Disclaimer: Trước hết thì mình phải nói rằng bài viết này sẽ gây khó chịu đến rất nhiều bạn, có quan điểm trái ngược với rất nhiều bạn, đặc biệt, nếu các bạn là tín đồ của mèo. Thế nên, nếu các bạn không thích, có thể lướt qua và coi như chưa thấy gì.

____________

Nếu như các bạn theo dõi tin tức thì có thể, các bạn sẽ nhớ về những đợt các loài động vật ngoại lai bùng nổ ở nước ta trong khoảng thời gian từ năm 2008 đến năm 2019, nổi trội nhất là rùa tai đỏ, ốc bươu vàng, cá chùi kiếng, mới đây nhất là tôm hùm đất, và một thanh niên không biết ai đồn mà bị người ta nghĩ là "động vât ngoại lai do Trung Quốc thả vào Việt Nam" (thật ra là một thuyết âm mưu nhảm nhí) - rắn lục đuôi đỏ. Nhưng có một loài vật, tuy không hẳn là động vật ngoại lai, nhưng lại nguy hiểm đến hệ sinh thái của Việt Nam nói riêng và cả thế giới nói chung: Mèo nhà!


Nhưng mèo nhà là gì? Mèo nhà và mèo hoang khác gì nhau? Mèo nhà là từ phổ thông để gọi loài mèo đã được con người thuần hóa từ khoảng 4000 năm trước, mình nhầm, nó thuần hóa con người từ khoảng 4000 năm trước và không còn là động vật hoang dã bản địa nữa (ở tất cả mọi nơi trên thế giới), ban đầu, người ta gọi chúng là Felis domesticus, nhưng sau này, danh pháp của chúng đổi thành Felis catus và vẫn được dùng cho đến bây giờ. Thế nên, trong bài viết này, khi mình nhắc đến từ "mèo nhà", các bạn hãy hiểu rằng đấy là mình nói toàn bộ những con Felis catus chứ không chỉ nói về những con mèo được nuôi ở trong nhà và có chủ sở hữu (trong bài này, mình gọi là "mèo nuôi"), từ "mèo nhà" còn được dùng để nói về những con mèo hoang nhưng cũng thuộc loài F.catus.


