Chúng ta ai cũng phải trải qua một trạng thái mơ hồ là nỗi buồn. Nhưng nếu từng sống ở Hà Nội, mỗi chúng ta sẽ tìm thấy có một loại nỗi buồn có tính cộng đồng hơn là riêng tư.
Đó là một nỗi buồn, mà kỳ lạ thay, mang đến cho những con người trong thành phố sản sinh ra nó một thanh thản bất minh, như cảm giác tầm nhìn nhòa trước làn hơi nước trên kính cửa sổ vào một ngày lạnh giá.
Đó là những ngày mưa hoặc hơi sương, khi hơi nước tụ lai trên cửa sổ hay trên chiếc xe bus tôi ngồi. Dù lạnh, tôi vẫn thích thức dậy sớm và tận hưởng hưởng nó bằng cách lấy ngón tay viết vẽ lên mặt kính, rồi lại xoá tất cả để nhìn ra bên ngoài cửa kính. Điều này tạo nên một thói quen là cứ bất giác nhìn thấy mặt kính đọng hơi nước như thế, nỗi buồn lãng đãng ở trong tôi lại bảng lảng vật vờ rồi phút chốc tan đi không dấu vết.
Giống như tôi, thành phố ngoài kia cũng mang nỗi buồn của riêng nó. Tôi cảm nhận được nhưng chưa từng hiểu nó. Chỉ đến khi tách xa khỏi Hà Nội, tôi mới cảm thấy có một động lực lớn lao muốn hiếu biết sâu xa hơn về nỗi buổn mà thành phố ôm lấy, như là số phận của nó.     
Nỗi buồn của tôi là niềm xúc động đơn giản cảm nhận khi nhìn ra bên ngoài, qua mặt kính cửa sổ mờ hơi nước. Nỗi buồn của thành phố thì không những dai dẳng hơn thế, mà qua đó, ta còn có thể tự thấy mình được phản chiếu ở trong, một nỗi buồn mà những người trẻ như tôi hấp thụ lấy một cách hãnh diện và chia sẻ cho nhau, với tư cách một cộng đồng.
Hiểu được nỗi buồn của Hà Nội đồng nghĩa với chiêm ngưỡng những cảnh tượng, gọi dậy những hồi ức nơi bản thân thành phố trở thành một minh họa, một yếu tính của những con người nơi đây.
Tôi đang nói về những chiều tối khi mặt trời vội xuống, về những ông bố bà mẹ công sở vội vã phi như bay trên đường trở về nhà, dưới những ngọn đèn đường, tay xách nách mang; về những người lao công đường phố buồn ngủ rũ rượi đẩy những chiếc xe to đầy rác những vỉa hè; về những ông chủ tiệm sách già ngắc ngoải từ một cơn khủng hoảng kinh tế này qua cơn kế tiếp, run rẩy chờ một người khách xuất hiện; về mấy ông thợ hớt tóc ca cẩm về những ván cờ dang dở và những con lô con đề đánh trượt; về những đứa trẻ với những niềm vui từ những thứ không tên như đôi dép cũ, quả bưởi hỏng; về những sô sinh viên khẩu trang kín mít, đứng ở trạm xe bus bụi mù, tay cầm túm tụm một đống bịch ni lông, chẳng ai nói chuyện với ai hoặc nói quá nhiều, chờ một chuyến xe lâu lắc tưởng như chẳng bao giờ tới; về những góc ngã tư đầy ăn mày, những kẻ thất nghiệp; về những tên ma cô đảo lên đảo xuống, vòng qua vòng lại những giao lộ mà trên xe là 3 4 cô mặt hoa da phấn; về những tấm ván gãy, mảnh báo rách ở các công viên; về những tiếng còi tàu xuyên qua đêm tối; về những tòa nhà bằng gỗ chỗ nào cũng kêu kẽo kẹt, cho dù đó là một biệt thự từng uy nghi, giờ đây lại càng kêu dữ nữa khi trở thành các trụ sở cơ quan thành phố; về những người vợ he hé tấm màn cửa nhìn xuống đường chờ đợi người chồng chẳng