không hề có kịch bản nào. Một phần vì mọi thứ bạn đang xem là trực tiếp, người ngồi ở phía bên kia màn hình đang tương tác với bạn theo thời gian thực.
Không lẽ họ vừa soạn kịch bản, vừa tương tác với bạn, và vừa chơi game ( hay làm gì đó ) cùng một lúc hay sao?
Có thể có một chút sắp xếp nhưng không đến nỗi có thể coi là lừa gạt.
Một thế giới ảo nhưng cảm xúc thật, giữa một thế giới thật nhưng đầy giả dối.
Phương trình cân bằng hoàn hảo đúng như định luật 3 của Newton.
Đọc thêm:
4. HÒA MÌNH VÀO DÒNG CHẢY DỮ LIỆU
Gặp một chuyện vui vào buổi sáng, tối về sẽ up status facebook kể cho mọi người cùng nghe.
Tìm được một món ăn ngon, hay đi du lịch đến một nơi rất đẹp, tự động chụp một bức ảnh up instagram cho mọi người cùng xem.
Có thể bạn không nhận ra bởi nó đã là thói quen, nhưng theo Noah Harari viết trong tác phẩm Homo Deus, bạn đã là một phần của Tôn giáo dữ liệu.
Những thành viên ( nhưng đã số không biết mình đã là thành viên ) của giáo phái mới nổi này tin là ( nhưng đa số họ không biết rằng mình tin là ) dữ liệu nên được chia sẻ. Và những thành viên của tôn giáo này mong muốn được kết nối tột cùng với nhau qua dữ liệu.
Dữ liệu ở đây ( đối với những kẻ nổi loạn ) không nhất thiết phải là livestream, đến thời điểm hiện tại nó có thể được hiểu theo nghĩa rộng nhất là toàn bộ các thông tin liên quan đến hay được một Creator tạo ra. Bao gồm hình ảnh, short videos, long videos, một twit, một status, video tiktok... bất cứ thứ gì.
Chỉ cần một định nghĩa đơn giản như thế có thể cũng đã khiến bạn phần nào nhận ra tại sao các streamer lại có thể trỗi dậy. Bởi vì họ là những người giữ cho dòng chảy của dữ liệu tuôn chảy.
Họ có mặt trên mọi nền tảng mạng xã hội cần họ có mặt ( mới đây nhất là Tiktok ), không bao giờ ngại thay đổi, luôn tìm kiếm contents mới, và những người đứng ở đỉnh cao là những người không bao giờ nghỉ ngơi.
5. 10 GIỜ TỐI VẪN PHẢI TRẢ LỜI ĐIỆN THOẠI CỦA KHÁCH HÀNG
Đó là 3 lý do lớn chính, đi cùng là một số lý do nhỏ khác phụ trợ thêm. Đầu tiên là thời đại của Dịch vụ 5.0 và tình trạng Kết nối mọi lúc.
Branding, hay xây dựng thương hiệu là một trong những ngành hot nhất hiện tại, và kể từ 5 năm trước ( có lẽ hơn ), các tập đoàn hàng đầu đã lên kế hoạch cạnh tranh với nhau bằng dịch vụ bên cạnh sản phẩm mà họ cung cấp.
Số lượng người làm trong ngành dịch vụ đã vượt những người làm trong ngành sản xuất từ lâu, xa đến nỗi bạn có thể bắt gặp họ ở bất kỳ đâu ( Một giáo viên ở cơ sở tư, tư vấn tuyển sinh, luật sư,... ) thay vì phải đi vào các nhà máy hay công xưởng.
Người làm trong ngành này thường phải giữ kết nối liên tục với khách hàng.
Giả sử bạn là một frontdesk teacher tại một trung tâm Anh ngữ, đây là những việc mà bạn phải làm: tiếp phụ huynh đến, sắp xếp lịch học, lịch xe bus cho học sinh và thông báo nếu có bất kỳ thay đổi nào cho phụ huynh, trung gian liên hệ giữa giáo viên homerun và phụ huynh, giải đáp thắc mắc cho phụ huynh.
Bạn có thấy công việc nào không xuất hiện từ phụ huynh không? Và phụ huynh ( hay nói chung là khách hàng ) có quyền liên hệ với những người làm dịch vụ bất cứ giờ nào, bởi vì họ đang làm dịch vụ.