Điều này có thể một số bạn đã từng nghe qua, một số khác thì không quan tâm, số còn lại sẽ nhảy vào hốt mình vì dám "khi quân phạm thượng". Ngày 25 tháng 4 năm 2019, một bài báo đăng trên New York Times có đề cập đến việc Chính phủ Australia (tức là Úc, nói thế cho gọn) ban hành lệnh rải xúc xích tẩm độc để tiêu diệt mèo hoang ở Úc vào năm 2015, đặt chỉ tiêu xử lý được 2 triệu con mèo vào năm 2020. Có rất nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh vấn đề này, nhưng trước khi bàn đến phần đó, chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem vì sao người ta lại phải tiêu diệt mèo hoang:
- Thứ nhất, mèo hoang phá hủy hệ sinh thái bằng cách tiêu diệt những loài động vật nhỏ hơn chúng, từ thú nhỏ, chim, bò sát, lưỡng cư cho đến các loài côn trùng. Theo một bài viết được đăng trên trang của Viện Đại học Quốc gia Úc (Australian National University, ANU) vào ngày 9 tháng 7 năm 2019 với tựa đề "Cats kill more than 1.5 billion native animals per year", mèo hoang ở Úc tiêu diệt hơn 1,5 tỷ cá thể bò sát, chim, thú có vú mỗi năm. Bài viết còn cho biết rằng 2/3 các loài thú có vú ở Úc bị tuyệt chủng do mèo trong suốt 200 trở lại, mỗi con mèo gây thiệt mạng cho khoảng 740 cá thể động vật mỗi năm, còn đối với những con mèo nuôi, con số đấy là 75.
- Thứ hai, mèo hoang có thể giao phối bừa bãi với những loài mèo rừng bản địa, gây rối loạn nguồn gene của mèo bản địa.
- Thứ ba, mèo hoang tranh giành thức ăn với các loài động vật bản địa, gây ra sự cạnh tranh không đáng có.
- Thứ tư, mèo hoang có thể mắc bệnh dại và rất nhiều loại bệnh khác, dễ dàng truyền bệnh từ động vật hoang dã sang mèo nuôi và con người, và cũng có thể truyền bệnh từ mèo nuôi và các loài vật nuôi tương tự sang cho động vật hoang dã. Vì sao những loài động vật có vú bản địa khác vẫn có thể lây truyền bệnh nhưng người ta không tiêu diệt nó? Đầu tiên, vì nó là loài bản địa và Úc có rất nhiều trung tâm làm việc với động vật hoang dã để kiểm soát điều này. Bên cạnh đó, mèo hoang sẽ dễ dàng tiếp cận trực tiếp với thú nuôi trong nhà và gián tiếp với con người hơn những loài động vật có vú khác.
Tương tự như Úc, rất nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang đau đầu về vấn đề mèo hoang. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Không chỉ riêng mèo hoang, mà những con mèo nuôi không được quản lý tốt, thường xuyên được thả rông, giao phối bừa bãi và sinh sản không kiểm soát cũng gây nên rất nhiều hệ lụy khó lường cho hệ sinh thái bản địa. Tại Việt Nam cũng không ngoại lệ, những loài động vật hoang dã bản địa thường hay bị mèo nhà (kể cả mèo hoang và mèo nuôi) tiêu diệt nhất là:
- Chim sẻ (Passer spp.)
- Các loài nhông (Calotes spp.)
- Thạch sùng nhà (Hemidactylus spp.)
- Các loài rắn bản địa (hay gặp nhất là rắn học trò (Rhabdophis subminiatus), rắn nước (Fowlea flavipunctuatus), rắn lục (Trimeresurus spp.),...)
- Các loài ếch nhái, cóc (hay gặp nhất là ngóe (Fejervarya spp.), ếch đồng (Hoplobatrachus rugulosus), cóc (Duttaphrynus melanostictus), chẫu cây (Polypedates spp.), ễnh ương (Kaloula pulchra),...)
- Các loài chân đốt như côn trùng, nhện, bọ cạp, rết,...
-...
Điều quan trọng là tất cả những loài sinh vật bản địa đều giữ những vị trí cực kỳ quan trọng trong hệ sinh thái bản địa cũng như đối với con người, có loài kiểm soát sâu bệnh hại mùa màng, có loài tiêu diệt chuột phá hại nông sản, có loài giúp con người tránh khỏi các vector gây bệnh như ruồi, muỗi, gián,... Tất cả bọn chúng đều chết vô ích, vì vốn loài mèo nhà thích giết chóc cho vui hơn là để ăn thịt. Một nghiên cứu được đăng trên tạp chí Frontiers in Ecology and the Environment (Front. Ecol. Environ.) năm 2017 của Tiến sĩ Scott R. Loss đến từ Đại học Bang Oklahoma (Oklahoma State University), Hoa Kỳ và Tiến sĩ Peter P. Marra đến từ Đại học Georgetown có tựa đề "Population impacts of free-ranging domestic cats on mainland vertebrates" (Dịch: Ảnh hưởng của mèo nhà thả rông lên số lượng động vật có xương sống trên đất liền) cho biết:
"Domestic cats (Felis catus) have contributed to at least 63 vertebrate extinctions, pose a major hazard  to threatened vertebrates worldwide, and transmit multiple zoonotic diseases. On continents and large islands (collectively termed “mainlands”), cats are responsible for very high mortality of vertebrates. Nevertheless, cat population management is traditionally contentious and usually involves proving that cats reduce prey population sizes..."
Dịch: "Mèo nhà (Felis catus) chịu trách nhiệm cho sự tuyệt chủng của ít nhất 63 loài động vật có xương sống, trở thành mối đe dọa chính cho các loài động vật có xương sống trên toàn thế giới. Trên các lục địa và hải đảo lớn (gọi chung là "đất liền"), mèo chịu trách nhiệm cho tỷ lệ tử vong rất cao của các loài động vật có xương sống. Tuy nhiên, việc quản lý số lượng mèo lại gây tranh cãi từ lâu và thường liên quan đến việc mèo làm giảm số lượng con mồi(*)..."
(*) bản gốc: "prey", mình dịch sát nghĩa là "con mồi", vì mối quan hệ của mèo và những loài động vật có xương sống đã nhắc trong bài là mối quan hệ "vật ăn thịt - con mồi" nên từ "con mồi" ở đây sẽ được sử dụng để chỉ tất cả các loài động vật có xương sống bị mèo nha săn bắt.