khi nào có ý định trở về nhà sớm; về những ông bà già ngồi bán mấy đồ kẹp tóc, kẹo cao su, về hàng ngàn cánh cửa bé xíu giống hệt nhau của các khu tập thể từ thời bao cấp, mặt tiền bạc phếch vì nắng mưa, vì nước thời gian, vì ô nhiễm, dơ dáy, bụi bặm, hoen gỉ; về những đám đông chạy như ma đuổi, cố làm sao để thoát khỏi cảnh tắc đường vào những chiều tối tan tầm nhưng thực ra là tác nhân gây nên cảnh ấy; về những bức tường chằng chịt chữ nghĩa điêu tàn đổ nát vì tháo dỡ dở dang; về những chợ búa vắng hoe vào buổi chiều tối; về những chú chim bồ câu lạc bầy bất động trên những lan can gỉ sét; về những sợi khói mỏng như tơ, bay lên từ bếp than tổ ong của một ngôi nhà dễ phải đến một trăm năm tuổi; về những phòng đọc sách lạnh lẽo ở thư viện; về mấy chàng nháy và những cô mẫu đỏm dáng chụp hình trên đường phố; về đám người khó chịu ở trong những rạp chiếu phim, về những bà nội trợ xếp hàng ở các quầy thịt giảm giá cuối ngày; về những bóng đèn chạy thành các dòng chữ quảng cáo phủ kín cả thành phố, những dòng chữ bị mất nét khi bóng đèn bị cháy; về những chiếc xe thương binh cũ kỹ mệt mỏi đáng nhẽ ra nên được đưa vô viện bảo tàng, nhưng vẫn đang được tận dụng như chủ nhân của chúng, thở hồng hộc, nhả khói như bễ lò; về vỉa hè với nắp cống luôn luôn bị mất cắp; và về những kẻ đang cố bán cùng những món đồ giống nhau cho mọi khách bộ hành; về những cột đèn giao thông chẳng ai thèm để ý tuân thủ; về những cuốn sách lịch sử, trẻ con đọc trong đó các chiến thắng của dân tộc, và về những trận đòn mà chúng phải nhận khi ở nhà nếu lỡ quên; về những ngày tất cả mọi người phải ở nhà, để thực hiện bổn phận bầu cử, hay kiểm tra thuế má; về những ngày có tin xăng tăng giá bất thần, để tạo điều kiện thuận lợi cho một chính sách mới, mà thực ra là chẳng ảnh hưởng lắm đến cuộc sống của ai cả; về những lối đi ngầm bên dưới giao lộ đông người; về những cầu thang mà mỗi bậc lại bị vỡ theo một cách khác nhau; về những cô gái ngồi buôn chuyện có tiếng cười như xé vải; về những người ăn mày bất thình lình xuất hiện ở một nơi bạn không thể nào ngờ và cả những người luôn ngồi cũng chỗ đó, cũng những lời xin xỏ ngày nào cũng như ngày nào; về mùi hôi sặc sụa xộc thẳng vào mũi người đang bận ăn uống nên chẳng muốn nghe ai đó kể khổ; về người bán những tấm bưu thiếp tại vẫn một địa điểm trong bốn chục năm qua; về thứ ánh sáng vàng đỏ trên những cửa sổ vào lúc hoàng hôn; về những giờ phút sớm sủa nhất của buổi sáng, khi mọi người còn đang ngủ ngoại trừ những người bán xôi bánh khúc hay bánh mỳ; về những ca sĩ hạng ba phòng trà gắng hết sức bắt chước các ca sĩ và ngôi sao ca nhạc đang nổi lên trên mạng xã hội; và cả các ca sĩ hạng nhái nữa; về những học sinh trung học buồn nản trong những lớp học tiếng Anh chẳng bao giờ chấm dứt, sau mười mấy năm chỉ học được trần hai tiếng "yes" và "no"; về những rau trái hư thối, giấy báo gói hàng, bao bì ni lông, thùng, hộp vứt đầy góc chợ góc đường; về những bà mẹ trẻ một nách ba đứa nhỏ cực nhọc trên đường phố; về tất cả những chiếc xe cùng hú còi một lúc như để tưởng nhớ cái thành phố mà họ đang góp phần phá nát mỗi ngày; về một bậc thềm đá sỏi chìm dần dưới những đợt nhựa đường và sau cùng biến mất; về ngôi tòa nhà ở hai bên đường, nơi các gia đình trung lưu – bác sĩ, luật sư, thầy giáo, và vợ con của họ – có thói quen ngồi nghe radio buổi tối, bây giờ biến thành những quán cà phê hay quán nướng quán lẩu; về phong cảnh nhà ga; về những người bán hàng đưa mắt nhìn lơ đãng trong khi đợi khách trễ tàu; về mọi điều gãy đổ, rách nát, quá đát; về những chú chim bay về phía Nam khi mùa thu tới gần, chúng đưa mắt nhìn xuống toàn thành phố khi bay qua; về những đám đàn ông trở về nhà, hút thuốc lá như đốt sau những trận đá banh của đội tuyển quốc gia, cái đội bóng mà trong ký ức của tôi là chẳng bao giờ ra về mà không đòi cho được sự thất bại nhục nhã.
Tôi nói về tất cả những cái đó.
Chính là vì nhìn ngắm đến quen dần những gương mặt, do coi trọng những biểu hiện của nỗi buồn nhan nhản ở những con đường, trong những khung cảnh và con người thành phố; mà cuối cùng tôi cảm nhận được nó ở khắp mọi nơi. Vào những buổi sáng giá lạnh mùa đông, khi mặt trời bất thình lình rớt xuống và một làn hơi nước yếu ớt bốc lên khỏi mặt nước, một nỗi buồn đậm đặc đến nỗi có thế sờ được nó, tôi thấy nó tràn ra, trải rộng ra, giống như một lớp màng phủ lên những con người và cảnh vật.
Và Nỗi buồn của tôi, nỗi buồn của thành phố chẳng còn là nỗi đau ảnh hướng lên một cá nhân cô đơn; mà gợi đến một cảm giác chung, một bầu không khí và một văn hóa được chia sẻ bởi hàng triệu con người. Hà Nội và những người sống ở đó đều gặm nhấm chung nỗi buồn của một thứ tàn tích của một nền văn minh hiển hách đã qua thật rõ nét ở mọi nơi. Cho dù bị bỏ bê, cho dù hoang phế, cho dù bị bủa vây, những tàn dư của một thời vang bóng; không phải chỉ những công trình lớn lao, mà ngay cả những cái li ti, nhỏ nhoi còn lại, hiện diện gần như ở bất cứ một nơi nào trong thành phố ở hai bên đường, ở một góc phố – những mái ngói nho nhỏ, những góc sân, những con đường – đều cùng người dân sống chung chạ một nỗi đau trong tim.
Người Hà Nội cứ thế mà sống giữa những điêu tàn, hoang phế. Nhiều nhà văn, cũng như khách du lịch coi đây là một điều dễ thương vô chừng. Đối với những cư dân mẫn cảm, thân quen hơn, các tàn dư này nhắc nhở họ rằng thành phố hiện nay quá chật chội, quá xô bồ, và thật vô phương nếu mơ ước sẽ có một ngày lại hiển hách như xưa, về những mặt giàu sang quyền uy, và văn hóa. Thật khó mà tự hào về những căn nhà xiêu vẹo, đổ nát, bị bỏ bê, rêu xanh và bụi bám đầy, nhưng người Hà Nội lại khác. Họ đắm đuối nhìn ngay cả những món đổ giản dị, tầm thường nhất, thí dụ, những cây cột trên đường phố như thế chúng là những gì tuyệt vời nhất ở trên cõi đời này, dù có khi trưóc những người ngoại quốc đó chẳng khác gì những con phố khốn cùng vô vọng.
Một người Hà Nội sẽ nói chuyện với bạn với một thái độ tự tin, lạc quan, lấy những di tích hay quán cà phê của thành phố làm các điểm mốc để khoe khoang hay mời mọc, giờ đây thói thường là vậy, vì chúng chính là những kho tàng lớn lao nhất của Hà Nội. Và họ cũng một mặt chẳng hề giấu những chuyến bay lẹ nhất để chạy trốn nỗi buồn của những điêu tàn, cố gắng quên đi tất cả những công trình lịch sử, chẳng thèm để ý đến những cái tên của các tòa nhà hay những nét đặc biệt về kiến trúc của chúng. Đối với nhiều người, sự ngu dốt đã phục vụ thật tốt cho mục đích này. Lịch sử trở thành một từ không có nghĩa; họ dỡ bỏ những bức tường cũ; trộn thêm các thứ vật liệu xây dựng hiện đại để tạo ra những tòa nhà mới, hay là tìm cách tu bổ những tòa nhà cũ bằng bê tông. Và chúng cứ lẵng nhẵng đi theo họ: Khi bỏ bê quá khứ và cắt đứt mối liên hệ với nó, nhưng nỗi buồn mà họ cảm thấy trong những nỗ lực nhỏ bé và rỗng tếch cùa mình chỉ càng mạnh thêm lên. Nỗi buồn mọc lên từ nỗi đau mà họ cảm thấy trước mọi điều đã mất, và chính điều này lại thúc đẩy họ sáng chế ra những thất bại mới, những cách mới để diễn tả sự khốn cùng của họ.
Một Hà Nội chắp vá từ những cảm xúc như thế giờ đây không mang nỗi buồn của nó như là môt thứ bệnh không thuốc chữa hay một nỗi đau tự nguyện, mà chúng ta cẩn phải thoát ra khỏi: Nó mang nỗi buồn là do chọn lựa, vang vọng lên sự tự trào, mỉa mai. Có lẽ vì thế, nỗi buồn trong những bài hát về Hà Nội cũng diễn tả cùng một nỗi đau đó, một nỗi đau mà chẳng ai muốn trốn chạy, nỗi nhức nhối sau cùng sẽ cứu vớt linh hồn chúng ta và cũng làm cho chúng sâu thẳm thêm lên.
Với nghệ sỹ, nỗi buồn là cánh cửa giữa anh ta và thế giới. Bức màn ảnh mà anh ta phóng chiếu xuống cuộc dời thì đau đớn bi thương, ấy là vì cuộc đời thì bi thương đau đớn. Và cư dân của thành phố này cũng vậy, họ âm thầm, chiều theo sự khốn khổ và sự chán chường. Cứ bám như đỉa đói vào cái vinh dự được quá khứ ban cho, nỗi buồn không chi đem đến cho Hà Nội và con người nơi đây một sự chịu đựng một dáng điệu bí ẩn cao sang, mà còn giải thích giùm cho chọn lựa của họ, cái lựa chọn ôm lấy sự cũ kỹ lạc hậu, sự ngần ngại không dám quyết định một điều chi, sự bại trận, và sự nghèo khổ, một cách thật là triết học, và với một sự kiêu hãnh như thế đó, bằng cách ca ngợi không phải là một giải thoát, một lối ra cho những đau thương, mất mát, buồn phiền của cuộc đời, mà chính là tất cả ý nghĩa của nó.