Ở đây bạn có thể không bó buộc cách hiểu trong ngành dịch vụ cũng được, hầu hết đa số công việc hiện tại đều theo hình thức thưởng theo năng lực cho những cá nhân muốn vươn lên. Nhưng ở đây mình muốn tập trung vào dịch vụ vì nó hiển nhiên nhất.
Đó là tác hại của kết nối mọi lúc bên cạnh những lợi ích mà nó mang lại, nó khiến con người tập trung quá nhiều vào công việc đến nỗi họ quá mệt để làm những chuyện khác.
Thế là họ liên tục kết nối với những thứ họ cần giảm bớt trong khi không thể kết nối với những thứ mà họ quan tâm.
Và dần dần, họ để người khác làm thay họ.
6. ĂN NÓ GIÚP TÔI ĐƯỢC KHÔNG? ĐI ĐẾN ĐÓ GIÚP TÔI. CHƠI CẢ TRÒ CHƠI KIA GIÚP TÔI NỮA, RỒI NÓI CHO TÔI BIẾT NÓ NHƯ THẾ NÀO
Trong một xã hội mà mỗi người đều đã chuyên môn hóa một công việc, thì bạn có quá mệt mỏi để cảm nhận đi nữa cũng không sao.
Khi thấy một trò chơi mới ra mắt ( Sekiro, Wukong Black Myth, Cyperpunk 2077,... ) nếu là một game thủ, chắc chắn bạn sẽ muốn chơi thử. Nhưng thay vì khi đang chơi một trò chơi hay đi du lịch xa mà liên tục nghĩ đến công việc chưa hoàn thành hay khách hàng có thể gọi đến bất cứ lúc nào.
Thì bạn trao quyền trải nghiệm những thứ đó lại cho một người khác.
Để người đó cảm nhận nó thay cho bạn. Thậm chí là cảm nhận tốt hơn bạn.
Đi du lịch thay bạn, ăn thay bạn, chơi game và cười thay bạn. Tất nhiên đi chơi nhiều hơn bạn, ăn nhiều hơn bạn, chơi game tập trung hơn và cười vui hơn bạn.
Phát trực tiếp cho bạn xem, để đầu óc bạn vẫn có khả năng xử lý và làm những công việc cần thiết hơn khác.
Sau đó cũng sẽ có video trên Youtube nếu bạn bỏ lỡ hay muốn xem lại lúc rãnh rỗi.
Thế là bạn follow Insta, Facebook, Youtube,... subcribe bất cứ phương tiện nào cho bạn biết giờ người đó lại livestream hay có video mới và vào xem, để được vui lại như hôm qua, để tương tác cùng với hàng trăm ngàn người khác ( một Hiệu ứng cộng đồng hoàn hảo ).
7. SỨC MẠNH CỦA THÓI QUEN
Quan trọng nhất vẫn là nội dung mà bạn tạo ra phải hấp dẫn. Nhưng bên cạnh đó cũng có một loạt các công cụ hỗ trợ giúp cho công việc stream phát triển cực kỳ nhanh.
Sức mạnh của bộ máy tìm kiếm - Search Engine ( cụ thể là Google ) đến thời điểm hiện tại là không thể bàn cãi. Nó có quyền quyết định website nào xuất hiện vào trang đầu index tìm kiếm hay không.
Các lập trình viên hiện tại phần nào đã không còn có thể nắm hết được thuật toán của nó, và chúng ta có một nhóm ngành nghề nổi lên là những người chuyên về SEO, những người có chuyên môn phân tích và điều hướng bài viết của bạn để nó có được nhiều khả năng xuất hiện ở đầu bảng vàng nhất có thể.
Các công cụ có quyền lực thứ hai dưới bộ máy tìm kiếm này có lẽ là các nút Like - Share - Subcirbe - Follow trên các nền tảng mạng xã hội.
"Nếu các bạn thích livestream ( hay video ) này thì cho mình một like - share và subcribe giúp mình nhé. Hẹn gặp lại các bạn ở video sau."
Trong trường hợp muốn làm stream thì đây là câu đầu tiên và cần thiết nhất để bạn sống với nghề này. Từ việc người xem được các công cụ nhắc nhở dần dần sẽ chuyển sang thành người xem mong chờ kênh của bạn lên sóng.
Tất nhiên vẫn phải là Contents của bạn tốt cái đã. Phần còn lại cứ vứt cho sức mạnh của thói quen.
