Mẹ tôi thích ngắm nhìn mình trong gương vào mỗi sáng, thích thú săm soi khuôn mặt mình, xem xét chúng cứ như thể tỉnh dậy ở trong cơ thể khác vậy. Những lúc đó, ánh mắt bà nghiêm nghị, lướt nhẹ theo từng khúc quanh trên khuôn mặt rồi dừng lại, vẫn giữ nguyên cái ánh mắt đó mà nhìn thẳng vào gương. 4 đôi mắt, nửa ảo nửa thực, cứ thế vừa nhã nhặn vừa trang trọng, như một nghi thức chào hỏi bản thân vào buổi sáng hết sức kỳ cục. Tất thảy các bước kéo dài trong chừng 5 phút rồi bà khẽ khàng bước ra, chuẩn bị bữa sáng, dọn dẹp lại cái góc sân, kéo lũ sâu ngủ dậy đi học. Chúng tôi chưa bao giờ hỏi bà tại sao lại có thói quen đó, có lẽ từ lúc còn vô thức,nằm trên nôi thì tôi đã nhìn thấy nó và tự chấp nhận nó là một điều hiển nhiên. Và cả mẹ tôi cũng thế, bất kể nắng mưa, bận bịu, ở nơi xa xôi, miễn là có gương bà vẫn sẽ giành 5 phút đầu tiên của buổi sáng để soi mình. Có lẽ, thay vì nhìn vào màn hình điện thoại như lứa trẻ ngày nay, lứa trung niên mẹ tôi chọn cách nhìn vào gương, không gặng hỏi, không cảm xúc, chúng tôi tôn trọng những thói quen đó của nhau.
Một ngày trời mưa, tôi tựa mình cạnh mái hiên nhìn những hạt mưa tháng chín tròn trĩnh cuộn mình lăn vòng trên cành lá, bất chợt nghĩ tới mẹ tôi và nàng Bạch tuyết. Có bao giờ, thật ra mẹ tôi biết nói chuyện với những cái gương không nhỉ. Vậy nên hàng sáng đều đến gặng hỏi nó “Gương kia ngự ở trên tường, thế gian ai đẹp được dường như ta”. Tự nhiên tôi tò mò, liệu nếu thế thật thì câu trả lời mẹ có được là gì, chúng giống nhau hay khác nhau suốt hàng năm trời kia. Lỡ may có ai đó đẹp hơn bà, một hoặc nhiều người, rồi bà có biến thành bà hoàng hậu đi truy lùng các Bạch tuyết không. Nghĩ đến đó tôi bật cười. Cái tiết trời thu lạnh làm con người ta suy nghĩ ngây ngô đi. Bỗng một tia sét xẹt nhẹ ngang bầu trời, chập chờn soi tỏ khu vườn trong chốc lát rồi trả lại khung màn xám trắng bồng bềnh. Tâm trí tôi lại lẩm nhẩm đếm những lần chúng tôi khen bà đẹp. Thường thì sẽ vào những dịp đặc biệt như sinh nhật, có chăng lúc đó chúng tôi tự thấy việc khen bà là một nghĩa vụ. Bà chẳng mấy khi phàn nàn về chuyện đó, có lẽ có chiếc gương khen bà mỗi sáng là quá đủ rồi.
Tối đó nằm rúc vào nách mẹ, tôi vờ lơ đễnh hỏi bà trong tiếng ếch kêu râm ran:
- Mẹ thích soi mình vào buổi sáng từ bao giờ vậy nhỉ?
Bà hơi sững lại, đôi mắt hấp háy:
- Ừm… không rõ nữa, chắc là lúc có hai đứa…
Rồi bà bỗng lặng người, cả cơ thể ấm áp của bà bỗng nhẹ bẫng bên cạnh tôi, bà bật cười khanh khách:
- Kỳ con ha!!!
Chắc đây là lần đầu tiên bà nghĩ về thói quen đó, lần đầu tiên bà tự ngẫm cho cái nghi thức lạ lùng riêng mình.
- Tại sao vậy? Con tưởng phải là lúc bố mẹ cưới nhau, chắc sợ sáng mai tỉnh dậy mặt mũi xấu xí nên mới lén chồng dậy soi gương chỉnh lại tóc tai chứ gì nữa?
Tôi ôm chặt lấy bà lay nhẹ ra chiều trêu ghẹo. Tôi thích nhìn bà ngại ngùng, đến tận bây giờ khi nghe ai đó hỏi chuyện tình yêu giữa hai người, đôi má bà vẫn ửng hồng, ấp úng e thẹn như thể vườn hồng vào ban mai.
- Không, bố con dễ tính lắm. Chỉ là mẹ sợ, mình sẽ quên mất khuôn mặt của mình…
Đêm đó, tôi lẩm nhẩm bài thơ của rupi kaur
In a dream                                                      Trong giấc mơ
I saw my mother                                           tôi thấy mẹ mình
With the love of her life                              cạnh tình yêu đời bà
And no children                                          và không có đứa trẻ nào
It was the happiest i’d ever seen her     đó là lúc bà hạnh phúc nhất
Có lẽ, đúng là như thế. Bởi sau 5 phút ngắn ngủi làm của riêng, toàn bộ thời gian còn lại của bà thuộc về chúng tôi và chúng tôi chẳng mảy may nghi ngờ về nó. Kỳ mẹ ha! Bà nằm cạnh tôi, vẫn thở đều, chìm sâu trong giấc ngủ, vẫn khuôn mặt bình yên, nhẹ nhàng. 
Chắc trên thế giới này, chỉ có những bà mẹ mới sợ đánh mất khuôn mặt của chính mình đến thế.