(*)  Theo một nghiên cứu được đăng trên tạp chí khoa học PLOS One vào năm  2013 của tác giả "Le T. P. Nghiem" và cộng sự mang tựa đề "Economic and  Environmental Impacts of Harmful Non-Indigenous Species in Southeat  Asia", Bảng 2, "Damage costs by non-indigenous species to Southeast  Asian countries ($ million)" (Thiệt hại gây ra bởi loài ngoại lai đến  những nước Đông Nam Á), mèo nhà gây ra thiệt hại tổng cộng 155 triệu USD  (tức hơn 3 nghìn tỷ đồng Việt Nam). Thế mới thấy tác động rất đáng sợ  của mèo nhà lên hệ sinh thái bản địa. DOI bài báo:  10.1371/journal.pone.0071255
Không có mô tả ảnh.



Theo Giáo sư Tiến sĩ Bùi Công Hiển đến từ Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, trong một bài đăng trên Tạp chí Khoa học & Công nghệ Việt Nam, Số 9 năm 2019, "...Tuy có nhiều thông tin về sinh vật ngoại lai ở Việt Nam, nhưng cho đến nay chưa có công trình nghiên cứu hệ thống và thống kê đầy đủ những loài sinh vật ngoại lai gây hại và không gây hại ở Việt Nam. Nhìn chung các kết quả còn phân tán và phiến diện...", "...Việc nghiên cứu về những sinh vật này ở nước ta hiện nay chưa đầy đủ, thiếu cơ sở khoa học. Không thể một đơn vị nghiên cứu, hay một nhà khoa học có thể nắm bắt và giải quyết được hết các vấn đề của sinh vật ngoại lai. Do vậy, để sử dụng hay khống chế chúng một cách khoa học, thiết nghĩ cần tập hợp một lực lượng chuyên gia thuộc các lĩnh vực liên quan tổng điều tra, khảo sát, đánh giá, phân tích để có giải pháp xử lý phù hợp, hiệu quả...", mèo nhà đã được liệt kê vào danh sách loài ngoại lai trên khắp thế giới, nhưng ở Việt Nam, chúng ta chưa có một nghiên cứu nào thực sự đánh vào vấn đề đó cả, nhưng tác động của mèo nhà lên hệ sinh thái có thể được nhận thấy rất rõ rệt, nhất là đối với những bạn nuôi mèo hoặc có bạn bè, người thân nuôi mèo. Vậy thì làm cách nào để giảm thiểu nguy cơ mèo nhà gây hại cho hệ sinh thái? Hãy thực hiện các việc sau:
- Quản lý vật nuôi một cách có trách nhiệm, hạn chế triệt để việc thả rông và cho vật nuôi đi hoang ngoài đường phố, rừng,...
- Thực hiện triệt sản vật nuôi và hạn chế hoạt động sinh sản của vật nuôi, nhất là mèo nhà.
- Share (hoặc copy, paste và ghi nguồn) bài này và thuyết phục bạn bè, người thân đi, năn nỉ á!

Nếu các bạn thực sự yêu quý thiên nhiên, yêu quý động vật thì hãy chung tay bảo vệ môi trường và đừng thả rông mèo nhà nữa nhé! Mình dành hết 3 tiếng đồng hồ viết bài này với mong muốn số lượng động vật hoang dã bản địa không còn bị mèo nhà tiêu diệt nữa, mong mọi người cùng giúp mình nhé! Peace!