- Chuẩn bị xem hôm nay sẽ chơi game gì, rồi livestream, hệ thống thông báo của Youtube tự động thông báo đến khác giả của bạn.
- Khán giả của bạn like livestream, subcribe thì nhiều người hơn sẽ biết bạn đang trực tuyến.
- Sau đó edit lại video up lên, Youtube cũng rất vui lòng thông báo cho khán giả của bạn một lần nữa. Lại là like, comment,...
Một hệ sinh thái tự vận hành trên nội dung của bạn.
8. TƯƠNG TÁC MỘT CHIỀU
Mệt mỏi với các mối quan hệ. Vấn đề này chắc không phải phân tích nhiều ở phương diện cá nhân, ai cũng sẽ có đôi lần cảm thấy các mối quan hệ xã hội của mình không ổn.
Quan hệ con người là vậy, giống như một ngọn lửa, quá gần sẽ nóng rát nhưng quá xa sẽ lạnh lẽo.
Thế là chúng ta tìm đến các mối quan hệ chỉ tương tác một chiều.
Gọi là các "mối quan hệ" có hơi ( mà chắc không chỉ hơi ) không đúng. Nhưng hãy thử tổng kết từ một số yếu tố như thế này.
Tương tự như xem tivi truyền thống, có thể chuyển kênh bất cứ khi nào bạn thích nhưng,
Là cùng một người làm các nội dung khác nhau.
Có thể tương tác với cả streamer và mọi người xem chung, bằng donate hoặc chat.
Không cần làm bất kỳ chuyện gì để "cố" duy trì mối quan hệ nếu bản thân không muốn.
Không có ràng buộc cảm xúc hay nghĩa vụ.
Giống như việc lập hợp đồng với Netflix, à đúng rồi, làm gì có hợp đồng nào. Hoàn hảo.
9. NĂM 2020, KHÔNG CHỈ TRẺ EM Ở NHÀ
Xem lại nào, bộ ba lý do chính bao gồm mất niềm tin vào truyền thông truyền thống + chủ nghĩa nhân văn trở lại + mong muốn là một phần của tôn giáo dữ liệu.
Thiếu thời gian, mệt mỏi, các công cụ hoàn hảo từ các nền tảng đánh vào sức mạnh của thói quen, mong muốn tương tác và tương tác một chiều.
Còn gì nữa không?
Nội dung mới lạ so với truyền thông truyền thống. Thông tin đến từ gốc nhìn cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp địa phương.
Khán giả của các streamer hầu hết là những người đưa dữ liệu đi nhanh nhất, hòa mình vào dòng chảy đó mọi lúc mọi nơi, giới trẻ.
Và mới đây nhất, dịch bệnh.
Đây không hẳn là một tình thế tuyệt vời cho các streamer, dịch bệnh ảnh hưởng đến hầu hết các ngành nghề khác, các ngành nghề mang đến thu nhập cho những người xem họ, tiền donate rời vào túi các chủ kênh sẽ giảm.
Nhưng COVID không ảnh hưởng mấy đến các dịch vụ online, thay vào đó nó đẩy nhiều người lâm vào tình cảnh phải ở nhà trong một thời gian dài, cùng với các thiết bị thông minh kết nối với internet 24/7.
Nhiều người xem stream hơn, các kênh có thể "vô tình" được biết đến nhiều hơn. Cũng có phần tiện lợi.
Đọc thêm:
10. STREAM ĐẾN BAO GIỜ
Một nguyên nhân riêng lẻ không thể dẫn đến thành công. Tất cả những yếu tố kể trên đều tác động với nhau để tạo ra một ngành nghề mới.
Còn lý do nào dẫn đến thành công của các Creators không? Tất nhiên là còn. Nhìn lại để phân tích lịch sử thì thật dễ dàng, nhưng hãy hướng đến tương lai.
Và trong lúc chúng ta đang ngồi tìm hiểu lại giai đoạn trước thì các nguyên do này đã và đang va chạm với những yếu tố mới để định hình thêm một cách sử dụng internet mới cho sau này.
Những người nhìn ra các yếu tố đó, có hành động sớm và đúng đắn nhất sẽ là những kẻ xuất chúng tiếp theo.
Bạn đã nhìn ra được điều gì chưa?
Tìm hiểu thêm:
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất