#3

Nghỉ làm 3 tháng, lúc quay về công ty cũng là lúc biết người đàn bà từng tình chàng, ý thiếp với Thành, nay đã tranh hết quả ngọt mà Thành để lại, giao hết mọi ý tưởng kế hoạch dự án Thành đương ấp ủ cho cấp trên để nghiễm nghiên ngồi lên cái ghế “phó phòng” mà gã bao năm mơ tưởng. Chính thị đâu có ngờ rằng một thằng liệt giường vì tai biến, chỉ sau 3 tháng, đã quay trở lại. Cũng chừng đấy thời gian, mấy thằng em dưới quê cướp sạch mối làm ăn buôn bán. Chúng mượn cái tiếng “em anh Thành” để mua giá rẻ, bán giá mắc, giao trực tiếp từ bến kè về cho các nhóm thợ trong làng, trong xã. 3 tháng vào viện đã lấy đi mọi nguồn sáng của Thành, từ cơm, áo, gạo, tiền, ước mơ, hi vọng, lấy cả một con mắt tổn thương và để lại một con mắt được dự báo có khả năng chỉ chờ ngày “chú ấy có thể sẽ không nhìn thấy gì cả”.
Suy sụp, mang theo một va li hành lí nhỏ (chủ yếu là các loại giấy tờ và dăm bộ quần) cùng nỗi đau mà thằng đàn ông gần 40 không có ai để chia sẻ, Thành về quê. Ở đây để làm gì nữa, đất Hà Nội này còn gì níu kéo Thành nữa đâu. Thôi, đi về, có rau ăn rau, có cháo ăn cháo. Thôi, đi về…
Gia Lâm, mùa hè 1995
Về Gia Lâm, Thành chọn một mảnh đất xa làng để ở. Mảnh đất gần con đường lớn, xe công đi qua rầm rầm, cách vài trăm mét là đường ray xe hỏa, không hôm nao là không xình xịch ầm ĩ. Những chuyến xe chuyến tàu này chở hàng hóa vào nội thành và chở theo nguồn sống của anh Thành. Về quê, Thành mở một tiệm bán nước bán quà ăn vặt kiêm sửa xe. Mấy năm nay sức khỏe của Thành không khá hơn chút nào. Thuốc Tây đắt quá, Thành không uống. Thuốc ta thì phiền quá, Thành cũng không uống. Cuộc sống ngày một khó khăn vất vả, trời thương cho nắng thì được 5, 10 ông khách, vậy cũng chỉ đủ kiếm được 2 bữa qua ngày; còn vào mùa mưa buồn trôi đất, anh chàng chỉ vài củ lạc rang, quả chuối xanh xít, đôi ba chén rượu. Sức khỏe kém, điều kiện sống thấp lại chẳng người thân thích ở gần, anh bộ đội ngày nào giờ gầy xọp, lưng cong, mái tóc đồi mồi lâm râm bạc, khóe mắt nhăn nheo, phần bởi tuổi già, phần bởi khả năng nhìn ngày càng suy giảm, cứ phải nheo nheo đôi mắt lại. Thành của tuổi 40, chỉ thiếu tí râu bạc lơ thơ nữa người ta có thể tưởng ngay anh trung niên này cùng tuổi với ông trưởng làng hơn 60 tuổi.
Hôm nay trong làng có người đạp xe ra thăm Thành, trước là để xem tình hình sức khỏe bạn mình ra làm sao, sau là để hỏi xem tương lai của thằng ấy tính thế nào, rồi kể lể dăm câu chuyện làng xã xung quanh. Cả năm Thành cũng chỉ dám về làng 1 lần vào dịp Tết, không rõ tình hình quê nhà ra sao, anh chị mình sống thế nào. Câu chuyện của Phan phần nào khiến Thành thấy mình còn tồn tại, còn gần gũi với quê hương của mình. Hết chén trà đầu tiên, rít một điếu thuốc lào, Phan quay sang hỏi:
- Thành còn nhớ Ngân không?
- Còn tùy ý Phan hỏi tôi nhớ Ngân theo kiểu nào. Nói nhớ thì có nhớ, nhưng cũng không thể nói là tôi nhớ!
- Ngân sắp lấy chồng Thành ạ. Ngân lấy một anh phi công, kém Ngân tới 3 tuổi, hôm trước hội tôi được mời qua uống nước, cái nước ấy bóng bảy lắm. Nhưng Ngân nói với tôi, là Ngân vẫn nhớ Thành…
- Cái ngữ ấy, nhớ tôi làm gì nhỉ? – Trong một thoáng, Thành sửng sốt nhìn bạn mình rồi mới hỏi lại.
- … Thì Ngân nói, Ngân biết ơn Thành, nếu không có Thành, nếu không được học từ Thành, làm sao Ngân lên được phó phòng, rồi giờ lên cả trưởng phòng, bên dưới mười mấy, hai chục nhân viên. Ngày đó bọn tôi không rõ chuyện ra làm sao mà hai người bỏ nhau, nhưng Ngân có vẻ tử tế, Ngân tỏ ra tiếc nuối lắm khi biết Thành bỏ phố về làng.
Thành cười nhạt. Anh vê một bi rồi rít hơi dài, tiếng thuốc theo sau nổ đì đùng, nổ đành đạch, nổ giòn tan, nổ ầm ĩ, tiếng nổ to như tiếng pháo Tết, át tiếng cười chát chúa trong lòng Thành. Chuyện ngày ấy, Thành không nói với ai, dầu nói ra cũng không còn được gì, Thành không còn oán giận, nhưng Thành thấy mỉa mai cho cái vẻ “tiếc nuối” mà người đàn bà kia kể với chúng đồng nghiệp.
- Cứ cho là vậy, thì cũng còn liên quan gì đến tôi?
- Chỉ là, tôi tiếc cho Thành. – Phan dừng một nhịp, nhìn bạn mình ra vẻ dò xét rồi mới tiếp tục mở lời - Thành…, Thành không định lấy vợ à? Người cũ cũng bước tiếp rồi, Thành thì sao?
Gương mặt nhàu nhĩ hiện tại của Thành, không rõ là đang ra vẻ mặt gì. Thành thở dài, nhìn ra ngoài đàng xa:
- Tôi ấy à, tôi thì chó nó lấy! Cái kiếp này của tôi là xong rồi. Tôi xây cái nhà này, làm cái nghề này, cốt để mười mấy năm nữa, sức yếu, lực tàn, làm không được thì cũng có chỗ mà ngồi xin ăn, cũng có khách nhớ mặt mà người ta giúp đỡ! Chứ cái đời thằng đàn ông, không tiền, không sức, thì chó nó lấy, Phan hiểu không? Khà khà…
- Ấy là anh cứ bi quan nói vậy! Hay là, hay là để tôi giới thiệu…
- Ấy thôi anh ơi, thôi anh ơi, tôi không dám phiền anh! – Thành cười cười rồi xua tay, rồi vỗ vai, ra ý trấn an người bạn – Thôi anh ơi, anh đừng làm khổ con gái nhà người ta, rồi mai nay tôi làm khổ người ta, thì tôi phải tội, mà anh cũng mang tiếng. Mà nay anh ở lại tôi ăn cơm nhỉ? Hôm qua có 2 gã đi ô tô vào uống nước, hai gã đi vào thành phố, tiện tay lấy luôn cả bịch bánh khoai mang vào làm quà cho bọn trẻ con Hà Nội, thành thử bữa nay tôi dám vung tiền ra mà khao anh lắm! Hay anh ở lại, tôi với anh, ta làm cút rượu đĩa cầy, có mà hết xảy!
Phan không cản được bạn, anh Thành lật đật lôi con xe gióng han gỉ, vội vàng đạp về hướng chợ. Cỡ 30 phút sau anh về nhà, miệng cười lớn, hớn hở đem về một đĩa mồi còn nóng hổi mời bạn quý tới chơi. Hai gã ấy say sưa, vừa rượu vừa thuốc, kể cho nhau nhớ lại những ngày xưa nhiều gian khổ, kể cho nhau những ngày tương lai nhiều mong ước.

#4

Gia Lâm, mùa thu 1995
Thành đương chải chuốt. 5h sáng nay, gã trai dậy sớm, đạp xe vào làng lấy bộ sơ mi với quần âu mượn được của nhà lão trưởng thôn có ông con trai mới cưới vợ. Con đường đê cũ kĩ, xuống cấp đầy ổ gà ổ vịt, không mấy êm đềm. Chiếc xe đạp của Thành kêu lòng cọc, vấp phải hòn đá ven đường, anh chàng không giữ nổi thăng bẳng, ngã dúi vào xe máy của một con cô nọ đương đi ngược đường. Hai chiếc xe đâm vào nhau, xe của anh cong vành, vỡ giỏ; còn xe của chị đổ kềnh, nào hoa nào bánh văng tung ra đường. Người đàn bà đanh đá, dựng xe rồi lôi Thành đương nằm dưới đấy đứng dậy. Anh chàng ốm yếu, bị người đàn bà giằng kéo xềnh xệch. Chị cong miệng lên bắt đền, nào rằng mắt anh để đi đâu mà đâm phải chị, rằng anh phải đền cho giỏ bánh mì chị đương giao cho khách ngoài chợ, anh mà không trả, chị sẽ khóc, chị sẽ đánh, chị sẽ chửi cái thằng đàn ông này bắt nạt người đàn bà yếu đuối là chị! Cái miệng chị ngoa, cái chân chị giậm thùm thụp, ồn ào và chua chát. Nhưng tất cả cơ sự ấy không khiến Thành phiền lòng! Gã trai lịch sự, xin lỗi, rồi dựng xe, nhặt đồ. Anh móc ra trong túi vài tờ tiền rồi dúi vào tay người đàn bà, rời đi trong sự ngỡ ngàng của người đàn bà - chị đã sẵn tinh thần để nghe người đàn ông kia chửi lại. Không phải vì Thành thấy tội lỗi hay xót thương cho người phụ nữ, Thành chỉ muốn mọi sự giải quyết thật yên bình. Hôm nay, Thành đương vui. Hôm nay, Thành chuẩn bị đi lấy vợ!
Đeo cái kính râm, che đi đôi mắt hỏng, Thành leo lên con xe dream mới cóng của Phan. Từ sau bữa nọ, Phan vẫn ấp ủ chuyện tìm vợ cho bạn, và Thành, tuy rằng miệng chối đây đẩy nhưng trong lòng vẫn le lói niềm vui. Và Phan làm thực. Phan mối cho Thành với một cô gái người quen, cùng làm việc trên Hà Nội với em gái Phan. Cô này năm nay 30 tuổi, cũng chưa có chồng, gia đình thì khẩn thiết muốn con gái kết hôn mà chẳng rõ làm sao, 5, 6 năm nay rồi cô chẳng yêu ai, chẳng nhận lời ai, chưa người đàn ông nào tới nhà ngỏ ý được cô liếc mắt đưa mày lấy một lần. Mãi cho tới bây giờ, khi mà mẹ cô có dấu hiệu ốm yếu thấy rõ, cô mới đồng ý đi tìm chồng.
Cô Thơ. Cô này ở xã kế bên, là con út trong một gia đình gia giáo và truyền thống, có bố làm cán bộ xã, có chị gái làm giáo viên, có anh lớn làm quân đội, còn cô thì đang đứng bếp cho một công ty cũng có tiếng thời bấy giờ. Mấy gã trai làng dòm cô đã lâu, ai cũng thương cũng nhớ cái dáng điệu của người con gái “đi làm trên Hà Nội”, khác hẳn với những cô gái thôn quê xung quanh. Cô chạy xe cub, mặc áo sát tay, quần bò ống rộng, chân đi guốc cao 5 phân, tóc cắt ngắn cá tính, còn biết đeo khuyên tai, đeo kiếng mắt, biết tô son đỏ, biết xách túi da. Cô giỏi chơi, cũng siêng làm. Sáng sớm cô đi bán bánh, bán kẹo, giao từ chợ lớn đến chợ cóc ở mấy xã lân cận, xong xuôi đâu đấy lại về cơm nước cho bố mẹ già, tới trưa thì lên Hà Nội đi làm ca chiều tối, mãi 8 - 9 giờ tối, người làng mới nghe thấy tiếng xe của cô “bình bịch” đầu xóm.
Bà già đẻ cô lúc tuổi xế chiều, khi không còn minh mẫn khỏe mạnh như thời đẻ 2 người anh chị trước, thành ra cô cũng có phần thiệt thòi so với anh chị, cái thiệt ấy thể hiện ngay từ cái tên – cô tên là “Thị”, cả họ cả tên chỉ có hai chữ: “Nguyễn Thị”. Cũng không rõ vì làm sao, do cái bút viết của cán bộ phường hết mực, hay là do ông bố đi được nửa đường thì đánh rơi mất cái tên “thật” mà họ tên khai sinh của cô đâm ra lại chỉ có hai chữ lửng lơ như vậy – nó lửng lơ như cuộc đời của cô. Thị không thích ai gọi tên của mình như thế, nhất là khi chơi với đám gái Hà Nội, Thị gắt gỏng và cấm tiệt ai gọi cô là “Thị ơi Thị à”. Phải gọi là “Thơ” – cái tên ấy mới đúng chất gái Hà Nội, phải nhẹ nhàng, phải lãng mạn, phải văn minh và phải có cái chất “văn thơ” ở trong đấy. Thị - hay là Thơ học không giỏi, nhưng được cái, cô thích đọc sách, thích nghe báo đài và thích nhất mỗi lần hai ông chú trẻ đương công tác giảng dạy ở Đại học trên Hà Nội về quê. Những lần đón chú về quê là những lần cô hạnh phúc nhất, Thơ sung sướng hơn cả lúc tranh được miếng thịt mỡ mỗi lần làng làm đám, hơn cả lúc nhìn thấy pháo nổ mỗi dịp Tết về. Chú hai tài hoa và lãng mạn, mỗi lần ông về là mỗi lần Thơ có một cuốn sách mới. Ông giáo trẻ tranh thủ mấy tháng hè, mở lớp học nhỏ ở hiên nhà cho bọn trẻ con nhà quê. Ông dạy chúng đọc sách, dạy chúng phân tích thơ ca, dạy chúng biết yêu văn học và dạy chúng biết đến âm nhạc. Ông tâm huyết với cái lớp học hè nóng nực và nhiều muỗi, ông trông ngóng mỗi năm được về quê để cho bọn trẻ con biết trên Hà Nội người ta múa hát như nào, người ta vịnh thơ ra sao. Cả đời ông vẫn sống như thế, với tâm niệm, đứa trẻ nào cũng có quyền được nuôi dưỡng bằng âm nhạc và thơ văn. Chú út, sống một phong cách lãng tử và phóng khoáng, mỗi lần về quên đều đón Thơ lên Hà Nội với chú ở cả tháng liền. Căn nhà của ông trên Hà Nội không được thoáng mát như ở dưới quê, đứa trẻ con quen sống với đồng rộng đất mênh mông khó mà quen ngay với ngôi nhà chật chội, nằm sâu trong những con hẻm, lẩn khuất đằng sau ánh đèn sáng trưng của khu phố cổ hoa lệ. Nhưng trong ký ức của Thơ, không phải sự bất tiện của ngôi nhà thiếu khu vệ sinh khép kín, không phải mùi ẩm mốc của căn phòng chen chúc người, đứa trẻ con ấy chỉ nhớ tới những thứ nhộn nhịp, ồn ào của nơi phố thị: nhớ tới xe kéo, đèn hoa, đám người làm xiếc, bọn khỉ biết đạp xe, bọn chó biết làm toán, nhớ tới que kem ngọt lịm mát lạnh, tới hàng bún thịt nướng thơm phức dọc con phố gần nhà và những người, cả đàn ông và đàn bà, trang phục tươm tất, tóc xoăn, mũ phớt, đeo lấp lánh đồng hồ, vòng ngọc xanh, đèo nhau trên những con xe tân thời.
Có lẽ vì thế mà Thơ lớn lên có phần cởi mở hơn với những người bạn chung quanh xóm làng. Cô không chịu lấy chồng năm 18 tuổi, cũng không công nhận quan niệm phải đẻ vào tuổi 20. Cô không chấp nhận học hết cấp 3 thì về quê làm ruộng chăn heo, cũng không đồng ý cả đời cứ chỉ sống quanh quẩn ở cái làng này. Tuổi 19, Thơ bắt đầu cuộc sống ở một thành phố khác để theo học nghề làm bếp. Chuyến tàu đi từ Hà Nội về Vĩnh Phúc, mang theo Thơ và giấc mơ của cô gái trẻ được đổi đời, được sống hiện đại, sống văn minh. Thơ ngưỡng mộ những người Tây. Thơ thích căn bếp sạch sẽ, trắng tinh tươm của người Tây. Thơ không phải một bà me sính ngoại, nhưng đối với Thơ, cái gì của Tây mà đáng học, thì mình nên học. Vậy là Thơ cũng học họ cách mặc váy, mặc quần bò, học họ cách dùng son dùng phấn, học cả dùng vi tính, dùng điện thoại, học một vài từ tiếng Pháp cơ bản để giao tiếp với những ông chủ từ Tây về. Thơ đi học làm bếp cũng học cả những món rất Tây và ra trường thì vào làm ở một công ty sản xuất bánh kẹo theo công nghệ Pháp. Ở nhà quê, những người nhà trai họ nói Thơ “Tây quá”, làm sao chịu về làm dâu thảo vợ hiền cho nhà họ. Thế nên các anh con trai thì cứ thèm, nhưng không anh nào dám và cũng không anh nào đủ “đẳng cấp” để được Thơ tiếp chuyện. Cứ như thế, 30 tuổi Thơ vẫn chưa lấy chồng bởi mọi mối tình của Thơ cũng chỉ là đong đưa, là trò chuyện rồi đến lưng chừng thì kết thúc – lửng lơ, không hồi kết.
Thế nhưng cái cô Thơ ấy, hôm nay, cũng hi vọng mình sẽ lấy chồng…
(Còn tiếp)