Một tình cảm như thế không thể chi phối một người, với tham vọng điên cuồng, xuất hiện để gọi lên, thậm chí là mang lại vinh quang, tinh thần của thành phố của anh ta. Nỗi buồn của Hà Nội không hề gợi nên một cá nhân chường mặt chiến đấu chống lại hay xây dựng xã hội; ngược hẳn lại, nó xúi giục, khuyến khích chúng ta hãy bằng lòng với tí ít ỏi, vinh danh những đức hạnh của sự hài hòa, đồng điệu. Nỗi buồn của Hà Nội dạy những người trẻ hãy kiên trì chịu đựng bao lần túng thiếu, suy sụp; nó cũng khuyến khích chúng ta đọc đời sống và lịch sử của thành phố theo kiểu ngược. Nó cho phép những người trẻ nghĩ về sự lạc hậu và sự nghèo khổ không phải như một điểm chấm dứt lịch sử, mà là một xuất phát điểm đáng kính nể, và đã được xác định sẵn, từ trước khi họ ra đời. Nó khuyên người ta đừng không ôm ấp nỗi bi quan như là một căn bệnh không sao chữa trị, lan rộng ra khắp thành phố hay như một sự kém cỏi khốn cùng không làm sao thay đổi được, mà cứ phải lê lết chịu đựng, như một nỗi đau, hay như một sự thất bại, khi được nhìn ngắm; thành phố ôm áp nỗi buồn của nó với vinh dự.
Y hệt như trong những bộ phim – ngay cả những phim với câu chuyện tình thật cảm động, rất thực – nếu lấy bối cảnh là Hà Nội những năm 2000, thì thật rõ ngay từ khởi đầu, có nhân vật chính nào mà không mang theo nỗi buồn từ thuở vào đời.
Đó là lúc các nhân vật tự rút lui vào trong chính họ, như ốc sên chui vô vỏ, khi họ thất bại không đủ bản lĩnh quyết tâm, hay vụng về lúng túng không làm chủ được tình thế; và vậy là đành quy thuận những điều kiện mà lịch sử và xã hội ban cho họ, đó là lúc chúng ta ôm lấy họ, nhận ra họ, và đó cũng là lúc cả thành phố làm như chúng ta. Cho dù đẹp đẽ cỡ nào, cho dù nổi tiếng ra sao, những cảnh, những phân đoạn trên đường phố Hà Nội cũng đều lung linh huyền ảo trong nỗi buồn. Thỉnh thoảng, trong lúc đổi kênh tivi, tình cờ tôi lọt vô nửa chừng một cuốn phim cũ, và một ý nghĩ kỳ cục chợt đến với tôi. Khi một nhân vật trong phim lang thang trên con phố, trong xóm nghèo, đưa mắt nhìn lên ánh sáng từ những khung cửa sổ của một căn nhà cũ và nghĩ tới người yêu dấu, người yêu dấu này lẽ dĩ nhiên sẽ lấy một người khác, thì tôi thấy như là nỗi buồn không phải đến từ câu chuyện tan nát, đau đớn của nhân vật chính, hay từ sự thất bại không cưới được người đàn bà mà anh ta yêu thương; mà nỗi buồn, trong lúc tẩm vào những cảnh vật, những con phố, những khung cảnh nổi tiếng của Hà Nội, đã bước vô trái tim của anh chàng si tình và bẻ gãy mọi ước muốn của con người trẻ tuổi ấy. Và như thế đối với tôi, để hiểu câu chuyện, và chia sẻ nỗi buổn của nhân vật, chỉ cần nhìn khung cảnh. Bởi vì, với các nhân vật trong những bộ phim thời kinh tế thị trường, chỉ có một cách đế vượt qua ngõ cụt: hoặc đi lang thang, hoặc qua lại với những con phố quen thuộc, hoặc ngắm nghía những đổ nát ở trong chúng, hoặc lắng nghe những ồn ào điên loạn xung quanh và gặm nhấm những tàn tích và gào thét trong tâm hồn mình.